Thời 4.0: Nghề nghiệp không phân biệt giới tính, điểm xuất phát giàu hay nghèo

05/12/2022 13:53
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ: "Nghề nghiệp không phân biệt giới tính, các em học sinh phải quyết định mình trở thành ai trong tương lai".

Sáng ngày 05/12, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Trường Trung học phổ thông Chương Mỹ A (Hà Nội) tổ chức Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” với sự tham gia của diễn giả - nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Chương Mỹ A (Hà Nội) lắng nghe chia sẻ tại Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”
Học sinh Trường Trung học phổ thông Chương Mỹ A (Hà Nội) lắng nghe chia sẻ tại Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”

Chương trình nhận được sự quan tâm và thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên cùng hơn 1000 học sinh của trường tham dự.

Dự báo đến năm 2030, có 85% công việc mới sẽ xuất hiện

Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, hiện nay xuất hiện xu hướng nhiều học sinh lựa chọn đi lao động ở nước Nhật Bản, Hàn Quốc. Và cần phải nhìn nhận thực tế đó là “xuất khẩu sức lao động” chứ không phải là “xuất khẩu lao động”. Bởi vì không phải chúng ta mong muốn ra nước ngoài để học kiến thức, tiếp thu khoa học tiên tiến để về áp dụng ở Việt Nam, mà chỉ nghĩ đơn giản là ra nước ngoài làm việc và kiếm tiền, mang tiền về cho gia đình. Điều đó cũng là việc làm đáng hoan nghênh nhưng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc ra nước ngoài bán sức lao động cũng dần thu hẹp cơ hội.

Diễn giả - nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị về nghề nghiệp thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Nguyên Phương

Diễn giả - nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị về nghề nghiệp thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Nguyên Phương

Trong thời đại ngày nay, một số công việc lao động tay chân dần biến mất. Ví dụ như nghề tài xế taxi sẽ không còn khi hệ thống xe tự lái trở nên phổ biến và thịnh hành;

Thậm chí một số nghề như hướng dẫn viên du lịch, dịch thuật, phiên dịch cũng có thể không còn trong tương lai. Hiện nay, chỉ cần một công cụ nhỏ cũng có thể tự động dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau.

Theo diễn giả Hoàng Anh Tú, dự báo đến năm 2030, có đến 85% công việc mới sẽ xuất hiện. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể thay đổi mọi thứ. Có những ngành nghề hiện nay là tốp đầu nhưng chưa chắc sau 4 – 5 năm nữa đã còn là ngành “hot” của xã hội.

“Từ ngày 15/11, thế giới đã bước sang trang mới với 8 tỷ người, chúng ta phải thay đổi tư duy và suy nghĩ của mình.

Nếu các em vẫn chọn nghề theo cảm tính thì sẽ có nguy cơ thất nghiệp trong tương lai, vì ra trường không biết tính cạnh tranh trong công việc của mình như thế nào, đó không đơn thuần là con người cạnh tranh với nhau, mà còn cạnh tranh với AI, cạnh tranh với robot, với rất nhiều nguồn nhân lực từ khắp mọi nơi trên thế giới.

Chính vì vậy, các em cần thay đổi tư duy: từ tư duy của một người đang sống ở thế giới 7 tỷ dân sang tư duy của một người đang sống ở thế giới 8 tỷ dân, hãy trở thành những công dân toàn cầu, quan tâm đến ngoại ngữ nhiều hơn, tìm hiểu những thay đổi của cuộc sống, thay vì chúng ta chỉ bó hẹp tầm nhìn của mình trong một không gian nhất định”, nhà báo Hoàng Anh Tú chia sẻ.

Vậy làm sao để trở thành công dân toàn cầu? Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, điều đầu tiên là các em phải có trình độ ngoại ngữ, vì ngoại ngữ là tấm hộ chiếu giúp chúng ta kết nối, học tập, làm việc với mọi nơi trên thế giới, từ đó phát triển bản thân và bứt phát mọi giới hạn của mình. Có ngoại ngữ, dù đang ở Việt Nam, các em vẫn có thể làm việc với nhiều doanh nghiệp, đơn vị trên thế giới.

Nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ, trước sự thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các em học sinh phải chuẩn bị hành trang để trở thành những công dân toàn cầu. Ảnh: Nguyên Phương

Nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ, trước sự thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các em học sinh phải chuẩn bị hành trang để trở thành những công dân toàn cầu. Ảnh: Nguyên Phương

Điều thứ hai cần quan tâm là trí tuệ cảm xúc, hiện nay, nhiều người chỉ quan tâm IQ mà quên mất EQ. Thực tế, trí tuệ cảm xúc vô cùng quan trọng, nhất là ở một thế giới AI như hiện nay. Rõ ràng, máy tính, robot có thể làm được mọi việc nhưng chúng không thể tạo ra cảm xúc, không thể thay thế cảm xúc của con người.

Máy tính có thể làm thơ, viết tiểu thuyết vì có Bigdata, nhưng chúng ta không bao giờ cảm nhận được cái hay của bài thơ đó, những tác phẩm đó không thể làm lay động trái tim người đọc. Vì vậy, đứng trước làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các em cần biết quản lý cảm xúc của chính mình.

Thứ ba là kỹ năng phản biện và sự sáng tạo, các em phải biết đặt câu hỏi với bất cứ điều gì mình gặp mỗi ngày thay vì chúng ta chỉ chờ đợi những câu trả lời. Chỉ khi phản biện và đi tìm câu trả lời, chúng ta mới có sự sáng tạo và tạo dựng được tương lai cho bản thân.

Thứ tư là kỹ năng làm việc nhóm (team work), điều này là cực kỳ quan trọng trong thời đại ngày nay, để tạo nên sức mạnh tổng hợp, sự sáng tạo và dẫn tới thành công.

Đừng tự “đóng khung” bản thân theo những định kiến về giới

Trong cuộc trò chuyện cùng diễn giả Hoàng Anh Tú, nhiều học sinh Trường Trung học phổ thông Chương Mỹ A đã chia sẻ những băn khoăn, trăn trở khi chuẩn bị bước vào tương lai với lựa chọn ngành nghề cho bản thân.

Nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ với các em học sinh, nghề nghiệp không phân biệt giới tính và người phụ nữ hoàn toàn có thể trở thành những người lãnh đạo tài năng. Ảnh: Nguyên Phương

Nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ với các em học sinh, nghề nghiệp không phân biệt giới tính và người phụ nữ hoàn toàn có thể trở thành những người lãnh đạo tài năng. Ảnh: Nguyên Phương

Em Nguyễn Thị Lan Anh – học sinh lớp 12 chia sẻ, dù cuộc sống hiện đại nhưng theo mô hình gia đình truyền thống, nhiều người vẫn cho rằng phụ nữ vừa phải đi làm, vừa phải chăm lo thật tốt cho gia đình. Vậy ngành nghề nào phù hợp với những người phụ nữ để họ có thể khẳng định vị thế của mình ngoài xã hội, vừa có thể vun vén chăm sóc gia đình?

Là một người từng tham gia nhiều hoạt động về bình đẳng giới, diễn giả Hoàng Anh Tú khẳng định đây là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Nhà văn Hoàng Anh Tú khẳng định, nghề nghiệp thì không phân biệt giới tính và người phụ nữ hoàn toàn có thể trở thành những người lãnh đạo tài năng.

Chúng ta đang sống trong năm 2022, ở một xã hội hiện đại và định kiến về giới không nên tồn tại. Phụ nữ hoàn toàn có thể theo đuổi công việc mình yêu thích, đừng để những định kiến về giới trở thành rào cản và tự “đóng khung” mình vào những khuôn mẫu nhất định. Hãy trở thành người mà mình mong muốn.

Các em hãy thay đổi từ việc định hướng mình sẽ trở thành ai trong tương lai. Nếu không nỗ lực học tập, không xác định được con đường tương lai thì cuộc sống sau này của các em sẽ mờ nhạt và không có ý nghĩa. Lời khuyên dành cho các em là hãy là chính mình và sống một cuộc đời thật rực rỡ.

