Trước tình trạng nghỉ dài ngày do công tác phòng ngừa dịch Covid-19, một số giáo viên, học sinh tỏ ra nóng ruột, lúng túng; thậm chí “sợ” đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp quốc gia sắp tới!
Đó là bài “Học sinh đang gặp khó với môn Ngữ văn ở kì thi quốc gia” của tác giả Phan Thế Hoài (ngày 9/3/2020) và bài “Cảnh báo giới hạn tác phẩm Ngữ văn cho kì thi quốc gia” của tác giả Phan Thế Hoài - Nguyễn Việt Đức (ngày 10/3/2020).
Chắc mọi người lo lắng vì sợ đề thi “trật tủ”, không được “bú mớm”, “làm mẫu” như các kỳ thi tốt nghiệp các năm trước (năm nay Bộ không cho biết đề mẫu)!
Mạng xã hội được dịp tung tin thật thiệt, làm sai lạc định hướng ôn thi bộ môn Ngữ văn nếu không có sự bình tĩnh, tỉnh táo trước những thông tin giả mạo.
Là một người có hơn 35 năm dạy bộ môn Ngữ văn và làm công tác quản lý, tôi nhận thấy đề thi tốt nghiệp quốc gia hoặc đề thi Cao học bộ môn Ngữ văn chăng nữa cũng chẳng “đáng sợ” chút nào!
Thí sinh là bài thi trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Cha ông ta ngày xưa đã dạy: “Vàng thời thử lửa thử than/ Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời”. Với vàng thì thử bằng lửa. Vàng gặp lửa cứ tươi là vàng tốt, vàng thật. Nếu trên bề mặt có vệt rỗ hoa hay nám đen là vàng pha, vàng xấu…
Kì thi tốt nghiệp sắp tới chính là “lửa” để thử chất lượng học tập, giảng dạy bộ môn Ngữ văn.
Sau mười hai năm học bộ môn (bậc Tiểu học gọi là bộ môn Tiếng Việt; bậc Trung học cơ sở, Trung học phổ thông gọi là bộ môn Ngữ văn), học sinh được thầy cô cung cấp hầu như không thiếu kiến thức, kỹ năng nào về môn Ngữ văn.
Nhiều kiến thức, kỹ năng được học theo vòng tròn đồng tâm, càng về sau càng sâu hơn, cao hơn do sự nhận thức đã có cơ sở nền tảng trước đó.
Những kiến thức đó, bộ môn yêu cầu phải nắm được, nhớ được phần cơ bản, thiết yếu. Đó là những tác phẩm, đoạn trích được giảng giải kỹ càng; được các hoạt động nhóm linh hoạt góp phần khắc sâu, nhớ lâu…
Cảnh báo giới hạn tác phẩm Ngữ văn cho kì thi quốc gia! |
Đó là những kỹ năng cơ bản (bắt buộc) về phương pháp làm bài luận văn.
Cách đọc kỹ đề như thế nào, cách phân tích đề, nhận biết yêu cầu của đề thế nào; các em đều đã được học, được thực hành, được nhắc đi nhắc lại rất nhiều!
Nếu các em không đáp ứng được với những yêu cầu về kiến thức, về kỹ năng làm bài của bộ môn Ngữ văn thì tại sao vẫn được lên lớp đều đều kiểu “đến hẹn lại lên”, được xác nhận đủ điều kiện dự thi?
Chúng ta cũng đừng nên lo lắng nhiều quá sẽ dẫn đến sự thiếu tự tin ở bản thân mình, ở học sinh. Hãy dạy các em cách tự học, tự nghiên cứu, tự tìm hiểu tác phẩm, đoạn trích cũng như các kỹ năng làm một bài thi.
Đừng làm thay các em; đừng nghĩ thay, cảm nhận thay, hiểu biết thay mà hãy để các em tự cảm nhận, tự hiểu thông qua gợi ý, hướng dẫn, dẫn dắt vấn đề của giáo viên.
Lúc này “vàng” đã được thử qua “lửa” và dù đó là loại “lửa” nào; “vàng thật” vẫn luôn lấp lánh…