Mục tiêu, triển vọng của nhiệm kì mới Hiệp hội

14/02/2021 06:25
Linh Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Qua 10 năm hoạt động, Hiệp hội đã góp phần thúc đẩy hệ thống các trường đại học cao đẳng ngoài công lập phát triển từ yếu thành mạnh.

Thể theo nguyện vọng của hàng trăm trường đại học cao đẳng công lập, được sự đồng ý của Chính phủ, ngày 20 tháng 12 năm 2014, Đại hội lần thứ I Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã diễn ra.

Trước đó 10 năm, năm 2004 Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam thành lập với hơn 40 hội viên, đến năm 2014 số hội viên tăng lên là 50 trường. Qua 10 năm hoạt động, Hiệp hội đã góp phần thúc đẩy hệ thống các trường đại học cao đẳng ngoài công lập phát triển từ yếu thành mạnh, gánh vác một phần kinh phí không nhỏ cho nhà nước chi cho đào tạo nguồn nhân lực.

Gần 400 trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã cử đại diện về Thủ Đô để tham gia ngày hội lớn của ngành giáo dục đại học Việt Nam – Đại hội thành lập Hiệp hội chung của các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, không phân biệt trường công lập hay ngoài công lập. Nhiều đại biểu còn ví sự kiện này như một dấu mốc quan trọng trên hành trình đổi mới gian nan của giáo dục đại học nước nhà.

Các đại biểu tham dự Đại hội lần II của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Tùng Dương)

Các đại biểu tham dự Đại hội lần II của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Tùng Dương)

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp của các trường đại học cao đẳng Việt Nam không phân biệt loại hình đào tạo, trình độ đào tạo, tự nguyện làm hội viên của Hiệp hội để được sinh hoạt chung, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Mọi người nhận xét: Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam ngày nay như con chim đại bàng 2 cánh, một cánh công lập, cánh kia là ngoài công lập. Khi hai cánh đều khỏe như nhau, cùng nhịp nhàng vỗ cánh thì chim sẽ bay cao, bay xa hơn…

Trong 6 năm hoạt động của nhiệm kỳ I, có thêm hàng chục trường đại học, cao đẳng nộp đơn gia nhập Hiệp hội, trong đó có Trường Đại học VINUNI – trường mới thành lập đầu năm 2020. Đến thời điểm năm 2020, Hiệp hội có 417 hội viên.

Trong nhiệm kỳ I, từ năm 2016 - 2017 xuất hiện nhu cầu giao lưu, tọa đàm của các nhóm trường có cùng lĩnh vực quan tâm, cùng nhóm ngành nghề đào tạo, hay cùng vấn đề khó khăn cần tháo gỡ…

Từ thực tiễn đó, Ban Chấp hành Hiệp hội giữa nhiệm kỳ đã cho phép thành lập các câu lạc bộ trực thuộc Hiệp hội.

Mỗi câu lạc bộ tập hợp các trường thành viên cùng có nhu cầu họp mặt giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, bàn thảo những vấn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách. Đến cuối năm 2020 đã có 20 câu lạc bộ được thành lập và đi vào hoạt động.

Các câu lạc bộ sinh hoạt sôi nổi, nhiều vấn đề vướng mắc trong thực tiễn đổi mới giáo dục đào tạo được bàn bạc thấu đáo; một số vấn đề được Hiệp hội nắm bắt chuyển thành kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền để giải quyết tháo gỡ khó khăn.

Đại hội lần II của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Tùng Dương)

Đại hội lần II của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Tùng Dương)

Tích cực và sáng tạo nhất là các câu lạc bộ: Câu lạc bộ các trường Cao đẳng Sư phạm; Câu lạc bộ Các trường đại học địa phương; Câu lạc bộ Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập; Câu lạc bộ khối các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công Thương; Câu lạc bộ Khối đào tạo Điều dưỡng; Câu lạc bộ Khối sư phạm kỹ thuật; Câu lạc bộ Khối trường cao đẳng Y, Dược; Câu lạc bộ Khối trường Mỹ thuật ứng dụng.

