Bài viết “Vàng thật thì không sợ lửa, lo gì đề thi môn Ngữ văn” của tác giả Lê Đức Đồng đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (ngày 13/3/2020) khiến chúng tôi hết sức ngỡ ngàng vì quá cảm tính.
Vậy nên, chúng tôi xin viết ra đây đôi điều nhằm trao đổi với tác giả liên quan đến người dạy Văn, môn Ngữ văn và học sinh học Văn.
Vừa qua, chúng tôi có hai bài viết “Học sinh đang gặp khó với môn Ngữ văn ở kì thi quốc gia” (ngày 9/3/2020) và bài “Cảnh báo giới hạn tác phẩm Ngữ văn cho kì thi quốc gia” (ngày 10/3/2020), phản ánh về hai vấn đề khác nhau liên quan đến môn Ngữ văn của kì thi quốc gia sắp tới.
Học sinh đang làm bài thi. (Ảnh minh hoạ: TTXVN) |
Bài viết “Học sinh đang gặp khó với môn Ngữ văn ở kì thi quốc gia” đề cập hai điều mà giáo viên và học sinh hiện đang rất băn khoăn.
Thứ nhất, tình trạng Bộ ra đề minh họa một đằng và ra đề thi một nẻo khiến học sinh bối rối trong kì thi quốc gia năm 2019.
Và thứ hai, năm học này, thời gian nghỉ phòng dịch nhiều, nhưng thời gian ôn tập lại hạn chế. Nếu các em phải ôn thi cả hai dạng cho đề Văn thì đúng là quá tải mà bất cứ giáo viên dạy Văn nào cũng nhận ra điều đó.
Còn bài, “Cảnh báo giới hạn tác phẩm Ngữ văn cho kì thi quốc gia”nhằm phản ánh tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội Facebook về việc giới hạn những tác phẩm văn học cho kì thi quốc gia năm nay.
Có thể nhận thấy, cả hai bài viết này, chúng tôi chưa hề tỏ ra “lúng túng” hay “sợ” điều gì như tác giảLê Đức Đồng nhận định.
Cho nên hoàn toàn không có cơ sở để cho rằng, chúng tôi sợ đề thi “trật tủ” do không được “bú mớm”, “làm mẫu” như tác giả đã viết.
Hơn ai hết tác giả Lê Đức Đồng hiểu rằng, năm nay Bộ không công bố đề minh họa thì tất cả chúng ta (trong đó có thầy Lê Đức Đồng và chúng tôi) phải căn cứ vào đề minh họa và đề thi chính thức năm 2019 để giúp học sinh ôn tập. Thế thì sao lại sợ đề thi “trật tủ” nhỉ?
Hơn nữa, thầy Đồng và chúng tôi đều là viên chức giáo viên, được hưởng lương theo quy định từ ngân sách Nhà nước và cùng thực hiện nhiệm vụ giáo dục thì “bú mớm” từ một cái đề thi của Bộ liệu có “đỡ khát” và “no” hơn không?
Rõ ràng chúng tôi không cần “bú mớm” để lấy thành tích, để khẳng định, để vỗ ngực xưng tên. Cái chúng tôi cần cho học sinh là tránh kiểu ra đề tiền hậu bất nhất, thưa tác giả Lê Đức Đồng!
Phương án nào cho kì thi quốc gia năm nay? |
Không biết học trò vùng thầy công tác trình độ như thế nào, riêng chúng tôi dạy ở Sài Gòn, giả sử đề ra có khó thế nào đi nữa thì cũng “nước lụt lút cả làng”. Nhưng học sinh nơi này thì luôn “ướt” cuối cùng, thầy ạ.
Thế nên, nhìn nhận, phản biện một vấn đề xin thầy đừng quá ngôn lộng ngữ (ví như dùng từ “bú mớm”) - vì khoa học chỉ cần sự minh xác (hoàn toàn khác với ngôn ngữ nghệ thuật trong văn chương như thầy và chúng tôi đang dạy).
Ngoài ra, thầy cho rằng, “là một người có hơn 35 năm dạy bộ môn Ngữ văn và làm công tác quản lý, tôi nhận thấy đề thi tốt nghiệp quốc gia hoặc đề thi Cao học bộ môn Ngữ văn chăng nữa cũng chẳng “đáng sợ” chút nào!”, là không phải điều chúng tôi muốn nói.
Cái mà chúng tôi quan tâm và đang bàn là đề thi ở tầm vĩ mô quốc gia cho trình độ chung của học sinh toàn quốc (khác với hạt gạo trên sàng), khác với trình độ của thầy.
Riêng đề thi cao học, thầy nên có minh chứng, phân tích, đánh giá thì mới thuyết phục được người nghe. Còn kiểu định lượng cảm tính trong khoa học có chăng chỉ ở những “lò ấp” cho nở ra các loại học vị (Thạc sĩ, Tiến sĩ) hữu danh vô thực.
Chúng tôi nhận thấy, giữa đề thi - chức vụ là hai phạm trù khác nhau, cho nên “đáng sợ” hay không cũng chẳng cần bàn.
Còn việc thầy đem những đối tượng như “vàng” – “lửa” và “học sinh” – “môn Ngữ văn” để đối sánh thì chúng tôi xin nói thẳng là quá khập khiễng.
Sự khập khiễng này cũng giống như câu nghị luận văn học (2018), liên hệ về “vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực của gia đình hàng chài” với “cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu”. [2]
Không còn gặp khó ôn thi Ngữ văn quốc gia khi học trực tuyến với cô Thùy Dương |
Giữa chúng chẳng có một tương đương nào và không cùng hệ quy chiếu thì liên hệ cái gì, so sánh cái gì?
Chỉ cần làm một khảo sát nhỏ về phổ điểm môn Ngữ văn của kì thi quốc gia những năm qua thì có thể thấy được đâu là “vàng”, là “cám”.
Cụ thể, phổ điểm thi môn Ngữ văn quốc gia 2017, cả nước có 510 học sinh bị điểm liệt (< = 1), số học sinh từ 7 điểm trở lên rất ít, đặc biệt có tới 29,74% học sinh có điểm dưới trung bình (< 5). [3]
Và kỳ thi quốc gia năm 2019, có 867.937 thí sinh dự thi môn Ngữ văn, không xuất hiện điểm 10. Điểm trung bình là 5,49. Có 27,84% bài thi có điểm dưới 5, không có điểm 10 nào và có 1.265 bài thi bị điểm liệt (<=1). Điểm số có nhiều thí sinh đạt được nhất là 6 điểm. [4]
Hai dẫn chứng trên cho thấy, học sinh mặc dù đã qua 12 năm ăn học, “nhiều kiến thức, kỹ năng được học theo vòng tròn đồng tâm, càng về sau càng sâu hơn, cao hơn do sự nhận thức đã có cơ sở nền tảng trước đó”, nhưng tìm “vàng” mỏi cả mắt cũng chẳng được là bao (phải chăng “vàng” thì rất quý nên ít, còn “cám” tầm thường nên nhiều?).
Cho nên, nhận định “đừng làm thay các em; đừng nghĩ thay, cảm nhận thay, hiểu biết thay mà hãy để các em tự cảm nhận, tự hiểu thông qua gợi ý, hướng dẫn, dẫn dắt vấn đề của giáo viên” cũng không phải là quan điểm của chúng tôi phản ánh qua hai bài viết như đã dẫn.
Đúng là vàng thật thì không sợ lửa. Nhưng người ra đề thi môn Ngữ văn và đối tượng làm bài (được bao nhiêu “vàng”) mới là chuyện đáng bàn nhiều tập, chứ không chỉ qua một vài bài viết là xong.
Tài liệu tham khảo:
[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vang-that-thi-khong-so-lua-lo-gi-de-thi-mon-ngu-van-post207717.gd
[2] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/de-thi-mon-ngu-van-2018-da-du-suc-danh-thuc-tiem-luc-o-tuoi-tre-post187712.gd
[3] //dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/vi-sao-co-toi-510-thi-sinh-bi-diem-liet-mon-ngu-van-20170709091651553.htm
[4] //www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/soc-hon-1000-thi-sinh-bi-diem-liet-mon-ngu-van-ky-thi-thpt-quoc-gia-2019-c216a1066280.html