TS.Lê Trường Tùng gợi mở cách để minh bạch trách nhiệm giải trình của trường ĐH

04/01/2024 06:19
Phạm Minh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực hiện báo cáo 3 công khai nhằm minh bạch thông tin, thể hiện trách nhiệm giải trình của trường đại học như một tổ chức đại chúng gắn với tự chủ đại học.

Thực hiện đầy đủ báo cáo ba công khai thể hiện trách nhiệm giải trình của trường đại học với cơ quan quản lý Nhà nước, với người học và cộng đồng xã hội trong bối cảnh tự chủ hiện nay.

Thế nhưng, thực tế, không ít cơ sở giáo dục đại học còn xem nhẹ trách nhiệm này, thực hiện ba công khai chưa thật sự nghiêm túc, kịp thời và chưa đầy đủ thông tin. Thậm chí, có trường đại học còn chưa thực hiện đăng tải báo cáo 3 công khai trên hệ thống website của đơn vị mình.

Khi dữ liệu không được công khai, cập nhật đầy đủ, người học muốn tìm hiểu thông tin hay đối sánh chất lượng giữa các cơ sở giáo dục cũng vô cùng khó khăn.

Để làm rõ những nội dung này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT. Ảnh: NVCC

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Lê Trường Tùng, thầy đánh giá như thế nào về việc thực hiện báo cáo ba công khai của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay?

Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Luật 34/2018/QH14 Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã có quy định về trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học

Cụ thể, Điều 32 về Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học quy định: cơ sở giáo dục đại học phải “công khai báo cáo hằng năm về các chỉ số kết quả hoạt động trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học”; “Thực hiện kiểm toán đối với báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán hằng năm, kiểm toán đầu tư và mua sắm”; “Thực hiện công khai trung thực báo cáo tài chính hằng năm và nội dung khác trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Điều 13, Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng quy định các cơ sở giáo dục đại học phải:

“Thực hiện công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học về các nội dung: sứ mạng, tầm nhìn của cơ sở giáo dục đại học; các quy chế, quy định nội bộ; danh sách giảng viên theo ngành, trình độ, chức danh và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo khác; kết quả kiểm định chương trình đào tạo, kiểm định cơ sở giáo dục đại học; chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, hình thức đào tạo, kế hoạch tổ chức đào tạo; đề án tuyển sinh và kế hoạch tuyển sinh, danh sách nhập học và tốt nghiệp hằng năm theo ngành, trình độ đào tạo, quy mô đào tạo và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp; mẫu văn bằng, chứng chỉ, danh sách cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học hằng năm; chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu khác của người học cho từng năm học và dự kiến cả khóa học; chế độ, chính sách miễn, giảm học phí, học bổng; các nội dung khác theo quy định của pháp luật”.

Hiện nay dù đã có các quy định về ba công khai, về minh bạch thông tin, về xây dựng và công bố đề án tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học, thế nhưng, việc thực hiện của nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa vào nề nếp, không đúng hạn, các thông tin rời rạc, khó tra cứu. Nhiều báo cáo không đầy đủ số liệu hoặc số liệu không chính xác, không cập nhật.

Phóng viên: Vậy ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, việc thực hiện báo cáo công khai của các cơ sở giáo dục đại học như thế nào, thưa thầy?

Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Việc công bố Báo cáo thường niên của các cơ sở giáo dục đại học (University Annual Report) đã thành thông lệ bắt buộc ở các nước có nền giáo dục tiên tiến như Anh, Australia, Mỹ.

Điều này thể hiện trách nhiệm giải trình gắn với tự chủ đại học, cũng thể hiện rõ giáo dục đại học như một loại hình dịch vụ đặc biệt mang tính đại chúng (khi sử dụng nguồn thu từ nhà nước, từ hiến tặng hoặc từ học phí người học), và trách nhiệm xã hội của các sơ sở giáo dục đại học.

Ví dụ, University Annual Report của các trường Đại học Greenwich (UK), Đại học Swinburne (Australia), Đại học Harvard, Đại học Stanford (USA) đều thực hiện báo cáo thường niên.

Các số liệu tài chính của đại học cũng giống như của các tổ chức khác, được thực hiện theo mẫu kiểm toán tài chính. Khác biệt quan trọng là chi tiết hóa các khoản thu và các khoản chi đặc thù cho các cơ sở giáo dục đại học.

Nguồn thu của các trường đại học Anh, Australia, Mỹ thường gồm 6 khoản: Học phí (từ các hệ, từ sinh viên trong nước, sinh viên quốc tế); Cấp từ ngân sách (trung ương, địa phương); Nguồn thu từ nghiên cứu, tư vấn và chuyển giao công nghệ; Nguồn thu từ hiến tặng – tài trợ; Thu từ hoạt động đầu tư; Các nguồn thu khác.

Nguồn thu từ các bệnh viện thuộc đại học Mỹ thường rất lớn (thu dịch vụ y tế) thường được tách thành khoản thu riêng.

Phần chi của các trường đại học thường gồm 6 khoản chính: Chi cho cán bộ giảng viên (lương và phúc lợi); Chi cho hoạt động sinh viên; Chi cho các hoạt động thường xuyên; Khấu hao cơ sở vật chất và thiết bị; Chi phí tài chính; Chi khác.

Và ngay cả các tổ chức, công ty đại chúng tại Việt Nam cũng phải thực hiện công khai thông tin.

Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, việc các công ty/tổ chức đại chúng ở Việt Nam phải công bố thông tin thông qua các Báo cáo hàng năm (Báo cáo thường niên) là bắt buộc gần 20 năm nay.

