Tự chủ mà hội đồng trường làm mất vốn, có phải chịu trách nhiệm không?

18/07/2020 06:28
Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp (Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bối cảnh trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội rất đặc biệt, không có cơ quan chủ quản.

Tôi ủng hộ và rất nhất trí với chủ trương của Nhà nước về việc phát huy vai trò của Hội đồng trường trong trường đại học.

Chúng tôi (Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội) cũng là một trong 23 trường đầu tiên được Chính phủ cho phép tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP.

Hiện nay, chúng tôi cũng có nhiều vướng mắc trong quá trình hoạt động của nhà trường.

Với chủ đề về cơ quan chủ quản, về Hội đồng trường, tôi xin phát biểu 3 ý kiến như sau:

1. Chủ sở hữu giao gì cho Hội đồng trường?

Tôi xin đặt thêm vấn đề là giao nhưng giao cái gì? Chỉ giao những thứ chung chung, không cụ thể.

Không có quy định cụ thể Hội đồng trường phải chịu trách nhiệm như thế nào thì quyền của Hội đồng trường rất khó có hiệu lực, trong khi trách nhiệm của Hiệu trưởng phải chịu như thế nào thì qui định rất rõ.

Ví dụ: Có nhiều yếu tố tự chủ như tự chủ về tài chính, về học thuật… Trong đó mức độ ảnh hưởng của yếu tố tài chính là rất lớn và tốc độ ảnh hưởng rất nhanh, vì thế bất kỳ trường tự chủ nào cũng phải để ý yếu tố này.

Vậy khi giao quyền tại sao không giao luôn tài sản cho nhà trường?

Ví dụ, Hội đồng trường được giao trách nhiệm quản lý và phát triển tốt tài sản 2.500 tỷ đồng (như của Đại học Tôn Đức Thắng).

Nhưng nhà nước vẫn chưa có văn bản nào qui định về việc giao quyền và giao trách nhiệm đó cho Hội đồng trường, đặc biệt trường hợp dưới sự điều hành của Hội đồng trường mà nguồn vốn đó bị suy giảm, bị hụt thì các thành viên của Hội đồng trường, đặc biệt là thành viên ngoài trường có phải chịu trách nhiệm không?.

Nếu thành viên ngoài trường phải chịu trách nhiệm khi mất vốn như trên thì họ có tham gia Hội đồng trường không?.

Việc các thành viên Hội đồng trường phải chịu trách nhiệm sẽ tạo áp lực cho Hội đồng trường, nên Hội đồng trường sẽ buộc phải mời những thành viên có tâm huyết với trường cùng chia sẻ những áp lực của trường, đặc biệt là trường tự chủ.

Theo tôi, giao trách nhiệm cả về mặt tài chính cho Hội đồng trường là rất tốt.

Nếu không giao như vậy thì vì trong luật đã có quy định Hiệu trưởng là đại diện pháp luật của trường nên có vẻ tất cả những vấn đề liên quan đến tài chính, tài sản của trường, khi gặp trục trặc thì Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm chính chứ không phải Hội đồng trường.

Như vậy, vai trò của Hội đồng trường so với vai trò của Hiệu trưởng là có vấn đề.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội. (Ảnh: Vinatex.com.vn)

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội. (Ảnh: Vinatex.com.vn)

2. Chủ tịch Hội đồng trường:

Tôi nghĩ chúng ta đều thấy Hội đồng trường vô cùng quan trọng. Với cơ chế chính sách hiện nay, giao quyền cho Hội đồng trường là hoàn toàn đúng.

Chủ tịch Hội đồng trường phải là người đủ năng lực để vận hành Hội đồng trường. Vậy thế nào là có đủ năng lực?

Nếu chúng ta chỉ định nghĩa chung chung như trong luật mà không quy định vai trò cụ thể trong từng trường thì Hội đồng trường rất khó vận hành.

