Thấy áp lực, Giám đốc sở Quảng Nam kiến nghị Bộ không xếp hạng phổ điểm

06/06/2020 06:34
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam kiến nghị Bộ không nên xếp thứ tự điểm trung bình các môn thi của các địa phương, điều này gây bất cập và rất áp lực.

Ngày 5/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 địa phương về công tác tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020.

Theo đó, những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 là tăng cường tự chủ của các địa phương (tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương).

Cụ thể, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tại địa phương mình.

Thời gian tổ chức thi chỉ có 2 ngày (09 - 10/8/2020), thay vì 2,5 ngày như trước đó.

Các cơ sở giáo dục đại học không tham gia coi thi, chấm thi; chỉ tham gia các đoàn thanh tra để thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu của Kỳ thi.

Ngoài các đoàn thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của sở Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra tỉnh tổ chức các đoàn thanh tra tất cả các khâu tổ chức Kỳ thi theo chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.

Khi có kết quả thi thì thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi với kết quả học tập bậc trung học phổ thông của thí sinh.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam đánh giá cao việc Bộ sử dụng dữ liệu điểm thi để đối chiếu, so sánh với kết quả học tập của học sinh.

ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam (Ảnh cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam)

ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam (Ảnh cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam)

Cũng theo ông Quốc, bất cứ khâu nào của kỳ thi cũng đều quan trọng do đó không được để xảy ra sơ hở đặc biệt là đề thi làm sao vừa đảm bảo tính phân hóa, vừa làm căn cứ để địa phương điều chỉnh phương pháp dạy học đồng thời là cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục đại trà.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam kiến nghị Bộ không nên xếp thứ tự điểm trung bình các môn thi của các địa phương (phổ điểm – PV).

“Bởi điều này gây bất cập và tạo áp lực cho các Sở Giáo dục và Đào tạo”, ông Quốc nhấn mạnh.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay kể cả Bộ Giáo dục và Đào tạo không làm thì các nhiều người, đơn vị khác cũng thực hiện việc xếp hạng.

“Ví dụ, sau khi công bố điểm, các phóng viên báo chí cũng làm để phân tích chỗ nào trũng, chỗ nào cao. Chính cái đó mới là cơ sở để xem đâu là việc cần phải lưu ý.

Do vậy, chúng ta cần phải chủ động làm tốt, cứ làm tốt, thực chất, công khai, minh bạch thì chúng ta sẽ có được kết quả đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi.

Còn các việc liên quan đến phổ điểm, công bố kết quả thi chỉ là những việc mang tính chất kỹ thuật. Do đó, không phải vì thế mà chúng ta lo ngại, có thể xem đó là chỉ số để cải tiến chất lượng dạy và học ở địa phương tốt hơn.

Thậm chí, đây cũng là chỉ số để Bộ theo dõi nếu như có những tình huống bất thường, để qua đó Bộ có những chỉ đạo làm rõ thêm vấn đề”.

Tại hội nghị, nhấn mạnh chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ khâu chuẩn bị đến tổ chức triển khai, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra đóng vai trò hết sức quan trọng trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Năm nay, dù không được huy động trực tiếp coi thi, chấm thi nhưng cán bộ, giảng viên các trường đại học sẽ có mặt trong các đoàn thanh tra, kiểm tra ở tất cả các khâu của kỳ thi như chuẩn bị kỳ thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, chấm thi phúc khảo.

“Ít nhất mỗi điểm thi, tùy quy mô số lượng phòng thi, có ít nhất 3 cán bộ giảng viên đại học về thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra.

Bộ sẽ thể hiện rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc chỉ đạo các trường đại học tham gia công tác thanh tra, kiểm tra này.

Hướng dẫn thanh tra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 sẽ được ban hành trong thời gian sớm nhất” – Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Thùy Linh