Nhưng ở nước ta đang có tình trạng ngược lại. Thi vào lớp 1 là cả nhà cùng thi. Thi vào lớp 10 thì cả nhà lo lắng, thậm chí còn căng thẳng hơn thi vào đại học.
Mùa tuyển sinh lớp 10 năm nay, Thành phố Hà Nội đã có 85.870 thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập, trong khi đó chỉ tiêu là 67.230 em chiếm 63%.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh có 80.327 thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập, chỉ tiêu là 67.299 em.
Như vậy, trong đường đua nóng bỏng này, chỉ riêng Thủ đô Hà Nội sẽ có gần 23.000 học sinh và Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 13.000 học sinh “nửa đường đứt gánh”, phải học trường dân lập, hoặc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, hoặc các trường dạy nghề.
Cả nước có bao nhiêu học sinh thi rớt lớp 10 trường công, phải rẽ nẻo đường khác đầy khó khăn, nhọc nhằn?
Những ngày thi nắng nóng, áo con và áo bố đều đẫm mồ hôi, áo bố cũng đẫm mồ hôi. Bố đưa con đến trường thi rồi ngồi vạ vật ở bên ngoài, bụng thấp thỏm lo âu. Ảnh: Tùng Dương. |
Trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại tá quân đội, nhà văn Sương Nguyệt Minh, chia sẻ suy nghĩ: “Nhiều người đã từng chứng kiến tình cảnh một đứa bé thi vào lớp 1 thì cả nhà cùng đi thi.
Thi vì phụ huynh muốn trường top, trường chất lượng cao nên xa mấy cũng đăng kí vào. Số lượng các bé đăng kí nhiều, mà sức chứa trường lớp và giáo viên có hạn, vậy thì phải... thi.
Thế là câu chuyện tiền lớp 1 nở như ngô rang: Đứa thì học thêm ngoại ngữ, đứa học chữ ghép vần, đứa học số đếm, đứa luyện năng khiếu...
Các ông bố bà mẹ phát điên lên bởi con nhà hàng xóm đã đọc thông viết thạo trước khi vào lớp 1, mà con mình còn đánh vần chưa sõi.
Thế là cuộc chạy đua huy động cả nhà vào cuộc. Học... học và học khi chưa có giáo trình. Học đến đau đầu nhức óc, mụ mị cả đi. Ông bà cũng dạy cháu, bố mẹ cũng dạy. Cháu đi thi là cả nhà cũng đi theo.
Cháu mồm chữ O đánh vần, ông bà ở ngoài phòng thi miệng cũng chữ A... Thật là trăm ngàn nỗi nhiêu khê, nhọc nhằn, mà đứa trẻ phải chịu. Đánh mất cả tuổi thơ mà không biết.
Dường như người ta không nhận ra một triêt lý trước khi trẻ vào “đại học chữ to” thì trẻ đừng học hành gì cả. Cứ trắng phau hồn nhiên thì tốt hơn là học giỏi, là huân chương của để dành cho bố mẹ.
Bây giờ là thi vào lớp 10, cũng nháo nhác trước cả vài tháng chọn trường lựa lớp, cũng học thêm, luyện thi”.
Vào đầu tháng 6, các học sinh lớp trên lớp dưới đã được nghỉ hè tung tăng cùng gia đình và bạn bè đi nghỉ mát ở khắp nơi trong và ngoài nước, thì lứa học sinh thi vào lớp 10 lại phải căng mình ra học.
Phải thi bằng mọi cách
Ngay từ lớp 9, đang học chính khóa đã phải học thêm ở trường, học gia sư. Mệt nhoài. Từ lâu, các trung tâm luyện thi đại học đã mọc lên nhan nhản, mấy năm gần đây có thêm cả “cua” luyện thi vào lớp 10.
Trước đây chỉ luyện và thi 2 môn: Văn, Toán, sau thêm Ngoại ngữ, thì năm nay Hà Nội còn thi thêm môn lịch Sử. Dù được thông báo trước 2 tháng, nhưng các em cũng “vắt chân lên cổ mà chạy”.
