Áp đặt "chương trình giáo dục phổ thông" sẽ dẫn đến độc quyền, lũng đoạn

23/04/2017 07:44
Phạm Anh Tuấn
(GDVN) - Mọi con đường đều dẫn đến SÁCH GIÁO KHOA, một cách hết sức tinh vi. Miếng bánh thực sự được nhắm tới nằm ở SÁCH GIÁO KHOA.

LTS: Tiếp theo bài viết Bộ giáo dục không được độc quyền biên soạn sách giáo khoa ở nước Pháp, nhà nghiên cứu - dịch giả Phạm Anh Tuấn gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết thứ 2 của ông về cách làm các "khung" cho sách giáo khoa trong giáo dục của Hoa Kỳ và Pháp.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Lâu nay Giáo dục nước ta mỗi lần triển khai một dự án đổi mới giáo dục vẫn hay dùng chữ “chương trình khung” hay “chương trình tổng thể”.

Ở nền giáo dục các nước khác trên thế giới cũng có khái niệm “khung” (“cadre” hoặc “socle commun” theo tiếng Pháp hoặc “common core” theo tiếng Anh), song với cách hiểu, cách làm và cách vận dụng hoàn toàn khác. 

Vậy đâu là sự thật đằng sau khái niệm CHƯƠNG TRÌNH KHUNG hay CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TỔNG THỂ trong giáo dục Việt Nam?

Con đường dẫn tới miếng bánh ĐỘC QUYỀN SÁCH GIÁO KHOA

Một vị giáo sư danh tiếng tại Việt Nam, đã tóm tắt triết lý giáo dục được ông tìm ra qua cuốn sách ông viết và ông tự đánh giá là “có tầm thực tiễn rất cao”, như thế này: “Người Việt Nam muốn học phải học Khổng Tử”. 

Có lẽ ít người nhận ra sự “phi lý” của cái được gọi là “triết lý giáo dục” này! 

Tôi không bác bỏ Khổng Tử, tuyệt nhiên không. Nhưng nếu muốn dùng Khổng Tử làm một cái “khung” triết lý thì phải nói thế này: người Việt Nam đã học là phải học vượt Khổng Tử. 

Vì, câu thứ nhất đã hàm ý dù có học thế nào đi nữa cũng không thể bằng được Khổng Tử. Trong trường hợp tốt đẹp nhất người học cũng chỉ đạt gần bằng hoặc hao hao giống Khổng Tử mà thôi. 

Một hội nghị lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2014, ảnh: Tạp chí Tuyên giáo.
Một hội nghị lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2014, ảnh: Tạp chí Tuyên giáo.

Như thế, giáo dục trở thành vô nghĩa! Đây là “ca” điển hình của triết lý giáo dục áp đặt.

Nhân loại bước sang đến thời hiện đại, tức là kể từ thời kỳ của cuộc cách mạng công nghiệp và hiện đại hóa, rồi cho tới nay là nền kinh tế toàn cầu hóa với cỗ máy toàn trị khủng khiếp có tên là THỊ TRƯỜNG. 

Thị trường kinh tế, thị trường việc làm, thị trường hàng hóa, cái gì cũng được quy về thị trường. Giáo dục trở thành một thứ HÀNG HÓA. 

Noam Chomsky trong cuốn The Class Warfare xuất bản năm 1999 đã gọi Adams Smith là “người hùng” gây tác động tới sự hồi sinh các xu thế kinh tế theo đường lối của cánh hữu (right wing). 

Một trong những nguyên tắc cốt lõi chung của các xu hướng này là người lao động phải phục tùng kỉ luật của THỊ TRƯỜNG. Thị trường nghiễm nhiên tự cho mình cái quyền đặt ra các tiêu chuẩn, các mục tiêu cho giáo dục. 

Các thiết chế hợp tác kinh tế toàn cầu, các tổ chức tài chính hùng mạnh “đặt hàng” cho giáo dục.

Người ta hô hào “doanh nghiệp phải đặt hàng cho giáo dục”, trong khi ngược lại mới đúng chứ: Nếu muốn, Giáo dục phải là nơi đặt hàng cho doanh nghiệp. 