Ví dụ: Chủ tịch Hội đồng trường ở các trường đại học tự chủ nên hoạt động tương tự như doanh nghiệp.

Theo mô hình hoạt động của doanh nghiệp, hầu hết Chủ tịch Hội đồng quản trị hay Chủ tịch Hội đồng thành viên đều ít nhất đã từng kinh qua vị trí Tổng Giám đốc, Giám đốc hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị tại một đơn vị thành công.

Như vậy nên chăng tiêu chuẩn của Chủ tịch Hội đồng trường là phải đã từng đảm nhiệm chức danh Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Hội đồng trường của một trường khác.

Có như vậy, Chủ tịch Hội đồng trường mới chỉ đạo bao quát được tất cả các vấn đề lớn nhỏ của trường như chiến lược phát triển, cơ cấu tổ chức, bộ máy, chương trình, giáo trình, nghiên cứu khoa học,...

Thực tế cho thấy có rất nhiều trường đại học lớn, nhân lực mạnh, nhưng tìm nhiều năm vẫn không bổ nhiệm được Hiệu trưởng.

Việc tìm một người đã khó, giờ lại muốn tìm 2 người (Hiệu trưởng và Chủ tịch Hội đồng trường) càng khó hơn.

Chính vì vậy, Nhà nước nên có lộ trình và thời gian hợp lý để đào tạo, bồi dưỡng được Chủ tịch Hội đồng trường đủ năng lực.

Ví dụ: theo nguyên tắc của Đảng, sau khi Đại hội Đảng xong, đến năm kế tiếp của đại hội thì mới xây dựng quy hoạch cán bộ.

Nghị quyết 19 ra đời năm 2017, nhưng đến 2018 mới ban hành Luật Giáo dục đại học số 34, đến tháng 12/2019 mới có Nghị định 99 và cũng phải đến tháng 2/2020 thì Nghị định 99 mới có hiệu lực.

Như vậy, nếu xét về pháp lý thì phải đến tháng 2/2020, khi Nghị định 99 có hiệu lực thì các trường mới có đầy đủ các thông tin để thực hiện.

Vì vậy, theo tôi, nếu buộc các trường trong thời gian 6 tháng (từ 15/2/2020 đến 15/8/2020), phải vừa qui hoạch, đào tạo, vừa bồi dưỡng một người làm Chủ tịch Hội đồng trường với yêu cầu người đó phải có trình độ hơn Hiệu trưởng, cho thời gian như vậy quá ngắn.

Quy định là đúng nhưng nên có lộ trình hợp lý.

Chúng tôi kiến nghị: nên có lộ trình ít nhất một nhiệm kỳ để Đảng ủy có đủ thời gian qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng một đồng chí làm Chủ tịch Hội đồng trường kiêm luôn Bí thư Đảng ủy.

3. Về cơ quan chủ quản:

Bối cảnh trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội rất đặc biệt, không có cơ quan chủ quản.

Trước năm 2015, chúng tôi thuộc tập đoàn dệt may Việt Nam là tập đoàn nhà nước.

Đến năm 2015, vì nhân lực đại học cho ngành dệt may quá thiếu, nhu cầu đào tạo nhân lực cho khối ngành dệt may quá cấp bách nên Chính phủ cho phép thành lập trường đại học Công nghệp dệt may Hà Nội.

Thời điểm thành lập trường năm 2015, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã cổ phần hóa, vì thế tập đoàn không thể chủ quản trường đại học công lập được.

Hơn nữa, thời điểm đó không có chủ trương chuyển các trường thuộc tập đoàn về Bộ nên cứ lơ lửng như thế.

Không còn cách nào khác, Chính phủ ra quyết định thành lập trường đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội không trực thuộc ai cả.

Mặc dù trường Đại học Công nghiệp Dệt may không có cơ quan chủ quản nhưng thực tế sau khi có quyết định thành lập, Chính phủ đã giao cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam tạm thời quản lý trường theo đề xuất của Bộ Công thương.

Từ đó đến nay, chúng tôi làm bất cứ việc gì cũng phải báo cáo với Tập đoàn như một cơ quan chủ quản.

Chúng tôi có thuận lợi vì tập đoàn hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp.

Khi có việc, nếu chúng tôi trình đến Bộ thì phải mất thời gian 2-3 tuần, nhưng nếu trình với tập đoàn thì chỉ trong 2-3 ngày sau khi tiếp nhận, văn bản đã được xử lý.

Quy trình xử lý của doanh nghiệp tương đối nhanh tuy hoạt động hoàn toàn theo qui định của nhà nước, không bớt đi phần nào, kể cả khi duyệt các dự án đầu tư bằng nguồn vốn của nhà trường.

Chúng tôi tự bươn chải từ năm 1995 và hoàn toàn không có nguồn vốn cấp theo ngân sách duyệt qua Quốc hội hàng năm.

Nếu có nhận nguồn ngân sách chỉ là do chúng tôi đấu thầu nghiên cứu khoa học, đấu thầu đào tạo hay đấu thầu các dự án hỗ trợ các ngành nghề liên quan đến dệt may.

Có nhiều văn bản hỏi Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội không được trực thuộc tập đoàn, vậy thì phải đưa về đâu?

Đến nay mỗi Bộ có một ý kiến khác nhau và vẫn chưa có kết luận.

Qua hoạt động của trường ở giai đoạn không có cơ quan chủ quản, tôi thấy:

Nếu chúng ta chỉ đặt vấn đề việc bỏ cơ quan chủ quản, tức là bỏ cơ quan quản lý trực tiếp thì không giải quyết được vấn đề vì cơ chế chủ quản rộng khắp trong cả bộ máy.

Ví dụ: khi trường muốn làm một việc liên quan đến Bộ Tài chính thì bao giờ Bộ cũng yêu cầu có đơn dự toán cấp 1 chứng minh.

Xin thẳng lên Bộ Tài chính là rất khó mà phải có đơn dự toán cấp 1 để tập hợp các công trình lại với nhau.

Nếu trường không trực thuộc cơ quan nào thì không ai cho trường tập hợp vào chung.

Việc tham gia vào các dự án đặt hàng của nhà nước đôi lúc gặp khá nhiều khó khăn vì không có đơn vị đầu mối, mà các dự án thì không làm trực tiếp với các trường.

Vì vậy, cơ chế chủ quản có thể bỏ được nếu chúng ta làm được đồng bộ ở tất cả các Bộ. Nếu chỉ làm ở Bộ chủ quản của trường thì cũng không giải quyết được vấn đề tự chủ một cách triệt để.

Ngày 13/6/2020, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kết hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông tổ chức cuộc Tọa đàm khoa học “Đổi mới tư duy về quản lý Nhà nước với giáo dục đại học Việt Nam” tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Cuộc tọa đàm quy tụ gần 100 nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đại học đặt dưới sự đồng chủ trì của Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Giáo sư Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam và Giáo sư Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Phương Đông.

Tọa đàm khoa học đã nhận được trên 20 báo cáo tham luận về tự chủ đại học, vai trò cũng như chức năng của Hội đồng trường trong mối quan hệ với Đảng ủy, Ban giám hiệu và cơ quan quản lý trực tiếp...Phát biểu trực tiếp tại Tọa đàm có nhiều ý kiến tham luận sâu sắc về vấn đề bãi bỏ cơ chế bộ chủ quản, từ chủ trương nghị quyết, quy phạm pháp luật đến thực tiễn.

Được sự đồng ý của Giáo sư Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Phương Đông, Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam lần lượt đăng tải các bản tham luận tại Tọa đàm này để cung cấp thêm thông tin đến bạn đọc quan tâm.

Nội dung, văn phong tham luận thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp (Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội)