Trường CĐSP chật vật trong giữ chân sinh viên sư phạm theo học đến năm cuối

18/04/2023 06:35
Phương Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh cũng đang có kế hoạch hỗ trợ mỗi tháng học 1.000.000 đồng/sinh viên để giúp các em yên tâm học tập, không bỏ dở chương trình.

Thiếu hụt nhân lực, trường phải mời giảng viên nghỉ hưu thỉnh giảng

Quy định mới của Luật Giáo dục 2019 có sự thay đổi về yêu cầu trình độ đối với đội ngũ giáo viên, cụ thể, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở phải đạt chuẩn trình độ đào tạo từ đại học trở lên, điều này khiến nhiều trường cao đẳng sư phạm bị thu hẹp hoạt động đào tạo dẫn đến hàng loạt khó khăn.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lê Quang Phú - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh cho biết: trước đây, Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh đào tạo các ngành học sư phạm đảm bảo chất lượng và số lượng giáo viên đáp ứng nhu cầu nhân lực sư phạm trên địa bàn. Tuy nhiên, từ khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực đã tạo ra nhiều thách thức đối với nhà trường và ngành giáo dục của tỉnh.

Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh. Nguồn: Fanpage nhà trường.

Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh. Nguồn: Fanpage nhà trường.

Trong 4 năm trở lại đây, nhà trường đã ngừng tuyển ngành sư phạm tiểu học và trung học cơ sở. Từ chỗ được đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, nay trường chỉ được đào tạo sư phạm mầm non khiến một số giảng viên của hai ngành không tuyển sinh nữa không có tiết dạy, phải luân chuyển công tác sang đơn vị mới phù hợp hơn.

Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm số lượng giảng viên phải luân chuyển công tác không nhiều tuy nhiên cũng gây băn khoăn, trăn trở cho lãnh đạo nhà trường.

Nhà trường hiện có 70 giảng viên (trong đó có 1 giảng viên trình độ tiến sĩ, 47 giảng viên trình độ thạc sĩ, còn lại là trình độ đại học). Theo chia sẻ của thầy Lê Quang Phú số lượng giảng viên đào tạo ngành sư phạm mầm non này trên thực tế vẫn chưa đáp ứng đủ số lượng để sắp xếp lịch dạy, bài toán về đội ngũ giảng viên đang được nhà trường chủ động khắc phục.

Để tháo gỡ khó khăn thiếu hụt nhân lực giảng dạy, năm 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh đã điều động 2 giảng viên ngành giáo dục mầm non về trường để tăng cường hỗ trợ. Đến đầu năm 2023, nhà trường tiếp tục có kế hoạch tuyển thêm 3 giảng viên cho các ngành: Tâm lý giáo dục, Lịch sử Đảng và Sinh học.

Trong trường hợp không thể tuyển thêm giảng viên, nhà trường sẽ mời giảng viên một số trường khác hoặc mời chính giảng viên đã nghỉ hưu về thỉnh giảng để đảm bảo chất lượng đào tạo cho sinh viên trong trường.

Cũng theo thông tin của lãnh đạo trường, ngoài đào tạo ngành sư phạm mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh hiện còn đào tạo thêm các ngành ngoài sư phạm như: Công nghệ thông tin, Tiếng Anh, Quản trị văn phòng.

Về định hướng phát triển nhà trường, Thạc sĩ Lê Quang Phú bày tỏ: “Chúng tôi đang đứng giữa ngã ba, không biết đi đâu về đâu trong tương lai. Hiện đơn vị đang có phương án chuyển đổi trường trở thành phân hiệu của Trường Đại học Sài Gòn. Tuy nhiên đến nay quá trình triển khai vẫn đang gặp phải khó khăn vì vướng phải nhiều thủ tục”.

Thầy Phú nhận định, để có định hướng phát triển lâu dài nhà trường cần chủ động để thích nghi với sự quy hoạch, chuyển đổi của ngành sư phạm. Thời gian tới, Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh đang xem xét hướng chuyển thành phân hiệu của một trường đại học hoặc sáp nhập với một cơ sở giáo dục đại học theo sự sắp xếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhiều chính sách hỗ trợ, sinh viên vẫn không mặn mà với ngành học

Một vấn đề nữa khiến Thạc sĩ Lê Quang Phú băn khoăn chính là việc giữ chân sinh viên sư phạm theo học đến năm cuối và tốt nghiệp ra trường đang ngày càng chật vật. Trong 2 năm học 2021-2022 và 2022-2023 nhà trường được giao 160 chỉ tiêu tuyển sinh và số lượng sinh viên đầu vào của trường đạt 140 em.

