Giáo viên vẫn không rõ học sinh lớp 8, 9, 11,12 kiểm tra Ngữ văn thế nào?

05/11/2022 06:40
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH và Công văn 4020/BGDĐT-GDTrH có phần mâu thuẫn như vậy, giáo viên và học sinh sẽ thực hiện ra sao cho phù hợp đây?

Trước nạn văn mẫu tràn lan trong những năm qua dẫn đến tình trạng nhiều khi “thầy chấm văn thầy” nên ngày 21/7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Tiếp đến, ngày 22/8 năm 2022 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn 4020/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023 và hướng dẫn việc thực hiện kiểm tra, đánh giá theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH đối với khối lớp 6, lớp 7, lớp 10, khuyến khích các lớp còn lại.

Như vậy, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn trong năm học này sẽ có nhiều thay đổi hơn trước đây. Nhưng, văn mẫu vẫn tồn tại và cách hiểu của các trường, các địa phương một cách cặn kẽ, chi tiết về Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH vẫn đang rất khác nhau.

Môn Ngữ văn có nhiều thay đổi trong giảng dạy, đánh giá kết quả học tập. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Môn Ngữ văn có nhiều thay đổi trong giảng dạy, đánh giá kết quả học tập.

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Giáo viên băn khoăn trong đánh giá, kiểm tra

Mỗi chuyện đổi mới kiểm tra môn Ngữ văn ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông trong năm học này ra sao thì ngay bộ phận chuyên môn của Bộ chỉ đạo cũng gây khó hiểu cho giáo viên.

Bởi lẽ, hiện nay cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đang dạy song song 2 chương trình khác nhau. Lớp 6, lớp 7 và lớp 10 dạy chương trình 2018; các lớp 8, lớp 9, lớp 11 và lớp 12 dạy chương trình 2006. Tất nhiên, mục tiêu của 2 chương trình đặt ra cũng hoàn toàn khác nhau.

Ngày 21/7/2022 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH và hướng dẫn việc đổi mới cách đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn như sau:

Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểuviết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn” (chúng tôi in đậm một số từ cần lưu ý).

Nếu căn cứ vào hướng dẫn của Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH thì việc đánh giá “cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học” đối với môn Ngữ văn “tránh” (có nghĩa là không được lấy) những văn bản đã học để làm ngữ liệu cho phần “đọc hiểu” và phần “viết”.

Điều này cũng đồng nghĩa là giáo viên chỉ có thể ôn tập cho học sinh các đơn vị kiến thức về tiếng Việt bằng cách nắm được khái niệm và các dạng bài tập. Phần tập làm văn thì hướng dẫn học sinh triển khai bố cục, triển khai các luận điểm, luận cứ, lập luận và cách thức làm bài…

Riêng với lớp 9 và lớp 12 đang học phần nghị luận văn học và lâu nay vẫn đang thực hiện kiểm tra, thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp bằng cách phân tích, cảm nhận, suy nghĩ về một tác phẩm văn học cụ thể có trong sách giáo khoa.

Nay, theo hướng dẫn của Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH, người ra đề sẽ thực hiện yêu cầu học sinh phân tích, cảm nhận một tác phẩm văn học ngoài sách giáo khoa.

Điều chúng tôi thấy băn khoăn là trong cụm từ “cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học” vì theo Thông tư 58; Thông tư 26; Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ. Bài kiểm tra định kỳ có bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ, không có bài kiểm tra nào dành cho “cuối năm học”?

Riêng cụm từ “cuối cấp học” thì có hiểu là bài thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông được không?.

Điều đáng băn khoăn nữa là, ngày 21/7 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH thì đến ngày 22/8 năm 2022 Bộ ban hành Công văn 4020/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023 lại có sự khác nhau.

Nếu như, Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH được hiểu là áp dụng cho tất cả các lớp học ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thì Công văn 4020/BGDĐT-GDTrH lại hướng dẫn: “Đối với môn Ngữ văn, thực hiện kiểm tra, đánh giá theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH đối với khối lớp 6, lớp 7, lớp 10; khuyến khích các nhà trường vận dụng kiểm tra, đánh giá theo Công văn này đối với khối lớp 8, 9, 11 và lớp 12”.

Như vậy, việc hướng dẫn môn Ngữ văn cho năm học 2022-2023 có thể được hiểu theo cách nào cũng được. Nhưng, sau chỉ đạo của Bộ thì một số sở, phòng giáo dục chỉ chỉ đạo thực hiện giảng dạy, kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH mà thôi.

Rốt cuộc, giáo viên Ngữ văn ở các nhà trường không biết kiểm tra, đánh giá theo công văn nào?

Nếu theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH thì tất cả các lớp đều “tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểuviết” mà theo Công văn 4020/BGDĐT-GDTrH thì chỉ khuyến khích các lớp dạy chương trình 2006 thực hiện theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH mà thôi.

Bộ không có chỉ đạo rõ ràng, sẽ khiến cho học sinh lớp 9 và lớp 12 lúng túng

Chương trình 2006 ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông còn 2 năm nữa mới thực hiện cuốn chiếu xong và có lẽ giáo viên môn Ngữ văn ở các nhà trường vẫn muốn Bộ có một chỉ đạo rõ ràng hơn.

Bởi lẽ, nếu giáo viên dạy, định hướng kiểm tra theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH thì tất cả các bài kiểm tra cuối kỳ và chuẩn bị cho thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông đều lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.

Hiểu một cách đơn giản, cấu trúc đề bài kiểm tra, thi môn Văn hiện nay chỉ có 2 phần: phần đọc hiểu và phần viết đều không thể lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa. Nhưng, nếu giáo viên dạy, định hướng cho học sinh theo thực hiện theo Công văn 4020/BGDĐT-GDTrH thì việc kiểm tra học kỳ ở các lớp đang thực hiện chương trình 2006, thi chuyển cấp đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 vẫn thực hiện như trước đây vì Bộ chỉ “khuyến khích”.

Những lớp sử dụng đề kiểm tra của sở, phòng giáo dục hay nhà trường không quá lo nhưng nếu đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà Bộ ra theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH là học sinh và giáo viên trở tay không kịp vì một môn học trong một năm học có 2 cách chỉ đạo khác nhau.

Mấy chục năm nay, các đề thi chung cho học sinh lớp 12 chỉ có phần đọc hiểu (3,0- 4,0 điểm) luôn lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa nhưng ở phần viết (6,0-7,0 điểm) đều lấy “các văn bản đã học trong sách giáo khoa”, ngay cả đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia môn Ngữ văn cũng thường như vậy.

Năm học này, Bộ ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH và Công văn 4020/BGDĐT-GDTrH có phần mâu thuẫn như vậy, giáo viên và học sinh sẽ thực hiện ra sao cho phù hợp đây?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG