Vài kỷ niệm với báo chí trong đổi mới giáo dục đại học

21/06/2022 06:46
Giáo sư Trần Hồng Quân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Mong rằng Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam giữ vững và phát huy tất cả ưu điểm và thế mạnh của mình để đóng góp đắc lực cho sự nghiệp đổi mới giáo dục.

LTS: Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, Giáo sư Trần Hồng Quân – Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp (1987-1990), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (1990-1997), nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã chia sẻ một vài kỷ niệm với báo chí trong đổi mới giáo dục đại học.

Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trọng giới thiệu tới độc giả.

Vào cuối những năm 80 sang đầu những năm 90 của thế kỷ XX, giáo dục đại học có nhiều đổi mới mạnh dạn, sâu sắc và sôi nổi hòa cùng cuộc đổi mới lớn lao về kinh tế xã hội.

Ban đầu giới báo chí chưa tin. Cũng dễ hiểu vì ta nói nhiều, nói hay mà làm thật chưa được là mấy. Tại Hội nghị Nha Trang năm 1987 với thành phần gồm tất cả hiệu trưởng, bí thư đảng ủy, chủ tịch công đoàn các cơ sở giáo dục đại học cả nước; hầu như tất các báo lớn trong nước cũng như báo ngành đều được mời dự; khi đó Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã đề ra một loạt chủ trương lớn tác động mạnh đến toàn hệ thống như:

Bốn tiền đề với tư duy mới hoàn toàn khác so với cơ chế tập trung bao cấp;

Ba chương trình mục tiêu;

Dân chủ bầu cử hiệu trưởng thay cho việc bổ nhiệm của cấp trên;

Phân cấp phân quyền mạnh mẽ trong quản lý;

Chia quá trình đào tạo đại học thành hai giai đoạn để tăng cường kiến thức và kỹ năng cơ bản trong đào tạo, khắc phục tình trạng chuyên môn hóa sớm theo profile ngành hẹp;

Ban hành quy chế học bổng thành hai loại: học bổng theo chính sách xã hội của nhà nước và học bổng khuyến khích học tập (lần đầu tiên có), được xếp theo bậc thang.

Đồng thời nhiều chủ trương khác cũng lần đầu đưa ra như sẽ mở các đại học tư thục, đại học mở....

Rất nhiều điều mới làm báo chí ngỡ ngàng nhưng vẫn chưa hết hoài nghi về quyết tâm đổi mới. Ngay trong chương trình hội nghị với thời gian một tuần (có kết hợp nghỉ ngơi), Bộ dành 3 ngày để đối thoại giữa các đại biểu về các chủ trương mới nói trên. Nhiều phóng viên rất hồi hộp với sự "đối đầu" này mà trước đây chưa từng có.

Quả nhiên trong hai ngày đầu, cuộc đối thoại như bão táp, liên tục những ý kiến phê phán, phản đối các chủ trương mới của Bộ. Những “cây đa, cây đề” trong ngành, các vị giáo sư nổi tiếng, các vị hiệu trưởng lâu năm đứng trước một anh Bộ trưởng mới, còn trẻ người non dạ , "dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa " (như một vị giáo sư ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã nhận xét).

Rất nhiều câu chất vấn, rất nhiều khó khăn nan giải được nêu ra. Không khí hầu như coi các chủ trương của Bộ không tránh khỏi sụp đổ. Khi đó, có một giáo sư là hiệu trưởng đề nghị đồng chí Phó Ban Khoa giáo Trung ương cũng ra đối thoại với Hội nghị. Bộ không chấp nhận. Đồng chí ấy đến để chỉ đạo Hội nghị. Chủ trương của Bộ là Bộ chịu trách nhiệm.

Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhiệm kỳ I trao kỷ niệm chương vì sự giáo dục đại học, cao đẳng Việt Nam cho Nhà báo Nguyễn Tiến Bình, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhiệm kỳ I trao kỷ niệm chương vì sự giáo dục đại học, cao đẳng Việt Nam cho Nhà báo Nguyễn Tiến Bình, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

Vào giờ giải lao các phóng viên vây quanh chúng tôi không phải để phỏng vấn mà tỏ ý thông cảm lo lắng với thái độ là người trong cuộc làm cho tôi có cảm giác ấm áp:

"- Chúng tôi còn phải nhờ các đồng chí báo chí nhiều. Đổi mới tư duy là khó nhất.

- Nói thực, chúng em lo cho anh lắm.

- Không có gì đáng lo đâu các em. Ta lắng nghe hết, hoặc là để bổ sung hoàn thiện thêm bản thiết kế của mình; hoặc là nếu có ai đó đề xuất được một sáng kiến chiến lược nào tốt hơn của Bộ để có thể giúp cho nền đại học của ta thoát ra khỏi hoàn cảnh bế tắc hiện nay thì ta vui mừng thừa nhận. Ta vui mừng dẹp bỏ bản thiết kế của Bộ. Tất cả là vì đất nước mà”.

Bắt đầu ngày đối thoại thứ ba, tôi phát biểu trước đôi lời. Tôi nói những ý tứ mà hôm qua đã nói với các nhà báo.

"Thưa các đồng chí. Nền giáo dục đại học của ta đang trong hoàn cảnh bế tắc như ta đã gần như thống nhất nhận định: Thầy không muốn dạy, trò không muốn học vì học xong không có việc làm. Ngân sách cạn kiệt, chỉ tiêu tuyển sinh chỉ đủ cho vài lớp trong cả trường đại học lớn. Nhiều ngành đóng cửa, đội ngũ có nguy cơ tan rã....Bế tắc nhưng ta nhất định phải tìm lối thoát, nhất định phải vượt qua khó khăn để chuẩn bị sự phát triển của đất nước sắp tới.

