Lịch sử thương hiệu thăng trầm của siêu xe Lamborghini

17/09/2011 10:41
Theo Tinhte
(GDVN) - Nếu như được hỏi "Bạn thích siêu xe nào nhất?" chắc bạn sẽ khó trả lời nhưng chắc chắn Lamborghini sẽ là một trong những loại xe mà bạn yêu thích.
Lịch sử thương hiệu thăng trầm của siêu xe Lamborghini ảnh 1
Giai thoại về sự ra đời của hãng xe Lamborghini
Lamborghini có tên đầy đủ là Automobili Lamborghini S.p.A. (ALSpA), là thương hiệu xe Italia do Ferruccio Lamborghini lập ra vào năm 1963.

Ferruccio Lamborghini thời bấy giờ vốn là một triệu phú trong ngành công nghiệp sản xuất đầu máy kéo tại Ý. Ông bắt đầu sự nghiệp tại một gara nhỏ, nhưng sau đó nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh do nhu cầu về đầu máy kéo tăng nhanh. Bên cạnh máy kéo, Ferruccio còn sản xuất đèn đốt tinh dầu và hệ thống điều hòa, và những lĩnh vực này cũng đem về cho ông rất nhiều lợi nhuận. 

Trở thành một trong những người giàu có nhất nước Ý, Ferruccio có thể mua cho mình hầu như tất cả những gì ông muốn, bao gồm cả những chiếc siêu xe thời bấy giờ như Mercedes SL300 hay Ferrari và Jaguar.

Tuy nhiên, chiếc Ferrari của ông bắt đầu gặp những vấn đề về bộ ly hợp, và vì không thể sửa nó ở những cửa tiệm địa phương, Ferruccio quyết định đến gặp thẳng Enzo Ferrari để khiếu nại.

Enzo, với bản tính kiêu hãnh vốn có, đã đuổi "lão nông dân" này về đi. Ferruccio giận lắm, và vào lúc đó ông đã quyết định sẽ cho Enzo Ferrari thấy một chiếc siêu xe thực thụ là như thế nào. 

Trên đây là giai thoại về nguyên nhân hình thành thương hiệu Lamborghini. Thực tế có thể khác đôi chút, nhưng rõ ràng vào thời điểm ấy, Ferruccio đang rủng rỉng tiền bạc, và thị trường siêu xe còn rất mới mẻ. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để ông thành lập một hãng xe riêng, chuyên sản xuất những sản phẩm không chỉ có tốc độ nhanh mà còn sở hữu những kiểu dáng độc đáo.
Lịch sử thương hiệu thăng trầm của siêu xe Lamborghini ảnh 2
"Siêu xe" khởi nguồn cho thương hiệu Lamborghini

Quá trình thành lập Automobili Lamborghini S.p.A.

