Trường ĐH Sư phạm TPHCM lấy quyền gì xếp lịch bồi dưỡng GV vào ngày nghỉ bù Tết?

08/01/2023 06:31
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- ĐH Sư phạm TP HCM xếp lịch bồi dưỡng vào ngày nghỉ bù Tết dương lịch vừa vi phạm Bộ luật Lao động vừa thiếu sự cảm thông cho giáo viên.

Ngày 7/1/2023, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết: "Phải học bồi dưỡng vào ngày nghỉ bù, GV bức xúc, Trưởng phòng GD Dĩ An nói gì?"

Ngay sau khi bài viết đăng tải, hàng loạt giáo viên tại Thành phố Dĩ An đã gọi điện vào số hotline và gửi mail cảm ơn đến Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Trong thư cảm ơn, thầy/cô bày tỏ: "Ngay sau khi bài viết đăng tải đã được các giáo viên gửi link truyền nhau đọc từng chữ. Chúng em tin rằng từ giờ trở đi giáo viên ở địa phương sẽ không phải tập huấn, học bồi dưỡng thường xuyên ngày lễ, ngày Tết nữa. Chúng em xin chân thành cảm ơn quý Tòa soạn".

Trong bài viết đăng tải đã nêu, theo phản ánh của giáo viên Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, giáo viên của trường phải học bồi dưỡng thường xuyên trực tuyến vào ngày nghỉ bù Tết dương lịch (2/1/2023) khiến thầy cô bức xúc.

Trả lời phóng viên Tạp chí, ông Lê Minh Phúc – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết, việc học bồi dưỡng thường xuyên là việc thường làm hàng năm.

Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ có văn bản chỉ đạo chung, còn việc tổ chức chi tiết như thế nào là việc bàn bạc giữa nhà trường và Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Phòng Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn không có chỉ đạo tổ chức lớp học trực tuyến vào ngày nghỉ bù, và ở trường tổ chức lớp học này cũng không có báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương hứa sẽ yêu cầu hiệu trưởng và lãnh đạo nhà trường nghiêm túc rút kinh nghiệm việc này.

Còn thầy Phan Thanh Sơn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt cho biết, đây là lịch do phía Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh lên từ trước, áp dụng cho các trường học trên địa bàn thành phố Dĩ An, mỗi trường học được xếp lịch học trực tuyến ứng với một ngày.

Lịch học được báo trước cho giáo viên, nhà trường từ trước khi diễn ra một ngày, nhưng giáo viên khi đó cũng không ai có phản ứng gì, chắc có lẽ do mọi người nghĩ là học trực tuyến cũng thuận lợi. Do đó mà khi có lịch học này cũng không có người nào trong trường có ý kiến để xin đổi lịch học. [1]

Lớp bồi dưỡng thường xuyên chuyên đề này được tổ chức theo hình thức trực tuyến (ảnh: GVCC)Lớp bồi dưỡng thường xuyên chuyên đề này được tổ chức theo hình thức trực tuyến (ảnh: GVCC)

Đọc những chia sẻ của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Dĩ An và Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, là giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục, tôi thực sự thấy khó hiểu, bởi là sự "rút kinh nghiệm" của vị trưởng phòng và sự thiếu hiểu biết của ông hiệu trưởng khi để Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh được quyền xếp lịch học cho giáo viên vào ngày nghỉ bù lễ Tết. Ai cho Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh quyền ấy?

Nếu ép giáo viên đi học bồi dưỡng vào ngày nghỉ bù lễ, Tết là trái luật

Theo Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động được nghỉ làm hưởng nguyên lương trong các ngày lễ, Tết. Trường hợp đi làm vào các ngày lễ, Tết, người lao động sẽ được tính là làm thêm giờ.

Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động quy định người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:

a) Phải được sự đồng ý của người lao động;

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;

c) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

Từ những căn cứ trên có thể thấy, người lao động không bắt buộc phải đi làm hay đi học bồi dưỡng vào ngày lễ, Tết. Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chỉ được sử dụng lao động làm thêm giờ nếu như người đó đồng ý.

Cần biết thêm, Điều 108 Bộ luật Lao động cũng liệt kê một số trường hợp người lao động không được từ chối làm thêm giờ, đó là thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; thực hiện công việc bảo vệ tính mạng con người, tài sản trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn,...

Nếu ép giáo viên đi học bồi dưỡng vào ngày nghỉ bù lễ, Tết cơ quan, đơn vị sẽ bị phạt

Như đã phân tích, người sử dụng lao động chỉ được sử dụng lao động làm thêm giờ nếu được người lao động đó đồng ý. Trường hợp người lao động từ chối làm thêm giờ thì người sử dụng lao động cũng phải chấp nhận bởi đây là quyền của họ.

Trường hợp cố tính bắt ép người lao động đi làm dịp lễ, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sẽ bị coi là vi phạm pháp luật. Lúc này, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 3 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động.

Như vậy, người sử dụng lao động vi phạm là cá nhân sẽ bị phạt từ 20 - 25 triệu đồng. Trường hợp người vi phạm là tổ chức thì mức phạt sẽ tăng gấp đôi từ 40 - 50 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022).

Bị cơ quan, đơn vị ép đi học, đi làm ngày lễ, thầy cô tố cáo ở đâu?

Việc cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bắt ép người lao động đi làm trong dịp Lễ được xác định là hành vi vi phạm pháp luật lao động. Chính vì vậy, người lao động có thể thực hiện việc tố cáo vi phạm theo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP.

Cụ thể, theo Điều 39 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động có thể tố cáo vi phạm của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đến Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Việc tố cáo có thể thực hiện bằng đơn hoặc tố cáo trực tiếp.

Trong 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo (khoản 1 Điều 24 Luật Tố cáo 2018).

Trong quá trình giải quyết tố cáo nếu xác định đúng là có vi phạm, Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thiếu sự cảm thông với giáo viên

Quan điểm cá nhân người viết cho rằng, việc Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (Bình Dương), Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh xếp lịch bồi dưỡng vào ngày nghỉ bù Tết dương lịch không những vi phạm Bộ Luật lao động - như đã dẫn - mà còn thiếu sự cảm thông đối với giáo viên.

Thứ nhất, kì nghỉ Tết dương lịch năm học 2022-2023, giáo viên nhiều trường được nghỉ 3 ngày - thứ Bảy, Chủ nhật, thứ Hai (31, 1, 2/2023). Kể từ kì nghỉ hè năm trước, sau 4 tháng dạy học ròng rã, thầy cô mới có dịp được nghỉ đôi ba ngày dưỡng sức.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng có nhu cầu đi chơi, đi du lịch trong những ngày nghỉ lễ, Tết ít ỏi. Nhiều thầy cô dạy học ở xa quê đều muốn về thăm gia đình người thân vào những ngày này.

Vì vậy, lãnh đạo Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (Bình Dương) và Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu giáo viên phải đi học bồi dưỡng vào ngày nghỉ bù Tết dương lịch khiến thầy cô bức xúc là dễ hiểu.

Thứ hai, thời điểm nghỉ Tết dương lịch cũng là lúc các nhà trường phổ thông đã hoàn tất việc tổ chức kì kiểm tra học kì 1 năm học. Giáo viên còn phải tranh thủ chấm bài và hoàn thành các loại hồ sơ sổ sách theo quy định nên việc yêu cầu thầy cô tham gia học bồi dưỡng là chưa hợp tình hợp lí.

Dẫu biết rằng, việc học bồi dưỡng thường xuyên là việc thường làm hàng năm của giáo viên nhưng các cơ quan, đơn vị cũng phải chọn thời điểm thích hợp. Ví dụ, thời điểm trước năm học hay những tuần dự trữ của năm học.

Nếu ép giáo viên phải bồi dưỡng thường xuyên vào thời điểm năm học đang diễn ra, lúc kiểm tra học kì, thậm chí cả ngày nghỉ lễ, Tết thì làm sao việc tập của thầy cô đạt hiệu quả. Như thế, không tránh khỏi chuyện giáo viên học (trực tuyến) đối phó bằng cách chỉ mở phần mềm lên điểm danh là xong chuyện.

Thứ ba, việc giáo viên phải tham gia học bồi dưỡng thường xuyên vào ngày nghỉ bù Tết dương lịch còn khiến thầy cô nghĩ không hay về đồng nghiệp ở Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Đó là, giảng viên trường đại học phải dạy cả ngày nghỉ bù lễ, Tết có phải là việc cấp thiết trong đào tạo hay không, vì chính họ - người lao động, cũng không được nghỉ làm theo quy định của Bộ luật Lao động.

Thay lời kết

Theo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, Phòng Giáo dục hoàn toàn không có chỉ đạo tổ chức lớp học trực tuyến vào ngày nghỉ bù, và ở trường tổ chức lớp học này cũng không có báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên.

Còn Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, thành phố Dĩ An khẳng định sẽ hết sức nghiêm túc rút kinh nghiệm việc yêu cầu giáo viên phải học bồi dưỡng thường xuyên vào ngày nghỉ Tết dương lịch.

Là giáo viên, người viết mong Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương sẽ có hình thức xử lý nghiêm để tránh những việc tương tự lặp lại. Đặc biệt là để giáo viên tin tưởng việc người đứng đầu nếu làm sai sẽ bị xử lý nghiêm, đảm bảo môi trường để thầy cô "dám nói, dám làm".

Nếu "nhà trường nghiêm túc rút kinh nghiệm việc này" hay "sẽ hết sức nghiêm túc rút kinh nghiệm việc này" chỉ làm cho giáo viên bất bình thêm mà thôi. Và "sợi dây kinh nghiệm" không biết bao giờ mới được "rút".

Thử hỏi, nếu giáo viên làm trái nội quy, quy định của nhà trường, của ngành giáo dục, liệu lãnh đạo các cấp có để cho thầy cô yên hay không?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

[1]: https://giaoduc.net.vn/phai-hoc-boi-duong-vao-ngay-nghi-bu-gv-buc-xuc-truong-phong-gd-di-an-noi-gi-post232369.gd

Ánh Dương