Các trường CĐSP đứng trước nguy cơ xóa sổ do bị hợp nhất một cách khiên cưỡng

25/03/2023 06:41
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-CĐSP là hạt nhân cốt lõi để xây dựng đại học sư phạm, đào tạo đáp ứng một cách linh hoạt các nhu cầu luôn thay đổi của thị trường lao động tại địa phương.

Tại hội thảo “Mục tiêu, sứ mạng của các trường cao đẳng sư phạm trong giai đoạn hiện nay” diễn ra ngày 23/3/2023, đại diện phía Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cùng lãnh đạo một số các trường cao đẳng sư phạm đã bày tỏ quan điểm và đưa ra kiến nghị nhằm giúp cho hệ thống các trường cao đẳng sư phạm nói riêng và hệ thống trường sư phạm nói chung được phát triển hơn.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Đặng Văn Định - Trưởng ban nghiên cứu và phân tích chính sách (Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam) khẳng định, hệ thống các trường cao đẳng sư phạm địa phương đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ đào tạo của mình trong hơn 6 thập kỷ qua, đặc biệt là trong việc đào tạo chương trình giáo dục phổ thông, giúp nâng tầm giáo dục phổ thông nước sánh ngang với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tiến sĩ Đặng Văn Định phát biểu tại Chương trình hội thảo (Ảnh chụp màn hình).

Tiến sĩ Đặng Văn Định phát biểu tại Chương trình hội thảo (Ảnh chụp màn hình).

"Có đến hơn 80% số giáo viên góp phần nên những thành quả ấy là giáo viên được đào tạo và bồi dưỡng ở các trường cao đẳng sư phạm trên toàn quốc hoàn thành tốt sứ mệnh và vai trò của mình, góp phần rất lớn vào sự phát triển của ngành giáo dục.

Đó là những minh chứng để khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của các trường cao đẳng sư phạm địa phương trong đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho đất nước", Tiến sĩ Đặng Văn Định nhấn mạnh.

Tuy nhiên, những năm gần đây, các cơ sở cao đẳng sư phạm lại gặp nhiều khó khăn bởi nhiều lý do.

Trước hết, do không được đào tạo giáo viên tiểu học, trung học cơ sở khiến đối tượng tuyển sinh thu hẹp. Trong khi đó, hiện tượng thiếu, thừa giáo viên phổ thông trở nên gay gắt trong 5 năm trở lại đây. Năm học 2018-2019 cả nước thiếu 75.970 giáo viên so với định mức giáo viên /lớp theo quy định; Năm học 2021-2022, số giáo viên thừa là 2.161 người và số giáo viên thiếu là 101.745 người. Lượng giáo viên bỏ việc lên tới 16.000 người.

Bên cạnh đó, các trường cao đẳng sư phạm còn phải đối mặt với việc cắt giảm chi thường xuyên theo tinh thần Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

Không những vậy, các trường cao đẳng sư phạm đang đứng trước nguy cơ bị xóa do bị hợp nhập một cách khiên cưỡng.

Đề khắc phục những vấn đề khó khăn liên quan đến các trường cao đẳng sư phạm, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề nghị:

Trước mắt, không sáp nhập các trường cao đẳng sư phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội về việc này. Bởi, việc tổ chức sắp xếp lại các cơ sở đào tạo trên từng địa bàn là đúng, nhưng cần phân biệt sáp nhập các trường nghề vào trường sư phạm khác với sáp nhập trường sư phạm vào các trường nghề.

Bên cạnh đó, cho phép thực hiện quy trình đào tạo kết hợp 3+1: 3 năm (tại trường cao đẳng sư phạm địa phương) + 1 năm (tại trường đại học sư phạm trọng điểm) để thực hiện tốt Luật Giáo dục, Nghị định 116/2020/NĐ-CP và Nghị định 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Đây là mô hình hiện nay đang được nhiều nước áp dụng và được xem như một giải pháp quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng học tập cho học sinh ở các vùng khó khăn.

Để làm được điều đó tại các địa phương cần sớm thành lập một hội đồng tư vấn. Có thể gọi là “Hội đồng Giáo dục – Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực” (bao gồm đại diện các sở, ban, ngành liên quan của địa phương, đại diện cộng đồng địa phương,…).

Hội đồng làm chức năng tham mưu cho lãnh đạo địa phương về quy hoạch phát triển giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nói chung cũng như nguồn nhân lực cho giáo dục đào tạo nói riêng, trên cơ sở bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương qua từng thời kỳ, thậm chí qua từng năm, điều mà các chiến lược/kế hoạch ở tầm quốc gia không thể thực hiện. Trong tương lai gần, khi cả nước chỉ còn một hệ thống giáo dục - đào tạo thống nhất, hội đồng trên càng phát huy tác dụng mạnh mẽ.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần chỉ đạo các trường cao đẳng sư phạm tự xây dựng Đề án phát triển nhà trường theo hướng duy trì sự ổn định và phát triển trước mắt và lâu dài.

Tiến sĩ Đặng Văn Định nhấn mạnh, cao đẳng sư phạm là hạt nhân cốt lõi để xây dựng đại học sư phạm/ Trung tâm văn hóa của tỉnh – địa chỉ đào tạo đáp ứng một cách linh hoạt các nhu cầu luôn thay đổi của thị trường lao động tại địa phương.