Tuy vậy, trong quá trình học, nhiều sinh viên có tình trạng thôi học, bỏ học hoặc chuyển sang học các trường đào tạo hệ đại học. Theo thầy Phú, nguyên nhân chủ yếu là do ngành học chưa thu hút sinh viên, đồng thời sau khi học xong, sinh viên ra trường phải đảm nhận công việc vất vả với mức lương và mức đãi ngộ thấp. Dự báo đến thời điểm ra trường, Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh chỉ còn khoảng 100 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm mầm non.

Tuyển sinh ngành sư phạm mầm non gặp nhiều khó khăn. Nguồn: Báo Chính phủ.

Tuyển sinh ngành sư phạm mầm non gặp nhiều khó khăn. Nguồn: Báo Chính phủ.

Bàn về về vấn đề này, thầy Phú cho hay để giữ chân sinh viên đào tạo tại trường, ngoài Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sự phạm (3,63 triệu đồng/tháng), Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh cũng đang có kế hoạch hỗ trợ mỗi tháng học 1.000.000 đồng/sinh viên để giúp các em yên tâm học tập, không bỏ dở chương trình.

Cùng chung nỗi trăn trở, Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định trong 2 năm nay lượng sinh viên ngành mầm non đầu vào chỉ đạt khoảng 50% chỉ tiêu được giao (Bộ Giáo dục và Đào tạo giao 117 chỉ tiêu).

Trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ Trịnh Thị Quỳnh – Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường cho biết tuy nhà trường đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên trong quá trình theo học nhưng số lượng tuyển sinh trong 2 năm gần đây vẫn không đạt đủ chỉ tiêu. Theo Thạc sĩ Trịnh Thị Quỳnh ngoài tác động của Luật Giáo dục 2019 khiến quy mô đào tạo bị thu hẹp thì có rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến việc không tuyển sinh đủ chỉ tiêu trong các khóa đào tạo.

Cô Quỳnh chia sẻ: “Học sinh trung học phổ thông có xu hướng yêu thích làm giáo viên tiểu học hoặc trung học cơ sở hơn giáo viên mầm non. Giáo viên mầm non có khối lượng công việc khá nhiều nhưng mức lương còn chưa phù hợp nên các bạn trẻ ít có mong muốn theo đuổi”.

Để thu hút người học tham gia tuyển sinh và động viên, khích lệ những sinh viên đang theo học, Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định đã có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời. Trong 3 năm học tại trường, sinh viên sẽ được ở, sinh hoạt miễn phí tại ký túc xá, ngoài ra, trong các kỳ học trường luôn có chế độ học bổng cao cho các sinh viên có kết quả học tập tốt, tạo môi trường đào tạo sôi nổi, lành mạnh.

Đặc biệt, trường đã chủ động trong công tác hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho sinh viên ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Cô Trịnh Thị Quỳnh thông tin thêm: “Người học mới ra trường đều được đảm bảo có việc làm luôn, thậm chí ngay trong quá trình học các em đã được nhà trường kết nối với các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn.

Đối với sinh viên lựa chọn vừa học, vừa đăng ký đi làm tại các lớp mầm non, ban lãnh đạo nhà trường sắp xếp lịch học vào buổi sáng để tạo điều kiện cho sinh viên đi làm vào buổi chiều". Theo cô Quỳnh đây là cơ hội để sinh viên vừa được thực hành nghề nghiệp, vừa có thêm một khoản hỗ trợ chi trả có cuộc sống hàng ngày.

Nhờ có chính sách hỗ trợ kịp thời nên Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định không gặp phải tình trạng sinh viên bỏ học, thôi học giữa chừng. Việc nắm bắt tâm lý sinh viên luôn được các giáo viên của trường lưu tâm, ngoài giảng dạy, thầy cô cũng trở thành người bạn để tâm tư, đồng hành chia sẻ khó khăn, niềm vui đối với các sinh viên.

Cô Trịnh Thị Quỳnh tâm sự: “Ban lãnh đạo rất vui và tự hào khi các em sinh viên theo học sau khi ra trường đều làm việc tận tâm với nghề. Nhà trường luôn cố gắng hết mình để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sinh viên theo học, hy vọng trong đợt tuyển sinh năm nay sẽ đảm bảo được số lượng mà chỉ tiêu đưa ra”.

Phương Nga