Thiếu bằng, lương tiền lãnh đủ, công việc ra sao?

23/01/2018 06:00
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Vai trò của bằng cấp được ví như tấm vé thông hành trên con đường vinh thân phì gia. Có lẽ sự nhìn nhận “một xã hội sính bằng cấp” cũng bắt đầu từ đây.

Thời vừa kháng chiến vừa kiến quốc không ai quy định cán bộ phải có bằng này bằng kia, một phần vì hoàn cảnh thời cuộc không cho phép, phần vì quan điểm lựa chọn cán bộ để phục vụ những nhiệm vụ cấp bách. Bác Hồ chỉ nói gọn 2 chữ “hồng” và chuyên”.

Nhưng những con người thời ấy không ai phải mạo danh, đội lốt, ngụy tạo để tiến thân, (nếu có cũng rất ít). Tính hiệu quả trong sử dụng con người thời ấy là trọng “thực” hơn trọng “danh”.

Lần đầu tiên Bác Hồ gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đồng chí Văn) và Thủ tướng Phạm Văn Đồng (đồng chí Tô) vào năm 1940 ở Trung Quốc.

Trong buổi gặp đó, sau khi trao đổi với cả hai người về tình hình cách mạng trong nước, Bác Hồ nói: “Chú Tô thì học thêm về quản lý, còn “cô” Văn thì học thêm về quân sự” (Bác gọi “cô” Văn” vì Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhìn rất thư sinh).

Thiếu bằng, lương tiền lãnh đủ, công việc ra sao? ảnh 1Kính thưa các “đồng chí chưa bị lộ”…

Bác “quy hoạch” cán bộ rất nhanh nhưng chính xác.

Sau này, anh Văn “thư sinh” trở thành một trong mười vị tướng lỗi lạc nhất mọi thời đại, sánh ngang với Napoleon, Thành Cát Tư Hãn, Khutudop…còn Phạm Văn Đồng là Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cả thế giới ai cũng biết chuyện Bác Hồ phong Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp lúc ông mới 37 tuổi.

Phóng viên một tờ báo của Pháp có phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tại sao ông Võ Nguyên Giáp chưa qua một trường đào tạo sỹ quan chính quy nào, chưa qua một học viện quân sự nào mà lại được phong Đại tướng?".

Bác Hồ đã cười mà nói rằng: "Thế thì ngài thử xem những lãnh đạo của quân đội Pháp cầm quân ở Đông Dương thì đã qua các học viện quân sự chưa?".          

Phóng viên nước ngoài khẳng định, tất cả các vị tướng được cử sang cầm quân tại Việt Nam và Đông Dương đều đã qua đào tạo tại các học viện quân sự lớn của Pháp và nhiều nước khác.

Bác Hồ nói: “Vậy thì các vị tướng ấy cầm quân đánh trận ở Việt Nam đều thua ông Giáp thì ông Giáp phải trên họ một bậc!”.

Đó là thời mà những người làm công tác tổ chức không phải mất công lưu trữ hàng tá hồ sơ cán bộ dày cộp, đủ loại giấy tờ như ngày nay.

Và cũng không phải đau đầu xác minh từng loại bằng cấp xem thật hay giả, thay vào đó là những danh hiệu “dũng sĩ diệt Mỹ”, “anh hùng lao động”, “sóng duyên hải”, “gió đại phong”, “lá cờ đầu”…

Đến thời kỳ đổi mới, trường lớp được mở ra, các hệ đào tạo từ xa, chuyên tu, tại chức, bổ túc… tạo điều kiện thuận lợi cho những người còn sót lại của thời bao cấp bổ sung bằng cấp.

Từ đây, bắt đầu xuất hiện nhiều chuyện rắc rối xung quanh tấm bằng.

Bằng thật, bằng giả (Ảnh minh họa: NOP11).
Bằng thật, bằng giả (Ảnh minh họa: NOP11).

Công tác tuyển dụng nhân sự bắt đầu chú ý đến tấm bằng, mức độ năng lực mặc nhiên được ấn định cho những tính từ “giỏi”, “khá”, “trung bình”.

Có nơi còn ghi rõ ưu tiên bằng của trường này, học viện kia (hàm ý không ưu tiên bằng cấp của những trường khác?). Còn có cả những ánh mắt ngưỡng mộ lẫn tò mò dành cho các cô cậu tốt nghiệp đại học chính quy mới nhiệm sở.

Cái sự học bắt đầu được chú trọng, vai trò của bằng cấp được ví như tấm vé thông hành trên con đường vinh thân phì gia. Có lẽ sự nhìn nhận “một xã hội sính bằng cấp” cũng bắt đầu từ đây.

Học nhiều, đào tạo nhiều, hàng trăm nghìn tấm bằng cử nhân, thạc sỹ treo gác bếp nhưng cũng xuất hiện một bộ phận không ít người…khát bằng cấp đến nỗi phải tìm kiếm bằng nhiều con đường ngoài đèn sách.

Kể cũng lạ, một xã hội học tập được tạo ra từ thời Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, nhưng bộ phận không ít đó vẫn không kiếm được tấm bằng mặc dù có nhiều hệ đào tạo …

Một dấu hỏi về năng lực trình độ được đặt ra ở đây?

