Cần có ngân hàng đề cho các trường
Để tiến tới một kỳ thi quốc gia chung, lấy kết quả đó làm căn cứ tốt nghiệp THPT và là dữ liệu để các trường đại học, cao đẳng chủ động tuyển sinh, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học vừa qua đã thể hiện được nhiều nét đổi mới, mới nhất đó là cách ra đề theo hướng mở.
Tuy nhiên, khi thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ hướng tới một kỳ thi quốc gia chung các trường đại học, cao đẳng phải có đề án tuyển sinh riêng để phù hợp với xu thế chung thế giới về tính độc lập, tự chủ, thực hiện đúng theo Luật Giáo dục đại học thì vấn đề đặt ra ở khâu làm đề thi đang khiến các trường đau đầu.
Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội Nguyễn Đức Hinh cho biết, hiện tại trường cũng đang phải đi mua đề chứ không phải đi xin. Việc thi đề chung như hiện nay các thí sinh sẽ có một thước đo chung.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Nếu chúng ta cứ giữ mãi kỳ thi ba chung thì các trường sẽ rất bị động, sẽ mất đi quyền tự chủ của nhà trường. Ảnh Xuân Trung |
Quan điểm của ông Hinh cho rằng, kể cả sau này thi riêng trường Đại học Y Hà Nội cũng sẽ tiếp tục thực hiện tuyển sinh như hiện tại. Ông Hinh cho biết, trước đây 20 năm việc ra đề khó khăn như thế nào đã rõ, trường Đại học Y không thể ra được đề toán.
“Vấn đề không phải là hình thức thi mà là sức hấp dẫn của các trường tới đâu, có những trường kể cả không thi nhưng cũng không có thí sinh tới học” ông Hinh cho biết.
Cùng ý kiến, giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Trương Ngọc Nam cho biết, đổi mới các kỳ thi phải cho các trường tự chủ, tự chủ về thi, mà bước đầu là xét tuyển (kết quả phổ thông, qua phỏng vấn). Tiếp đến là tiến hành thi nhẹ nhàng nhưng vẫn đảm bảo được thực chất.
Việc lâu nay chúng ta thi theo hình thức ba chung, theo ông Nam các trường nhẹ nhất là khâu ra đề, đề thi được ra bởi các chuyên gia, một lực lượng chung cho cả quốc gia.
Ngoài ra, thống nhất đề cũng đảm bảo tính phù hợp và an toàn trong tính bảo mật.
Việc cho các trường tự chủ là có tính quy luật, phù hợp với thế giới để hội nhập.
“Chúng tôi đã đi tham khảo các nước tuyển sinh, họ làm nhẹ nhàng mà vẫn đảm bảo chất lượng. Trước mắt vẫn đề chung nhưng chung theo nhóm, có thể các trường cùng nhau tập hợp lại để thi chung đề, ra đề và như thế sẽ tập hợp được chuyên gia” ông Nam cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền, việc các trường tự ra đề sẽ có nhiều rủi ro về tính bảo mật, đề không có chất lượng. Thậm chí trước đây các trường tự ra đề còn tranh cãi đáp án và khi chấm thì không theo đáp án.
“Đồng ý là cách ra đề mở để kiểm tra kỹ năng, trình độ nhận thức thực tế của thí sinh chứ không kiểm tra sách vở, những bài mà các em học thuộc nhớ. Kiểm tra phương pháp tư duy, kỹ năng ứng xử trong cuộc sống thật như thế nào, nhưng đề phải đảm bảo tính yêu cầu khoa học. Đề mở phải có tính ổn định về tính tư tưởng” ông Nam cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Duy Tùng - Quyền trưởng Ban Đào tạo của Học viện Hành chính Quốc gia cũng cho biết, các trường đều rất ngại khâu làm đề thi đại học, là cơ sở đặc thù cao chuyên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý hành chính nhà nước, Học viện Hành chính Quốc gia tiếp tục ủng hộ việc có bộ đề chung cho cả nước.
“Không phải trên thực tế chủ trương đưa ra cũng phải thực hiện, tất nhiên xu thế tuyển sinh đầu vào một cách độc lập là cần thiết nhưng phải phù hợp với trình độ phát triển” ông Tùng cho hay.
“Tự chủ đại học là xu hướng chung thế giới”
Trao đổi về định hướng tiến tới kỳ thi quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, việc tiến tới kỳ thi quốc gia với hai mục đích và các trường tuyển sinh riêng sẽ không có chuyện chồng chéo lên nhau. Kỳ thi quốc gia một mặt xét tốt nghiệp THPT, mặt khác cung cấp dữ liệu cho các trường đại học, cao đẳng để dùng kết quả đó, thậm chí dùng thêm biện pháp đánh giá riêng để tuyển sinh vào trường mình.
