Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1311/QĐ-SGDĐT ngày 27/5/2024 về việc giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 bổ sung cho 12 trường trung học phổ thông (11 trường tư thục và 1 trường công lập tự chủ). Như vậy tính đến ngày 30/5, đã có 99 trường phổ thông tư thục trên địa bàn Hà Nội được giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.
Tuy nhiên, Hà Nội hiện có 109 trường phổ thông tư thục, vẫn còn 10 trường chưa được giao chỉ tiêu. Một số cơ sở giáo dục phản ánh việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giao chỉ tiêu muộn (như đợt sớm nhất là tháng 4) cũng khiến các trường gặp phải một số khó khăn trong công tác tuyển sinh. Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ cơ chế "xin - cho" chỉ tiêu đầu cấp đối với các cơ sở giáo dục tư thục để khuyến khích hệ thống giáo dục tư thục phát triển, giảm áp lực cho các trường công lập.
Nguyên nhân khiến các trường phổ thông tư thục chưa được giao chỉ tiêu
Việc các trường phổ thông tư thục trên địa bàn Hà Nội chưa được giao chỉ tiêu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có trường chưa đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, có trường chưa chưa đáp ứng tiêu chí về đội ngũ lãnh đạo, có trường cơ sở mới chưa được công nhận hoạt động…
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo một trường tư thục cho hay: Năm học 2024-2025 nhà trường vẫn chưa được giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 nguyên do là năm nay hiệu trưởng nhà trường xin nghỉ, nhà trường chưa tìm được người thay để trình Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bổ nhiệm. Hội đồng trường đã có quyết định giao cho hiệu phó thường trực đảm nhận phụ trách trường. Nhà trường đã có văn bản giải trình và chờ sở giao chỉ tiêu bổ sung.
Tuy nhiên, theo vị này quá trình này mất nhiều thời gian và phức tạp. Trước đó, nhà trường đã đề xuất bổ nhiệm một phó hiệu trưởng nhưng thầy chưa đủ tiêu chuẩn về số năm dạy bậc trung học phổ thông. Hiện nhà trường đã tìm được hiệu trưởng đảm bảo tiêu chuẩn nhưng cần chờ hết năm học sau khi thầy nghỉ hưu ở nơi làm việc hiện tại mới có thể bổ nhiệm.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Trọng Hiếu - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong cho biết: “Nhà trường chưa được giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm nay vì trường hiện có 2 cơ sở. Trong đó, cơ sở cũ vì diện tích chật hẹp, không đảm bảo dạy học nên nhà trường đã chuyển sang một cơ sở mới. Với cơ sở mới này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã về kiểm tra nhưng chưa hoàn thiện xong các thủ tục công nhận cơ sở 2 để hoạt động. Do vậy, nhà trường vẫn chưa được giao chỉ tiêu. Chúng tôi đã hoàn thiện xong các kế hoạch chỉ chờ công nhận hoạt động của cơ sở 2 là có thể tuyển sinh”.
Trước đó Trường Trung học phổ thông Hoàng Diệu cũng chưa được giao chỉ tiêu vì chưa đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất. Hiện nhà trường đã khắc phục và đã được giao chỉ tiêu bổ sung trong đợt 2.
Có nên bỏ cơ chế xin - cho tuyển sinh đầu cấp với trường tư thục?
Thực tế việc quá tải sĩ số trường công lập tại Hà Nội đã tồn tại nhiều năm nay. Việc các trường tư thục phát triển đã góp phần làm giảm áp lực quá tải cho các trường công. Tuy nhiên, hàng năm, mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp các trường tư thục lại gặp nhiều khó khăn vì phải đợi giao chỉ tiêu từ Sở với cấp trung học phổ thông.
Nhiều ý kiến cho rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên có một khung quy định chung các tiêu chí đảm bảo chất lượng từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên để mỗi trường có thể tự xác định chỉ tiêu của mình. Các trường sẽ cân đối được số phòng học, tính toán ra số lớp là bao nhiêu, hàng năm số lớp tuyển sinh được bao nhiêu. Trên cơ sở đó họ hoàn toàn có thể tự chủ tuyển sinh thay vì cơ chế xin cho như hiện nay, phải chờ tới tháng 4, tháng 5... hàng năm mới được giao chỉ tiêu sẽ mất đi sự chủ động.
Thay vào đó, cơ quan quản lý có thể thanh kiểm tra đột xuất, nếu trường tuyển sinh vượt quá năng lực đào tạo thì có thể lập tức xử phạt. Thực tế, mỗi phụ huynh đã là một "cán bộ thanh tra" vì nếu trường không đảm bảo chất lượng, chẳng ai dại dột gửi gắm con em của mình.