Mặt khác, các trường cao đẳng sư phạm thuộc mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm. Mạng lưới này cần:

Thứ nhất, thực hiện phân tầng hệ thống trường sư phạm thành các cơ sở giáo dục sư phạm ở trung ương (đại học sư phạm, đại học giáo dục trọng điểm), các cơ sở giáo dục sư phạm ở địa phương (các trường/khoa đại học sư phạm địa phương, các trường/khoa cao đẳng sư phạm địa phương); định rõ chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Thứ hai, hướng tới một hệ thống sư phạm mở. Các cơ sở sư phạm trở thành trường giáo dục thuộc đại học đa lĩnh vực, hoặc khoa sư phạm trong trường đại học/cao đẳng địa phương.

Thứ ba, trong khoảng 10 năm tới, việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên tổ chức chủ yếu theo địa chỉ, chưa theo cơ chế thị trường hoàn toàn. Chính quyền địa phương cần căn cứ vào nhu cầu thực tế về giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở của địa phương để giao chỉ tiêu đào tạo, đồng thời với việc nâng chuẩn cho trường cao đẳng/đại học sư phạm địa phương của mình.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần khuyến khích các địa phương thành lập cụm trường liên kết trên địa bàn của mình. Những giá trị tích cực của công cuộc đổi mới giáo dục đại học của Việt Nam, cho thấy việc thiết lập một hệ thống giáo dục đại học mở thông qua triển khai quy trình đào tạo mới là hết sức cần thiết. Đặc biệt là trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nếu thực hiện được chuyển đổi số theo cách làm này, thì đây chính là giải pháp tổng thể để duy trì sự ổn định và tạo cơ hội phát triển bền vững cho các hệ thống trường đại học - cao đẳng địa phương, trong đó có hệ thống các trường sư phạm.

Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ Trịnh Thị Xim - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương bày tỏ quan điểm, trước sự thay đổi của bối cảnh hiện nay, các trường cao đẳng sư phạm cũng cần có sự chuyển mình thích hợp để phát triển nhà trường.

Hiện, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương đang từng bước hoàn thiện Đề án vị trí việc làm, tiếp tục tái cơ cấu, tổ chức, bộ máy hợp lí hơn nữa nhằm đảm bảo đúng người, đúng việc, đúng chuyên môn, nghiệp vụ để phù hợp các văn bản quy định của Nhà nước và với tình hình thực tiễn. Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ có chất lượng tốt phục vụ cho sự phát triển chung của Nhà trường.

Hơn nữa, nhìn từ những kết quả đạt được, qua những chương trình đào tạo hợp tác quốc tế của trường, có nhiều em đã trở thành những giáo viên có chất lượng cao, những chuyên gia đầu ngành.

Trong những năm tới, Nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, bắt kịp các xu hướng nghiên cứu về giáo dục mầm non đang được các nước trên thế giới và trong nước quan tâm. Triển khai đào tạo giáo viên theo các mô hình, phương pháp giáo dục tiên tiến.

Để khắc phục những tồn tại, vướng mắc của các trường cao đẳng sư phạm hiện nay, Tiến sĩ Trịnh Thị Xim cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như sau:

Nâng cao chất lượng giảng dạy, khẳng định chất lượng và hiệu quả của các khoa đào tạo - bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ giáo dục mầm non, phương pháp tiên tiến;

Tư vấn cho phụ huynh học sinh về tầm quan trọng của giáo dục mầm non, giá trị và cơ hội phát triển của trẻ khi trẻ được áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến. Xây dựng các chương trình đào tạo - bồi dưỡng về giáo dục mầm non cho cha mẹ trẻ;

Duy trì hình thức học trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi cho học viên ở xa, không có điều kiện về học trực tiếp tại trường;

Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài nhà trường, các tổ chức quốc tế để xây dựng, phát triển, tổ chức các chương trình đào tạo - bồi dưỡng ngắn hạn;

Phát huy vai trò của công nghệ thông tin truyền thông để chia sẻ, hỗ trợ, định hướng cho người học;

Hơn nữa, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần sớm ban hành Quy chế đào tạo trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non để các trường cao đẳng sư phạm làm căn cứ triển khai các hoạt động phù hợp giai đoạn hiện nay, giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các nhà trường; ban hành văn bản pháp lý tạo điều kiện cho các trường cao đẳng sư phạm tham gia công tác bồi dưỡng phục vụ cho sự phát triển ngành giáo dục mầm non của đất nước.

Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ Đặng Thị Quỳnh Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế cho hay, trong 5 năm vừa qua, Nhà trường đã và đang liên kết với các trường đại học trong và ngoài tỉnh để tuyển sinh đào tạo liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học đáp ứng với yêu cầu của Luật Giáo dục 2019 với số lượng 1.669 học viên như liên kết với Trường Đại học Sư phạm Huế, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao-Hà Nội, Trường Đại học Nghệ thuật Huế,...

Dự kiến theo đề án sắp tới của tỉnh thì Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế sẽ hợp nhất cùng 02 trường là Trường Cao đẳng nghề Thừa Thiên Huế, Trường Cao đẳng Giao thông Huế. Vị này lo ngại việc sáp nhập sẽ làm kìm hãm sự phát triển của trường cao đẳng sư phạm.

Khánh An