Vì sao tôi không cho con học thêm tiếng Anh với giáo viên "bản ngữ" ở trường?

09/12/2023 06:53
Hương Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi không cho con học thêm tiếng Anh với giáo viên "bản ngữ" ở trường vì tôi nhận thấy việc dạy và học chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho con tôi.

Con tôi đang học bậc trung học phổ thông ở một tỉnh phía Nam. Từ lúc con học tiểu học đến nay, tôi chưa bao giờ cho con tham gia học thêm tiếng Anh với giáo viên "bản ngữ" được tổ chức ở trường.

Tôi là một phụ huynh cũng là giáo viên bậc phổ thông, xin chia sẻ với bạn đọc lí do vì sao tôi không cho con học thêm tiếng Anh với giáo viên "bản ngữ" ở môi trường này.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Thứ nhất, theo quan sát và ghi nhận của tôi, cứ vào đầu năm học mới, rất nhiều trường phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) gửi thông báo cho phụ huynh trong đó có nội dung nhà trường hợp đồng với giáo viên "bản ngữ" dạy tiếng Anh cho học sinh.

Thế nhưng, nhiều trường học nơi địa phương tôi đang công tác mời giáo viên không phải là người bản ngữ (nơi tiếng Anh không phải là ngôn ngữ thứ nhất) vào giảng dạy. Tôi đã từng nhiều lần trò chuyện với thầy cô giáo thì được biết họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Anh, Mỹ, Nam Phi, Indonesia, Malaysia và cả Nga.

Trong khi đó, đa số phụ huynh đều hiểu rằng, giáo viên bản ngữ là người Anh, người Mỹ. Và thế là hầu hết phụ huynh đều cho con tham gia học thêm tiếng Anh với giáo viên "bản ngữ" ở trường học.

Tôi có hỏi giáo viên dạy môn Tiếng Anh, sao không góp ý cho hiệu trưởng bỏ từ "bản ngữ" đi nếu nhà trường không mời được người Anh, người Mỹ, Úc... vào giảng dạy, thì có đồng nghiệp chia sẻ "không dám nói", "sợ... nhạy cảm".

Phụ huynh cần biết rằng, giáo viên bản ngữ (hay giáo viên bản xứ, viết tắt trong tiếng Anh là NEST – Native English Speaker Techer) là những người đến từ các quốc gia sử dụng duy nhất ngôn ngữ đó là tiếng Anh hoặc tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất.

Họ sinh ra và lớn lên sử dụng ngôn ngữ là tiếng Anh, chính vì vậy họ là những người phát âm chuẩn nhất, học sinh khi học với họ sẽ có cách nói theo đúng ngữ điệu, cách luyến láy những lỗi phát âm hay mắc phải, việc nghe cũng trở nên dễ dàng hơn.

Một số quốc gia được công nhận là NEST (Native English Speaker Teacher) như Anh, Mỹ, Úc, Canada, South Africa, Ireland, New Zealand…

Thứ hai, về thời lượng học tập, học sinh được học 2 tiết/tuần (8 tiết/tháng) với giáo viên "bản ngữ" nhưng phụ huynh phải đóng học phí dao động từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/tháng (đóng 9 tháng/năm học).

Theo tìm hiểu của tôi, nhiều trường thu học phí ở mức tối đa (300.000 đồng/tháng) là quá cao so với mức bình quân thu nhập của phụ huynh và tiền lương giáo viên hiện nay.

Nếu một lớp ở thành phố có khoảng 45 học sinh x 300.000 đồng/học sinh = 13.500.000 đồng/tháng. Nhiều trường chi cho cơ sở vật chất 10% còn lại 12.200.000 đồng/tháng/lớp. Chi cho giáo viên trợ giảng tối đa 800.000 đồng/tháng (100.000 đồng/tiết x 8 tiết) còn lại 11.400.000 đồng/tháng/lớp.