Nhiều học sinh thẳng thắn trao đổi, chia sẻ cùng diễn giả về câu chuyện chọn nghề, chọn ngành trong tương lai. Ảnh: Nguyên Phương

Nhiều học sinh thẳng thắn trao đổi, chia sẻ cùng diễn giả về câu chuyện chọn nghề, chọn ngành trong tương lai. Ảnh: Nguyên Phương

Một học sinh lớp 11 băn khoăn, hiện nay, nhiều học sinh vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chọn những ngành học được miễn giảm học phí (giáo viên, công an, quân đội) thì liệu có phải là lựa chọn đúng đắn?

Nhà văn Hoàng Anh Tú cho biết, trong một thế giới phẳng và chúng ta đang đứng trước muôn vàn cơ hội, chọn nghề cũng không nên phân biệt giàu, nghèo. Nếu chỉ vì lý do hoàn cảnh khó khăn mà chọn ngành học, trường học không phù hợp với mình, mình không yêu thích thì có thể chúng ta sẽ bỏ lỡ mất 4 năm đại học quý giá.

Điều quan trọng là các em đã biết tìm kiếm cơ hội để được học tập và theo đuổi đam mê của mình? Hiện nay, các trường đại học đều có nhiều suất học bổng dành cho học sinh nghèo học giỏi. Thậm chí các em cũng có cơ hội du học nước ngoài với những suất học bổng giá trị bao gồm học phí và sinh hoạt phí.

Vì vậy, bạn cần chuẩn bị hành trang thật tốt cho bản thân, từ kiến thức, ngoại ngữ,… để sẵn sàng đến với những cánh cửa tương lai đang rộng mở và chinh phục ước mơ của mình.

Nếu điều kiện gia đình không cho phép, chúng ta càng phải học thật giỏi và tìm kiếm nhiều cơ hội cho bản thân, vừa giúp giảm gánh nặng kinh tế gia đình, vừa kiên trì theo đuổi con đường ước mơ mình mong muốn.

Trước câu hỏi của một số học sinh: Nên chọn nghề mình yêu thích hay chọn nghề giúp kinh tế gia đình phát triển, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, sẽ rất khó để đưa ra lựa chọn, nhưng mong rằng các em có thể chọn công việc mình yêu thích và từ công việc đó để giải quyết được bài toán kinh tế cho gia đình, điều đó thể hiện các em vừa có trách nhiệm với bản thân, vừa có trách nhiệm với gia đình mình.

Các em học sinh chăm chú lắng nghe chia sẻ của diễn giả Hoàng Anh Tú. Ảnh: Nguyên Phương

Các em học sinh chăm chú lắng nghe chia sẻ của diễn giả Hoàng Anh Tú. Ảnh: Nguyên Phương

Trao đổi với diễn giả Hoàng Anh Tú, một học sinh trăn trở, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ cảm xúc rất quan trọng, vậy liệu rằng ngành Tâm lý học có phải là một ngành “hot”?

Nhà văn Hoàng Anh Tú cho hay, khi mức độ căng thẳng của cuộc sống ngày một gia tăng thì ngành Tâm lý học vẫn sẽ là một ngành “hot”, ít nhất là trong 5 -10 năm tới.

Đây là một ngành nghề tốt và có thu nhập cao, có thể lên đến 5 triệu đồng/giờ. Tuy nhiên, để trở thành một chuyên gia tâm lý thực thụ, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực và bỏ ra nhiều thời gian để học tập, tích lũy rất nhiều. Nếu em đam mê thì hãy nỗ lực học tập và cố gắng theo đuổi ước mơ của mình.

Cũng trong buổi Hội thảo, lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Chương Mỹ A đánh giá cao những chia sẻ của diễn giả Hoàng Anh tú, đồng thời gửi lời cảm ơn đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội thảo, tạo không gian trao đổi, chia sẻ cùng học sinh về vấn đề chọn ngành, chọn nghề trước ngưỡng cửa tương lai.

Nguyên Phương