LTS: Bộ GD&ĐT vừa công bố 3 phương án tổ chức kỳ thi quốc gia cho tốt nghiệp THPT ngay trong 2015.
Nhiều chuyên gia đánh giá cao quyết tâm này của Bộ GD&ĐT, đây được xem là bước ngoặt trong sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, đánh giá về 3 phương án này của Bộ, các chuyên gia nhận định phương án nào cũng có mặt được và chưa được.
TS. Nguyễn Tùng Lâm – Nhà giáo dục, chuyên gia tâm lý đồng thời cũng là nhà quản lý trường học đã có những đánh giá, chia sẻ, nhận xét về 3 phương án thi quốc gia của bộ, bản thân ông đã đọc đi đọc lại rất nhiều làn đề án này và theo ông còn nhiều vướng mắc mà Bộ GD&ĐT cần khắc phục trước khi đưa ra phương án cuối.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin được gửi tới bạn đọc bài viết của ông.
Bỏ tư tưởng về bệnh thành tích
Theo ông, trước hết Bộ giáo dục phải làm rõ mục tiêu cần đạt tới của kỳ thi quốc gia? Hai mục tiêu Bộ nêu là chưa đủ. Bộ cần bám chắc Nghị quyết 29/TW đặt mục tiêu hàng đầu của kỳ thi Quốc gia phải là “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục đại học” (Nghị quyết 29/TW) và chúng tôi thêm: “phải chống bệnh thành tích và những biểu hiện tiêu cực trong giáo dục”.
Các phương án của Bộ mới đề cập đến việc giảm áp lực, chưa làm rõ làm thế nào để “bảo đảm độ tin cậy, trung thực”. Đây là những yêu cầu mà vốn lâu nay kỳ thi THPT chưa làm được. Nếu không bàn kỹ điểm này, chúng ta dễ dẫm vết xe đổ của các kỳ thi trước, không thỏa mãn được yêu cầu đổi mới Nghị quyết 29 của Trung ương.
TS. Nguyễn Tùng Lam góp ý cho kỳ thi quốc gia THPT. Ảnh Xuân Trung |
Do đó, chúng tôi mạnh dạn nêu lên phương án độc lập của mình. Kỳ thi quốc gia này phải bàn kỹ và tách bạch hai khâu: công nhận tốt nghiệp và thi quốc gia để đánh giá một cách trung thực năng lực vốn có của học sinh.
Nếu vậy, chúng tôi đề nghị Bộ GD&ĐT cần hướng dẫn và cho phép các trường THPT căn cứ tiêu chuẩn được Bộ ban hành mà công nhận tốt nghiệp, chỉ những học sinh được công nhận tốt nghiệp mới được dự kỳ thi quốc gia để đánh giá và xếp loại năng lực và chỉ những học sinh có điểm xếp loại năng lực các trường Đại học Cao đẳng mới lấy điểm để tuyển sinh.
Sẽ có ý kiến, nếu để các trường THPT công nhận tốt nghiệp sẽ có nhiều tiêu cực, không chính xác. Chúng tôi cho rằng, dù có tiêu cực đến đâu cũng không vượt quá 98% các kỳ thi bấy lâu nay ta vẫn làm.
Đồng thời chúng ta phải chỉ đạo để các nhà trường phải chịu trách nhiệm kết quả đào tạo của mình, tránh xa bệnh thành tích bằng việc xây dựng quy chế kiểm tra đánh giá ở các trường chặt chẽ hơn. Bộ nên có một văn bản riêng chỉ đạo việc này ở tất cả các trường học, các cấp học. Để đến lớp 12 là việc thi kiểm tra là nghiêm túc đã thành nếp.
Đổi mới thi sao cho hợp với chuẩn quốc tế
GS-TSKH Phạm Sỹ Tiến (Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) đưa ra ý tưởng thực hiện một kỳ quốc gia để phù hợp với chuẩn chung quốc tế.
Để các trường THPT đánh giá công nhận tốt nghiệp được nghiêm túc, chính xác, Bộ nên ra đề thi kiểm tra cả 8 môn ở cuối học kỳ I và cuối học kỳ II để các trường THPT tự chấm và sẽ nhận được kết quả kép: Thầy trò làm quen dần dạng đề đổi mới đánh giá năng lực học sinh, lại chống được việc ra đề tùy tiện, hạ thấp trình độ của các trường. Các Sở sẽ tổ chức kiểm tra việc tổ chức thi của các trường sao cho nghiêm túc, chấm phúc tra để đánh giá mức độ vận dụng biểu điểm của Bộ.
