LTS: Trước thực trạng sao chép sáng kiến kinh nghiệm trong ngành giáo dục đang ngày một phổ biến như hiện nay, là một nhà giáo - tác giả Sông Trà đã đưa ra suy nghĩ trước vấn đề trên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Báo chí đưa tin, ngày 8/12, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học với các vấn đề trọng tâm là cải tiến, nâng cao chất lượng và hạn chế tình trạng sao chép sáng kiến kinh nghiệm.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định:
“Việc triển khai công tác đúc kết sáng kiến kinh nghiệm có ý nghĩa quan trọng đối với ngành giáo dục. Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ cốt cán và thực hiện các phong trào thi đua; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”.
Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, thời gian qua, việc triển khai sáng kiến kinh nghiệm ngày càng khó khăn.
Quá trình thực hiện vẫn còn có sự đối phó, “đạo” sáng kiến kinh nghiệm để xếp thi đua. Điều này, nếu làm không đúng sẽ là “phi giáo dục” và “phản tác dụng”.
Vẫn chưa hết lo âu vì ...sáng kiến kinh nghiệm |
Bên cạnh đó, một số cán bộ, quản lý, giáo viên, nhân viên chưa nhận thức sâu sắc hiệu quả của hoạt động đúc kết sáng kiến kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng công tác quản lý, giáo dục trong các nhà trường.
Vì vậy, vẫn có nhiều trường hợp chưa thật sự lấy kinh nghiệm từ bản thân mình để đúc kết thành sáng kiến mà còn lấy ý tưởng của các đồng nghiệp, các sáng kiến kinh nghiệm trên mạng xã hội để "xào nấu" thành sản phẩm riêng.
Hoạt động này ở một số đơn vị còn mang tính chiếu lệ, đối phó… Việc áp dụng triển khai kết quả các sáng kiến kinh nghiệm có nơi, có lúc ở một số cơ sở giáo dục chưa được chú ý đúng mức.
Không ít trường hợp viết sáng kiến kinh nghiệm để làm thi đua khen thưởng chứ chưa xuất phát từ niềm đam mê khoa học và xuất phát từ thực tiễn.
Từ việc đánh giá đúng thực trạng trên, hội thảo cũng đã có nhiều ý kiến chia sẻ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đúc kết sáng kiến kinh nghiệm.
Đồng thời, đề xuất các giải pháp để áp dụng các sáng kiến kinh nghiệm vào trong các nhà trường, góp phần thực hiện thành công công cuộc đổi mới của ngành giáo dục.
Trước đó, đầu tháng 6/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cũng đã có công văn yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương có biện pháp chấn chỉnh và xử lý theo quy định về những sáng kiến kinh nghiệm sao chép lẫn nhau, báo cáo kết quả cho Chủ tịch tỉnh trước ngày 20/6/2017.
Có yêu cầu là vì 17 sáng kiến của ngành giáo dục trong năm học 2016 - 2017 sao chép mà không chịu “chế biến lại” nhưng lọt qua hội đồng khoa học nhà trường và nộp lên hội đồng khoa học thành phố của Phòng Giáo dục và Đào tạo Phan Rang-Tháp Chàm qua phản ánh của Báo Thanh niên.
Hội thảo khoa học về giải pháp nâng cao chất lượng sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên tại Nghệ An, ảnh: Báo Nghệ An. |
Là người trong ngành giáo dục, tôi hoan nghênh những hoạt động và yêu cầu của một số địa phương liên quan đến việc làm sáng kiến kinh nghiệm ở lĩnh vực giáo dục.
Nó giúp cho công tác này đi vào thực chất, có tác dụng khoa học và thực tiễn cao, giảm thiểu được tình trạng tiêu cực, sao chép sáng kiến của nhau, đã từng xảy ra nhiều trong thời gian qua ở các địa phương.