Việc thành lập các câu lạc bộ là một sáng kiến nổi bật về sự điều hành của Ban Lãnh đạo Hiệp hội. Nhờ đó, hoạt động của Hiệp hội vừa quan tâm các vấn đề vĩ mô, vừa đi sâu vào thực tiễn sinh động của toàn ngành cũng như các hội viên, với nhiều vấn đề thiết thực do cuộc sống đặt ra.

Đặc biệt, Hiệp hội đã tích cực tham gia phản biện chính sách, kịp thời đề xuất những nội dung thiết thực cho Dự thảo Luật Giáo dục, Dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, Dự thảo các Nghị định Chính phủ, Dự thảo các Thông tư hướng dẫn của các bộ ngành liên quan đến giáo dục và đào tạo.

Đặc biệt Hiệp hội có đóng góp tích cực, hiệu quả trong đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng, đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Hiệp hội cũng chủ trì tổ chức một loạt hội nghị, hội thảo, tọa đàm về xây dựng khung trình độ quốc gia giáo dục đại học, về kiểm định chất lượng giáo dục, về tự chủ đại học, về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và khai thác tài nguyên giáo dục mở trong đào tạo nhân lực ...

Năm 2020, khi cả nước chịu tác động của đại dịch Covid-19, Hiệp hội đã kiên trì đề xuất các cơ sở giáo dục chuyển sang dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, thực hiện phương châm “học sinh, sinh viên có thể không đến trường, nhưng không dừng việc học tập”. Kết quả đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng tình, hưởng ứng.

Hiệp hội có Chủ tịch mới

Trong 2 ngày 02 và 03 tháng 12 năm 2020 đã diễn ra Đại hội toàn thể lần thứ II của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Tại đây, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khóa mới và bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo đó, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội; 11 Phó chủ tịch bao gồm: Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ; Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn; Phó giáo sư Trần Quang Quý; Tiến sĩ Lê Trường Tùng; Tiến sĩ Lê Viết Khuyến; Tiến sĩ Nguyễn Đình Hảo; Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Hải; Phó giáo sư Nguyễn Minh Tâm; Phó giáo sư Lê Quang Sơn; Giáo sư Hà Thanh Toàn; Viện sỹ Trình Quang Phú.

Tân Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (ảnh: Tùng Dương)

Tân Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (ảnh: Tùng Dương)

Nhiệm kỳ II, Hiệp hội đặt ra những nhiệm vụ, phương hướng cụ thể. Theo đó, về phương hướng, Hiệp hội cần tập hợp lực lượng từ các tổ chức và cá nhân thành viên, các nhà khoa học và hoạt động xã hội, phối hợp với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và đoàn thể, chủ động tham gia xây dựng và thúc đẩy thực hiện chiến lược phát triển giáo dục đại học ngày càng có chất lượng và hiệu quả cao hơn của một nền giáo dục Việt Nam: nhân bản - khoa học - khai sáng và phát triển.

Trong đó, cần bám sát các chủ trương của Đảng và Nhà nước, cập nhật kịp thời tri thức thời đại về khoa học giáo dục, thông qua các nhiệm vụ cụ thể như: Tích cực hỗ trợ và chia sẻ về thông tin, tri thức, góp phần xây dựng môi trường và điều kiện phát triển, thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ các quyền lợi chính đáng và môi trường bình đẳng cho các tổ chức thành viên.

Đồng thời, Hiệp hội cần tham gia tư vấn cho các cơ quan liên quan của Đảng và Nhà nước về mặt chiến lược và chính sách, phối hợp và gắn bó với họ để cùng hành động vì lợi ích chung của nền giáo dục nước nhà. Các ý kiến khác nhau cần được thảo luận cởi mở, chân thành, cầu thị và xây dựng.

