Năm 2020 dù trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp nhưng bằng sự nỗ lực cả hệ thống chính trị và ngành giáo dục đã mang lại gam màu tươi sáng cho bức tranh giáo dục nước nhà.
Bước sang năm mới 2021, nhiều người kỳ vọng giáo dục sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đó để công cuộc “đổi mới, căn bản và toàn diện” sớm đạt được như mong đợi.
Trong bối cảnh đó, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có dịp lắng nghe chia sẻ của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, ông kỳ vọng gì đối với ngành giáo dục trong năm 2021?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Thực sự, tôi không dám kỳ vọng điều gì, vì đã từng kỳ vọng nhưng chưa lần nào đạt được như mong muốn. Như vậy mà vẫn cứ kỳ vọng thì chẳng khác nào mình trở thành người lãng mạn.
Thú thật, tình hình thực tế bây giờ có nhiều phức tạp, muốn thực hiện được một ý tưởng nào đó không hề đơn giản bởi khi đi vào thực tế sẽ gặp nhiều cản trở, dù có tâm huyết bao nhiêu cũng không dễ dàng gì. Nhất là đối với Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa không có thực quyền lại không có phương tiện tài chính.
Thứ duy nhất Hiệp hội có là tư vấn, mà ngày nay không phải ai cũng thật sự cần tư vấn. Có thể người nói chưa đủ giỏi và người nghe thì đã "giỏi" lắm rồi, dù có thể mỗi người có một cách giỏi khác nhau.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Thùy Linh) |
Nhiều anh em trong Hiệp hội cũng đã từng tư vấn việc này việc khác, thậm chí nói đi nói lại nhiều lần, và tự tin là mình đúng, nhưng người nghe thì cũng chẳng nghe mình. Tất nhiên là cứ phải kiên trì nói nữa, nói mãi, nếu thấy mình đúng, và cũng phải biết rằng, nói nhiều thì có người ghét. Mà bị ghét thì cũng phải nói thôi. Nếu sợ bị người ta ghét vì lời nói thẳng thì đừng làm công việc phản biện nữa, đi tìm việc khác mà làm.
Đó là lý do tôi nói vì sao lại không dám kỳ vọng.
Tất nhiên, với tư cách là một người dân, lúc nào cũng có mong muốn những tốt đẹp cho nền giáo dục nước nhà. Năm tới đây, đối với hệ thống giáo dục đại học Việt Nam tôi cũng mong muốn mấy điều.
Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về những gửi gắm mà ông kỳ vọng ở nền giáo dục đại học?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Đối với giáo dục đại học thì có nhiều việc, nhưng tôi không dám mong muốn quá nhiều. Mỗi năm, chúng ta làm được chừng 3 hoặc 4 việc quan trọng thì sau 5 năm sẽ có một bước tiến đáng kể.
Do đó, tôi chỉ có mong muốn 3 điều:
Thứ nhất, chủ trương tự chủ đại học của Đảng và Nhà nước cần được thực hiện mạnh mẽ, nhất quán và đồng bộ hơn, không để tình trạng giằng co giữa cơ chế cũ và cơ chế mới, giữa tự chủ và chủ quản, giữa tự chủ và thiếu trách nhiệm giải trình.
Thứ hai, sang nhiệm kỳ mới của Chính phủ nên có sự thống nhất đầu mối quản lý nhà nước ở cấp bộ đối với khối cao đẳng và khối đại học (nên đưa về một đầu ở Bộ Giáo dục và Đào tạo) chứ không nên cắt khúc như hiện nay khối phổ thông, đại học thì do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý còn khối cao đẳng lại do Bộ Lao động- Thương binh và xã hội quản lý.
Giáo dục luôn có tính hệ thống, cấp dưới liên quan với cấp trên, ngành nghề này có liên quan các ngành nghề khác, rồi phân luồng và liên thông. Nếu cắt ra làm 3 khúc, khúc đầu và khúc cuối giao cho một Bộ, còn khúc giữa ở một Bộ khác thì rất khó giải quyết các vấn đề nêu trên.
Tôi chưa thấy rõ có nước tiên tiến nào chia hệ thống giáo dục giống ta. Người ta có thể phân cho 1 bộ hoặc 2 bộ nhưng không phải kiểu ta đang làm. Cao đẳng và đại học là một, cùng là giáo dục đại học, tuy hai mà một, nối liền nhau, liên khúc với nhau, ta lại tách ra làm hai, biến một thành hai, không có cơ sở khoa học khách quan.
Thứ ba, nhiều khuyết điểm trong quản lý, nếu xét đến cùng thì nguyên nhân từ nền tảng của khoa học giáo dục-khoa học quản lý giáo dục chưa đủ vững chắc. Tôi mong, nước ta sẽ có một bước tiến bộ đáng khích lệ về khoa học giáo dục. Trong đó có vấn đề phát triển chương trình đào tạo và kiểm định chất lượng.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng.