Trường ĐH Duy Tân: Nhiều ngành tuyển vượt, ngành không có người nhập học

20/12/2023 06:38
Phạm Thi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều ngành ở Trường Đại học Duy Tân tuyển vượt chỉ tiêu, trong khi đó một số ngành lại “èo uột” sinh viên nhập học.

Trường Đại học Duy Tân được thành lập từ ngày 11/11/1994 theo Quyết định Số 666/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2015, Trường đã chuyển đổi sang loại hình tư thục theo Quyết định số 1704/QĐ-TTg ngày 02/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo thông tin website của Trường Đại học Duy Tân, hơn 28 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã tuyển sinh được 63 nghiên cứu sinh, 3.045 học viên cao học, 109.130 sinh viên đại học cao đẳng, 12.400 học viên trung cấp chuyên nghiệp (dừng tuyển sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp từ 2012 và từ năm 2018 trường không tuyển sinh hệ cao đẳng).

Trường Đại học Duy Tân có sứ mạng: “Đào tạo gắn liền với nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu”.

Hiện, Trường Đại học Duy Tân do Tiến sĩ Lê Nguyên Bảo làm Hiệu trưởng.

Nhiều ngành tuyển vượt chỉ tiêu, ngành không có sinh viên nhập học

Thông tin từ đề án tuyển sinh năm 2023 cho thấy, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm 2021 là 6.200 sinh viên và số sinh viên trúng tuyển nhập học là 6.616 (vượt 416 sinh viên, tương đương vượt 6,7%). Năm 2022, tổng chỉ tiêu của trường vẫn giữ nguyên, số sinh viên nhập học là 6.283 sinh viên (vượt 83 sinh viên, tương đương 1,3%).

Căn cứ theo khoản 3, Điều 10, Chương II, Nghị định 04/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ngày 22/1/2021 và Nghị định 127/2021/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP quy định:

Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ đại học vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 03% đến dưới 10%;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 10% đến dưới 15%;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 15% đến dưới 20%;

d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 20% trở lên.

Một số ngành số sinh viên nhập học nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, theo dữ liệu từ đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Duy Tân.

Một số ngành số sinh viên nhập học nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, theo dữ liệu từ đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Duy Tân.

Theo dữ liệu tuyển sinh công bố tại đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Duy Tân cho thấy, có nhiều ngành trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu nhưng cũng có một số ngành số sinh viên trúng tuyển nhập học chưa đạt so với chỉ tiêu được phê duyệt.

Đáng chú ý, nhiều ngành trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu 2 năm liên tiếp (2021 và 2022), có thể kể đến như: Thiết kế đồ họa; Tài chính - Ngân hàng; Marketing; Kinh doanh thương mại; Luật; Kỹ thuật phần mềm; Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng; Kỹ thuật xây dựng; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Kỹ thuật Y sinh; Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Y khoa; Dược học; Ngôn ngữ Anh; Ngôn ngữ Trung Quốc; Ngôn ngữ Hàn Quốc; Quan hệ quốc tế; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống.

Trong đó, ngành tuyển vượt chỉ tiêu nhiều nhất là ngành Kỹ thuật phần mềm. Năm 2021 chỉ tiêu được phê duyệt của ngành này là 500 nhưng số sinh viên trúng tuyển nhập học lên tới 580 (vượt 80 chỉ tiêu, tương đương 16%). Tương tự, năm 2022, ngành này chỉ tiêu là 300 nhưng có 348 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 48 sinh viên, tương đương 16%).

20 ngành của Trường Đại học Duy Tân tuyển không đủ chỉ tiêu năm 2022.

20 ngành của Trường Đại học Duy Tân tuyển không đủ chỉ tiêu năm 2022.

Ngoài ra, năm 2022 có 20 ngành số sinh viên trúng tuyển nhập học thấp hơn so với chỉ tiêu. Đó là các ngành: Thiết kế thời trang; Quản trị nhân lực; Quản trị sự kiện; Hệ thống thông tin quản lý; Luật Kinh tế; Công nghệ sinh học; Công nghệ kỹ thuật môi trường; Công nghệ thực phẩm; Kiến trúc; Kỹ thuật điện; Khoa học máy tính; Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu; Điều dưỡng; Răng - hàm - Mặt; Việt Nam học; Ngôn ngữ Nhật; Văn học; Du lịch; Quản lý tài nguyên và môi trường; Truyền thông đa phương tiện.

Đáng chú ý, năm 2022, ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường và ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu có chỉ tiêu tuyển sinh lần lượt là 60 và 50 nhưng không có sinh viên nào nhập học.

Ngành Kiến trúc có chỉ tiêu tuyển sinh là 150 nhưng số sinh viên trúng tuyển nhập học là 117 sinh viên, thiếu 33 chỉ tiêu. Năm 2021 ngành này chỉ tuyển được 30/110 chỉ tiêu (chiếm 27%).

Phóng viên đã liên hệ với Tiến sĩ Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Duy Tân để làm rõ thông tin: Với số lượng tuyển sinh vượt chỉ tiêu nhiều ngành nhà trường làm sao đảm bảo chất lượng đào tạo? Nhà trường gặp khó khăn gì trong công tác tuyển sinh ở những ngành không tuyển đủ chỉ tiêu, ví dụ như Kiến trúc?

Tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết: “Trường công khai minh bạch về chỉ tiêu tuyển sinh. Về công tác tuyển sinh hàng năm trường đều báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Những nội dung phóng viên đề cập đã được thể hiện trong đề án tuyển sinh và được công khai trên website của Trường.

Hàng năm, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, Trường thực hiện theo đúng các Thông tư hướng dẫn về xác định chỉ tiêu tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; trong đó chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ là xác định theo ngành; đối với trình độ đại học là theo lĩnh vực đào tạo, nhóm ngành.

Trường xác định chỉ tiêu theo Thông tư số 07/2020/TT-BGDĐT ngày 20/3/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, được sửa đổi bổ sung tại Thông tư 01/2019/TT-BGDĐT ngày 28/02/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường cũng thực hiện ba công khai đúng quy định và công khai trên website".

Phóng viên đã tiến hành thống kê và cộng tổng chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên trúng tuyển nhập học Trường Đại học Duy Tân theo nhóm ngành từ dữ liệu tại đề án tuyển sinh năm 2023. Cụ thể như sau:

Nhóm ngành II, Trường Đại học Duy Tân bao gồm các ngành: Thiết kế đồ họa; Thiết kế thời trang.

Nhóm ngành III: Quản trị kinh doanh; Tài chính - Ngân hàng; Kế toán; Marketing; Kinh doanh thương mại; Quản trị nhân lực; Quản trị sự kiện; Kiểm toán; Hệ thống thông tin quản lý; Luật; Luật kinh tế.

Nhóm ngành IV: Công nghệ sinh học.

Nhóm ngành V: Kỹ thuật phần mềm; An toàn thông tin; Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ kỹ thuật môi trường; Công nghệ thực phẩm; Kiến trúc; Kỹ thuật xây dựng; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Kỹ thuật điện; Kỹ thuật y sinh; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Khoa học máy tính; Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu.

Nhóm ngành VI: Y khoa; Dược học; Điều dưỡng; Răng - Hàm - Mặt.

Nhóm ngành VII: Việt Nam học; Ngôn ngữ Anh; Ngôn ngữ Trung Quốc; Ngôn ngữ Hàn Quốc; Ngôn ngữ Nhật; Văn học; Quan hệ quốc tế; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn; Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống; Du lịch; Quản lý tài nguyên và môi trường; Truyền thông đa phương tiện.

Năm 2023-2024 quy mô đào tạo đại học lớn nhất trong vòng 5 năm qua

Nhìn chung, quy mô đào tạo trong 5 năm của trường có sự biến động, tăng giảm tùy theo từng trình độ đào tạo.

Quy mô đào tạo của Trường Đại học Duy Tân 5 năm qua, theo dữ liệu từ báo cáo ba công khai. Biểu đồ: Phạm Thi.

Quy mô đào tạo của Trường Đại học Duy Tân 5 năm qua, theo dữ liệu từ báo cáo ba công khai. Biểu đồ: Phạm Thi.

Quy mô đào tạo hệ tiến sĩ có sự biến động giữa các năm, tuy nhiên nhìn chung cả giai đoạn 2019-2023 xu hướng chung là tăng. Năm 2023, quy mô đào tạo tiến sĩ tăng 18 người, tương đương tăng 37,5% so với năm 2022.

Quy mô đào tạo hệ thạc sĩ giai đoạn 2019-2023 nhìn chung có xu hướng giảm. Đáng chú ý, năm học 2021-2022, quy mô đào tạo thạc sĩ giảm đến 246 học viên, tương đương giảm khoảng 49% so với năm học trước. Đến năm học 2022-2023 số học viên cao học có dấu hiệu tăng thêm 78 người, nâng tổng số lên 331 người. Năm học 2023-2024 Trường Đại học Duy Tân đào tạo 436 học viên cao học.

Quy mô đào tạo hệ đại học chính quy cũng có sự thay đổi qua các năm. Cụ thể, năm học 2019-2020, quy mô đào tạo là 20.005 sinh viên; năm học 2020-2021, số sinh viên giảm 924 người, còn 19.081 người. Năm học 2021-2022 số sinh viên đại học chính quy tăng thêm 4.438 người, nâng quy mô đào tạo lên 23.519 người.

Đến năm học 2022-2023, quy mô đào tạo giảm còn 21.600 người. Năm học 2023-2024 quy mô đào tạo đại học chính quy của trường lớn nhất trong 5 năm qua là 23.530 sinh viên, tăng thêm 1.930 sinh viên so với năm học 2022-2023.

Giảng viên có chức danh giáo sư chiếm tỷ lệ chưa đến 1%

Giảng viên Trường Đại học Duy Tân qua các năm, số liệu tổng hợp từ báo cáo 3 công khai.

Giảng viên Trường Đại học Duy Tân qua các năm, số liệu tổng hợp từ báo cáo 3 công khai.

Theo báo cáo ba công khai năm học 2019-2020 của Trường Đại học Duy Tân, trường có 814 giảng viên cơ hữu, trong đó có có 9 giáo sư, 46 phó giáo sư, 150 giảng viên có trình độ tiến sĩ, 411 thạc sĩ và 187 giảng viên có trình độ đại học.

Năm học 2023-2024 Trường Đại học Duy Tân có 889 giảng viên cơ hữu, trong đó có 8 giáo sư, 54 phó giáo sư, 241 giảng viên có trình độ tiến sĩ, 482 thạc sĩ và 104 giảng viên có trình độ đại học

Như vậy có thể thấy số giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Duy Tân có sự tăng lên theo thời gian. Từ năm 2019 đến năm 2023 tăng thêm 75 thầy cô, từ 814 lên 889 giảng viên (tăng 9,2%). Năm 2023 tổng số giảng viên không có sự biến động so với năm trước.

Tuy nhiên, phân tích báo cáo ba công khai các năm học, số giảng viên có chức danh giáo sư chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số giảng viên Trường Đại học Duy Tân.

Cơ cấu giảng viên Trường Đại học Duy Tân có sự thay đổi qua giai đoạn 2021-2023. Biểu đồ: Phạm Thi.

Cơ cấu giảng viên Trường Đại học Duy Tân có sự thay đổi qua giai đoạn 2021-2023. Biểu đồ: Phạm Thi.

Từ năm học 2019-2020 đến năm học 2020-2021, nhà trường có 9 giảng viên có chức danh giáo sư. Từ năm học 2021-2022 đến nay, số giảng viên chức danh giáo sư chỉ còn 8 người (chiếm 0,9% tổng giảng viên).

Số giảng viên trình độ phó giáo sư cũng có sự thay đổi trong 5 năm qua. Theo đó, năm 2019 trường có 46 phó giáo sư, năm 2020 giảm 2 người còn 44 giáo sư, năm 2021 trường có 54 phó giáo sư. Đến năm 2022 Trường Đại học Duy Tân có thêm 4 phó giáo sư, nâng tổng số lên 58. Tuy nhiên đến năm 2023 số phó giáo sư lại giảm còn 54 (chiếm 6,07% tổng số giảng viên).

Đáng chú ý, số giảng viên trình độ thạc sĩ chiếm nhiều nhất trong tổng giảng viên của các năm học. Từ năm học 2019-2020 đến năm học 2021-2022, số giảng viên trình độ thạc sĩ tăng 137 người. Nhưng đến năm học 2022-2023 số giảng viên trình độ thạc sĩ lại giảm 72 người. Năm học 2022-2023, tổng giảng viên trình độ thạc sĩ là 476 người (chiếm 53,5% tổng giảng viên). Đến năm học 2023-2024 số giảng viên trình độ thạc sĩ tăng thêm 6 thầy cô, nâng tổng lên 482 thầy cô (chiếm 54,22% tổng giảng viên).

Từ năm học 2019-2020 đến năm học 2023-2024, giảng viên trình độ đại học của Trường Đại học Duy Tân giảm 83 người, còn 104 người (chiếm 11,7% tổng giảng viên).

Chia sẻ về đội ngũ giảng viên, Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Duy Tân cho biết: “Năm 2020 trường có 9 giáo sư, năm 2021 giảm còn 8 giáo sư vì một thầy đến tuổi nghỉ hưu. Dù vậy đội ngũ giảng viên trình độ phó giáo sư và tiến sĩ của Trường Đại học Duy Tân tăng lên khá nhanh nên vẫn đảm bảo các yêu cầu về đội ngũ giảng viên và không ảnh hưởng đến việc tổ chức đào tạo”.

Phạm Thi