Trường phải đăng báo cáo 3 công khai tối thiểu 5 năm: Người học được hưởng lợi

08/10/2023 06:37
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thời gian đăng tải báo cáo 3 công khai tối thiểu 5 năm sẽ tránh được việc các trường “né” các cam kết với người học nên chỉ đăng tải thời gian ngắn rồi lại xóa.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thay thế Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT.

Về thời gian công khai các hoạt động của cơ sở, Dự thảo có nêu: “Thời gian công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục tối thiểu là 5 năm kể từ ngày công bố công khai. Thời gian niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục tối thiểu là 90 ngày và sau khi niêm yết phải lưu giữ nội dung công khai để bảo đảm cho việc tiếp cận thông tin tối thiểu là là 5 năm kể từ ngày niêm yết công khai”.

Trong khi đó, theo Thông tư 36 hiện hành chỉ yêu cầu thời gian thực hiện niêm yết các hoạt động của cơ sở là ít nhất 30 ngày liên tục kể từ ngày niêm yết. Còn theo dự thảo trên, các cơ sở giáo dục đại học hiện nay sẽ phải thực hiện lưu trữ báo cáo 3 công khai trên cổng thông tin điện tử của trường tối thiểu là 5 năm kể từ ngày công bố công khai.

Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những cơ sở giáo dục đại học đăng tải được đầy đủ các báo cáo 3 công khai trong 5 năm học gần nhất.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng trường - Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm hoàn toàn ủng hộ với yêu cầu về thời gian công khai các hoạt động của nhà trường trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục tối thiểu là 5 năm kể từ ngày công bố công khai của dự thảo.

Theo thầy Lâm Nhân, việc làm này sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho người học. Bởi thời gian 5 năm cũng tương đương với thời gian đào tạo của một khóa sinh viên đại học (từ 4-5 năm). Nhờ vậy, trong và sau cả quá trình học tập, sinh viên có thể dễ dàng truy cập, kiểm tra các thông tin cam kết của nhà trường đối với người học; tránh việc trường đại học đào tạo theo kiểu “né” các cam kết với người học, với cộng đồng nên chỉ đăng tải thời gian ngắn rồi lại xóa.

Tân sinh viên khóa 2023-2027 của Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày nhập học (Ảnh: Website nhà trường).

Tân sinh viên khóa 2023-2027 của Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày nhập học (Ảnh: Website nhà trường).

Hơn nữa, thầy Lâm Nhân cũng cho rằng, yêu cầu công khai các hoạt động của nhà trường trong tối thiểu 5 năm như vậy là hợp lý để đảm bảo độ minh bạch, dễ dàng cho việc đối sánh, thuận lợi cho giám sát xã hội và mang tính phản biện xã hội tốt hơn so với Thông tư hiện hành.

Yêu cầu này cũng góp phần khẳng định được chất lượng cho các cơ sở đào tạo. Thực tế hiện nay, có thể thấy, dù không bắt buộc nhưng nhiều trường đại học “không ngại” giữ báo cáo 3 công khai của các năm học trước.

Cùng bàn về điểm mới trên trong dự thảo Thông tư quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến, nguyên Giám đốc điều hành Trường Đại học Tân Tạo (Long An) cho hay, việc chỉ để thời gian niêm yết cho báo cáo 3 công khai là ít nhất 30 ngày liên tục như Thông tư 36/2017 nên một số trường sau khi đăng tải trong thời gian ngắn đã gỡ thông tin, khiến cho cộng đồng, các bên liên quan của cơ sở giáo dục đại học không kịp nắm bắt thông tin về nhà trường.

Trên thực tế, có những người lần đầu vào website nhà trường đã không thể xem lại được các thông tin cũ để đối chiếu, đánh giá tình hình phát triển của nhà trường.

Điều này cũng gây cản trở cho xã hội, cộng đồng trong việc đối chiếu diễn biến về đội ngũ giảng dạy của nhà trường xem có kê khai trung thực hay không?...

Trong khi đó, việc tăng thời gian niêm yết công khai các hoạt động của cơ sở lên tối thiểu 90 ngày và thời gian lưu trữ nội dung này là tối thiểu 5 năm trên cổng thông tin điện tử của nhà trường theo dự thảo thông tư mới này sẽ đảm bảo được các mục tiêu mà ngành giáo dục nước ta đã đề ra.

Đó là minh bạch các cam kết về chất lượng, điều kiện bảo đảm chất lượng, thu, chi tài chính tại các cơ sở giáo dục và các thông tin khác có liên quan của cơ sở giáo dục; Làm căn cứ để xã hội và các bên liên quan biết, đánh giá một cách tổng quan về kết quả hoạt động chính của cơ sở giáo dục; và là một trong các căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm và giải trình của cơ sở giáo dục.

Như vậy, các bên liên quan của cơ sở giáo dục sẽ có điều kiện thuận lợi để luôn nắm bắt kịp thời và tham gia giám sát các hoạt động của các cơ sở giáo dục. Điều này giúp cho phụ huynh và người học tiềm năng lựa chọn đúng cơ sở đào tạo để gửi gắm con em/bản thân theo học.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục cũng như xã hội có được cái nhìn chính xác và kịp thời cơ sở đào tạo, nhất là về tình hình tài chính, đào tạo, tuyển sinh và đội ngũ nhà giáo của cơ sở.

Cũng theo Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến, nếu yêu cầu về thời gian công khai các hoạt động của cơ sở trên cổng thông tin điện tử nhà trường tối thiểu là 5 năm kể từ ngày công bố công khai được thông qua, nếu trường nào không làm đúng yêu cầu, trước hết, cần có các chế tài xử phạt nghiêm khắc với Hiệu trưởng và Ban lãnh đạo nhà trường theo mức độ vi phạm.

Đồng thời, nếu trường đại học nào liên tục vi phạm nhiều lần, nên xem xét rút giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục của cơ sở đó.

Tường San