Thầy cô ở Đảo Phú Quý làm sao để HS vào THPT điểm thấp, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao

23/07/2022 06:32
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Điểm chuẩn vào 10 thấp nhất tỉnh nhưng sau 3 năm học tập, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông luôn đạt mức gần 99%.

Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền thuộc huyện đảo Phú Quý, được xem là ngôi trường xa nhất của tỉnh Bình Thuận. Vì thế, ít nhiều phụ huynh ở đây ít quan tâm đến việc học của con mình hơn trong đất liền.

Học sinh lớp 12 huyện đảo Phú Quý (Ảnh: Phan Tuyết)

Học sinh lớp 12 huyện đảo Phú Quý (Ảnh: Phan Tuyết)

Nhiều em học sinh cũng không chịu khó học tập. Có lẽ đây là nguyên nhân chính khiến điểm tuyển sinh vào 10 của nhà trường thường có điểm chuẩn thấp nhất tỉnh.

Ví như điểm chuẩn vào 10 năm 2018 là 8 điểm, 2019 là 9.5 điểm, năm 2020 là 10 điểm, năm 2022 là 9.75 điểm (Toán, Văn nhân hệ số 2).

Điểm chuẩn 8 điểm hay 10 điểm sau khi đã nhân hệ số 2 môn thi thì học sinh chỉ cần đạt mỗi môn từ 2 đến 3 điểm đã đỗ vào trường. Đây là ngưỡng điểm đầu vào khiến giáo viên bất cứ trường trung học phổ thông đều lo lắng cả. Bởi, các thầy cô sẽ phải dạy các em vất vả hơn rất nhiều.

Để dạy một học sinh yếu đạt trung bình còn đỡ, dạy học sinh kém lên mức trung bình không hề đơn giản chút nào.

Chất lượng đầu vào thấp như thế, phải dạy thế nào để 3 năm sau các em có đủ sức tham dự kỳ thi tốt nghiệp phổ thông? Đây chính là trăn trở của Ban giám hiệu và giáo viên trong nhà trường.

Phân loại học sinh để tập trung giảng dạy

Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền cho biết, do chất lượng đầu vào thấp nên ngay từ khi các em vào học, nhà trường đã tổ chức phân loại lực học của từng em để có những biện pháp giáo dục phù hợp nhất.

Những học sinh có lực học nổi trội được vào một lớp, học sinh có lực học thấp hơn sẽ phân học cùng nhau. Việc sắp xếp như thế giúp giáo viên sẽ có nhiều cơ hội giúp các em học tốt hơn.

Ngoài việc các thầy cô giáo nỗ lực giảng dạy trong các buổi học chính khóa, những học sinh học lực học còn chưa cao được thầy cô tập trung dạy và phụ đạo vào các buổi chiều.

Dạy kèm, phụ đạo học sinh yếu không thu tiền

Nhà trường cũng cho biết, học sinh yếu giáo viên dạy kiến thức đã rất vất vả, nhiều em lại còn không muốn đi học.

Tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh vào các tiết buổi chiều, dù không thu học phí nhưng có những em vẫn không đi học. Nhiều khi thầy cô đến lớp phải ngồi đợi trò đến để dạy, có khi phải đi vận động, phải gọi điện thoại cho phụ huynh nhiều lần để mong được hợp tác.

Thầy Đặng Văn Tưởng - giáo viên của trường chia sẻ, giáo viên dạy kèm, phụ đạo học sinh yếu hoàn toàn không lấy tiền học phí nhưng thầy cô nào cũng nhiệt tình vì thương các em.

Khi dạy các em, thầy cô hết sức nhẹ nhàng, hệ thống hóa các kiến thức cơ bản, dạy chậm, không gây áp lực để học sinh không chán học.

Riêng học sinh lớp 12 nhà trường chia lớp ôn tập theo từng nhóm đối tượng như học sinh khá giỏi, học sinh trung bình.

Việc dạy học phân hóa này sẽ đảm bảo cho những học sinh khá, giỏi đủ kiến thức thi đại học, học sinh có lực học thấp hơn chỉ cần thi đỗ tốt nghiệp.

Mức học phí ôn đại trà cho học sinh lớp 12 đã được thỏa thuận với phụ huynh với mức học phí vô cùng thấp là 4 ngàn đồng/tiết, một tuần học sinh sẽ được học ôn 4 tiết/môn chủ yếu (Toán và Anh văn).

Có lẽ nhờ nhà trường đã có những biện pháp tích cực, giáo viên đồng lòng hỗ trợ dạy dỗ học sinh hết mình mà nhiều năm qua, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông của trường luôn ở mức khả quan.

Cụ thể: 3 năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp luôn đạt mức 97,97%; 99,16% và 99,56%...

Để có những thành tích đáng ghi nhận như thế này, thật sự là một nỗ lực rất lớn của toàn trường mà công lớn nhất thuộc về tập thể giáo viên nhà trường như lãnh đạo nhà trường khẳng định.

Phan Tuyết