Trưởng khoa nêu lý do tuyển sinh ngành Hải dương học chưa đạt 50% chỉ tiêu/năm

09/07/2023 06:47
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Nước ta có đường bờ biển dài, vùng lãnh hải rộng lớn là cơ hội để lĩnh vực hải dương học phát triển nhưng sinh viên hiện nay vẫn ít lựa chọn. 

Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Hải dương học có nhiều cơ hội việc làm như công tác trong cơ quan nhà nước hay làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia có nhu cầu tuyển dụng nhân sự về đo đạc thủy văn, nghiên cứu năng lượng tái tạo; các viện, trung tâm (Viện Khí tượng Thuỷ văn, Viện Hải dương học, Viện Địa chất, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia…).

Tuy nhiên, trước sự lên ngôi của các ngành học hot, cùng với quan niệm đi làm sau khi tốt nghiệp đại học cần có mức thu nhập cao khiến ngành Hải dương học khó tuyển sinh.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Công Thanh – Trưởng khoa Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá, thực trạng tuyển sinh và đào tạo ngành Hải dương học đang gặp nhiều thách thức do những khó khăn về đầu ra cũng như cơ chế chính sách của nhà nước đối với ngành học này.

“Trong khoảng 5 năm gần đây, tỉ lệ tuyển sinh ngành Hải dương học của trường khá thấp, chưa đạt 50% chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm”, thầy Thanh cho biết.

Sinh viên Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) trong chuyến đi thực tập. Ảnh: NVCC.

Sinh viên Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) trong chuyến đi thực tập. Ảnh: NVCC.

Theo thầy Thanh, ngành Hải dương học là một trong những ngành tập trung vào nghiên cứu quá trình vật lý, hoá học và sinh học trong thế giới thuỷ sinh. Là loại hình khoa học đa ngành, không chỉ nghiên cứu về các đại dương mà cả sông, biển, hồ, hay bất kỳ không gian thuỷ sinh nào. Bên cạnh đó, ngành Hải dương học còn có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực quân sự và quốc phòng an ninh biển, đảo.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy công tác tuyển sinh ngành Hải dương học còn nhiều khó khăn do thu nhập của người lao động trong ngành này chưa đảm bảo để họ muốn gắn bó lâu dài với nghề. Trong khi, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành Hải dương học không đáp ứng được hết nhu cầu của thị trường lao động (chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu).

“Một thực tế là không có sinh viên đầu vào đại học ngành Hải dương học dồi dào thì đầu vào của đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành học này càng khó khăn, dẫn đến thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao và các chuyên gia, nhà nghiên cứu về Hải dương học”, thầy Thanh chia sẻ.

Trước định kiến học ngành Hải dương học quá vất vả, nguy hiểm và không phù hợp với nữ sinh, thầy Thanh cho rằng, học tập vất vả là đúng do yêu cầu của ngành đòi hỏi người học cần giỏi các môn tính toán, tổng hợp kiến thức Vật lý, Hoá học, Sinh học… Tuy nhiên nếu khả năng học tốt thì bất kể nam hay nữ đều phù hợp với ngành Hải dương học.

Chia sẻ thêm về ngành Hải dương học, thầy Thanh cho biết, theo Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngành Hải dương học được hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, xã hội mới chỉ nhìn vào khía cạnh thu nhập đầu ra, chưa thấy được cơ hội việc làm, phát triển bản thân khi học ngành Hải dương học.

“Theo tôi, ngoài truyền thông đúng về ngành học, cần có cơ chế chính sách đặc biệt cho giảng viên và sinh viên ngành Hải Dương học sao cho phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay”

_Tiến sĩ Công Thanh chia sẻ_

Cùng trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội chia sẻ, những năm gần đây, ngành Khoa học Môi trường Ứng dụng (trước đây là Khoa nước – Môi trường – Hải dương học) của trường có tỉ lệ tuyển sinh đạt khoảng 80-85%. So với các ngành như Kinh tế, Công nghệ thông tin, Truyền thông,... sự quan tâm của người học đối với ngành Khoa học Môi trường Ứng dụng nói chung và chuyên ngành Hải dương học nói riêng chưa nhiều.

Việc chưa thu hút được sinh viên giỏi vào học chuyên ngành về Nước, Môi trường, Hải dương học, theo thầy Đăng, nhận thức của một bộ phận người học cho rằng tốt nghiệp ngành này sẽ chỉ đi làm nhân viên môi trường nên không mặn mà đăng ký.

“Ngành Khoa học Môi trường Ứng dụng có vai trò rất lớn đối với đời sống, kinh tế xã hội. Như chúng ta đã biết, sự phát triển bền vững của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng luôn luôn gắn liền với vấn đề môi trường đất, nước...

Cách đây khoảng 10 năm, trong nhóm ngành khoa học cơ bản, nước ta có các nhà nghiên cứu giỏi về Hải dương học. Nhưng hiện nay, chuyên ngành Hải dương học khó tuyển được những sinh viên giỏi khiến thị trường thiếu nhân lực và nguồn chuyên gia để bổ sung vào nhóm các nhà nghiên cứu Hải dương học đã lớn tuổi, về hưu”, thầy Đăng chia sẻ.

Những chuyên gia làm việc trong lĩnh vực môi trường, hải dương học đòi hỏi phải có kiến thức và đặc biệt là kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế để đáp ứng sự phát triển toàn cầu như hiện nay.

Thầy Đăng chia sẻ, về cơ bản, sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học Môi trường Ứng dụng của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Ví dụ, đối với chương trình cử nhân chuyên ngành Hải dương học, lợi thế của sinh viên là được học bằng tiếng Anh, có từ 25-30% thời gian rèn luyện các kỹ năng mềm, có nền tảng kiến thức tốt nên các doanh nghiệp, công ty về môi trường, hải dương học rất săn đón.

“Quan điểm của nhà trường là đào tạo cho sinh viên trang bị những gì mà xã hội cần. Do đó, chương trình đào tạo của chuyên ngành Hải dương học nói riêng và ngành Khoa học Môi trường Ứng dụng nói chung luôn song hành với nhu cầu thị trường.

Đặc biệt, nhờ có các chuyên gia người Pháp làm công tác quản lý và giảng dạy ở Khoa nên đã có những định hướng, góc nhìn khác nhau sao cho đảm bảo công tác đào tạo bắt nhịp và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới”, thầy Đăng chia sẻ.

Về chương trình đào tạo ngành Hải dương học của Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Tiến sĩ Công Thanh cho biết thêm, ngành Hải dương học của trường được xây dựng và có đánh giá so sánh với 5 trường đại học đào tạo ngành Hải dương học ở nước ngoài.

5 trường được lựa chọn đều là những trường có chất lượng hàng đầu về khoa học biển, bao gồm: Đại học Miami (USA), Đại học California (USA), Đại học Oregon (USA), Đại học Southampton (England), Đại học James Cook (Australia).

Kết quả cho thấy, chương trình đào tạo ngành Hải dương học của Trường Đại học Khoa học tự nhiên có các môn học tương đương với chương trình đào tạo ngành Hải dương học ở 5 trường trên thế giới.

Ngọc Mai