Tại sao? Vì hai nguyên tắc lớn sau đây (trong truyền thống Giáo dục Tây phương): 

(1) Giáo dục là sự tự đào luyện của mỗi cá nhân, mỗi cá nhân là mục đích của chính mình. Không ai có quyền và cũng không thể áp đặt cho nó bất cứ một “giá trị” nào từ bên ngoài. 

Đành rằng mỗi cá nhân buộc phải là một thành viên của xã hội, của một nhà nước, nó cũng buộc phải học để thích nghi với xã hội.

NHƯNG đồng thời với điều này thì TRÍ TUỆ của mỗi cá nhân là một đại lượng có thể phát triển vô hạn, thậm chí không thể lường trước, nó tự do phát triển, và cần phải được tự do phát triển. 

Đó chính là ý nghĩa sâu xa trong triết lý giáo dục John Dewey: “Nhà trường có chức năng CẢI TẠO XÃ HỘI”, chứ có cái lý gì mà xã hội lại được quyền đặt hàng giáo dục;

(2) Giáo dục là nơi duy trì tính người (humanity), là cái phân biệt NGƯỜI với CON VẬT. Đó là ý nghĩa của nền giáo dục nhân bản và cũng là mục tiêu của các môn học vẫn được gọi là các môn học nhân văn (humanities). 

Mỗi cá nhân trước hết phải là CON NGƯỜI đã rồi mới là CON NGƯỜI CỦA NGHỀ NGHIỆP, phải là CHÍNH MÌNH đã rồi mới là THÀNH VIÊN của XÃ HỘI, bởi chưng TÔI có thể bất bình, có thể tranh đấu nếu xã hội tỏ ra phi nhân, và Giáo dục cần phải tạo ra những cá nhân như thế.

Áp đặt "chương trình giáo dục phổ thông" sẽ dẫn đến độc quyền, lũng đoạn ảnh 2

Bộ giáo dục không được độc quyền biên soạn sách giáo khoa ở nước Pháp

Như vậy, cả nền giáo dục cổ truyền lẫn nền giáo dục thời hiện đại toàn cầu hóa đều mang bản chất áp đặt.

Một đằng là áp đặt quyền uy của “người đi trước” hay TRUYỀN THỐNG, một đằng là áp đặt những yêu cầu được trông đợi của THỊ TRƯỜNG.

SONG, nền giáo dục ở Hoa Kỳ và Pháp (được đề cập riêng trong bài viết này) thoát khỏi sự chi phối của thị trường, ta sẽ hiểu vì sao, như sẽ được trình bày ở phần dưới.

Và trớ trêu thay, chính các nền giáo dục lớn, thông qua các thiết chế kinh tế, tài chính lớn (mà họ là những “tay chơi” chính) lại xuất khẩu sang các nước yếu hơn những “năng lực” được họ khuyến khích “tiếp cận”.

Triết lý áp đặt thể hiện khủng khiếp nhất trong HIỆN THỰC ở SỰ THẬT sau đây: 

Cái được gọi là CHƯƠNG TRÌNH KHUNG / CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG (gồm chương trình tổng thể và chương trình bộ môn) ở nền giáo dục Việt Nam là kết quả của sự ĐỘC QUYỀN.

Ở nền giáo dục Hoa Kỳ và Pháp, cái nằm trong khái niệm “khung” thực chất là bộ công cụ hướng dẫn thực hành, mang tính gợi ý, được TẤT CẢ CÙNG NHAU soạn ra với chủ đích là góp phần tạo ra một điểm tựa chung cho toàn bộ nền giáo dục.

Nó giống như một ngọn hải đăng chỉ soi đường giúp cho mọi con tàu đi lại trên biển, kể cả những “cánh buồm” nhỏ nhoi (các bậc cha mẹ muốn tự giáo dục con cái mình chẳng hạn).

Và như thế, đây chính là điều cốt tử: cái được gọi là KHUNG ở nền giáo dục Hoa Kỳ và Pháp TUYỆT ĐỐI KHÔNG MANG TÍNH PHÁP QUY.

Hệ quả là sự tôn trọng tự do học thuật, tự do nghiên cứu, tự do cùng phát triển trong tinh thần dân chủ, công khai, tôn trọng lẫn nhau của MỌI TÁC NHÂN LÀM GIÁO DỤC.

