Hàng chục năm qua, ngành Giáo dục vẫn là ngành luôn nhận được quan tâm đặc biệt của xã hội, nhất là trong mấy năm qua thường có những sự cố xảy ra. Sự quan tâm của xã hội, của mọi người dành cho ngành Giáo dục cũng là điều dễ hiểu bởi đây là ngành liên quan đến hơn 20 triệu học sinh, sinh viên đang học tập và hơn 1 triệu nhà giáo công tác trong ngành.
Những sự cố giáo dục thời gian qua như tiêu cực trong thi cử, tiêu cực trong đào tạo, rồi đổi mới chương trình, sách giáo khoa, bạo lực học đường vẫn ám ảnh nhiều người.
Nhưng, phải thừa nhận một điều là năm 2021 vừa qua, dù những sự cố vẫn còn xảy ra nhưng nó đã giảm hơn trước rất nhiều. Đặc biệt, trong một điều kiện khó khăn đặc biệt của dịch bệnh Covid-19 nhưng toàn ngành đã nỗ lực để vượt qua và hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ giáo dục của mình.
Sự bình lặng của năm 2021 ở ngành Giáo dục đã là một tín hiệu tốt, lạc quan để chúng tôi hy vọng vào sự khởi sắc của ngành trong những năm tới đây, đặc biệt là năm 2022 này - một năm mà ngành giáo dục sẽ có rất nhiều nhiệm vụ trọng tâm phải vượt qua.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Dấu ấn của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sau gần 10 tháng tại vị
Kể từ ngày 8/4/2021, Quốc hội phê chuẩn thầy Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thay thế cho thầy Phùng Xuân Nhạ đến nay đã gần 10 tháng trôi qua.
Gần 10 tháng trời so với cả một nhiệm kỳ chưa nhiều và so với sự phát triển của ngành Giáo dục thì nó chưa thấm vào đâu. Thế nhưng, nhìn lại năm 2021 vừa qua thì dấu ấn vị tư lệnh ngành cũng đã dần dần rõ nét hơn.
Phải nói thẳng ra là kể từ khi thầy Sơn lên làm Bộ trưởng thì những sự cố xảy ra trong ngành giáo dục vẫn có nhưng nó không dồn dập và cũng ít ồn ào hơn trước đây. Niềm tin của người dân vào giáo dục cũng đã dần dần được khởi sắc hơn.
Nhìn lại những sự cố được dư luận giáo giới quan tâm nhiều nhất trong năm vừa qua như việc xếp hạng, xếp lương mới cho giáo viên theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT/BGDĐT thực ra nó đã được ban hành trước khi Bộ trưởng Sơn nhậm chức.
Những bất cập trong việc bồi dưỡng, tập huấn chương trình, biên soạn sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6 mới hay thực hiện các kế hoạch giáo dục theo Công văn 5512 cũng được ra đời hoặc manh nha từ nhiệm kỳ trước…
Nói như vậy, không có nghĩa là Bộ trưởng đương nhiệm không liên quan bởi trước những luồng phản ánh của dư luận về những bất cập thực hiện nhiệm vụ hay các văn bản chưa được chấn chỉnh, lên tiếng kịp thời.
Nhiều sự việc còn thấy Bộ “im lặng” khá lâu mới lên tiếng hoặc lên tiếng xong rồi mọi thứ vẫn chìm vào quên lãng.
Đó là tình trạng nhiều bài viết, phản biện về những sai sót trong sách giáo khoa ở chương trình mới nhưng đến nay dư luận vẫn chưa thấy Bộ lên tiếng hay những phản hồi từ Bộ hoặc các nhà xuất bản.
Các kế hoạch giáo dục theo Công văn 5512 chưa nhận được sự đồng thuận từ đội ngũ nhà giáo nhưng Bộ vẫn quyết tâm thực hiện nên từ nay giáo viên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông phải chung sống với các kế hoạch theo hướng dẫn của Công văn 5512.
Các môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở vẫn là nỗi trăn trở của những thầy cô đang dạy các môn học này nhưng những định hướng của Bộ vẫn chưa cụ thể, rõ ràng.
Cộng thêm các Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT; Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT hướng dẫn về việc bồi dưỡng giáo viên các môn tích hợp khiến cho nhiều thầy cô giáo thêm phần lo lắng.
11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Bộ mở ra nhiều hy vọng trong năm 2022
Ngày 14/1/2022 vừa qua, tại trụ sở cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.
Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 và chúng tôi thấy đều những nhiệm vụ rất cụ thể, sát thực tế và nếu toàn ngành thực hiện tốt được các nhiệm vụ này đã là những thành công rất lớn.
Những vấn đề quan trọng, được xã hội quan tâm thì Bộ cũng đã xác định rất rõ ràng. Chẳng hạn như: Tiếp tục chỉ đạo ứng phó với dịch Covid-19, củng cố chất lượng, khắc phục các tác động của dịch bệnh đối với ngành Giáo dục;
Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11; Tổ chức kiểm tra, đánh giá và phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, lớp 7, lớp 10, sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số;
Tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như chuẩn bị đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, đảm bảo ổn định, phù hợp với tình hình dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và đổi mới giáo dục đại học; Phối hợp với Bộ Nội vụ từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các địa phương…[1]
Nhìn vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ đã ưu tiên trong năm 2022, chúng tôi thấy đây đều là những nhiệm vụ quan trọng đối với toàn ngành giáo dục. Trong đó, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10 là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng vì đây là năm triển khai đồng đều trên cả 3 cấp học phổ thông.
Ngày đầu Xuân, người Việt mình thường dành cho nhau những lời tốt đẹp và hy vọng vào sự thành công trong năm mới.
Chính vì thế, chúng tôi cũng luôn cầu chúc, hy vọng trong năm 2022 thì toàn ngành Giáo dục sẽ gặt hái được nhiều thành công. Những sự cố ngoài ý muốn trong ngành Giáo dục sẽ được hạn chế và những niềm vui sẽ luôn song hành cùng với toàn thể cán bộ, giáo viên trong toàn ngành.
Và, chúng tôi tin sẽ toàn ngành sẽ làm được, làm tốt nhiệm vụ của mình để xã hội nhìn vào ngành Giáo dục bằng sự tin tưởng, lạc quan chứ không phải là cái nhìn ái ngại như những năm gần đây.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bo-giao-duc-va-dao-tao-11-nhom-nhiem-vu-trong-tam-trong-nam-2022-PLPyZAxng.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.