Bắt đầu sự nghiệp “trồng người” ở nơi non cao hẻo lánh đã gần 20 năm nay, cô Thu (giáo viên tỉnh Quảng Trị) đã chứng kiến nhiều sự thay đổi trong sự nghiệp giáo dục địa phương. Khoản thưởng Tết của các thầy cô cũng có những "thay đổi" qua từng thời kỳ. Nhắc đến thưởng tết, giáo viên mỗi người một nỗi niềm riêng.
Bắt đầu từ chiếc bánh chưng, cân thịt, cân gạo,... đến những khoản thưởng Tết bằng tiền mặt vài trăm nghìn, với cô Thu đó đều là những nguồn động viên to lớn mỗi dịp xuân về.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Khi phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trao đổi về khoản thưởng Tết, ban đầu cô Thu chỉ lắc đầu: “Nói là thưởng Tết nhưng không đáng bao nhiêu cả”. Nhưng với cô, giữa núi rừng non cao, thưởng Tết dù nhiều hay ít cũng đều đáng quý cả.
“Thầy giáo Hiệu trưởng cũng đã cố gắng hết trong khả năng của mình, tiết kiệm các khoản chi tiêu trong năm của trường để cuối năm có khoản dư ra, nhằm động viên khích lệ các thầy cô giáo. Điều đó là đáng quý lắm rồi!
Tôi dạy học ở vùng khó khăn, học sinh toàn con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên cũng không có mong mỏi gì nhiều. Lương có bao nhiêu cân đối chi tiêu bấy nhiêu, các đồng nghiệp tôi và bà con ở đây đều giống nhau cả. Do vậy tôi cũng không nghĩ nhiều hay quá nặng lòng, bận tâm về khoản thưởng tết”, cô Thu tâm sự.
Lương giáo viên của cô Thu cũng chỉ vừa đủ chi tiêu hàng tháng trong gia đình. Cô tâm sự: “Nếu không có niềm đam mê với nghề giáo viên thì đừng chọn, vì nghề này vất vả, đồng lương cũng không phải khá giả”.
Chưa kể, những giáo viên dạy ở vùng sâu vùng xa như cô Thu càng vất vả, bộn bề hơn. Từ điều kiện đi lại còn khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất cho dạy học, sinh hoạt cũng thiếu thốn đủ đường.
Các thầy cô giáo ở một huyện cũng còn nhiều khó khăn là Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông cũng có mức thưởng tết hàng năm dao động từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Đây là thông tin được ông Lê Đại Thành - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) chia sẻ. Theo ông Thành, đây là chút tiền hỗ trợ, gọi là phần quà cảm ơn, động viên thầy cô giáo đã cống hiến cho ngành giáo dục trong năm qua.
May mắn hơn cô Thu và nhiều thầy cô giáo khác, thầy Nguyễn Văn Lực (giáo viên Trường Trung học cơ sở Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa) hàng năm có mức thưởng tết “khấm khá” hơn.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lực cho biết, thưởng Tết năm 2023 hiện chưa có thông báo cụ thể, tuy nhiên mức thưởng Tết các năm cũng được gọi là “khá” so với các thầy cô ở vùng miền khó khăn khác.
Thầy Nguyễn Văn Lực (giáo viên Trường Trung học cơ sở Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa). Ảnh: NVCC |
Năm 2022, thầy Lực được thưởng 3 triệu đồng. Đây là mức thưởng Tết được áp dụng chung cho toàn trường, không phân chia chức vụ từ hiệu trưởng, cán bộ, công nhân viên trong trường.
Tuy nhiên, giữa niềm vui nhỏ của bản thân, người thầy ngậm ngùi nghĩ về những đồng nghiệp của mình ở các vùng miền khác nhau, khi thưởng tết người có, người không.
Hiện tài chính được giao khoán cho các trường, việc chi tiêu được Hiệu trưởng lên kế hoạch theo quy chế chi tiêu nội bộ. Do vậy tiền thưởng Tết còn tùy thuộc vào chi tiêu của nhà trường trong năm, tùy từng vùng miền mà có nơi giáo viên được thưởng nhiều, có nơi ít hoặc thậm chí không có.
“Thưởng Tết là nguồn động viên, niềm vui nhỏ cho các thầy cô giáo sau 1 năm giảng dạy vất vả, như để góp vào tết của gia đình các thầy cô thêm cành đào, cây mai... Do vậy, nhiều thầy cô giáo sẽ không tránh khỏi sự ngậm ngùi, chạnh lòng khi được thưởng ít hoặc không có thưởng Tết - giữa muôn vàn tin tức thưởng tết hậu hĩnh từ các ngành nghề khác trên phương tiện truyền thông đại chúng.
Vì thế, tôi và nhiều đồng nghiệp khác mong muốn thiết tha sẽ có quy định thưởng Tết cho giáo viên để thầy cô giáo an tâm giảng dạy”, thầy Lực chia sẻ đề xuất.
Còn với cô Thu, không dám mong mỏi về một mức thưởng Tết nhiều hơn vì “nhà trường cũng đã cố gắng hết sức, chỉ mong sao đất nước ngày càng phát triển để đời sống nhà giáo cũng được cải thiện và nâng cao lên”.
Niềm ước vọng năm mới, những người thầy giáo, cô giáo không dành cho mình mà lại gửi gắm hết vào những em học sinh hiếu học. Cô Thu tâm sự:
“Chỉ mong sao nhà nước sẽ có thêm hỗ trợ liên thông cho các em học sinh dân tộc thiểu số còn khó khăn để có thể viết tiếp giấc mơ học đại học. Học sinh hiện chỉ được hỗ trợ đến lớp 12, do vậy rất nhiều em dù nhà trường rất tâm huyết để dạy, nhưng các em không đủ tiền đi học tiếp nên đã bỏ dở việc học sau phổ thông, chọn đi làm công nhân hoặc lấy chồng”.
Với thầy Lực, để chia sẻ với những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, một hoạt động ý nghĩa đã được thầy và các giáo viên trong trường thực hiện suốt nhiều năm nay, đó chính là chương trình xuân yêu thương. Những món quà tuy nhỏ bé nhưng gắn với tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, gửi gắm những niềm mơ ước tươi đẹp trong ngày đầu xuân năm mới.