Những nguồn đầu tư nào đã góp phần xây dựng Trường đại học Tôn Đức Thắng?

01/10/2020 11:10
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu Tổ chức công đoàn tự hào rằng đã rất nỗ lực để xin cơ chế, tạo điều kiện cho Trường Tôn Đức Thắng phát triển, thì câu nói đó là đúng và rất đáng biết ơn.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, chuyên gia giáo dục tu nghiệp tiến sĩ ở Anh Quốc đã chia sẻ trong bài viết "Người trong cuộc tiết lộ Trường Tôn Đức Thắng lây đâu ra để chi phát triển", giúp dư luận hình dung, Trường Đại học Tôn Đức Thắng lấy tài chính ở đâu để xây dựng và phát triển!.

Để tiếp tục cung cấp thêm thông tin cụ thể hơn về chủ đề này đến bạn đọc, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thành Công, Luật sư Vũ Phi Long và Tiến sĩ Tăng Trí Hùng, những người đã và đang tư vấn cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng, về nội dung Trường có nhận đầu tư từ các nguồn khác không? Nó là bao nhiêu? Chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng đầu tư của Trường tính đến nay? Và đã được quản lý như thế nào?

Phóng viên: Thưa các Luật sư, dư luận cũng có ý kiến cho rằng Tổ chức công đoàn đã đầu tư ban đầu rất lớn để xây dựng và phát triển Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Các luật sư có ý kiến như thế nào?.

Khoản chi mà nhiều người tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng và chúng tôi đều biết là chi phí tư vấn viết chương trình, hồ sơ, thủ tục thành lập Trường Đại học Tôn Đức Thắng (lúc đó là Trường đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng) 500 triệu đồng. Số tiền này theo bà Hoàng Thị Khánh, Chủ tịch hội đồng sáng lập; là bà tự đi xin, vận động doanh nghiệp ủng hộ chứ không phải tiền của Công đoàn.

Khi Trường đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh duyệt cho mua Nhà kho của Công ty dệt may Gia Định để xây trụ sở đầu tiên; Nhà trường đã vay tiền Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh để mua.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Tài liệu mà chúng tôi có được là Trường đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng đã vay 6,6 tỷ đồng bằng Hợp đồng vay vốn số: 01/HĐKT ngày 8/11/1999; thời hạn vay 15 năm; lãi suất 0,5%/tháng. Căn cứ hợp đồng vay này, ngày 12/11/1999, Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển 6,65 tỷ đồng (sáu tỷ sáu trăm năm chục triệu đồng) để Trường mua mặt bằng 98 Ngô Tất Tố của Công ty dệt may Gia Định (theo Hợp đồng mua bán số 281/HĐ, ngày 2/11/1999).

Như vậy, Trường đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng vay để mua quyền sở hữu cho Trường. Do đó, mặt bằng này đứng tên trên sổ đỏ là Trường đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng; một tài sản của trường ngoài công lập. Không phải công sản.

Như vậy khoản thứ 1 này là khoản vay để mua mặt bằng. Mặt bằng này đã góp phần giúp Trường phát triển tốt trong suốt 8 năm (2001-2009) sau đó. Tiền lãi vay được cấp lại cho Trường (kể cả chưa thu) trong thời gian từ tháng 11/1999 đến tháng 9/2020 thì tổng cộng là 8,312 tỷ đồng (tám tỷ ba trăm mười hai triệu đồng).

Khoản thứ 2 là khoản tiền mà Hội đồng quản trị yêu cầu Nhà trường hạch toán thu nhập cho các thành viên hội đồng, nhưng các thành viên không nhận, và góp lại cho Trường trang bị thêm công cụ, dụng cụ, thiết bị. Khoản này trong từ 2000 đến 2003 được hơn 200 triệu đồng; trang bị được 1 phòng máy tính hơn 40 máy. Phòng máy này đã giúp cho việc học Tin học ứng dụng được thuận lợi trong vòng 10 năm. Mỗi năm khoảng 500 sinh viên được học tại phòng này.

Khi triển khai xây dựng Cơ sở 98 Ngô Tất Tố, Phường 19, Quận Bình Thạnh, Nhà trường bắt đầu vay vốn kích cầu của Thành phố để xây dựng. Vốn được cấp bởi ngân hàng thương mại hoặc công ty tài chính Thành phố. Các đơn vị này thẩm định tính khả thi của từng dự án và quyết định đủ điều kiện cho vay hay không?. Khi và chỉ khi Dự án xin vay đã được ngân hàng/công ty tài chính thẩm định và thuận; Trường mới làm thủ tục đăng ký vốn kích cầu theo qui trình.