Lãnh đạo một trường tư thục trên địa bàn Thành phố cho biết, việc trường chưa được giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 khiến nhà trường gặp một số khó khăn vì trường là trường liên cấp, học sinh có thể học liên thông lên nhưng khi phụ huynh thấy trường chưa được giao chỉ tiêu họ cũng băn khoăn. Thậm chí, có phụ huynh có thể rút hồ sơ cho con đi trường khác.
Lãnh đạo một trường tư thục trên địa bàn Thành phố Hà Nội cũng cho biết thêm, Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa thời hạn cho các trường kê khai các thông số đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để xác định chỉ tiêu là ngày 15/4 nhưng đến ngày 11/4 sở đã có văn bản giao chỉ tiêu. Như vậy nhiều trường sẽ không kịp hoàn thiện xong kế hoạch để được giao chỉ tiêu trong đợt 1. Bên cạnh đó, nhà trường cũng mong muốn sở có văn bản trả lời rõ ràng, chỉ ra những điểm trường chưa đảm bảo để nhà trường nhanh chóng khắc phục và được giao chỉ tiêu theo đúng kế hoạch dự kiến.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tô Hiến Thành cho rằng: “Hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất của từng trường, đảm bảo quyền lợi của học sinh. Theo tôi, trước khi giao chỉ tiêu, sở nên kiểm tra các trường sau đó dựa vào các điều kiện cơ sở vật chất, cũng như các điều kiện của các năm trước rồi cho phép trường được tuyển sinh bao nhiêu thì trường sẽ chấp hành.
Thực tế, trường tư phát triển giúp ích được rất nhiều cho xã hội bởi với số lượng học sinh hiện nay trường công sẽ không thể đáp ứng được hết. Nếu số học sinh thừa ra mà không có nơi để học thì sẽ là hệ lụy nghiêm trọng khi ra xã hội.
Chính vì thế, chúng tôi cũng mong muốn Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ xem xét giúp đỡ và tạo điều kiện cho các trường tư. Khi sở chưa giao chỉ tiêu thì các trường sẽ gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Vì thời điểm tuyển sinh phụ huynh sẽ tìm hiểu thông tin mà hiện nay thông tin đều công khai từ việc trường có được tuyển sinh hay không, tuyển sinh bao nhiêu… phụ huynh chỉ cần xem trên mạng là thấy được. Khi thấy trường chưa được giao chỉ tiêu người ta cũng sẽ đắn đo khi chọn trường cho con. Tuy nhiên, với những trường chưa đảm bảo các điều kiện thì cũng phải chấp nhận bị giao chỉ tiêu muộn để có thời gian khắc phục những thiếu sót”.
Cô Tuyết cũng cho biết thêm, về kế hoạch tuyển sinh nhà trường đã nộp lên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội từ tháng 4 và chờ sở phê duyệt chỉ tiêu.
Năm học 2024-2025, Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong cũng chưa được giao chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10. Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: “Theo tôi để việc tuyển sinh của các trường được chủ động hơn. Sở giúp trường chỉ những điểm chưa đạt của các trường đồng thời cho họ thời gian ngắn nhất để khắc phục. Sau đó sở sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường càng sớm càng tốt, như vậy thì trường tư sẽ tuyển sinh được tốt hơn.
Nhà trường cũng mong muốn sở tạo điều kiện, giao chỉ tiêu để trường sớm triển khai được việc tuyển sinh một cách hiệu quả”.
Cùng bàn về vấn đề này, cô Nguyễn Thúy Lan - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoàng Diệu bày tỏ: Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giao chỉ tiêu cho từng trường trên cơ sở thực tế của địa bàn và cơ sở vật chất của nhà trường.
Với ý kiến cho rằng sở có thể đưa ra một khung quy định chung để các trường tự soi chiếu vào xem cơ sở vật chất hiện tại đã đáp ứng được đến đâu và tự xác định chỉ tiêu của mình thay vì chờ đến tháng 4 hàng năm mới được giao chỉ tiêu, cô Lan cho rằng đó là mong muốn, nguyện vọng của nhiều trường tư thục vì như vậy sẽ giúp các trường chủ động hơn trong công tác tuyển sinh.
“Hiện nay là thời điểm nóng trong tuyển sinh, khi phụ huynh thấy trường chưa được giao chỉ tiêu thì cũng có nhiều băn khoăn, lo lắng. Thậm chí họ có thể tìm một ngôi trường khác cho con, điều đó có thể thấy rất rõ.
Nhà trường cũng mong muốn có thể tự mình chủ động hơn trong công tác tuyển sinh. Tự bản thân các trường sẽ nắm rõ nhất điều kiện của mình đến đâu thì tuyển sinh đến đấy. Thực tế, việc trường làm và đưa ra các yêu cầu tuyển sinh phải có được sự đồng thuận của phụ huynh. Khi phụ huynh đến trường, họ cũng đưa ra những phần mà trường chưa hoàn thiện được và trường phải khắc phục được thì phụ huynh mới tin tưởng gửi gắm con em.