Chỉ có để các trường THPT công nhận học sinh tốt nghiệp, chúng ta mới đáp ứng yêu cầu xã hội, không tạo ra sự xáo trộn không đáng có. Nếu chỉ căn cứ vào điểm thi mà chúng ta lại tổ chức chặt chẽ kỳ thi Quốc gia như kỳ thi 2007 đã có trường chỉ đỗ một vài học sinh. Đây là những tình huống chúng ta không muốn có, mang tính chất bất thường.
Việc xét tốt nghiệp THPT còn phụ thuộc yếu tố mặt bằng vùng miền địa phương, nên để cho các trường THPT tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Còn thi quốc gia là đòi hỏi chuẩn mặt bằng quốc gia. Do đó để khách quan, trung thực trong đánh giá, chúng ta không có cách nào chỉ nên coi yếu tố điểm thi quốc gia là một thành phần đánh giá năng lực khách quan để các trường Đại học cao đẳng tuyển sinh.
Thực chất kỳ thi quốc gia tổ chức gắn với công nhận tốt nghiệp THPT để tăng chất lượng cho giáo dục phổ thông, lâu nay chúng ta chưa kiểm soát được. Có thể sau một số năm chúng ta thực hiện chương trình SGK mới đi vào ổn định, chúng ta mới tìm được hình thức của kỳ thi quốc gia phù hợp.
Có ý kiến, sao không bỏ thi THPT mà chỉ thi quốc gia ở khâu tuyển sinh ĐH, CĐ? Tuy kỳ thi ĐH, CĐ có khách quan hơn kỳ thi THPT hiện nay, nhưng mỗi mùa thi là cả nước náo loạn về thi, tốn kém không biết bao tiền của nhà nước và người dân. Học sinh cả nước phải di chuyển theo các trường ĐH, CĐ. Nếu giao cho kỳ thi THPT làm được việc có đủ điều kiện khách quan trung thực thay cho kỳ thi ĐH, CĐ để đỡ tốn kém, phiền hà cho dân, laị tăng được kết quả giáo dục phổ thông tại sao ta lại không làm?
Để các trường THPT công nhận tốt nghiệp, chúng ta tập trung công sức, tiền của để tổ chức kỳ thi quốc gia sao cho trung thực, khách quan, đảm bảo tin cậy để xã hội tin tưởng, các trường ĐH, CĐ yên tâm tuyển sinh.
Thi ba môn cơ bản
Thực hiện yêu cầu trên chúng tôi kiến nghị chỉ nên tập trung thi 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ. Với việc thu gọn chỉ thi 3 môn cơ bản kỳ thi không bị cồng kềnh đỡ tốn kém thời gian, tiền của như năm 2013 đã làm.
Đồng thời có tập trung thi ít môn, thầy trò luyện thi trong 2 tháng (tháng 4 và 5) sẽ tốt hơn, kết quả chúng ta nắm chắc hơn.
Học sinh học tốt càng tự tin, càng đỡ sinh tiêu cực mặt khác mục tiêu của chúng ta là đánh giá năng lực chứ không phải kiểm tra khối lượng kiến thức học sinh, do đó chỉ cần thi 3 môn, thực hiện đúng yêu cầu đề thi mà Bộ đã nêu là có thể đánh giá đúng năng lực học sinh.
Ảnh minh họa |
Không sợ học sinh học lệch, bỏ nhiều môn không học vì ta đã có kỳ kiểm tra cuối kỳ I và cuối năm để bắt buộc học sinh phải học đủ 8 môn mới có điểm tổng kết. Nếu trong giấy chứng nhận tốt nghiệp chúng ta cho hiện thêm các điểm thi này để các trường Đại học tham khảo thì chúng ta càng không sợ học sinh học lệch.
Lắp Camera thay cho thanh tra
Về coi thi và chấm thi chúng tôi đề nghị Bộ phải làm thật chặt chẽ, khoa học, không nhân nhượng bất cứ một trường hợp nào.
Hội đồng thi, địa điểm thi nên để nguyên tại các trường THPT (trừ các trường quá nhỏ mới phải ghép) như Bộ đã chỉ đạo năm 2013. Có như vậy các trường mới rõ trách nhiệm, nên hội đồng nào để học sinh có nhiều tiêu cực, vi phạm quy chế thi thì Hiệu trưởng trường đó phải chịu trách nhiệm vì không giáo dục tốt học sinh trong năm.
Kỳ thi quốc gia và quan điểm bảo thủ của xã hội
Theo PGS. TS Bùi Thiện Dụ - Hiệu trưởng Trường Đại học Phương Đông thì kỳ thi quốc gia nên tổ chức từ năm 2015, không thể để tới các năm sau.
