Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 1596/QĐ-BGDĐT về danh mục ngành đào tạo thí điểm các trình độ của giáo dục đại học. Tại 2 khối ngành Kỹ thuật, Máy tính và công nghệ thông tin thì 3 ngành An ninh mạng; Kỹ thuật robot và Kỹ thuật điện, điện tử được thí điểm đào tạo ở trình độ đại học.
Theo các chuyên gia, đây không phải những nội dung đào tạo hoàn toàn mới tại một số trường. Song, việc các ngành này được thí điểm đào tạo ở trình độ đại học sẽ giúp người học có thêm nhiều sự lựa chọn về cơ sở đào tạo, góp phần giải quyết nhu cầu nhân lực hiện nay.
Thí điểm ngành để giải quyết nhu cầu nhân lực, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, An ninh mạng là ngành học rất cần thiết trong bối cảnh mạng internet không còn đơn thuần là công cụ để tìm kiếm thông tin hay liên lạc mà đã trở thành không gian làm việc trong nhiều lĩnh vực.
Cùng với sự bùng nổ của internet, tin tặc “mũ đen” đang xuất hiện tràn ngập trên không gian mạng. Những đối tượng này có khả năng tự tìm hiểu và được trang bị những kiến thức rất chuyên sâu về hệ thống thông tin, mạng máy tính,... Do đó, ngành An ninh mạng cần ra đời để đào tạo chuyên gia có khả năng bảo vệ những cơ sở dữ liệu quan trọng của doanh nghiệp và cá nhân.
Về ngành Kỹ thuật robot, thầy Phúc cho biết máy móc đã thay thế con người từ lâu trong nhiều hoạt động thường ngày. Trong thời đại 4.0, xu thế này diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn. Vậy nên, đây là ngành đào tạo rất quan trọng để trang bị cho người học kỹ năng giải các bài toán trong thực tế theo hướng robot hóa những công việc con người chưa thể làm tốt bằng robot hoặc thậm chí không nên làm như hoạt động trong môi trường nguy hiểm.
Đồng quan điểm, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá việc thí điểm đào tạo ngành Kỹ thuật robot ở trình độ đại học là cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế (đặc biệt là công nghiệp) của xã hội, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển.
Theo thầy Trình, các nhà máy, xí nghiệp tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung đang hướng tới quá trình sản xuất thông minh, trong đó, robot, máy thông minh và xử lý dữ liệu đóng vai trò chủ chốt. Do vậy, nhu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng cao, kỹ năng tốt về lĩnh vực robot ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, kỹ thuật robot là lĩnh vực liên ngành, bao gồm khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, thiết kế công nghiệp, điện tử, kỹ thuật điều khiển và kỹ thuật chế tạo cơ khí. Học ngành này, sinh viên sẽ có cái nhìn toàn diện về tính liên ngành, đa ngành, đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng của xã hội.
Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình cũng nhấn mạnh: “Phát triển kỹ thuật robot còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhật Bản là một trong những quốc gia nổi tiếng về phát triển các hệ thống robot có khả năng di chuyển, thao tác linh hoạt (như robot Asimo); Hoa Kỳ và phương tây có các nền tảng robot thông minh, đáp ứng đa nhiệm vụ. Do vậy, đào tạo ngành Kỹ thuật robot không chỉ đáp ứng các nhu cầu về lao động, mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh việc tập trung phát triển kinh tế toàn cầu phải dựa vào công nghệ ngày càng cao.”
Như vậy, ngành Kỹ thuật robot nói riêng và các ngành công nghệ kỹ thuật nói chung sẽ đào tạo ra đội ngũ nhân lực rất cần thiết cho quá trình công nghiệp hóa, tạo môi trường để hình thành nhiều doanh nghiệp công nghệ kỹ thuật trong nước. Đây cũng là nền tảng để thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực liên quan như công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử, công nghiệp bán dẫn và các lĩnh vực công nghiệp chế tạo khác.
Tiến tới lồng ghép chương trình đào tạo theo hướng song ngành, đa ngành
Chia sẻ cụ thể hơn về ngành Kỹ thuật robot, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình cho biết: “Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) là đơn vị đào tạo đầu tiên trên cả nước xây dựng và phát triển ngành này với việc tuyển sinh khóa đầu tiên đào tạo hệ kỹ sư robot từ năm 2018.
Chương trình đào tạo ngành này hình thành trên cơ sở thế mạnh của nhà trường trong lĩnh vực Khoa học máy tính, Điện tử, Điều khiển và Cơ khí. Trong quá trình xây dựng và triển khai, trường có sự hợp tác chặt chẽ với Trường đại học công nghệ Chiba (Nhật Bản) về chương trình đào tạo, trao đổi giảng dạy và hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực robot.”
Theo đó, lý thuyết, kỹ năng thực hành và dự án thực tế trong chương trình đào tạo kỹ thuật robot của trường thể hiện rõ nét trục kiến thức của 3 lĩnh vực chính ở trên. Từ cơ sở này, người học được phát triển chuyên môn, đáp ứng năng lực nghề nghiệp theo yêu cầu của lĩnh vực kỹ thuật robot và các lĩnh vực có liên quan như tự động hóa, điều khiển, cơ khí chính xác…
Thầy Trình nói thêm: “Nội dung, quá trình tổ chức và vận hành chương trình đào tạo đi theo triết lý “học đi đôi với hành”. Khối lượng giờ thực hành, thực tập chiếm khoảng 50% trong chương trình, định hướng chuyên môn ngay từ những năm thứ nhất. Học phần lý thuyết song song với học phần thực hành; đồ án môn học, đồ án tốt nghiệp, thực tập doanh nghiệp… có định hướng sản phẩm.”