Và đây là SỰ THẬT tiếp theo: CHƯƠNG TRÌNH KHUNG / CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG không gì khác chính là bộ SÁCH GIÁO KHOA ĐỘC QUYỀN.

Đây chính là sự thật ẩn nấp sau khái niệm “chương trình khung” hay “chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”. 

Không gì khác chính là sự hiện thực hóa cái khung pháp lý bảo trợ sự độc quyền biên soạn sách giáo khoa và kéo theo đó là độc quyền xuất bản sách giáo khoa. 

Ảnh minh họa: Giang Huy / Báo Lao Động
Ảnh minh họa: Giang Huy / Báo Lao Động

Dù có khoác bên ngoài nó những mỹ từ hay thuật ngữ to tát nào đi nữa thì mọi con đường đều dẫn đến SÁCH GIÁO KHOA, một cách hết sức tinh vi. Miếng bánh thực sự được nhắm tới nằm ở SÁCH GIÁO KHOA (các nhà khoa học thống kê kể cũng khéo chọn thuật ngữ “pie chart”!). 

Vậy, “khung” được hiểu, được làm ra và được áp dụng thế nào ở Giáo dục Hoa Kỳ và Pháp?

GIÁO DỤC HOA KỲ

Trang www.corestandards.org là nơi công bố chính thức cái được gọi là “khung”, nếu muốn, có ghi rõ Common Core State Standards Initiative kèm tít phụ “Preparing America’s Students for College & Career”. 

Đây là một sáng kiến chủ động của các tiểu bang nhằm xây dựng những tiêu chuẩn cốt lõi chung cốt để chuẩn bị cho người học nào muốn vào đại học và sau đó tham gia thị trường việc làm.

Lời tuyên bố ở ngay đầu ghi rõ đây là nơi cung cấp những thông tin và tài liệu hỗ trợ về các tiêu chuẩn hiện hành cho các bậc phụ huynh (lạ chưa, “phụ huynh” được xếp vị trí đầu tiên!), các nhà giáo, các nhà hoạch định chính sách, các nhà báo và bất cứ ai khác quan tâm tới giáo dục. 

Cái mà Giáo dục Hoa Kỳ gọi là “tiêu chuẩn” thực chất là gì?

Đó là bản phác thảo những mục tiêu học tập (learning goals) và những tiêu chuẩn học thuật chất lượng cao mà mỗi người học nên biết (should know) và có thể dùng để tự đánh giá khi kết thúc mỗi năm học.

Những tiêu chuẩn này được làm ra bởi ai?

Nó được làm ra bởi những người giáo viên trực tiếp đứng lớp, các hiệu trưởng, các nhà quản lý và các chuyên gia. 

Các cơ quan quản lý giáo dục chỉ có chức năng điều phối, tập hợp rồi công bố, chứ không phải “ban hành kèm theo quyết định” như ở Giáo dục Việt Nam.

Người giáo viên đứng lớp được xếp vị trí thứ nhất, vì sao?

Vì các tiêu chuẩn được làm ra dựa trên nguyên tắc ưu tiên số một, đó là các tiêu chuẩn được xây dựng trên sự nghiên cứu thực chứng, thực địa (evidence- based research). 

Tiến trình xây dựng các tiêu chuẩn được tiến hành như thế nào?  

Áp đặt "chương trình giáo dục phổ thông" sẽ dẫn đến độc quyền, lũng đoạn ảnh 4

Đổi mới giáo dục - gợi mở từ học thuyết nhiều dạng trí khôn

Các tiêu chuẩn không phải được công bố theo kiểu “đi kèm theo dự án” như ở Giáo dục Việt Nam, mà được tập hợp từ các nghiên cứu và cập nhật hàng năm của mỗi tiểu bang. 

Trên thực tế, những tiêu chuẩn này mới chỉ được bắt đầu xây dựng từ đầu những năm 1990.

Các tiêu chuẩn này có mang tính “pháp quy” hay không?

Tuyệt đối không. Các tiểu bang, các khu học chính, các trường và mỗi phụ huynh học sinh có thể chấp nhận trên cơ sở tự nguyện (voluntarily adopted). 