Còn giám thị coi thi phải đổi 100% không cần củ nhiều Thanh tra như Bộ dự kiến mà nên yêu cầu các trường lắp camera để giám sát. Chỉ đưa yếu tố kỹ thuật, khách quan này chúng ta mới lấy lại được độ tin cậy của xã hội. Sau mỗi buổi thi, nộp bài thi là nộp băng hình của phòng thi luôn. Có tốn tiền trang bị, kỹ thuật, chúng ta mới có điều kiện giám sát khách quan 100% thời gian thi.
Như vậy lực lượng thanh tra thi có thể giảm đi nhiều. Lấy kinh phí thanh tra để trang bị kỹ thuật giám sát. Trước khi chấm thi phải kiểm tra băng hình camera các phòng thi, nếu phòng thi nào vi phạm quy chế sẽ bỏ bài thi lại không chấm, hủy kết quả thi và không công nhận những thí sinh này tốt nghiệp THPT.
Điểm thi của mỗi học sinh có kết quả thế nào để nguyên dạng: không cộng điểm, không có điểm liệt, chỉ phân loại học sinh đạt năng lực xuất sắc, năng lực khá, năng lực trung bình và năng lực đạt loại thường.
Chúng ta phải cá nhân hóa kết quả thi để mỗi học sinh tự chịu trách nhiệm về kết quả thi như các kỳ thi Đại học Cao đẳng lâu nay ta vẫn làm, thì việc coi thi mới khách quan, trung thực. Bộ không nên thống kê điểm (hoặc có thống kê chỉ để Bộ nắm và phân tích để rút kinh nghiệm đề thi và tổ chức thi) còn không được xếp loại các trường, các Sở để chúng ta chống đến cùng bệnh thành tích.
Bộ cũng nên công bố quy chế coi thi trong đó phải xử lý thật nghiêm những vi phạm của học sinh và giám thị. Mọi hình thức kỷ luật thi phải làm rõ trách nhiệm cá nhân của từng người vi phạm, có vậy các hình thức kỷ luật mới nhanh chóng được thực hiện, mới khách quan.
Tóm lại phương án thi quốc gia của chúng tôi nêu nhằm tách 2 phần xét tốt nghiệp của các trường THPT và thi để đánh giá năng lực thật của mỗi học sinh.
Thi ít môn ít ngày sẽ giảm áp lực, giảm tốn kém nhưng vẫn bảo đảm các mục tiêu đã đề ra, bớt được một phần kinh phí nhằm tập trung kinh phí để lắp camera theo dõi, tăng yếu tố khách quan để đảm bảo kỳ thi trung thực, đáng tin cậy, lại không sợ những vấn đề đột biến gây ảnh hưởng dư luận xã hội; chỉ có làm quyết liệt, khách quan chúng ta mới thật sự đổi mới thi cử, giúp cho giáo dục phổ thông đi dần vào quỹ đạo chất lượng thật.
"Để tổ chức một kỳ thi quốc gia, chúng ta phải chuẩn bị kỹ cả trước, trong và sau kỳ thi. Do đó Bộ Giáo dục không chỉ hướng dẫn tìm phương án của kỳ thi mà phải có văn bản riêng chỉ đạo tốt việc kiểm tra đánh giá quá trình học tập và rèn luyện ở trường phổ thông từ tiểu học, THCS đến THPT.
Và sau kỳ thi là công tác tuyển sinh của các trường Đại học cao đẳng, Bộ cũng cần sớm có định hướng chỉ đạo công tác tuyển sinh Cao đẳng Đại học ngay trong nội dung chỉ đạo kỳ thi quốc gia này.
Về loại đề thi tổng hợp các môn KHTN và các môn KHXH, mà bộ muốn làm trong các phương án, chúng tôi cho rằng hiện nay Bộ không nên tiến hành vội, đợi khi nào chúng ta học và dạy tích hợp tốt thì đề thi tích hợp mới thực hiện được còn đề thi của Bộ hiện nay đưa ra chỉ là để tổng hợp lại phải cần nhiều giám khảo chấm 1 bài thi là phương án cồng kềnh không an toàn, không nên tiến hành ngay hiện nay, mặc dù Bộ trưởng rất muốn.
Phương án 1 được nhiều Sở lựa chọn là họ muốn né tránh đề thi tổng hợp của Bộ. Phương án này yếu tố đổi mới rất ít, lại cồng kềnh, rườm rà tốn kém. Chúng tôi đề nghị Bộ không nên thực hiện"
TS. Nguyễn Tùng Lâm