Ngân hàng/công ty tài chính có trách nhiệm theo dõi thu nợ. Lãi suất hằng tháng/năm được trả từ nguồn tài chính kích cầu của Thành phố. Bản chất là Thành phố trợ lãi để kích thích sản xuất và xây dựng. Chương trình này được mở cho bất cứ thành phần sản xuất nào đủ điều kiện, cả kinh doanh, giáo dục, y tế và các thành phần khác; cả tư nhân lẫn nhà nước, cả công lập lẫn dân lập. Không có sự ưu ái cho riêng đơn vị nào!

Có thể nói nguồn vốn kích cầu với sự trợ lãi của thành phố đóng vai trò thứ 3 (chỉ sau nguồn tiết kiệm trong quản lý và nguồn tự tích lũy của Trường Đại học Tôn Đức Thắng) trong việc cung cấp tài chính để đầu tư cơ sở vật chất ban đầu và bảo đảm chất lượng giáo dục, phát triển mở rộng trong suốt 20 năm qua; giúp Trường Đại học Tôn Đức Thắng đạt đẳng cấp quốc tế.

Tính từ khi xây dựng 98 Ngô Tất Tố vào năm 2000 đến nay là 20 năm, tổng tiền lãi mà Thành phố tài trợ cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng (để Trường Đại học Tôn Đức Thắng sử dụng được vốn vay thương mại trong 6 hợp đồng) đến nay là 117,855 tỷ đồng (một trăm mười bảy tỷ tám trăm năm mươi lăm triệu đồng. Khoản tiền này không lớn khi so sánh với nguồn học phí mà Trường Đại học Tôn Đức Thắng tự tích lũy được để đầu tư, mua sắm; cũng như khối lượng tiền Trường tiết kiệm và thu từ chuyển giao; Nhưng nó là cú huých, là tài chính ban đầu để có hoạt động, từ đó khởi động các nguồn khác. Vì thế, nó có vai trò quan trọng Trường Đại học Tôn Đức Thắng luôn nhớ ơn Thành phố về hỗ trợ này.

Đấy là nguồn thứ 3.

Nguồn thứ 4 là nguồn vay không lãi từ Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh với 30 tỷ đồng không tính lãi (50 tỷ đồng có tính lãi 0,6%/tháng thì Trường Đại học Tôn Đức Thắng không tính tới). Tổng tiền lãi của khoảng vay không tính lãi này cho đến khi trả xong vốn gốc là 14,716 tỷ đồng (mười bốn tỷ, bảy trăm mười sáu triệu đồng).

Nguồn thứ 5 là nguồn vay của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam 100 tỷ đồng, không lãi, trong vòng 5 năm. Nhưng chỉ mới 1 năm và 5 tháng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng thấy chưa thể triển khai được Dự án định thực hiện từ khoản vay này, nên quyết định trả lại vốn gốc.

Tiền lãi của khoản này (do Trường gửi ngân hàng chờ thực hiện dự án) là 10,594 tỷ đồng (mười tỷ năm trăm chín mươi bốn triệu đồng) được Trường Đại học Tôn Đức Thắng phân bổ vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (hơn 25%), Quỹ hỗ trợ sinh viên (hơn 50%), Quỹ ổn định thu nhập, Quỹ khen thưởng và phúc lợi, Quỹ dự trữ (theo qui định tại Quyết định 158/QĐ-TTg).

Nguồn thứ 6 là vốn kích cầu trái phiếu của Chính phủ để xây dựng Nhà ở thu nhập thấp và Ký túc xá trong cả nước. Trường Đại học Tôn Đức Thắng được cấp 61,739 tỷ đồng (sáu mươi mốt tỷ bảy trăm ba mươi chín triệu đồng). Nhà trường đối ứng phần còn lại để xây dựng 2 tòa ký túc xá đầu tiên, cao 11 tầng, với tổng sức chứa hơn 2100 giường.

Thành phố cấp 1,5 tỷ đồng để xây Tượng đài Chủ tịch Tôn Đức Thắng là khoản thứ 7.

Từ đầu chí cuối ta đều thấy đa số các khoản này là tài chính hỗ trợ; không phải là đầu tư xây dựng cơ bản hoặc đầu tư mua sắm có kế hoạch cho nguyên một dự án.

Vậy các Luật sư và Tiến sĩ Hùng đánh giá như thế nào về vai trò các khoản tài chính và hỗ trợ này?

