Toàn cảnh bức tranh thừa, thiếu giáo viên của các tỉnh thành

13/11/2020 06:05
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ở nhiều địa phương có tình trạng đủ số lượng biên chế được giao nhưng không bảo đảm tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Triển khai Nghị quyết 88, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ đã xây dựng cơ sở dữ liệu về đội ngũ toàn ngành làm căn cứ để xác định thực trạng thừa, thiếu giáo viên theo môn học, cấp học, từ đó có các giải pháp kịp thời, phù hợp;

Đồng thời chỉ đạo các trường sư phạm phối hợp với các địa phương rà soát nhu cầu giáo viên theo từng môn học, cấp học theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới để gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng;

Triển khai Chương trình phát triển giáo dục các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên (ETEP) phối hợp với các trường sư phạm chủ chốt (gồm Trường Đại học sư phạm Hà Nội; Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2; Trường Đại học sư phạm - Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học sư phạm - Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học sư phạm - Đại học Huế; Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Vinh; Học viện Quản lý Giáo dục) và các địa phương tổ chức xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức các khóa bồi dưỡng tập trung phát triển các năng lực nghề nghiệp nền tảng, cốt lõi cho giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông.

Qua giám sát, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội thấy: Về số lượng, chất lượng thì đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông tương đối ổn định, số lượng biên chế được khống chế, giao theo quy định hiện hành.

Hầu hết các nhà giáo có trình độ đào tạo đáp ứng nhiệm vụ, có nhận thức, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tận tụy với nghề, có tinh thần trách nhiệm cao, sáng tạo và quyết tâm tự bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đây là yếu tố thuận lợi bảo đảm cho việc nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

ảnh minh họa: Lã Tiến/giaoduc.net.vn

ảnh minh họa: Lã Tiến/giaoduc.net.vn

Tuy nhiên, tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên còn diễn ra tại nhiều địa phương, đặc biệt là sự mất cân đối trong cơ cấu đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các ngành học trong cùng một trình độ đào tạo, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.

Ở nhiều địa phương có tình trạng đủ số lượng biên chế được giao nhưng không bảo đảm tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thiếu nguồn giáo viên dạy các môn học bắt buộc mới ở cấp tiểu học và trung học phổ thông.

Thêm vào đó, trình độ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế; một bộ phận giáo viên thiếu động lực, ngại đổi mới.

Cụ thể, tại các địa phương: Quảng Ninh, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Kon Tum, Đăk Nông, Bình Dương, Bình Phước, Hậu Giang, An Giang, Cà Mau, Tuyên Quang (cấp Tiểu học thiếu 170 giáo viên, Trung học cơ sở thiếu 103 giáo viên, cấp Trung học phổ thông thiếu 69 giáo viên);

Tây Ninh (cấp Tiểu học thiếu 143 giáo viên, thừa 28 giáo viên; Trung học cơ sở thiếu 75 giáo viên, thừa 5 giáo viên; Trung học phổ thông thiếu 157 giáo viên và còn thiếu cân đối trong cơ cấu giáo viên ở một số bộ môn);

Gia Lai (cấp Tiểu học thiếu so với yêu cầu, hiện chỉ đạt 1,3 giáo viên /lớp trong khi chương trình mới đòi hỏi phải đạt tối thiểu 1,5 giáo viên /lớp. Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày còn thấp, chỉ mới chiếm 30,7% trong khi bình quân cả nước đạt khoảng 60%);

Hưng Yên (công lập thiếu là 1.511 giáo viên, gồm: 939 giáo viên tiểu học, 413 giáo viên trung học cơ sở, 159 giáo viên trung học phổ thông);

Lạng Sơn (Tiểu học thiếu 269 giáo viên, Trung học cơ sở thiếu 149 giáo viên và Trung học phổ thông thiếu 38 giáo viên).

Quảng Trị (giáo viên thừa: Tiểu học 67 giáo viên, Trung học cơ sở 102 giáo viên, Trung học phổ thông 6 giáo viên; giáo viên thiếu: Tiểu học 251 giáo viên; Trung học cơ sở 64 giáo viên, Trung học phổ thông 22 giáo viên);

Yên Bái: Tiểu học thiếu 350 giáo viên, Trung học cơ sở thiếu 331 giáo viên, Trung học phổ thông thiếu 94 giáo viên,...

Linh Hương