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc cho biết, trên thực tế, ngành Kỹ thuật điện, điện tử không mới. Trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo tách lĩnh vực này thành hai mảng là điện và điện tử. Nội dung này đã được đào tạo tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) khoảng 40 năm nay.
Theo đó, sinh viên lựa chọn ngành Kỹ thuật điện sẽ được học chuyên sâu về hệ thống điện, thiết bị điện. Trong khi đó, nội dung về điện tử của trường được đào tạo theo hướng chuyên sâu về vi mạch và bán dẫn trong ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông.
Hiện nay, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) có chương trình song ngành Kỹ thuật Điện - Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông kết hợp nội dung đào tạo ở cả hai mảng này. Theo thầy Phúc, việc đào tạo song ngành như trên giúp người học được tiếp cận các môn học cơ sở của nhóm ngành kỹ thuật và cả kiến thức của các chuyên ngành, qua đó tiết kiệm thời gian của người học, giảm sự tiêu tốn thời gian và tài chính.
Với chương trình đào tạo An ninh mạng và Kỹ thuật robot, Trường Đại học Bách khoa cũng đã giảng dạy những nội dung này ở mức chuyên ngành của một số ngành khác trong thời gian qua. Cụ thể, An ninh mạng được lồng ghép trong chương trình đào tạo 2 ngành Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính; Kỹ thuật robot nằm trong ngành Cơ điện tử và ngành Điều khiển tự động.
Cần nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng dạy
Lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học nhận định, việc các ngành này được đưa vào danh mục thí điểm đào tạo trình độ đại học là sự thừa nhận không chỉ của riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo mà từ cả xã hội về nhu cầu nhân lực ở những lĩnh vực này. Do đó, các trường đại học sẽ có sức hút hơn cho tuyển sinh đầu vào.
Ngoài ra, người học không chỉ có thêm nhiều lựa chọn về cơ sở đào tạo cho các ngành học này mà còn được tiếp cận nhiều hướng đào tạo chuyên sâu hơn ở từng lĩnh vực. Ví dụ ngành Kỹ thuật robot có thể nghiên cứu về các hệ thống điều khiển thông minh, trí tuệ nhân tạo trong robot, soft robot… Đồng thời, khi tốt nghiệp, tên ngành mới được ghi trên bằng cấp sẽ là minh chứng cho năng lực của các tân cử nhân với các đơn vị tuyển dụng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc, Trường Đại học Bách khoa hiện chưa có ý định mở ngành học mới đối với Kỹ thuật robot và Kỹ thuật điện, điện tử vì đã có chương trình đào tạo.
Trong khi đó, nhà trường đang tập trung xây dựng những chuẩn đầu ra mới cho việc mở ngành An ninh mạng vì lĩnh vực này đòi hỏi phải tập trung thời lượng nhất định để đào tạo các kỹ sư. Thầy Phúc cho biết: “Thách thức của nhà trường khi mở ngành là yêu cầu nguồn nhân lực lớn để đảm bảo chất lượng cho chương trình đào tạo sắp tới. Hàng năm, chúng tôi đều liên kết với các trường trên thế giới để đưa giảng viên tới học hỏi, nâng cao chuyên môn, năng lực giảng dạy của mình. Vì vậy, nhà trường không gặp khó khăn khi mở ngành mới này. Tuy nhiên, nhà trường cần có thêm thời gian để nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ.”
Cùng chia sẻ về vấn đề nhân lực, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình cho biết: “Đội ngũ cán bộ của chương trình đào tạo Kỹ thuật robot tại Trường Đại học Công nghệ gồm nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy. Tuy vậy, do đây là lĩnh vực liên ngành và mới, Việt Nam chưa từng có chương trình đào tạo bài bản, nên nhà trường cần tiếp tục công tác đào tạo đội ngũ cán bộ và tăng cường thu hút những tiến sĩ trẻ được đào tạo tại các trường tốp đầu trên thế giới.”
Với kinh nghiệm xây dựng và triển khai chương trình đào tạo Kỹ thuật robot, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ khẳng định: “Các cơ sở có ý định đưa ngành đào tạo thí điểm này vào tuyển sinh và giảng dạy cần hết sức lưu ý 3 vấn đề là chương trình đào tạo, hệ thống phòng thí nghiệm và đội ngũ giảng dạy.
Trong đó, chương trình đào tạo là điểm mấu chốt. Chương trình đào tạo phải bài bản, có hệ thống, gắn liền với sứ mạng đào tạo của cơ sở giáo dục, thể hiện kiến thức cơ bản và chuyên sâu của ngành, có sự cải tiến không ngừng, đồng thời, luôn đặt chất lượng đào tạo cho người học làm trọng tâm để cải tiến.
Hệ thống phòng thí nghiệm phải được xây dựng và đầu tư bài bản, đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo, khai thác và vận hành một cách hiệu quả.
Đội ngũ giảng dạy là yếu tố tối quan trọng. Để vận hành được chương trình đào tạo phức tạp và đòi hỏi cao về chuyên môn như Kỹ thuật robot, nhà trường phải có được đội ngũ giảng dạy và phát triển chương trình đào tạo chất lượng cao, có tư duy xây dựng chương trình và sự gắn kết với người học mật thiết để có thể luôn cải tiến nội dung giảng dạy”.