Thiếu bằng, lương tiền lãnh đủ, công việc ra sao? ảnh 3Chuyện ông nọ, bà kia và tản mạn về bằng thật, bằng giả!

Một ngành công nghiệp in ấn giả mạo ăn nên làm ra, người ta ra giá những tấm bằng không khác gì mớ rau con cá, bằng tiến sỹ 15 triệu đồng, cử nhân 10 triệu đồng, phổ thông một vài triệu đồng…chỉ cần gõ vài chữ trên mạng, một cuộc điện thoại giao dịch sẽ có ngay tấm bằng như ý muốn.

Những cơ sở buôn bán tri thức – đầu não của tình trạng rối ren bằng cấp vẫn ung dung tồn tại ngay giữa trung tâm học thuật.

Có hay không thế lực chống lưng bảo kê? Những phôi bằng, tem thật, hồ sơ gốc được quảng cáo như một vỏ bọc an toàn từ đâu mà có?

Bằng giả là một vấn nạn của thời buổi này, nó tạo ra những cú ngã ngựa ê chề của không ít vị tai to mặt lớn.

Không hiểu bằng cách gì mà những tấm bằng giả chui sâu, leo cao và “sống khỏe” trong cơ quan nhà nước?. Mặc dù, quy trình bổ nhiệm một người lãnh đạo phải trải qua rất nhiều bước.

Dư luận tỉnh Hải Dương vẫn chưa hết “nóng” khi cơ quan chức năng tỉnh này vừa tiến hành xử lí hai trường hợp sử dụng bằng cấp 3 giả là ông Phạm Trọng Điều, Phó Chánh thanh tra Nhà nước và ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng phòng Bảo vệ nội bộ Ban tổ chức Tỉnh ủy.

Sau khi tỉnh Hải Dương xử lý nghiêm hai lãnh đạo sử dụng bằng cấp 3 giả, dư luận tại tỉnh này tiếp tục đặt câu hỏi vì sao một lãnh đạo trong ngành nông nghiệp của tỉnh cũng sử dụng bằng cấp 3 giả nhưng vẫn tại vị suốt 14 năm nay? [1].

Ở Đắc Nông có đến …30 cán bộ dùng bằng giả để thăng tiến bị xử lý [2]. Một con số khó tin, hầu hết đã “thăng tiến”.

Điều đáng nói hơn, theo lời ông Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, việc phát hiện cán bộ dùng bằng giả hầu hết là do tố giác của quần chúng.

Vậy đâu là vai trò chức năng của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, giám sát cán bộ?

Ở Quảng Trị còn có con số khó tin hơn, 57 cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không có bằng cấp 3, trong đó có cả những vị đang giữ chức vụ lãnh đạo. Nguyên nhân được xác định là do…thất lạc [3]. Rất mong đây là tin khó tin!

Thiếu bằng, lương tiền lãnh đủ, công việc ra sao? ảnh 4Vì sao vấn nạn học giả, bằng thật vẫn còn đất sống?

Nếu chuyện thất lạc là thật thì có lẽ Sở này đã tạo nên một kỷ lục vô tiền khoáng hậu: “cơ quan có nhiều người thất lạc bằng cấp nhất cả nước cho đến thời điểm này”. Thật trùng hợp, vài chục người bị thất lạc bằng cấp tụ về một nơi. Rất thú vị...!

Để xác minh là “thất lạc hàng loạt” hay “không có hàng loạt” rất đơn giản. Có điều người ta có nhiệt tình hay không và quan trọng là sự việc có bị đánh ngoặc nháy “nhạy cảm”.

Những tấm bằng giả vẫn hiên ngang tồn tại chẳng khác nào những gáo nước lạnh dội vào hàng trăm ngàn thạc sỹ, cử nhân muốn tìm kiếm công việc trong khu vực nhà nước. Xã hội khó tiến bộ nếu còn những loại tri thức rách nát nắm quyền chỉ đạo người khác.

Có nhiều sự việc tương tự có thể dẫn ra nhưng chỉ sợ không đủ giấy mực.

Khách quan mà nói tấm bằng không bao giờ thể hiện hết năng lực con người.

Nhiều người vẫn đủ năng lực làm việc dẫu không cần tấm bằng lận lưng.

Nhưng đó là chuyện của tri thức kinh nghiệm lượm lặt và thời buổi “đóng cửa mình ta với ta”.

Chính vì thứ tri thức lượm lặt, cóp nhặt đó mà xuất hiện nhiều “công bộc” coi trời bằng vung, phát ngôn ngô nghê, cách làm chẳng giống ai, đó là những tuyệt kỹ “thọc gậy bánh xe”, “ném đá giấu tay”...

Vì có người nói rằng “con người ta chỉ trở nên thiện lương khi được tiếp thu tri thức chân chính”.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://dantri.com.vn/xa-hoi/su-dung-bang-cap-3-gia-van-ngoi-ghe-giam-doc-suot-14-nam-20170703134924833.htm

[2]http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/ky-luat-hon-30-can-bo-su-dung-bang-gia-de-thang-tien-411981.html

[3]http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/hang-chuc-can-bo-so-o-quang-tri-that-lac-bang-cap-3-424818.html

Trương Khắc Trà