Trường học làm gì để học sinh chọn tổ hợp môn phù hợp, giảm thay đổi giữa chừng

04/08/2024 08:12
Thúy Quỳnh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -  Để phát huy hết khả năng học tập và phù hợp với định hướng nghề nghiệp, học sinh cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn tổ hợp môn học lớp 10. 

Năm học 2024 - 2025 là năm thứ 3 triển khai Chương trình giáo dục 2018 đối với cấp trung học phổ thông trên toàn quốc.

Khác với Chương trình giáo dục phổ thông 2006, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

Khi vào lớp 10, học sinh sẽ phải học 8 môn bắt buộc bao gồm Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Giáo dục địa phương.

Ngoài ra, các em phải lựa chọn 4 môn trong 9 môn học bao gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật. Đồng thời, lựa chọn các chuyên đề học tập khác nhau.

Việc xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn dựa trên những điều kiện phù hợp về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học của mỗi cơ sở giáo dục.

Chia sẻ với phóng viên, em Dương Thị Khánh Ly - học sinh lớp 10, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Viết Xuân (Vĩnh Phúc) cho biết: “Khi lựa chọn môn học em cảm thấy khá là hoang mang và khó đưa ra lựa chọn vì em chưa có định hướng cụ thể về ngành nghề trong tương lai. Em quyết định chọn ban Khoa học xã hội với tổ hợp các môn Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ vì nhận thấy mình có khả năng học tốt các môn này”.

Những lưu ý giúp học sinh lựa chọn tổ hợp môn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Năng - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thuận Thành số 1 (Bắc Ninh) cho rằng, việc lựa chọn các tổ hợp môn sớm và được giảm tải một số môn học so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 sẽ giúp cho học sinh đánh giá năng lực bản thân sớm hơn, đầy đủ hơn, đồng thời yêu cầu học sinh cần sớm tìm hiểu về các ngành nghề, lĩnh vực mà sau này mình dự kiến hoặc mong muốn theo đuổi.

Cũng theo thầy Năng, lựa chọn tổ hợp môn sớm sẽ giúp việc định hướng nghề nghiệp được sát hơn với nguyện vọng, khả năng của từng học sinh, hạn chế tình trạng lựa chọn theo cảm tính, theo xu hướng mà không gắn với năng lực, sở thích của mình.

“Tuy nhiên, đối với các em học sinh mới bước vào lớp 10, không phải bạn nào cũng có đủ kiến thức cũng như thông tin có thể tự định hướng nghề nghiệp cho mình.

Việc phải lựa chọn tổ hợp môn khiến nhiều em học sinh và thậm chí là phụ huynh rất lúng túng, băn khoăn, khó lựa chọn, cần nhờ đến sự tư vấn từ phía các thầy cô, nhà trường”, thầy Năng chia sẻ.

Để giúp các em học sinh và phụ huynh có thể lựa chọn tổ hợp môn đúng với khả năng, nguyện vọng thì một số trường trung học phổ thông đã tổ chức các buổi tư vấn cho học sinh và cha mẹ học sinh, nhằm giải đáp tất cả những thắc mắc, băn khoăn của học sinh và cha mẹ học sinh trong việc lựa chọn tổ hợp môn khi bước vào lớp 10.

Thầy Nguyễn Xuân Năng cho biết, để giúp các em học sinh lựa chọn tổ hợp môn đúng với năng lực, sở trường, nhà trường đã sớm kết nối, phối hợp với các trường trung học cơ sở trên địa bàn để thông tin sớm về những điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; xây dựng các tổ hợp các môn học lựa chọn phù hợp với điều kiện giáo dục nhà trường, phù hợp với phương án tuyển sinh của các trường đại học; đáp ứng yêu cầu của các nhóm nghề nghiệp và thông tin sớm đến các em.

Ngay khi có danh sách học sinh trúng tuyển, nhà trường tổ chức tập trung gặp mặt học sinh, phụ huynh học sinh để thông tin, tư vấn, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc, khó khăn của các em học sinh, để giúp các em có được đầy đủ thông tin trước khi lựa chọn.