Chính vì thế, nguyện vọng của hầu hết các trường đều mong muốn được tự chủ xác định chỉ tiêu. Thế nhưng để thực hiện được thì vẫn phải có một số tiêu chí mà lãnh đạo của thành phố cần đưa ra và yêu cầu nếu các trường đáp ứng được thì sẽ được thực hiện”.
Tự chủ chỉ tiêu cần đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Đặng Quốc Thống - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm: “Nếu để các trường tư thục tự chủ chỉ tiêu tuyển sinh bên cạnh những mặt tích cực sẽ có những mặt trái. Vì nếu trường được tự chủ hoàn toàn thì một số trường lại đặt lợi nhuận lên trên chất lượng đào tạo. Nhiều trường cơ sở vật chất không đảm bảo nhưng vẫn tuyển sinh tràn lan.
Tại Đoàn Thị Điểm nhà trường đưa ra các tiêu chí tuyển sinh khá khắt khe, yêu cầu học sinh trung học cơ sở 4 năm xếp loại giỏi. Tiêu chí này cũng khiến số lượng thí sinh ảo khá cao. Vì khi thi vào lớp 10 xong nhiều em đỗ các trường chuyên hay một số trường danh tiếng khác sẽ bỏ hồ sơ ở trường. Kinh nghiệm mọi năm là nhà trường chỉ giữ được khoảng 1/5 chỉ tiêu đã đăng ký vào trường.
Ví dụ năm nay, số lượng thí sinh mua hồ sơ để đăng ký vào trường là khoảng 5.100 em, số thí sinh đã làm thủ tục nhập học khoảng 2.800, nhưng nhà trường chỉ nhận được chỉ tiêu là 640 em, tức là chỉ khoảng 1/5 so với số hồ sơ đăng ký. Nếu cứ nhận hết mà không xem xét đến chỉ tiêu thì con số sẽ rất cao.
Nếu như các trường cứ tuyển sinh ồ ạt, cứ có hồ sơ đăng ký là nhận thì sẽ không đảm bảo chất lượng. Nếu nhà trường cũng làm như thế thì phải có tới hơn 10.000 thí sinh. Do vậy, theo tôi dù sở giao chỉ tiêu hay tự chủ xác định chỉ tiêu thì vẫn phải đặt tiêu chí đảm bảo chất lượng lên hàng đầu”.
Cũng theo thầy Thống sở có thể kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất và cho phép các trường được tuyển sinh đối đa đến bao nhiêu. Nhà trường đảm bảo số lượng tuyển được tối đa bao nhiêu. Bên cạnh đó, có thể sở vẫn giao chỉ tiêu nhưng không nên quá khắt khe để tạo điều kiện cho các trường tư thục phát triển.
Thầy Thống cũng cho rằng với những trường mà đội ngũ lãnh đạo là những nhà giáo dục thực sự thì sẽ luôn xem chất lượng đào tạo là một trong những tiêu chí không thể bỏ qua. Việc thu lợi nhuận từ hoạt động giáo dục không bị đặt nặng. Còn những trường do doanh nhân, doanh nghiệp đứng ra đầu tư thì họ sẽ tính toán đến việc hoàn vốn nhanh hơn. Do vậy vẫn phải có sự giám sát của chính quyền để hài hòa tuy nhiên cũng đừng quá căng thẳng biến thành cơ chế xin - cho như thời bao cấp. Bởi cũng có những thời điểm việc xin cho chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp khá căng thẳng, dẫn đến một số vấn đề tiêu cực.
Cũng đồng tình với quan điểm này, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoàng Diệu cho rằng các trường cần đặt chất lượng giáo dục lên hàng đầu. Trong khuôn khổ của một thành phố mà số lượng học sinh đông như hiện nay, không phải trường nào cũng nghiêm túc thực hiện.
“Tại Trường Trung học phổ thông Hoàng Diệu, cổ đông chủ yếu là các nhà giáo, sau khi nghỉ hưu thì tiếp tục tham gia thành lập trường tư với mong muốn cống hiến, đóng góp để xây dựng xã hội trong tình huống học sinh chưa có nơi học hoặc các bạn chưa có đủ điều kiện tài chính vào những trường danh tiếng. Chúng tôi mong muốn góp một phần nào đó để phổ cập giáo dục giúp nhiều học sinh có cơ hội được đến trường.
Do đó, nhà trường không nặng về vấn đề kinh doanh, mà xem chất lượng giáo dục là yếu tố hàng đầu. Hàng năm nhà trường tính toán sao cho học sinh có thể học được, phụ huynh có thể đáp ứng được và giáo viên cũng có một nguồn thu để đảm bảo cuộc sống”, cô Lan bày tỏ.