Dĩ nhiên là các khoản tài chính hỗ trợ này đóng những vai trò nhất định giúp Trường Đại học Tôn Đức Thắng từng bước củng cố, bảo đảm điều kiện dạy và học. Nhưng bảo rằng những khoản này đóng vai trò rất lớn thì không phải.

Ta có thể thấy rằng tổng tài trợ của Công đoàn qua các khoản chỉ 40,472 tỷ đồng; như vậy trong tổng giá trị tài sản gồm nhà-xưởng, trang thiết bị, công cụ, dụng cụ (nói chung là cơ sở vật chất) đã được sơ bộ thẩm định giá (bởi đơn vị chức năng) còn khoảng 2.800 tỷ đồng (hai ngàn tám trăm tỷ đồng), thì tài trợ của Công đoàn qua các hình thức chỉ chiếm 1,44%.

Tổng tài trợ từ nhà nước các cấp là 181,094 tỷ đồng, chiếm 6,46% tổng giá trị tài sản đã hình thành trên mặt đất.

Tiền giải phóng mặt bằng của Cơ sở 19 Nguyễn Hữu Thọ chưa có số liệu vì Dự án giải phóng mặt bằng này của Thành phố chưa được quyết toán. Nhưng không thể lớn hơn các khoản trên.

Như vậy, đại bộ phận tạo ra tài sản trên mặt đất của Trường Đại học Tôn Đức Thắng là nguồn tự tích lũy từ thặng dư thu-chi và việc quản trị hiệu quả, tiết kiệm tối đa của Nhà trường. Trong 5 năm sau này còn có sự đóng góp của chuyển giao kết quả nghiên cứu và tư vấn cho doanh nghiệp. Những bộ phận này chiếm khoảng 90% việc hình thành tổng giá trị tài sản, tài chính trên mặt đất hiện nay của Trường Đại học Tôn Đức Thắng; cũng như các khoản chi cho phát triển khác.

Nhiều người quan tâm là đến nay, các khoản tài trợ này đã được quản lý và sử dụng như thế nào, các Luật sư có thể cho biết?

Theo nghiên cứu của chúng tôi là rất hiệu quả! Vô cùng hiệu quả!

Công chúng có thể tự hỏi rằng một đại học công lập, chỉ được tài trợ những khoản tài chính như thế thôi trong quá trình phát triển 23 năm; mà xây dựng được cơ sở vật chất đạt đẳng cấp quốc tế 5 sao/ 5 sao, với Thư viện hiện đại nhất nước; và phát triển toàn diện cả giáo dục, khoa học-công nghệ, quốc tế hóa để được xếp vào TOP 800 đại học xuất sắc nhất thế giới; trong khi có những đại học công khác được nhà nước đầu tư trong 50 hay 60 năm liên tục với nhiều ngàn tỷ đồng, vẫn không có được thành tựu này, thì đủ thấy mọi khoản tiền đều đã được quản trị sử dụng rất hiệu quả.

Thư viện trường Đại học Tôn Đức Thắng

Thư viện trường Đại học Tôn Đức Thắng

Chính cơ chế và hiệu quả quản lý đó đã đẻ ra sự phát triển thần kỳ chứ không phải tiền hay các hỗ trợ khác.

Do vậy, nếu Tổ chức công đoàn tự hào rằng họ đã rất nỗ lực để xin cơ chế và tạo điều kiện cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng phát triển, thì câu nói đó là đúng và rất đáng biết ơn. Nhưng nếu dư luận cho rằng vì những hỗ trợ tài chính, tiền bạc của Công đoàn mà từ đó mới có Trường Đại học Tôn Đức Thắng hôm nay, thì không bao giờ thuyết phục ai!

Bởi người ta sẽ đặt câu hỏi ngược lại rằng trong hơn 50 năm qua, Công đoàn đã cấp tài chính cho Trường Đại học Công đoàn Việt Nam bao nhiêu, hiệu quả nguồn lực tài chính và các nguồn lực khác Tổng liên đoàn đã đầu tư cho trường này đến đâu khi so sánh mức đầu tư, hiệu quả với Trường Đại học Tôn Đức Thắng?.

Như vậy, các hỗ trợ có đóng góp nhất định, nhất là tiền trợ lãi vốn kích cầu của Thành phố. Nhưng cơ chế và sự quản trị xuất sắc của tập thể Trường Đại học Tôn Đức Thắng mới làm nên kỳ tích. Cường điệu vai trò của những nhân tố khác ngoài 2 điều trên, theo chúng tôi đều là sự đánh lạc hướng có chủ ý, rất đáng tiếc!.

Xin cảm ơn các Luật sư và Tiến sĩ Tăng Trí Hùng!

Thùy Linh