Và gần đây nhất là Thông tư 96/2020/TT-BCT của Bộ Tài chính Hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, quy định rõ nội dung của Báo cáo thường niên (bao gồm cả báo cáo tài chính được kiểm toán), hình thức công bố và thời hạn phải công bố kể từ khi kết thúc năm tài chính.

Báo cáo thường niên của các công ty/tổ chức đại chúng gồm nhiều mục, nhưng thường có 3 phần chính: Giới thiệu về công ty, Hoạt động của công ty trong năm và Báo cáo tài chính.

Phóng viên: Thưa thầy, mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Dự thảo Thông tư Quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó yêu cầu cơ sở giáo dục công bố công khai nội dung Báo cáo thường niên theo quy định tại thông tư này trước ngày 30 tháng 6 hằng năm trên cơ sở số liệu tính đến ngày 31/12 năm trước. Thời gian công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục tối thiểu là 5 năm kể từ ngày công bố công khai. Theo thầy, báo cáo thường niên của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cần được quy định như thế nào để đảm bảo việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả?

Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Theo tôi, quy định các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam phải công bố báo cáo đại học thường niên là cần thiết, với các điểm chính như sau:

Công bố trước ngày 31/3 hàng năm (quy định trong Thông tư 96 của Bộ Tài chính là 110 ngày sau khi kết thúc năm tài chính, các cơ sở giáo dục đại học cần công bố sớm hơn để phục vụ cho năm tuyển sinh).

Công bố trên website của trường và website của Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), thời gian lưu là 5 năm.

Về nội dung, ngoài báo cáo kiểm toán theo quy định của cơ quan Kiểm toán, phần chính của báo cáo đại học thường niên được thiết kế dựa trên báo cáo của các đại học trên thế giới, có tham khảo mẫu Báo cáo thường niên của các tổ chức công ty quy định trong Phụ lục IV, Thông tư 96/2020/TT-BTC.

Mục tiêu của báo cáo đại học thường niên ngoài việc cung cấp số liệu thống kê cho các cơ quan quản lý nhà nước, còn nhằm minh bạch thông tin thể hiện trách nhiệm giải trình của trường đại học như một tổ chức đại chúng gắn với tự chủ đại học.

Bên cạnh đó, góp phần nâng cao năng lực quản trị của lãnh đạo trường dựa trên khung báo cáo gắn với khung hoạt động; đồng thời hỗ trợ xây dựng hình ảnh, làm tài liệu phục vụ hoạt động tuyển sinh và quan hệ đối tác của trường đại học.

Các trường xây dựng báo cáo năm đầu tiên sẽ vất vả vì phải hệ thống hóa nhiều số liệu và chưa có tiền lệ. Nhưng từ năm thứ 2, việc thực hiện sẽ dễ dàng hơn.

Trân trọng cảm ơn thầy!

Theo Tiến sĩ Lê Trường Tùng, mẫu Báo cáo đại học thường niên của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nên có các mục chính sau đây:

BÁO CÁO ĐẠI HỌC THƯỜNG NIÊN

I. Giới thiệu về trường

1. Thông tin khái quát

2. Ngành và địa bàn hoạt động

3. Cơ sở vật chất

4. Mô hình tổ chức và bộ máy quản lý

5. Định hướng phát triển

II. Tình hình hoạt động trong năm

1. Hoạt động đào tạo – tuyển sinh

2. Hoạt động nghiên cứu – chuyển giao công nghệ - dịch vụ

3. Hoạt động quốc tế hóa - toàn cầu hóa

4. Quan hệ doanh nghiệp – việc làm sinh viên

5. Hoạt động đảm bảo chất lượng

6. Chuyển đổi số

7. Báo cáo phát triển bền vững

8. Tổ chức nhân sự

9. Tình hình tài chính – đầu tư

III. Đánh giá của Ban Giám hiệu và Hội đồng trường

1. Đánh giá của Ban giám hiệu

2. Đánh giá của Hội đồng trường

IV. Kế hoạch năm tiếp theo

V. Báo cáo tài chính kiểm toán

1. Ý kiến của kiểm toán

2. Báo cáo kiểm toán

Có thể thực hiện ngay việc công bố Báo cáo đại học thường niên trước ngày 31/3/2024 (các trường công bố Báo cáo thường niên 2023, kết thúc vào ngày 31/12/2023).

Ba năm đầu tiên có thể chưa cần mục V Báo cáo tài chính kiểm toán để dễ dàng hơn cho các trường trong việc thực hiện.

Các số liệu tối thiểu cần có trong Báo cáo đại học thường niên có thể mô tả chi tiết thành các bảng chuẩn để thuận lợi cho việc thực hiện, gồm:

- Số liệu về cơ sở vật chất

- Số liệu liệu giảng viên cơ hữu

- Số liệu về người học (số sinh viên các hệ, số bỏ học, số tốt nghiệp trong năm, số tuyển mới, tỷ lệ việc làm

- Số liệu về tài chính

- Số liệu về kế hoạch năm tiếp theo (trong mục IV)

Tuy nhiên cũng cần lưu ý là cần định nghĩa rõ một số số liệu thống kê để phù hợp với chuẩn và thông lệ quốc tế, ví dụ: số sinh viên quy đổi (full-time equivalent student - quy đổi ra số sinh viên học toàn thời gian trong năm), tỷ lệ tốt nghiệp (gradution rate - tính sau 1.5 thời gian học chuẩn của chương trình), tỷ lệ bỏ học (bỏ học trong 12 tháng từ ngày vào trường - retention rate)…

Phạm Minh (thực hiện)