Nếu một trường học có 40 lớp x 11.400.000 đồng/tháng = 456.000.000 đồng/tháng x 9 tháng = 4.104.000.000 đồng.

Vấn đề đặt ra là, số tiền này trung tâm ngoại ngữ cung cấp dịch vụ được hưởng bao nhiêu phần trăm? Giáo viên "bản ngữ" được trả lương bao nhiêu? Và "hoa hồng" trung tâm chi cho hiệu trưởng bao nhiêu?

Đây là con số bí mật vì nhiều giáo viên cho biết, nhiều hiệu trưởng chẳng bao giờ công khai tài chính, chỉ luôn miệng nói một câu "thu đủ bù chi". Đáng nói, cơ sở vật chất là của Nhà nước nhưng trung tâm ngoại ngữ nhảy vào liên kết và kiếm ăn một cách quá dễ.

Liên quan đến lương của giáo viên "bản ngữ" dạy ở trường phổ thông, tôi đã từng hỏi han (dẫu biết rằng đây là điều tế nhị) nhưng ai cũng lảng tránh và nói sang chủ đề khác. Phải chăng đây là quy định ngầm giữa giáo viên "bản ngữ" và trung tâm?

Thứ ba, có một thực tế mà các gia đình dễ dàng nhận ra là mặc dù học sinh bậc phổ thông được học với giáo viên "bản ngữ" nhưng sự tiến bộ của các em không đánh giá được. Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng, con họ học tiếng Anh theo chương trình của Bộ, học tiếng Anh liên kết trong trường với giáo viên "bản ngữ" nhưng vẫn phải học thêm tiếng Anh tại các trung tâm có tiếng tổ chức ở bên ngoài.

Sĩ số một lớp học ở thành phố đều đông nên trong 1 tiết học (45 phút) giáo viên "bản ngữ" chủ yếu nói về một chủ đề nào đó. Học sinh hầu như chỉ nghe một chiều thụ động, tính tương tác hạn chế.

Nhiều lúc tôi có tiết dạy cạnh lớp học với giáo viên "bản ngữ", học sinh ồn ào quá mức khiến tôi không thể nào giảng bài. Tôi phải chạy sang quát nạt to tiếng thì các em mới yên được một lúc, rồi lại tiếp tục ồn ào.

Cùng với đó, do bất đồng ngôn ngữ nên giáo viên "bản ngữ" gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lí lớp học, việc dạy và học chưa mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, học sinh không phải làm bài kiểm tra, không đánh giá tính điểm nên nhiều em chẳng thiết tha gì đến việc học.

Tôi hỏi chuyện một số giáo viên "bản ngữ" về việc học tiếng Anh của học học sinh (nơi đơn vị tôi đang công tác) thì được thầy cô giáo cho biết, khoảng 10-15% học sinh tiếp thu được bài. Học sinh cũng thừa nhận với tôi rằng, trong lớp có khoảng 5-7 bạn giao tiếp tiếp thu ổn, còn lại học rất yếu.

Đáng nói, học sinh mặc dù được học với giáo viên "bản ngữ" nhưng đề kiểm tra, đề thi tuyển sinh vào 10, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông đều không có phần nghe, nói - là một trong những bất cập lớn của việc dạy, học môn Ngoại ngữ hiện nay.

Từ 3 nguyên nhân như đã phân tích ở trên, với vai trò là một phụ huynh cũng là nhà giáo, tôi chưa bao giờ đăng kí cho con học thêm tiếng Anh với giáo viên "bản ngữ" ở trường. Những tiết trống, tôi khuyên con nên ghé thư viện đọc sách hoặc giải trí tuỳ thích.

Con tôi có đi học tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ, một lớp học từ 15-20 học sinh, do giáo viên bản ngữ đứng lớp. Tôi thấy con học hành nhẹ nhàng, vui vẻ, tiến bộ và tiền học phí chấp nhận được trong khả năng chi trả của tôi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hương Ly