Theo đó, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định đã nhận được thư phản ánh của các ông/bà bày tỏ mối lo ngại trước thực tế đang diễn ra tại trường có liên quan tới việc triển khai thành lập mới Hội đồng trường nói riêng và những lùm xùm trong trường nói chung.
Trước tình hình như vậy, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, với tư cách là tổ chức đại diện cho các trường đại học, cao đẳng trong cả nước luôn khẳng định trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các trường hội viên, đã nhiều lần đề đạt các kiến nghị của mình tới các cấp quản lý có thẩm quyền, kể cả tới các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính phủ.
Ảnh minh họa: T.L |
Để các ông/bà yên tâm, Hiệp hội xin báo cáo lại quan điểm nhất quán của Hiệp hội khi xem xét các vụ việc đã và đang xảy ra tại Trường Đại học Tôn Đức Thằng thời gian gần đây như sau:
Một là, qua theo dõi tình hình thực hiện chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước về tự chủ của các trường đại học cũng như công cuộc đổi mới giáo dục nói chung, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận thấy Trường Đại học Tôn Đức Thắng là trường tổ chức thực hiện tốt nhất chủ trương nói trên, đã lập được nhiều thành tích và kết quả rất quan trọng, cơ bản và toàn diện, tạo nên bước đột phá bằng thực tế sinh động để chứng minh chủ trương về tự chủ đại học của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ là rất đúng đắn.
Trường cũng đã được Chính phủ cho phép và giao trách nhiệm thực hiện thí điểm chủ trương về đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện tự chủ đại học từ nhiều năm nay tại nhiều văn bản pháp lý trong đó có Quyết định số 158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ.
Những năm qua trường liên tục phát triển mạnh mẽ, đã được hàng loạt tổ chức xếp hạng chất lượng giáo dục đại học uy tín thế giới công nhận là cơ sở giáo dục đại học số 1 của Việt Nam về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Những kết quả ấy đạt được do nhiều yếu tố cộng lại, trong đó có vai trò vô cùng quan trọng của tập thể nhà trường, đặc biệt là của Đảng ủy nhà trường, lãnh đạo nhà trường, của bí thư và hiệu trưởng. Với những đóng góp to lớn như vậy mà Đảng ủy và Lãnh đạo nhà trường vẫn phải nhận những hình thức kỷ luật nặng nề từ phía Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và Thường vụ Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thì quả thật rất khó thuyết phục.
Hai là, để giải quyết triệt để những khúc mắc đang có ở Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhằm mở đường cho trường tiếp tục phát triển, Các cấp quản lý có thẩm quyền cần chỉ đạo cho tổng kết khẩn trương việc thực hiện thí điểm tự chủ tại trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Trước khi tổng kết cần có đoàn Thanh tra Chính Phủ đến khảo sát tình hình thực tế của Trường xem những gì làm được và chưa làm được, ưu và khuyết điểm như thế nào, cần khẳng định, bổ sung và điều chỉnh những gì về cơ chế tự chủ, kể cả về phía luật pháp nhà nước và chức năng nhiệm vụ cũng như cách hoạt động của tổ chức Đảng trong một trường đại học tự chủ nên thế nào cho hiệu quả nhất. Đồng thời xem xét về quyết định hành chính đối với chức danh hiệu trưởng như thế nào là đúng.
Trong tình hình hiện tại, lãnh đạo các cấp cần có động viên, khuyến khích và bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo, tận tâm tận lực vì lợi ích chung và không tham ô, hối lộ. Các kết luận đúng sai về thanh tra, kiểm tra ở đây cần được xem xét một cách khách quan trên cơ sở chủ trương cho trường thực hiện thí điểm tự chủ của Chính phủ và lắng nghe tiếng nói từ tập thể trường Tôn Đức Thắng.
Đây là việc không chỉ liên quan đến một trường mà là một vấn đề chung rất quan trọng đối với chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước về đổi mới nền giáo dục và thực hiện tự chủ cho các đơn vị công lập mà nếu không làm tốt thì giáo dục đại học của Việt Nam sẽ khó khăn và lúng túng lâu dài, không có lối ra để phát triển mạnh mẽ và bền vững. Từ đó dẫn đến ảnh hưởng sự cường thịnh của dân tộc và đất nước.
Ba là, việc giao trách nhiệm chủ trì quy trình thành lập Hội đồng trường (kể cả việc soạn thảo đề án) cho một cán bộ tạm quyền, được chỉ định trái luật (trong khi chưa từng nhận được sự tín nhiệm của tập thể cán bộ chủ chốt và Đảng ủy nhà trường) và 2 Thường vụ Đảng ủy (còn đang trong thời gian bị Đảng ủy khối kỷ luật khiển trách) mà không hề mở rộng để giao cho một tập thể lãnh đạo đầy đủ hơn (bao gồm cán bộ chủ chốt, Đảng ủy và Công đoàn trường) là hết sức sai và không bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng. Việc làm đó sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng của Hội đồng trường-cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học.
Bốn là, không cần thiết phải vội vàng thành lập ngay Hội đồng trường cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong lúc này; vì vẫn có cách nhanh hơn và tốt hơn để sớm bảo đảm ổn định các hoạt động thường xuyên của Trường (như ký bằng tốt nghiệp cho hơn 2000 sinh viên đã tốt nghiệp mà đến nay sau 4 tháng vẫn chưa nhận được bằng để xin việc làm, tổ chức hội nghị giảng viên-viên chức năm 2020, xác định mục tiêu chất lượng năm học mới, tổng kết năm học cũ; duy trì hoạt động của Mạng lưới hợp tác đại học quốc tế, mạng lưới nghiên cứu; nghiệm thu các công trình, thanh toán các hợp đồng...) bằng cách hủy ngay quyết định cách chức và phục hồi chức vụ Hiệu trưởng cho Giáo sư Lê Vinh Danh, vì như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và nhiều Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp vừa qua đã khẳng định là các quyết định can thiệp hành chính này của cơ quan chủ quản là hoàn toàn trái với Luật số 34/2018 và Nghị định 99/2019.
Năm là, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng Hội đồng trường Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhiệm kỳ 2020-2025 chỉ nên thành lập sau khi trường đã có Đảng ủy mới. Công việc quan trọng hàng đầu để ổn định Trường hiện nay là triển khai ngay Đại hội Đảng bộ trường và chọn ra một Ban chấp hành Đảng ủy mới; mà muốn vậy, việc giải quyết khiếu nại của đồng chí Lê Vinh Danh và nhiều Đảng viên khác về hình thức kỷ luật Đảng vừa qua cần phải ưu tiên làm trước để mang đến sự minh bạch và công bằng cho các Đảng viên trước khi Đại hội Đảng bộ về công tác nhân sự.
Trên đây là một số quan điểm về hướng xử lý cho hoạt động bầu hội đồng trường mới của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.