Hiệp hội có kiến nghị khẩn gửi Bộ trưởng Nhạ về chương trình "9+ cao đẳng"

20/08/2020 14:47
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 20/8, Hiệp hội có kiến nghị khẩn về tình hình triển khai chương trình “9+ cao đẳng” ở các địa phương gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Theo đó, Hiệp hội nêu rõ, thời gian vừa qua trên các phương tiện truyền thông đại chúng, một số trường cao đẳng đã cổ súy rất mạnh cho cái gọi là chương trình “9+ cao đẳng”:

Nguồn tuyển tốt nghiệp trung học cơ sở (lớp 9), 2 năm sau (tương đương lớp 11) được cấp bằng trung cấp, năm học tiếp theo (lớp 12) tập trung học văn hóa để hoàn thành thi trung học phổ thông quốc gia, 0,5 năm cuối lấy được bằng cao đẳng.

Sau đó người học có thể học liên thông lên đại học với thời gian 1,5 năm. Theo những người lãnh đạo của các trường này, chương trình đào tạo “siêu tốc” này đang được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khuyến khích vì được đánh giá tốt cho mục tiêu phân luồng học sinh sau bậc trung học cơ sở.

Theo họ, đây là mô hình đào tạo rất kinh tế, tiết kiệm thời gian để giúp học sinh vừa sớm gia nhập thị trường lao động, vừa đạt trình độ cao (kỹ sư thực hành).

Tuy nhiên, đối chiếu với các Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng như với Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế ISCED-2011 (do UNESCO ban hành, có hiệu lực từ năm 2014), Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thấy rằng chương trình đào tạo “9+ cao đẳng” như trên đang có nhiều dấu hiệu phạm luật và làm giảm chất lượng đào tạo. Có thể chỉ ra một số biểu hiện như sau:

ảnh minh họa: Tổng cục giáo dục nghề nghiệp

ảnh minh họa: Tổng cục giáo dục nghề nghiệp

Thứ nhất, theo Luật Giáo dục để thực hiện phân luồng học sinh sau trung học cơ sở học sinh sau lớp 9 được tư vấn chọn học theo 2 luồng:

Luồng trung học phổ thông và luồng trung cấp, trong đó Trung cấp (được gộp cả trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề nhưng thực chất là trung cấp nghề) là dạng đào tạo nguồn lao động trực tiếp (thợ và tương đương).

Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, Trung cấp có thời gian đào tạo là 1-2 năm đối với người học tốt nghiệp trung học cơ sở. Có 2 điều bất cập ở đây.

Một là, tuổi lao động của người tốt nghiệp quá sớm. Hai là, đối chiếu với ISCED 2011 thì Trung cấp chỉ tương ứng với cấp độ 2, không đạt được cấp độ 3 như trung học phổ thông nên người học không được quyền dự tuyển vào cao đẳng, đại học (xem Điều 6 Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện hành).

Do đó học sinh thường không thích vào trung cấp.Trong khi đó ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, ở giáo dục trung học bậc cao (Upper Secondary Education) có 2 luồng là Trung học phổ thông (General Secondary Education) và Trung học nghề (Vocational Secondary Education).

Trung học nghề có thời gian đào tạo 3 năm cũng như trung học phổ thông nhằm cung cấp hài hòa cho người học cả kiến thức văn hóa (khoảng 50-60%) cũng như kiến thức – kỹ năng nghề (khoảng 40-50%).

Do đó ISCED 2011 xem Trung học nghề tương ứng với cấp độ 3 và bằng trung học nghề hoàn toàn bình đẳng với bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, người có bằng trung học nghề vừa gia nhập thị trường lao động vừa được quyền dự tuyển thẳng vào cao đẳng, đại học.

Bởi vậy, việc thay thế trung cấp nghề bằng trung học nghề là một trong những công việc mà ngành giáo dục cần làm ngay để việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở sớm trở thành hiện thực.

Thứ hai, trong lịch sử giáo dục Việt Nam cũng như trong các luật về giáo dục của Việt Nam từ trước đến nay chưa hề có điều luật hay quy định nào cho đào tạo vượt cấp từ trung học cơ sở lên cao đẳng, đại học.

Những tác giả của “9+ cao đẳng” lý giải rằng ở một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (thuộc Trung Quốc)… cũng có các chương trình như vậy.

Tuy nhiên, ở những quốc gia đó, thời gian đào tạo của họ là 5 năm, bao gồm 3 năm đào tạo chương trình trung học nghề và 2 năm đào tạo chương trình cao đẳng.

Trong khi đó, chương trình “9+ cao đẳng” của các trường cao đẳng trên tuy chỉ kéo dài 3,5 năm mà vẫn bảo đảm cung cấp cho người học các bằng trung cấp, trung học phổ thông và cao đẳng. Không rõ các trường đó làm sao có thể đảm bảo chất lượng đào tạo với thời gian rút gọn như vậy.

Thứ ba, theo "sáng kiến 9+ cao đẳng”, thời lượng dành cho chương trình trung học phổ thông không quá 2 năm, trong khi thời gian này theo Điều 28 Luật Giáo dục là 3 năm. Với thời gian học rút gọn như vậy thì người học làm sao đủ điều kiện để được dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia (khoản 3 Điều 34 Luật Giáo dục).

Thứ tư, theo chương trình “9+ cao đẳng” thời lượng dành cho dạy nghề không quá 1 năm, trong khi Điều 33 Luật giáo dục nghề nghiệp quy định thời gian đào tạo trình độ trung cấp là 1-2 năm.

Cũng phải thấy, theo ISCED-2011 thời gian đào tạo để đạt tới trình độ trung học nghề là 2-3 năm (thường là 3 năm với hệ thống giáo dục có thời gian giáo dục phổ thông 12 năm, như Việt Nam).

Như vậy, theo ISCED-2011 trình độ trung cấp nghề ở chương trình “9 + cao đẳng” nói chung thấp hơn trình độ trung cấp nghề của Việt Nam, lại càng thấp hơn so với trung học nghề ở các nước.

Thứ năm, theo chương trình “9+ cao đẳng” thời gian dành cho học cao đẳng chỉ là 0,5 năm trong khi quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật giáo dục nghề nghiệp là 1-2 năm (đối với người có cả bằng trung cấp và bằng tốt nghiệp trung học phổ thông), còn theo ISCED-2011 thì thời gian này tối thiểu là 2 năm.

Như vậy trình độ cao đẳng ở chương trình “9+ cao đẳng” khá thấp so với trình độ cao đẳng ở Luật giáo dục nghề nghiệp và rất thấp so với trình độ cao đẳng theo ISCED-2011. Với trình độ thấp như vậy, những người này làm sao đủ điều kiện để được đào tạo liên thông lên trình độ đại học chỉ với thời gian 1,5 năm.

Từ những nhận xét trên, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Một là, chỉ đạo Vụ Trung học phổ thông và các Sở giáo dục khẩn trương rà soát lại chương trình “9+ cao đẳng” và không cho phép những học sinh theo học chương trình này được nhận giấy chứng nhận hoàn thành chương trình trung học phổ thông vẫn không được dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia.

Hai là, chỉ đạo Vụ Giáo dục đại học và các trường đại học trên toàn quốc không tiếp nhận những người theo học chương trình “9 + cao đẳng” vào học các chương trình liên thông đại học.

Ba là, chỉ đạo Văn phòng Bộ làm việc với giới truyền thông yêu cầu không tiếp tục tuyên truyền cổ súy cho những “sáng kiến” trái luật của các trường cao đẳng trong triển khai chương trình “9+ cao đẳng”.

Linh Hương