Xưa nay, cứ thi cái gì là học cái đó. Các em sao nhãng môn Hóa, Sinh để ôn thi môn lịch Sử. Các phụ huynh còn lập nhóm ôn Sử cho con em mình. Làm mọi chuyện cho con, miễn là phải thi đỗ.
Bởi nếu thi trượt lớp 10 công lập có khi sinh ra chán nản, ngại học trường tư, rồi buồn bã, lêu lổng rất dễ rẽ sang lối khác. Cho nên phải kèm, phải ốp, phải nắn chỉnh để đi đúng hướng.
Ôn thi và thi vào lớp 10 như một chiến dịch. Mà phần thắng và huân chương chỉ có bấy nhiêu, không đeo lên ngực em này thì em kia được hưởng.
Nỗi lo đọng trên từng gương mặt học sinh cùng nỗi lo của phụ huynh. Quả thật! “Của đau con xót”. Dãi nắng dầm mưa đi học thêm, luyện thi.
Đi lại đúng ngày nắng nóng. Áo con đẫm mồ hôi, tay cầm bánh mì ăn vội, áo bố cũng đẫm mồ hôi. Đưa con đến trường thi rồi ngồi vạ vật ở bên ngoài, bụng thấp thỏm lo âu.
Lo bởi số phận con mình định đoạt ngay trong những đầu tháng 6 nóng bỏng này”, nhà văn Sương Nguyệt Minh nói.
Mười lăm tuổi nếu trượt vào lớp 10 công lập thì phải học trường tư thục, hoặc Giáo dục thường xuyên, học nghề. Tâm lý học hành thành đạt có cả ngàn năm phong kiến.
Cái đích là tấm bằng đại học như là một khát khao, một tâm thông hành vào đời, không có nó là thấp kém, là buồn bã, không yên ổn tâm lý, không sánh vai với hàng xóm láng giềng.
Phụ huynh nào cũng muốn con học xong phổ thông, rồi học đại học, kiếm cái bằng cử nhân...
Kỳ thi nào cũng nháo nhác trước vài tháng chọn trường lựa lớp, cũng học thêm, luyện thi. Ảnh minh hoạ: Tùng Dương. |
Các bậc phụ huynh, trừ nhà quá nghèo, dường như không nghĩ con mình chỉ học đến lớp 9 rồi ở nhà đi làm.
Cứ muốn cho con mình học lên đến đại học. Tốt nghiệp lớp 9 có nghĩa là đủ điều kiện để học lớp 10. Lớp 10 vẫn là lớp phổ thông. Phổ thông thì cứ đủ điều kiện là vào học, vậy mà lại phải thi cử như tuyển sinh vào đại học.
Thi để loại bớt, bởi không đủ trường lớp, không có giáo viên... Cho nên dù thi như thế nào thì chắc chắn 23 000 học sinh Hà Nội cũng bị loại khỏi hệ thống trường công.
23 000 học sinh trượt cũng có nghĩa là 23 000 trẻ rơi nước mắt, 23 000 gia đình sống trong buồn nản, chán chường và rớm lệ.
Cả Sài Gòn nữa, cả nước thì sẽ có bao nhiêu cháu khóc, bao nhiêu gia đình buồn thê lương?
Các năm trước, các năm sau nữa, bao nhiêu trẻ em người lớn khóc vì cái sự thi vào lớp 10 công lập?
Ôn thi và thi vào lớp 10 đầy lo lắng, “khốc liệt”? bởi đây là cuộc đua, là sàn đấu nhằm đến đích là trường công, trường chất lượng cao, trường chuyên, để cuối cùng là tấm bằng đại học.
Cuộc đua này chỉ xảy ra ở các thành phố lớn, như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng... do cung không đủ cầu.
Giáo viên, trường lớp đến lúc như cái manh áo chật hẹp không đủ rộng, nhu cầu học thì tăng nhanh.