Thầy thanh.jpg
Thầy Nguyễn Hữu Thanh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thuận Thành số 1 (Bắc Ninh) trong buổi tư vấn lựa chọn môn cho học sinh lớp 10. Ảnh: NTCC

Tại Trường Trung học phổ thông Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), nhà trường đã tổ chức những buổi tư vấn, thành lập nhiều tiểu ban tư vấn bao gồm những em học sinh học tại các khối lớp của nhà trường để nói chuyện, tư vấn cho các em học sinh chuẩn bị bước vào lớp 10.

Bên cạnh đó còn có sự tham gia của các thầy cô bộ môn, trưởng bộ môn nhằm giúp các em tìm hiểu sâu hơn về môn học để từ đó các bạn học sinh có thể phát hiện ra các sở thích của mình và có thể dễ dàng đưa ra quyết định lựa chọn môn học phù hợp nhất với khả năng, sở thích và nguyện vọng.

Cô Đỗ Thị Định - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Khi tư vấn lựa chọn môn học, nhà trường luôn cố gắng hướng các em vào những lựa chọn phù hợp với môn học, môn thi và định hướng nghề nghiệp sau này.

Nhưng khi làm công tác tư vấn thì nhà trường nhận thấy rằng các em học sinh bước vào lớp 10 vẫn còn hướng về lựa chọn các môn học mà các em thích nhiều hơn là những môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp.

Mặc dù được nhà trường và cha mẹ tư vấn nhưng các em vẫn chưa có hình dung cụ thể về nghề nghiệp muốn theo đuổi, số học sinh có định hướng chắc chắn không nhiều”.

THPT CL 2.jpg
Trường Trung học phổ thông Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) tổ chức tư vấn và định hướng lựa chọn môn học cho phụ huynh và học sinh lớp 10. Ảnh: NTCC

Cô Định cho hay, việc lựa chọn môn học có thể thay đổi được nhưng có nhiều hạn chế cho các em. Vì vậy, để có thể lựa chọn tổ hợp môn phù hợp với năng lực, nguyện vọng và tránh việc phải chuyển đổi tổ hợp môn lựa chọn, các em học sinh cần lưu ý những điều sau:

Thứ nhất, các em học sinh cần cân nhắc chọn môn học phù hợp với năng lực học tập, sở trường, điểm mạnh của bản thân mình để từ đó có thể phát huy hết khả năng trong quá trình học tập.

Thứ hai, các em cần phải xác định rõ lĩnh vực, nghề nghiệp mà mình mong muốn hoặc có dự định theo đuổi.

Thứ ba, học sinh cần tham khảo ý kiến của cha mẹ, thầy cô, các kênh thông tin tuyển sinh để nắm rõ hơn về các thông tin liên quan đến môn học, định hướng nghề nghiệp tương lai.

Chuyển đổi môn học lựa chọn có thể gây ra nhiều hạn chế

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chuyển đổi môn học lựa chọn, trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng muốn chuyển đổi môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để đảm bảo thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng.

Như vậy, sau một thời gian học tập, nếu như học sinh cảm thấy không phù hợp hoặc muốn thay đổi định hướng thì có thể thay đổi tổ hợp, tuy nhiên các em phải đợi cho tới cuối năm học.

Ngoài ra, học sinh phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó (có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ) để đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.

Nói về những hạn chế khi chuyển đổi môn học lựa chọn, cô Đỗ Thị Định cho rằng: “Việc chuyển đổi môn học lựa chọn có thể gây ra một số hạn chế nhất định với các em học sinh, đó là các em không được học đủ kiến thức của 3 năm học, khi học sinh có nguyện vọng chuyển đổi thì nhà trường cũng tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức cho các em, nhưng bên cạnh đó các em phải tự học rất nhiều, bạn nào có khả năng tự học tốt thì có thể theo kịp được, nếu không thì sẽ rất vất vả.

Về phía nhà trường, tôi nghĩ các nhà trường cũng không thể đáp ứng hết nguyện vọng nếu các em chuyển đổi môn học quá nhiều”.

