Thay vì phân bổ ngân sách theo sứ mạng, Nhà nước cần hỗ trợ các ngành khó tuyển

02/12/2023 06:35
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo TS Đỗ Hồng Cường, xu hướng hiện nay là giảm ngân sách cho việc chi thường xuyên. Đồng thời cần thay đổi chi theo cơ chế giao nhiệm vụ và đặt hàng.

Nhiều chuyên gia, lãnh đạo trường đại học ủng hộ đề xuất cần tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học lên gấp đôi, chiếm khoảng 0,5% GDP (hiện nay ngân sách chi cho giáo dục đại học ở nước ta chiếm 0,25%-0,27% GDP).

Tăng ngân sách đầu tư phải đi đôi với đổi mới phương thức chi

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho rằng: Hiện nay, tỷ lệ chi cho giáo dục đại học ở nước ta vẫn còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Nên việc tăng ngân sách cho giáo dục đại học là cần thiết.

Tuy nhiên, theo thầy Cường, Quốc hội và Chính phủ cần có những thay đổi trong phương thức chi.

“Xu hướng hiện nay là giảm dần chi thường xuyên. Tôi cho rằng điều này là đúng nhưng chúng ta nên thay đổi bằng cách chi cho những hoạt động đầu tư và chi theo cơ chế giao nhiệm vụ và đặt hàng cho các trường đại học. Như vậy sẽ kích thích sự phát triển của các trường.

Trước đó, Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm chính là cách nhà nước giao nhiệm vụ và đặt hàng cho các trường sư phạm đào tạo giáo viên. Thay đổi phương thức chi vào cơ chế đặt hàng như thế thì người được thụ hưởng chính là các sinh viên sư phạm", thầy Cường nhận định.

Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nếu tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học thì có thể đầu tư vào chính sách tín dụng hay miễn giảm học phí cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

“Đây cũng là một cách chi đúng đối tượng. Còn như hiện nay là chi một khoản tiền cho nhà trường hoạt động mà chưa hướng tới đối tượng người học nhiều hoặc là hướng đến nhưng có tính chất đại trà thì không hiệu quả”, thầy Cường nhấn mạnh.

Tăng đầu tư vào cơ sở vật chất, hỗ trợ các ngành khó tuyển sinh

Cùng trao đổi về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên cũng ủng hộ tăng đầu tư cho giáo dục đại học. Bởi theo thầy Hùng, hiện nay các trường đại học đang phải tự chủ về tài chính và gặp rất nhiều khó khăn, chất lượng không được như mong đợi.

“Theo tôi việc đầu tiên cần tăng đầu tư để nâng cấp cơ sở vật chất. Thứ hai cũng nên tăng ngân sách để tạo học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó cũng như các bạn sinh viên đặc biệt xuất sắc.

Hiện nay, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên khi đào tạo các ngành về nông lâm nghiệp tuyển sinh đầu vào trong những năm vừa qua rất khó khăn. Để đáp ứng được yêu cầu về kinh phí duy trì nâng cao chất lượng đào tạo là một thách thức. Vì thế nếu được nhà nước cấp bổ sung kinh phí nhiều hơn so với hiện tại chính là cách tháo gỡ cho những khó khăn hiện nay”, thầy Hùng bày tỏ.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên. (Ảnh: NVCC)

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên. (Ảnh: NVCC)

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường, hiện nay khó khăn chung của các trường đại học với những ngành theo sứ mạng (ngành truyền thống) thì hầu hết sinh viên đều ít có nhu cầu học. Chính vì thế, Nhà nước cần có chính sách đầu tư đặt hàng với các cơ chế vượt trội đảm bảo được quá trình học tập của sinh viên cũng như cơ hội việc làm thì mới có thể điều phối được nguồn nhân lực.

“Nếu giao nhiệm vụ cho các trường theo cơ chế đặt hàng thì chúng ta sẽ có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong thời gian tới ở một số lĩnh vực mà vị trí việc làm cần nhưng người học lại ít hứng thú. Do đó, khi tăng kinh phí cho giáo dục đại học thì cũng đồng thời cần đổi mới việc giao ngân sách thông qua cơ chế đặt hàng cho các nhà trường thực hiện sứ mạng của mình.

Ví dụ Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đặt hàng đối với Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đào tạo sinh viên sư phạm để cung ứng nguồn giáo viên cho giáo dục thủ đô. Đó chính là cơ chế đặt hàng và giao nhiệm vụ. Khi nhà nước đặt hàng hay giao nhiệm vụ thì sẽ có chuẩn đầu ra. Trách nhiệm của các trường là phải đáp ứng chuẩn đầu ra đó thì mới nhận được nguồn kinh phí của nhà nước. Đây cũng là biện pháp giúp các trường năng động hơn, nâng cao tính tự chủ”, thầy Cường nhấn mạnh.

Sinh viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong tuần sinh hoạt công dân. (Ảnh: website nhà trường)

Sinh viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong tuần sinh hoạt công dân. (Ảnh: website nhà trường)

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng cho rằng: Hiện nay đã là trường đại học để đảm bảo chất lượng thì các trường phải đào tạo đa ngành. Chính vì thế, thay vì phân bổ ngân sách theo cơ chế cạnh tranh sứ mạng, Nhà nước có thể hỗ trợ cho các ngành khó tuyển sinh.

“Nhà nước có thể hỗ trợ cho các ngành mà xã hội có nhu cầu nhưng người học lại không quan tâm nhiều. Ví dụ như: nông lâm nghiệp, tài nguyên môi trường, thủy sản,... Mặc dù nhu cầu của xã hội rất lớn nhưng khả năng tuyển sinh của các trường lại rất thấp.

Không nhất thiết phải hỗ trợ cho một trường cụ thể mà nên hỗ trợ cho người học của những ngành này”, thầy Hùng nêu quan điểm.

Cũng theo thầy Hùng nên có một quỹ học bổng hỗ trợ cho sinh viên thuộc các ngành cần phải thúc đẩy như trên. Khi ấy, sinh viên sẽ đăng ký học bổng và vào học, giải quyết được vấn đề khó tuyển sinh của nhiều trường hiện nay. Nhà nước cũng nên có cam kết hỗ trợ việc làm cho sinh viên ở các ngành này.

Nhật Lệ