Quy luật cung cầu hiển hiện rõ ở đây, chứ các huyện miền núi có khi còn đến tận nhà vận động chắc gì học trò đã bỏ đi nương, bỏ chăn ngựa đi học.
Ở thành phố, đất chật người đông, không lo đủ trường lớp công cho học sinh. Tâm lý “trọng công khinh tư” có từ lâu rồi.
Tư thục trong con mắt nhiều người là kém sang, đì đẹt. Cũng có một thực tế là hiện nay tỉ lệ chất lượng trường tư tốt vẫn chưa nhiều.
Thông thường là học sinh bị trường công loại ra, mới xin vào trường tư, vào trung tâm Giáo dục thường xuyên, hoặc đi học nghề.
Vả lại, học trường tư thì bao giờ cũng chi phí cũng cao. Nhưng, con nhà nghèo thì lấy đâu ra tiền đóng học?”, nhà văn Sương Nguyệt Minh nói.
Khóc cười còn một phần do phụ huynh. Khao khát con thành đạt, lo lắng con vào đời, mừng vui con hơn bạn. Dĩ nhiên, con cái được học trường chất lượng cao là mong muốn và nguyện vọng chính đáng.
Thành công phải từ nội lực
Theo nhà văn Sương Nguyệt Minh: “Còn gì vui hơn khi con đỗ vào lớp 10 trường Trung học phổ thông chuyên nổi tiếng.
Nhưng, ăn may chỉ đến một lần, thành công bắt đầu từ nội lực, người gánh được năm mươi cân mà bắt gánh một tạ thì làm sao mà gánh nổi.
Con người muốn phát triển đúng hướng, thành đạt phải đặt sự học, và làm việc phù hợp với năng lực của mình.Vả lại, vào đời có trăm ngàn nẻo.
Không phải cứ học tốt, ở trường tốt mà ra đời một trăm người thành đạt cả một trăm. Theo Wealth-X có tới 739 tỉ phú bỏ hoặc không học đại học chiếm 29,9% tổng số 2473 tỷ phú thế giới.
Nhà tỉ phú giàu nhất thế giới Bill Gates với khối tài sản 93 tỷ USD, thời sinh viên dù học giỏi vẫn bỏ ngang chừng đại học Harvard mà không hề hối hận.
Doanh nhân Steven Jobs bỏ trường mỹ học hàng đầu Reed mà làm nên đế chế Apple...”.
Bây giờ là thi vào lớp 10, cũng nháo nhác trước cả vài tháng chọn trường lựa lớp, cũng học thêm, luyện thi. Ảnh: Tùng Dương. |
Nhà văn Y Ban nhắn nhủ: “Đừng buồn nhé các bé khi không được giấy khen, khi không được nhất lớp, khi không được vào trường công lập.
Hãy cứ sống thật hồn nhiên, em nào thích đọc sách thì nói cha mẹ mua cho. Em nào thích vẽ thì nói bố mẹ cho học vẽ. Em nào thích đàn hát thì cứ học và hát thật to.
Kể cả những bé thích rong chơi, cứ đi chơi đi, chơi với những lá cây ngọn cỏ xanh mướt, với chú chim sâu vui nhộn trên cành... Cứ sống thật hồn nhiên vào nhé, miễn là thấy vui, vui là được.
Rồi một ngày ta bỗng thấy muốn học, muốn làm...” Dĩ nhiên, đây chỉ là một ý kiến cá nhân, và chỉ là một cách vào đời mà thành công.
“Lấy các ví dụ sinh động này, tôi muốn nói với các phụ huynh là đừng quá lo lắng thấy con thi vào lớp 10 xong khóc là mình cũng khóc.
Có nhiều trường lớp để học, có nhiều cách vào đời mà vẫn thành công, thành đạt. Đừng quá lo lắng khi đứa bé mới vào lớp 1, mới thi vào lớp 10”, nhà văn Sương Nguyệt Minh chia sẻ.