THPt cổ loa.png
Tổ hợp môn học khối 10 được xây dựng tại Trường Trung học phổ thông Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh chụp màn hình từ website nhà trường.

Cũng theo cô Định, khi còn áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2006, việc chuyển ban, chuyển lớp có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, vì các em đều học 13 môn bắt buộc như nhau.

Còn ở thời điểm hiện tại, dựa vào những quy định, hướng dẫn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các nhà trường xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn theo điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, do đó việc chuyển đổi môn học lựa chọn theo nguyện vọng của học sinh nhưng cũng cần căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường mới có thể đáp ứng được.

Đồng tình với quan điểm trên, thầy Nguyễn Xuân Năng - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thuận Thành số 1 (Bắc Ninh) nhấn mạnh rằng, so với các bạn đã lựa chọn và học đủ 3 năm thì với các bạn chuyển đổi tổ hợp môn lựa chọn sẽ phải cố gắng hơn rất nhiều, đặc biệt là các bạn lựa chọn tổ hợp để thi tốt nghiệp, tuyển sinh vào đại học.

“Với trường Trung học phổ thông Thuận Thành số 1, sau khi xây dựng và triển khai thì nhà trường dành cho các em khoảng 1 tháng để tìm hiểu và lựa chọn, ngoài ra ngay cả khi đã phân lớp, nếu các em có nhu cầu thay đổi nhà trường sẽ tạo điều kiện cho các em thay đổi.

Tuy nhiên các em cần tuân thủ quy định mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra. Các em chuyển đổi tổ hợp môn lựa chọn sau 1 năm học tập phải cố gắng rất nhiều. Thậm chí các em có thể thiệt thòi khi các trường đại học, cao đẳng yêu cầu phải có đủ điểm trung bình 6 học kỳ học tập môn đó”, thầy Năng thông tin thêm.

Thầy Năng cho biết, bước sang năm thứ 3 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Trường Trung học phổ thông Thuận Thành số 1 đã xây dựng 3 tổ hợp môn học lựa chọn và chuyên đề học tập vừa để đáp ứng nhu cầu lựa chọn của học sinh, vừa phù hợp với đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường. Đến thời điểm hiện tại chỉ có 1 học sinh xin được chuyển đổi sau khi học xong lớp 10.

Trong quá trình triển khai, thầy Năng cũng nhận thấy chương trình học của học sinh đã phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn nghề nghiệp, lựa chọn môn học đã giúp các em sớm tìm hiểu về ngành nghề, xu hướng nghề nghiệp, thông tin đào tạo, tuyển sinh của các trường đại học; kết quả học tập của các em tốt hơn do được chọn những môn học phù hợp với năng lực, nguyện vọng; nhà trường đã phát huy tốt hơn các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học,...

Bên cạnh đó, thực tế dạy và học tại nhà trường còn gặp một số khó khăn như: một số môn học chưa được xây dựng trong các tổ hợp, đặc biệt là các môn nghệ thuật như Mĩ thuật do chưa có giáo viên; một số môn học xuất hiện tình trạng thừa giáo viên như Vật lí, Hoá học, Sinh học, Tin học; còn một số ít học sinh còn lúng túng, chọn chưa phù hợp và gặp khó khăn trong học tập;…

Để giúp công tác triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các nhà trường được phát huy hết hiệu quả, thầy Năng đưa ra một vài đề xuất:

Các nhà trường cần nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn, phương án tuyển sinh của các trường đại học để xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn phù hợp.

Các nhà trường cần đẩy mạnh công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ khi bước vào lớp 10; tổ chức hiệu quả hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong tổ chức dạy học tại nhà trường,...

Bên cạnh đó, thầy Năng đề xuất các trường đại học nên sớm công bố các phương án tuyển sinh năm 2025 và các phương án phù hợp với các nhóm tổ hợp mà các trường đã xây dựng và tổ chức học tập từ năm học 2021-2022.

Thúy Quỳnh