Rất khó khăn, giống như một đội quân mà phía sau lửa đang cháy tới, trước mặt là núi cao vách đứng, bên cạnh là sông rộng đầy cá sấu, cá mập. Đều rất nguy hiểm nhưng ta không thể không chọn một lối thoát. Không có lối nào ung dung mà thoát được.

Các đồng chí đã phê phán và chỉ ra nhiều nhược điểm trong các chủ trương của Bộ. Phần lớn ý kiến đó là đúng. Nhưng chưa ai đưa ra một sáng kiến chiến lược nào khác để thay thế bản thiết kế ấy. Ta còn một ngày đối thoại thảo luận. Mong các đồng chí tập trung đề xuất sáng kiến mới. Ta không thể tìm thấy một bản thiết kế nào không có nhược điểm. Chỉ mong nhiều ưu điểm nhất, ít nhược điểm nhất thì ta chọn".

Cuộc thảo luận ngày thứ ba bắt đầu bằng sự trầm lắng, có vẻ lúng túng. Không có đề xuất nào quan trọng. Cuối cùng có lẽ ai cũng thấy giải pháp chiến lược của Bộ là sự lựa chọn khả thi nhất dù rất khác lạ, rất khó khăn.

Sau Hội nghị chúng tôi định lượng rằng các vị lãnh đạo trường được thuyết phục chỉ ở mức độ nhất định thôi. Các vị ấy về thuyết phục lại đội ngũ thầy cô giáo còn là một mức độ hạn chế hơn nữa. Việc triển khai không đơn giản. Nào ngờ ngay sau hội nghị có rất nhiều báo chí đưa tin đưa bài phỏng vấn, bài phản ánh rầm rộ. Tạo khí thế đổi mới, tạo sự thuyết phục lớn giúp một phần quan trọng cho các bước triển khai tiếp theo của Bộ.

Từ đó các phóng viên giáo dục của các báo cùng với các nhà báo nội bộ luôn đồng hành với Bộ trong tất cả các hoạt động triển khai. Bộ thường xuyên gặp gỡ báo chí. Thỉnh thoảng còn tổ chức xin ý kiến các báo theo tinh thần coi các báo là người trong cuộc, không chỉ báo của ngành. Cuộc đổi mới không thể thiếu vai trò của báo và trên thực tế báo đã đóng góp rất to lớn.

Khi viết bản thảo bài này tôi đã nhắc đến từng nhà báo ngày đó với tình cảm, với lòng biết ơn và thầm nhớ những kỷ niệm riêng chung trên hành trình đổi mới. Sợ phần liệt kê danh sách quá dài mà phải lược đi, tôi thật tiếc. Đó là những người không thể quên trong những năm tháng rất đáng nhớ.

Xin kể lại một kỷ niệm nhỏ. Lần đó trong cuộc bầu cử hiệu trưởng tại Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, khi hai ứng viên trình bày chương trình hành động trước cử tri dần dần thành cuộc tranh luận căng thẳng. Tôi rất buồn nên viết mấy câu thơ tự sự ra giấy. Không may, ngồi sau tôi là anh đại diện Thành ủy Đà Nẵng (đến dự để cùng chỉ đạo với Bộ), anh nhìn thấy và rất cảm động, sau đó nói với tôi trước mặt các nhà báo.

Buổi chiều tôi nhận được một bài thơ ngắn:

“Không phải dân vạn chài

Anh phải quen sóng gió

Đời dù còn bão tố

Đã có bến bờ em”.

Ký tên: Nhóm các nhà báo nữ.

Thật là dịu dàng tình cảm. Xin nói thêm rằng không phải lúc nào chúng tôi cũng nhận được sự động viên ngọt ngào như vậy từ báo chí. Đôi lúc cũng bị dội nước lạnh hoặc nước sôi. Không sao, đều có ích cho sự tỉnh táo.

Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhiệm kỳ I trong một lần đến thăm Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhiệm kỳ I trong một lần đến thăm Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Khi Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam (sau này là Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) được thành lập, nhận thức tầm quan trọng của cơ quan ngôn luận, Hiệp hội đã sớm thành lập Tạp chí Trí Tuệ với hai phiên bản: bản in giấy và bản điện tử. Sau đó tách ra thành hai đơn vị độc lập: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (giaoduc.net.vn) và Tạp chí Giáo dục và Xã hội.

Trong bối cảnh các tư tưởng đổi mới không phải bao giờ cũng đậm nét trong dòng chảy chính của ngành giáo dục nên hai đơn vị báo của Hiệp hội tự lấy nhiệm vụ phản biện và tham mưu làm chính. Đặc biệt, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã luôn tiên phong, có chiến đấu tính cao, phát huy mạnh mẽ và có tầm ảnh hưởng rộng, hấp dẫn, có lượng bạn đọc khá cao so với các báo trong nước.

Thực hiện quy hoạch báo chí, năm 2020, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chuyển thành Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Khái niệm tạp chí ai cũng hiểu là xuất bản phẩm định kỳ không phải là hằng ngày mà có thể là hằng tuần, nửa tháng, hằng tháng, ba tháng hoặc nửa năm...Còn tạp chí điện tử có thể đưa bài đăng bất cứ lúc nào mà không cần chờ đến kỳ mới được in và phát hành theo định kỳ. Vậy tạp chí điện tử khác gì báo điện tử?

Tôi mong rằng sự chuyển đổi tên gọi đó không ảnh hưởng lớn đến giaoduc.net.vn. Mong rằng các đồng chí vẫn giữ vững và phát huy tất cả ưu điểm và thế mạnh của mình để đóng góp đắc lực cho sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Giáo sư Trần Hồng Quân