Việc thao giảng chuyên đề hiện nay đang được thực hiện ở rất nhiều cấp khác nhau và được tổ chuyên môn, giáo viên thực hiện đầu tư công phu nhưng không phải bao giờ giáo viên đi dự giờ thao giảng cũng học hỏi được những kinh nghiệm thiết thực cho công việc giảng dạy của mình.
Nhiều tiết thao giảng mang nặng tính “diễn” nên nó trở nên nhạt nhòa bởi học sinh cái gì cũng biết hết, những câu hỏi mở rộng vấn đề học sinh cũng trả lời trơn tru như thật, nhưng cũng từ đó mà “sạn” trong từng tiết thao giảng nhìn thấy rõ hơn.
Những tiết thao giảng cấp tỉnh, cấp huyện, nhiều khi giáo viên phải đi cả gần trăm cây số đến dự 1 tiết thao giảng rồi về nên đã đang là gánh nặng cho những thầy cô được ở xa điều động đi dự thao giảng chuyên đề.
Những lời khen xã giao của người dự, những kết luận thành công tốt đẹp được ghi vào biên bản rút kinh nghiệm tiết dạy nhưng phía sau những tiết dạy, phía sau những lời khen xã giao ấy còn rất nhiều chuyện đáng phải suy ngẫm.
Ảnh minh họa: Báo Lao động |
Thao giảng chuyên đề đang trở thành gánh nặng cho nhiều đơn vị, giáo viên
Việc thao giảng hiện nay đang được thực hiện ở nhiều cấp. Đó là: thao giảng tổ chuyên môn; nhà trường, thao giảng cụm; cấp huyện; cấp tỉnh. Vì thế, cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng đều thực hiện các tiết thao giảng chuyên đề hàng năm.
Thực tế cho thấy, việc thao giảng chuyên đề mỗi năm ở tổ, trường, hội đồng bộ môn đang thực sự là gánh nặng cho nhiều thầy cô giáo- đặc biệt là những thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn.
Năm nào tổ chuyên môn cũng phải thực hiện ít nhất là 2 chuyên đề nên các tổ trưởng chuyên môn phải xây dựng kế hoạch, triển khai chuyên đề, phân công giáo viên thực hiện công việc chuẩn bị, phân công giáo viên đứng ra thao giảng với rất nhiều công đoạn khác nhau.
Vất vả nhất là việc đứng ra thao giảng chuyên đề hội đồng bộ môn cấp huyện, hoặc cấp tỉnh. Chỉ riêng, việc phân công giáo viên đứng thao giảng nhiều khi rất mệt mỏi. Bởi lẽ, những trường lớn, tổ lớn thì phân công đơn giản hơn nhưng những tổ nhỏ, chỉ vài giáo viên thì việc phân công đi, phân công lại giáo viên thao giảng cũng khiến cho người được phân công ngao ngán.
Đối với việc thao giảng cấp huyện thì cứ 2-3 năm lại xoay vòng đến lượt trường mình. Nói là thao giảng hội đồng bộ môn nhưng thực tế là tổ chuyên môn phải xây dựng và chuẩn bị chứ hội đồng bộ môn mấy khi tham gia cùng. Họ chỉ điện thoại hỏi hỏi thăm vài câu cho có rồi tổ chuyên môn phải thực hiện tất cả các phần việc cho 1 tiết thao giảng.
Đến ngày, giáo viên trong huyện về dự. Thành công thì họ khen, không thành công thì họ góp ý. Vì thế, áp lực cho người đứng ra thao giảng là rất lớn. Cũng chính vì thế nên gần đến ngày thao giảng là tổ chuyên môn phải họp bàn, lên kịch bản, soạn bài giảng mất rất nhiều thời gian.
Điều quan trọng nhất là giáo viên đứng ra thao giảng phân công các nhiệm vụ học tập cho học sinh thật chu đáo để khi thực hiện tiết thao giảng thì mọi thứ trở nên suôn sẻ, không xảy ra những sự cố.
Nhiều trường còn phải tập dượt bằng cách cho giáo viên dạy trước ở các lớp cùng khối nhằm thực hiện các bước nhuần nhuyễn và căn chỉnh thời gian phù hợp đối với từng hoạt động dạy học.
Tuy nhiên, khi diễn ra tiết thao giảng, không phải giáo viên và tất cả học sinh trong lớp giữ được sự bình tĩnh khi không gian lớp học thì chật nhưng có thêm mấy chục giáo viên trong huyện (cấp huyện) hoặc trong tỉnh (cấp tỉnh) ngồi sau, hoặc đứng xung quanh lớp chăm chăm nhìn vào các hoạt động của cả thầy và trò.
Đối với thao giảng cấp tổ hay cấp trường thì nhẹ nhàng hơn vì dù sao cũng đều là “người nhà” cả nhưng thực tế việc phân công giáo viên đứng thao giảng nhiều khi cũng rất phức tạp vì nhiều lý do khác nhau.
