Hệ thống văn bản chưa khớp nhau nên tự chủ đại học vẫn đang muôn hình muôn vẻ

12/05/2021 09:58
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Muốn thực hiện sớm trao quyền tự chủ cho các trường thì Nhà nước cần ban hành một Nghị định riêng áp dụng cho các trường tự chủ.

Ngày 11/5, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức họp trực tuyến để bàn về những kế hoạch của câu lạc bộ trong thời gian tới.

Chủ trì cuộc họp là Giáo sư Trần Diệp Tuấn – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh.

Dự họp về phía Hiệp hội có Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Trước đó, theo kế hoạch thì ngày 26/5 sắp tới câu lạc bộ sẽ tổ chức tọa đàm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường trực tiếp tại trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên do tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nên tại cuộc họp ngày 11/5, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ đã thống nhất hoãn tọa đàm trực tiếp và chuyển sang tổ chức tọa đàm trực tuyến.

Ngày 11/5, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức họp trực tuyến để bàn về những kế hoạch của câu lạc bộ trong thời gian tới. (ảnh: T.L)

Ngày 11/5, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức họp trực tuyến để bàn về những kế hoạch của câu lạc bộ trong thời gian tới. (ảnh: T.L)

Lắng nghe ý kiến trao đổi của Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường về việc làm sao tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng trường trong thực hiện tự chủ đại học và cần xác lập rõ ràng mối quan hệ Đảng ủy – Hội đồng trường- Ban giám hiệu, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhận định:

Trong những năm qua chúng ta có 2 chủ trương rất lớn về giáo dục, nếu xã hội hóa gặt hái được nhiều thành công thì chủ trương trao tự chủ cho các trường vẫn đang muôn hình muôn vẻ bởi lẽ hệ thống văn bản còn chưa khớp nhau. Giờ đây nếu không giải quyết rốt ráo, đi đến thống nhất trong các văn bản thì chủ trương tự chủ đại học không đi được vào cuộc sống.

“Khi cơ sở giáo dục đại học đã có Hội đồng trường thì cần phải có một hệ thống các chính sách nhất quán theo hướng trao quyền tự chủ cho các trường, nhưng rất tiếc hiện nay mới chỉ có Luật Giáo dục đại học sửa đổi (Luật số 34/2018/QH14) nói lên điều đó còn các luật khác vẫn theo hướng vẫn có tồn tại cơ quan chủ quản.

Trong khi căn cứ để Hội đồng trường hoạt động theo hệ thống văn bản pháp luật, nếu các văn bản không đồng bộ thì làm sao có tự chủ đại học đích thực.

Tuy nhiên để đồng bộ các văn bản pháp luật ngay lập tức thì khó do đó muốn thực hiện sớm trao quyền tự chủ cho các trường thì Nhà nước cần ban hành một Nghị định riêng áp dụng cho các trường tự chủ.

Khi đó các trường tự chủ sẽ vận dụng Nghị định này để thoát khỏi các quy định ở các luật, văn bản pháp luật khác được xây dựng không dựa trên việc trao quyền tự chủ cho các trường”, Tiến sĩ Khuyến nhấn mạnh.

Ngoài ra, Tiến sĩ Khuyến cho rằng, chủ đề về Hội đồng trường là vấn đề lớn, cần bàn sâu nên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Hội đồng trường cần chuẩn bị kỹ càng cho cuộc hội thảo trực tiếp về vấn đề này.

Theo đó, cần căn cứ vào thực tiễn mà các nhà trường triển khai và vấp phải trong thời gian thực hiện tự chủ, Hội đồng trường để đưa ra vướng mắc, tháo gỡ. Ví như, Bí thư đảng ủy phải kiêm chủ tịch Hội đồng trường nhưng hiện nay vẫn có nhiều trường hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng trường thì đúng – sai thế nào.

“Rõ ràng, cách triển khai không chuẩn thì làm sao thực hiện Luật, Nghị định đúng được”, Tiến sĩ Khuyến nhấn mạnh.

Kết thúc cuộc họp, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường dự kiến sẽ tổ chức nhiều cuộc họp online để trao đổi thông tin, chuẩn bị nội dung đầy đủ cho hội thảo trực tiếp các Chủ tịch Hội đồng trường dự kiến sẽ tổ chức tại Hải Phòng vào cuối tháng 8/2021.

Thùy Linh