Tôi luôn nghiêm khắc với em nhưng em lại là cô học trò tình nghĩa nhất

21/11/2019 06:39
Phan Tuyết
(GDVN) - Khi cầm món quà được gửi về từ nơi xa, tôi vẫn không khỏi bất ngờ. Đọc tên người gửi, tôi càng không tin bởi em chính là cô học trò mà tôi luôn nghiêm khắc.

Vừa bước chân vào văn phòng trường, tôi đã được đồng nghiệp chúc mừng: “Sướng nhé, được học trò cũ tận nơi xa gửi quà về tặng ngày 20/11, nhất chị đấy!”

Học trò lớn lên mới hiểu thầy cô nghiêm khắc chính là thương các em (Ảnh minh họa: baobaclieu.vn).
 Học trò lớn lên mới hiểu thầy cô nghiêm khắc chính là thương các em (Ảnh minh họa: baobaclieu.vn).

Tưởng mọi người đùa vì giáo viên tiểu học như chúng tôi, ngày Tết thầy cô nhận được vài tin nhắn chúc mừng đã thấy vui rồi, nhận quà của học sinh đã thành đạt nơi xa gửi về là vô cùng hiếm.

Thế nên, ngay cả khi cầm trên tay món quà được gửi về từ thành phố Hồ Chí Minh tôi vẫn không khỏi bất ngờ. Đọc tên người gửi, tôi càng không dám tin bởi em chính là cô học trò mà tôi luôn nghiêm khắc nhất.

Em là Nguyễn Thị Hồng Trinh học sinh do tôi làm chủ nhiệm cách đây hơn 20 năm. Em vốn là cô bé thông minh, lanh lợi và học giỏi nhất nhì trong lớp.

Thầy cô giáo nào cũng nói em có tài “cầm cân” vì các bạn học sinh trong lớp luôn nghe lời em nói.

Ngay cả trong giờ học, chỉ cần bạn nào không chú ý, chưa cần thầy cô lên tiếng nhưng em chỉ nhắc tới tên là các bạn trật tự ngay.

Thầy cô bước ra khỏi lớp, em cầm cái thước đi lòng vòng quanh lớp và nhịp nhịp chiếc thước trên tay thì không bạn nào nói chuyện hay dám quậy phá.

Có lần, tình cờ tôi nhìn thấy giờ ra chơi nhưng một vài bạn nữ ngồi trong lớp buồn so nhìn đám bạn đang chơi ngoài sân với một sự thèm khát.

Tôi luôn nghiêm khắc với em nhưng em lại là cô học trò tình nghĩa nhất ảnh 2
Độ lượng, bao dung mới cảm hóa được học trò

Thắc mắc, tôi hỏi một cô bé: “Sao con không ra chơi với các bạn cho vui mà ngồi tại đây?”.

Cô bé ngước cặp mắt buồn ngấn nước lên nói: “Bạn Trinh không cho con chơi. Bạn cũng cấm các bạn chơi với con”.

Tôi thật sự bất ngờ trước thông tin ấy. Tôi đã gọi em lên hỏi, mới đầu em quanh co sau thì nói rằng tại em không thích bạn ấy, tại bạn ấy chửi em…

Tôi đã chỉ cho em thấy làm thế với bạn là không được và đã phạt cho em vài roi (ngày ấy giáo viên đánh học sinh chẳng bao giờ bị cha mẹ các em phản ứng, nhiều phụ huynh còn nhờ cô phạt nhiều hơn).

Tôi để ý đến em nhiều hơn và thấy em luôn tỏ ra uy quyền với bạn. Chỉ mỗi cái liếc mắt của em cũng làm một số bạn cùng trang lứa phải sợ.

Lần khác, bất ngờ tôi thấy em quát nạt bạn, đập thước chát chúa lên bàn và còn dùng thước quất một số bạn vì tội mất trật tự trong lớp.

Tôi đã gọi em lên phân tích rằng: “Con không được quyền quát nạt hay đánh bạn. Bạn nói chuyện chỉ được nhắc nhở và nói lại với cô”.

Dù cô bé hứa sẽ không làm thế với các bạn. Tôi không cho em cơ hội để sửa sai và tôi đã cách chức lớp trưởng của em phân cho một bạn khác.

Tôi biết em rất buồn vì thời ấy đám học trò cỡ tuổi như em, bạn nào cũng thích được làm lớp trưởng.

Tôi làm thế vì muốn “áp chế” em, tôi không muốn cái chức lớp trưởng sẽ biến em từ một cô bé dịu hiền trở nên hung dữ, hay cáu bẳn với bạn bè.

Học xong lớp 5, tôi cũng ít có cơ hội gặp lại em dù có thi thoảng cũng hỏi thăm để biết được em thế nào.

Bẳng đi gần 20 năm, em bất ngờ liên lạc lại và gửi tặng cô bộ áo dài, em nói muốn được nhìn thấy cô mặc bộ đồ dài trong ngày Tết nhà giáo.

Tôi luôn nghiêm khắc với em nhưng em lại là cô học trò tình nghĩa nhất ảnh 3
Khi học trò của tôi đã khôn lớn, trưởng thành!

Kể từ đó đến nay, cô trò thường xuyên liên lạc, có năm em lên nhà cả buổi chỉ cùng cô ngồi hàn huyên về những năm tháng tuổi học trò.

Những lần tôi vận động quyên góp cho những mảnh đời bất hạnh, em cũng nhiệt tình tham gia dù tôi biết cuộc sống của em vẫn chưa dư dả gì.

Em luôn nói, giúp một ai đó đâu cần đợi mình phải giàu có mới làm được? Mình giúp theo đúng khả năng của mình và ai cũng như thế sẽ có nhiều người được giúp đỡ hơn.

Tôi mừng vì em đã trưởng thành thật sự, không chỉ học đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định mà còn biết chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh trong xã hội.

Có được những học trò như thế, chính là niềm vui của tất cả những người làm nghề giáo như chúng tôi.

Phan Tuyết