Bộ yêu cầu tất cả các trường trong tháng 9 này phải gửi về bộ đề án tuyển sinh riêng của trường và kèm theo đó là lộ trình thực hiện đề án. “Việc tiến tới kỳ thi quốc gia và việc các trường xây dựng đề án tuyển sinh riêng hoàn toàn không có gì mâu thuẫn” ông Ga cho hay.
Trao đổi thêm, ông Ga cho rằng kỳ thi quốc gia là kỳ thi phổ thông đổi mới. Rút kinh nghiệm của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014, cấu trúc đề thi sẽ có phần dễ, trung bình, khó và rất khó. Các trường xây dựng đề án như thế nào căn cứ vào quy chế đại học, cao đẳng chính quy.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, các trường khi xây dựng đề án hoàn toàn được tự chủ theo đúng quy định. Năm 2014 đã có 62 trường xây dựng thành công đề án và sẽ tuyển sinh riêng.
Trước băn khoăn cho rằng, làm sao để kiểm soát chất lượng nguồn tuyển của các trường tuyển sinh riêng, ông Bùi Văn Ga cho biết mỗi đề án của các trường đã phải công bố ngưỡng chất lượng đào tạo. Ví dụ, với đại học thường trung bình là 6 điểm trở lên, cao đẳng 5,5 điểm trở lên. Đây là ngưỡng bắt đầu để xét tuyển, sau đó sẽ có những bài đánh giá về năng lực, phẩm chất theo từng trường.
Việc các trường tuyển sinh riêng Bộ GD&ĐT sẽ thành lập các tổ thanh tra và đi kiểm tra lại thực hiện việc tuyển sinh riêng, đặc biệt là cam kết ngưỡng chất lượng đầu vào.
Hàng năm có thể sẽ có 2 lần tuyển sinh, đối với những trường đào tạo theo tín chỉ có thể tuyển vào mùa thua và mùa xuân. Trước mắt, trong 62 đề án tuyển sinh riêng năm 2014 chưa có đề án nào thực hiện tuyển sinh 2 lần/năm. Các trường đều kết thúc quá trình tuyển sinh của mình theo lịch chung của bộ, theo đó đại học cuối tháng 10 và cao đẳng cuối tháng 11.
Ông Ga cũng thông tin, nếu sau này có trường nào tuyển sinh riêng thực hiện tuyển 2 lần/năm thì bộ sẽ xem xét, sắp xếp cho các trường này về thời gian tuyển của từng đợt để đảm bảo thống nhất, không lắt nhắt.
Hiện nay có một số trường phản ánh, mặc dù có đề án tuyển sinh riêng nhưng khâu ra đề các trường sẽ vẫn dùng đề của bộ, ngân hàng đề của bộ tính tới phương án này?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng thừa nhận, việc nặng nhất đối với các trường trong kế hoạch thi riêng là đề thi, nếu như như trước thi ba chung thì đề thi được bộ lo đầy đủ, các trường không có lo lắng độ an toàn, rủi ro về điều này thì tuyển sinh riêng các trường sợ nhất là khâu làm đề.
Tuy nhiên, nhìn nhận bao quát hơn ông Ga cho biết Luật Giáo dục đại học và xu thế phát triển của các trường đại học trên thế giới là tuyển chọn những người có năng lực phù hợp vào trường, bởi đại học có nhiều ngành nghề đa dạng nên các trường sẽ tự quyết vấn đề này.
“Nếu chúng ta cứ giữ mãi kỳ thi ba chung thì các trường sẽ rất bị động, sẽ mất đi quyền tự chủ của nhà trường. Còn việc tuyển sinh riêng các trường có tuyển được thí sinh hay không còn phụ thuộc vào uy tín, vị trí địa lý…của các trường” Thứ trưởng Ga cho hay.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, việc xây dựng đề án kỳ thi quốc gia chung Bộ GD&ĐT cần hoàn thành trong quý III năm 2014, vậy nội dung của đề án này sẽ được xã hội đóng góp để hoàn thiện như thế nào? Ông Bùi Văn Ga cho biết, hiện bộ đang xây dựng đề án theo chỉ đạo của Chính phủ, trong quý III này sẽ công bố dự thảo đề án, sau đó sẽ xin ý kiến của dư luận xã hội.