Ferruccio thành lập Automobili Lamborghini S.p.A. trên một khuôn viên rộng 90.000 mét vuông gần thành phố Bologna. Toàn bộ nhà máy được xây dựng xong chỉ sau 8 tháng, và là một kiến trúc rất hiện đại thời bấy giờ với nhiều khoảng không gian mở và vật liệu kính ở khắp mọi nơi. Ông đã phải bỏ ra số tiền 500 triệu Lire để biến giấc mơ của mình thành hiện thực.Yếu tố quyết định của một nhà máy sản xuất ô tô không phải là máy móc, mà là con người. Do đó Ferruccio bắt đầu tuyển mộ những nhân sự giỏi nhất trong ngành, như Giotto Bizzarrini - sau khi ông này rời bỏ Ferrari, để thiết kế và sản xuất một chiếc xe V-12 cho Lamborghini. Không lâu sau đó, một động cơ đã được chế tạo xong, với 400 mã lực tại tốc độ quay 11.000 vòng/phút. Tuy nhiên, điều Ferruccio mong muốn không phải là một chiếc xe đua đơn thuần, mà là một chiếc xe thể thao hiệu suất cao (Grand Touring), nên động cơ đó đã được giảm xuống ở mức 280 mã lực tại 7.000 vòng/phút. Giotto cảm thấy không phù hợp với yêu cầu của Ferruccio nên đã sớm ra đi trước khi quá trình thử nghiệm hoàn tất. Mất Giotto, Ferruccio tuyển mộ được thêm 2 nhân vật nữa cho đội ngũ kỹ thuật của mình là Giampaolo Dallara và Giampaolo Stanzani. Bên cạnh đó, ông còn mời được Bob Wallace, một tay lái lão luyện người New Zealand, giữ chức trưởng nhóm lái thử nghiệm. Có trong tay những cộng sự đắc lực như thế, bản mẫu chiếc Lamborghini 350 GTV lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng tại Triển lãm xe Turin năm 1963. Tương lai của ALSpA rất tươi sáng trong những năm 60 của thế kỷ trước, với 350 GTV và 2 mẫu xe tiếp theo là 400 GT và 400 GT 2+2 đã góp phần giúp thương hiệu Lamborghini được biết đến trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tên tuổi của Lamborghini chỉ thật sự trở thành huyền thoại, và là ước mơ của nhiều người kể từ khi sản phẩm Lamborghini Miura được trình làng.
Những thăng trầm của một thương hiệu siêu xe
Lamborghini có một khởi đầu rất suôn sẻ, với nhà sáng lập Ferruccio lắm tiền nhiều của lại đầy đam mê, và một đội ngũ công sự đầy tài năng. Trong những năm đầu của thập kỷ 70, ALSpA tập trung sản xuất dòng Miura nổi tiếng, và đã xuất xưởng được 400 chiếc. Đây là mẫu xe đã đem lại dòng lợi nhuận đầu tiên cho Lamborghini sau 10 năm đầu tư, và nó cũng rất được khách hàng tiềm năng quan tâm. Tuy nhiên, tình hình bắt đầu chuyển biến xấu khi mảng kinh doanh đầu máy kéo của Ferruccio gặp khó khăn, và ông buộc phải bán một phần công ty ALSpA cho một nhà công nghiệp người Thụy Sĩ tên Georges-Henri Rosetti. Mặc dù Ferruccio đã khẳng định ông sẽ vẫn tiếp tục điều hành công ty, nhưng cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 đã khiến ông kiệt quệ và không lâu sau đó, Ferruccio bán nốt 49% cổ phiếu của công ty cho một người Thụy Sĩ khác là Rene Leimer. Kể từ lúc này, Lamborghini chính thức không còn liên quan gì đến người sáng lập Ferruccio nữa. Một điều rất may là 2 vị chủ mới, Georges-Henri và Rene quyết định vẫn giữ tên gọi của hãng là Lamborghini. Mặc dù vậy, những người chủ mới vẫn không thể lấy lại ánh hào quang ngày nào cho thương hiệu siêu xe của Ý. Countach, mẫu xe bán khá chạy trong giai đoạn này, vẫn không thể tạo ra dòng tiền đủ để hãng chi trả chi phí nguyên vật liệu. Vì lý do đó, nhiều khách hàng đã phải đợi đến 2 năm mới được giao xe.Tia sáng hi vọng đến với ALSpA khi hãng giành được hợp đồng sản xuất dòng xe M1 cho BMW. Tuy nhiên, thay vì bắt tay vào sản xuất theo hợp đồng, Lamborghini lại dùng nguồn tiền do BMW cấp để phát triển mẫu Cheetah cho riêng mình. Không lâu sau đó, BMW đã cắt hợp đồng sản xuất M1 với Lamborghini. Hãng xe Italia lâm vào nguy cơ phá sản. Những năm cuối của thập kỷ 70 chứng kiến một sự lao đao của Lamborghini khi bi tuyên bố phá sản bởi tòa án Italia. Hãng siêu xe trở rơi vào tình trạng "bơ vơ" vì quá trình mua lại công ty gặp nhiều trục trặc. Tình hình chỉ bắt đầu khá hơn từ năm tháng 7/1980, khi hai anh em Mimran người Thụy Sĩ nhảy vào cuộc. Họ mua lại Lamborghini vào năm 1984 với giá khoảng 3 triệu USD và hãng xe được đổi tên thành Nuova Automobili Ferruccio Lamborghini S.p.A. (NAFLSpA). Một số mẫu xe phát triển dưới thời nhà Mimran gồm có Countach, Cheetah và Jalpa.NAFLSpA bắt đầu làm ăn có lãi trở lại thì đùng một cái, vào tháng 4 năm 1987, chủ tịch tập đoàn Crysler là Lee Iacocca tuyên bố ông đã mua lại công ty Sant'Agata của Patrick Mimran. Crysler đổi tên hãng xe trở lại cái tên cũ, đồng thời giữ nguyên bộ khung nhân sự. Hoạt động dưới sự điều hành của ông chủ Mỹ trong khoảng 5 - 7 năm, Lamborghini tiếp tục bị bán đi vì Crysler nhận ra rằng lối kinh doanh của Lamborghini vẫn là nhỏ lẻ và không phù hợp với phong cách của một hãng lớn như Crysler.  Trong tay các ông chủ mới đến từ vùng viễn đông, nhân sự của Lamborghini có nhiều thay đổi. Giai đoạn này cũng đánh dấu sự ra đời của dòng xe Diablo VT Roadster, một sản phẩm rất thành công tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, niềm vui chẳng tày gang, cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á cuối những năm 90 đã khiến cho những ông chủ Indonesia lâm vào khó khăn. Lamborghini cố gắng bấu víu vào cái bóng của Diablo nhưng vô ích. Giám đốc điều hành của hãng là Di Capua bắt đầu tiến hành các cuộc thương lượng hợp tác với tập đoàn Audi AG để sử dụng động cơ của hãng trên sản phẩm của Audi. 
Lịch sử thương hiệu thăng trầm của siêu xe Lamborghini ảnh 3
Bất ngờ xảy đến vào năm 1998 khi Ferdinand Piëch, một quan chức cấp cao của Audi AG, tuyên bố muốn mua lại ALSpA. Di Capua thuyết phục các ông chủ Indo đồng ý bán Lamborghini cho Audi AG, và đến ngày 27/8/1998, Audi AG chính thức trở thành chủ nhân duy nhất của hãng siêu xe Ý. Tập đoàn của Đức đã đầu tư khá nhiều tiền của cũng như nhân sự cấp cao vào Lamborghini, để đưa hãng xe từ chỗ bết bát trở lại vị trí đáng tự hào như ngày hôm nay. Những mẫu xe nổi tiếng như Gallardo, Murciélago hay Reventón đều được sáng tạo ra dưới thời của Audi AG.
Theo Tinhte