Vì thế, việc thao giảng hiện nay đang trở nên áp lực cho các tổ chuyên môn, đặc biệt là những thầy cô tổ trưởng và giáo viên được phân công đứng ra thao giảng. Tuy nhiên, không phải tiết thao giảng chuyên đề nào cũng thành công vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Áp lực cho người đi dự giờ
Việc dự giờ thao giảng hiện nay không còn là quy định bắt buộc đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Nhưng, khi thực hiện các tiết thao giảng, giáo viên gần như bắt buộc phải dự giờ theo lệnh điều động từ cấp trên và đặc điểm mỗi đơn vị, địa phương.
Tuy nhiên, nhìn chung việc dự giờ thao giảng được thực hiện theo một công thức chung. Nếu như thao giảng tổ, tất cả các giáo viên trong tổ đều dự giờ.
Nếu thao giảng cấp trường, tất cả các giáo viên trong tổ thực hiện tiết thao giảng dự, các tổ trưởng chuyên môn trong trường, các giáo viên không có tiết cùng thời điểm diễn ra tiết thao giảng và phó hiệu trưởng chuyên môn.
Thao giảng cấp huyện hoặc cụm sẽ có mặt của tất cả các thành viên trong tổ (đơn vị thực hiện), các tổ trưởng chuyên môn của bộ môn đó ở các trường trong huyện (cụm) và giáo viên dạy khối đó tham dự.
Thao giảng cấp tỉnh sẽ điều động các tổ trưởng, tổ phó hội đồng bộ môn các huyện, thị, các tổ trưởng trong huyện và giáo viên tổ chuyên môn của đơn vị thực hiện.
Chính vì thế, chỉ có thao giảng cấp tổ là số lượng giáo viên dự giờ khoảng trên dưới 10 người. Thao giảng cấp trường, hội đồng bộ môn thì luôn luôn có mấy chục giáo viên cùng tham gia dự giờ. Đa phần thao giảng hội đồng bộ môn thì số lượng giáo viên dự giờ đông hơn học sinh học trong lớp.
Vì thế, nếu giáo viên thực hiện tiết thao giảng mà không vững tâm lý là sẽ mất bình tĩnh trong quá trình thực hiện. Bởi, mọi hoạt động của thầy và trò đều được mấy chục đôi mắt của giáo viên dự giờ chăm chăm theo dõi.
Vì thế, nhiều khi được chuẩn bị rất công phu nhưng khi đứng thao giảng vì yếu tố tâm lý mà nhiều khi giáo viên thực hiện không thành công, sơ suất. Các hoạt động của học trò cũng diễn ra một cách khiên cưỡng.
Nhiều học sinh giỏi được giáo viên điều động từ lớp khác sang để phục vụ mục đích tiết thao giảng cấp huyện, cấp tỉnh nhưng khi lên trình bày, phát biểu, giới thiệu lại…quên là mình đang học ở lớp thao giảng nên nói đúng lớp của mình. Vì thế, nhiều vở kịch cũng bị giáo viên dự giờ dễ dàng phát hiện.
Nhiều câu hỏi của giáo viên tưởng chừng khó lắm vì mở rộng, liên hệ, thế nhưng nhiều học sinh xung phong lại lấy vở ra đọc. Vì thế, tính “diễn” trong từng tiết thao giảng lộ ra ngoài mong muốn của giáo viên đứng lớp.
Thực tế, sau mỗi tiết thao giảng, thông thường khi góp ý rút kinh nghiệm thì giáo viên luôn phải đưa ra những nhận xét về ưu điểm mà hiếm khi nói đến hạn chế vì một phần tế nhị, một phần cũng thấy những giáo viên, tổ chuyên môn chuẩn bị cực quá nên những hạn chế ít khi được đề cập.
Tuy nhiên, yếu tố học hỏi, rút kinh nghiệm cho bản thân sau mỗi tiết dự giờ không nhiều, thậm chí có tiết dự chẳng học hỏi được gì vì tính kịch nhiều quá. Không hề có một em nào trả lời sai, cái gì học sinh cũng biết tuốt.
Trong khi, nếu giảng dạy thông thường đối với các trường không chuyên thì những học sinh yếu kém, trung bình đều có. Học sinh giỏi, khá, cái gì cũng biết như học sinh ngồi trong lớp thao giảng rất hiếm hoi.
Vì vậy, có khi đi cả buổi, thậm chí gần hết 1 ngày với cả đi, cả về gần trên 100 cây số để dự 1 tiết thao giảng chuyên đề không học hỏi được gì, chỉ thấy mệt mỏi, áp lực khi đi trên quãng đường dài…
Vì vậy, thao giảng chuyên đề nhiều khi không chỉ áp lực cho người dạy mà ngay cả những giáo viên đến dự giờ và cả những em học sinh phải trở thành những diễn viên bất đắc dĩ cho thầy cô của mình.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.