Cần nói thêm, theo Nghị định 88/2017/CP-NĐ mới ban hành, chỉ sửa đổi các Điều 26, 27 của Nghị định 56/2015, cụ thể là xếp loại viên chức (giáo viên) ở mức Hoàn thành tốt nhiệm vụ và mức Hoàn thành nhiệm vụ không cần điều kiện phải:
“Có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả...”.
Như vậy, về đánh giá và xếp loại, nhiều giáo viên ở các bậc học được “thoát” làm sáng kiến, song diện giáo viên được đánh giá và xếp loại mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm vẫn phải làm sáng kiến.
Còn khi đăng ký và được xem xét công nhận các danh hiệu thi đua như: chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh… đối với cán bộ, giáo viên vẫn phải làm sáng kiến theo các Luật, Nghị định, Thông tư, các quy định, văn bản hướng dẫn hiện hành của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về công tác thi đua, khen thưởng.
Theo Thông tư 21 năm 2010, Thông tư 43 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì sáng kiến là một yêu cầu bắt buộc đối với các giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi, hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi từ cấp trường trở lên.
Trường hợp được tính thay thế cho sáng kiến với điều kiện các thầy cô giáo có những thành tích, đạt giải cao ở các kỳ thi, hội thi… từ cấp tỉnh trở lên theo Thông tư 35 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Căn cứ vào những quy định, văn bản hiện hành và điều chỉnh mới nhất thì số cán bộ, giáo viên ngành giáo dục hàng năm phải làm sáng kiến không còn nhiều, khoảng 30-40% tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên (nhiều khi còn phụ thuộc cách đánh giá của từng đơn vị, vào số lượng giáo viên đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tham gia các hội thi và đăng ký các danh hiệu, hình thức thi đua - khen thưởng).
Sáng kiến đối với danh hiệu thi đua cao vẫn còn nguyên giá trị |
Đến nay, các cơ sở giáo dục đều triển khai và thực hiện theo cách đánh giá, phân loại công chức, viên chức theo Nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của địa phương, ngành giáo dục.
Cuối tháng 12 này cũng là thời điểm của đơn vị đang gấp rút tiến hành tổ chức kiểm điểm, đánh giá, phân loại công chức, viên chức cho tất cả thành viên trong nhà trường với 4 mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ.
Thầy cô giáo nào, nếu 2 năm liên tiếp ở mức Không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ bị sa thải, tinh giảm biên chế theo Luật định.
Thực tế, diện này rất hiếm khi xảy, trừ trường hợp các thầy, cô giáo muốn nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 108 của Chính phủ.
Còn diện thầy cô giáo được đơn vị đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm, tùy vào cách đánh giá của từng nhà trường, thường dao động trong khoảng từ 30-50% tổng số cán bộ, thầy cô giáo, nhân viên.
Có người đạt loại xuất sắc thì phấn khởi, tự hào, vì thành tích, công lao của mình trong cả năm hành chính được tập thể, đồng nghiệp ghi nhận.
Tuy nhiên cũng có không ít thầy cô giáo không được vui cho lắm, vì được xếp loại xuất sắc thì đồng nghĩa với việc phải làm và nộp Sáng kiến cho Hội đồng đánh giá Sáng kiến của nhà trường thẩm định, cho điểm, xếp loại đạt hay không đạt.
Ôi, biết làm sao bây giờ? Đã là quy định của cấp trên thì phải thực hiện.
Mong sao các thầy cô giáo đều có nhận thức đúng đắn về hoạt động khoa học, chuyên môn mang tính giá trị và mục đích tốt đẹp này.
Quan trọng hơn, mỗi thầy cô giáo luôn biết tìm tòi, sáng tạo để “ra lò” các Sáng kiến chất lượng, do chính mình làm, từ nay xin đừng sao chép, “ xào nấu”…. của đồng nghiệp nữa và Hội đồng chấm Sáng kiến từ cấp trường trở lên hãy công tâm, khách quan trong đánh giá, phân loại Sáng kiến, không để “lọt” những Sáng kiến kém chất lượng, sao chép của người khác.