Tân chủ tịch và các phó chủ tịch của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 (ảnh: Tùng Dương)

Tân chủ tịch và các phó chủ tịch của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 (ảnh: Tùng Dương)

Tham gia xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển giáo dục đại học, trong đó có việc quy hoạch mạng lưới đại học và cao đẳng mà Chính phủ đã có chủ trương gần đây, tư vấn và đề xuất về chủ trương chuyển đổi một số trường công lập đang gặp khó khăn lớn về tuyển sinh sang trường hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

Góp phần tạo nhận thức chung về vai trò của mạng lưới và hệ thống đại học của một quốc gia, sự quan tâm xây dựng môi trường bình đẳng về đầu tư và cơ chế chính sách.

Nỗ lực góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về tự chủ đại học. Đây là việc lớn đối với hệ thống đại học. Không có tự chủ hoặc chưa được tự chủ thì coi như chưa có đại học thật sự theo đúng nghĩa.

Chỉ có sự tự chủ mới bảo đảm tính năng động, sáng tạo cho hoạt động giáo dục của tập thể nhà trường nhằm tạo ra chất lượng và hiệu quả cao hơn.

Quyết tâm thực hiện chủ trương đúng đắn này là việc hết sức cần thiết, đòi hỏi tâm huyết, bản lĩnh và cả phương pháp tốt nữa.

Tham gia xây dựng một hệ thống giáo dục mở, thực học, liên thông và hiệu quả, không bị cắt khúc và khu trú riêng trong từng khối, từng phần, trong đó có tư duy mở, cơ chế mở, dữ liệu mở, cấp phép mở, gắn với công nghệ thông tin, kết nối và số hóa, gắn với tham gia xây dựng xã hội học tập.

Đây là vấn đề mới mẻ và rất quan trọng cho trước mắt và cho lâu dài, vì sự phát triển của con người, của các thế hệ và của cả một dân tộc có năng lực ở thứ bậc cao hơn.

Phát triển khoa học giáo dục của Việt Nam là một nhiệm vụ lớn và cấp bách, nhằm tạo nền tảng về nhận thức để từ đó làm cơ sở cho việc giải quyết công việc trong thực tiễn.

Ngoài việc nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng và chia sẻ kiến thức, còn có việc làm sách, viết sách, dịch thuật, hợp tác xuất bản và phát hành, tổ chức truyền thông.

Cùng với phát triển khoa học giáo dục, công tác tư vấn và chuyên gia là yêu cầu khách quan. Sẽ tổ chức một nhóm cán bộ khoa học và quản lý trẻ có triển vọng để họ tham gia vào công việc tư vấn.

Việc xây dựng các câu lạc bộ chuyên ngành, chuyên lĩnh vực từ các tổ chức và cá nhân thành viên, các nhà khoa học và quản lý như đã làm trong nhiệm kỳ I cần tiếp tục thực hiện, vừa củng cố vừa mở rộng thêm, thường xuyên rút kinh nghiệm để uốn nắn và hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động có ích.

Để có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, việc tiếp tục phát triển hội viên, tổ chức xây dựng Hội là công việc rất quan trọng.

Trong đó, có vấn đề về phát triển hội viên là các trường quốc tế và các cá nhân người nước ngoài đang sống và hoạt động giáo dục ở Việt Nam.

Bộ máy của Hiệp hội cần phù hợp với yêu cầu công việc, tinh gọn và năng động là yêu cầu cần được thảo luận chuyên đề để kế thừa, tiếp tục xây dựng và điều chỉnh, hoàn thiện.

Quỹ Hội cần được quan tâm xây dựng để có nguồn tài chính cho chi tiêu thường xuyên và hoạt động khoa học.

Cần phải có kế hoạch và phương pháp, trước mắt và lâu dài cho việc xây dựng quỹ Hội, tạo thành nề nếp, phù hợp với quy định của luật pháp và xu thế tiến bộ của cộng đồng văn minh, có tầm nhìn chung về giáo dục, cộng với cách tổ chức quản lý minh bạch và hiệu quả.

Linh Anh