Trên thực tế, 48 tiểu bang, hai vùng lãnh thổ và District of Columbia đều chấp nhận rồi sau đó hầu hết cũng thấy không cần “làm theo”. 

Còn GIÁO DỤC PHÁP thì sao? 

Cái có thể được gọi là “khung” (cadre hoặc socle commun) của Giáo dục Pháp theo tôi hay hơn của Hoa Kỳ nhiều.

Giáo dục Pháp xây dựng “cadre”, thoạt nhìn tưởng “chi ly, áp đặt”, cho từng môn học hoặc lĩnh vực học tập và cho cả từng cấp học. Trong khuôn khổ một bài viết ngắn thế này không thể trình bày hết được. 

Chỉ xin đơn cử lĩnh vực giáo dục nghệ thuật và văn hóa (éducation artistique et culturelle) là lĩnh vực như tôi thấy là rất khó dạy. 

Đầu tiên, nước Pháp có hẳn một “khung” ở tầm một bản “hiến chương” (chính xác là chữ “cadre” được dùng ở trong bản hiến chương này) cho trẻ em từ mẫu giáo tới hết bậc phổ thông (La Charte pour l’éducation artistique et culturelle). 

Xin lưu ý, hiến chương không phải là một văn bản “pháp quy”. Bản hiến chương nêu ba mục tiêu: 

(1) Tạo cơ hội cho mọi học sinh tự hình thành một văn hóa cá nhân phong phú;

(2) Tạo cơ hội phát triển năng khiếu của mỗi học sinh thông qua thực hành nghệ thuật;

(3) Tạo cơ hội để mỗi học sinh tự mình khám phá và tiếp xúc với các nghệ sĩ và các tác phẩm, và những di tích văn hóa.

Áp đặt "chương trình giáo dục phổ thông" sẽ dẫn đến độc quyền, lũng đoạn ảnh 5

Những bí ẩn được che đậy về giáo dục tiếp cận năng lực ở các nước Pháp ngữ

Tiếp tục, Giáo dục Pháp cũng có hẳn một “socle commun de compétences”, song cũng giống như ở nền Giáo dục Hoa Kỳ, đó tuyệt nhiên không phải là “chương trình khung” hay thực chất là “hình hài” bộ sách giáo khoa độc quyền như ở nền giáo dục Việt Nam. 

Cái “khung” đó là gì?

Đó thực chất là những tiêu chuẩn theo quan niệm của Giáo dục Pháp và có tham chiếu tới các “năng lực” được thỏa thuận giữa các nước thuộc Liên minh châu Âu vì một nền kinh tế và thị trường việc làm cạnh tranh trong thời đại toàn cầu hóa. 

Vế sau chính là những “năng lực” được Giáo dục Việt Nam sao chép một cách thiếu hiểu biết cho Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần này! 

Cái “khung” của giáo dục Pháp và Mỹ không liệt kê các năng lực theo kiểu hàng ngang và chốt ở các con số.

Tại sao lại là 6 phẩm chất và 10 năng lực? Một sự liệt kê cảm tính! 

Thực tế là trong mấy ngày được phép “góp ý” cho bản Dự thảo đã có các ý kiến “thêm vào, bớt ra” hoặc “gộp” lại phẩm chất, năng lực này nọ. 

VÀ CUỐI CÙNG, đây mới là điểm cốt tử phân biệt cách hiểu và cách vận dụng khái niệm KHUNG ở nền giáo dục Pháp và Hoa Kỳ:

Cái được gọi là “khung” ấy được làm ra một cách dân chủ, công khai, bình đẳng giữa mọi tác nhân trong xã hội. 

Đó cũng có thể được hiểu là một bộ “khung” cho sách giáo khoa “chung” (commun).

Nếu ai đó vẫn cố tình muốn lái sang hoặc muốn bao biện cho “chương trình tổng thể”, nhằm đảm bảo tính nhất quán của nền giáo dục, thì chắc chắn sẽ lại triệt tiêu mọi cơ cơ hội cho khả năng sáng tạo, tự do học thuật, tự do nghiên cứu. 

Điều này được phản ánh trong HIỆN THỰC: học sinh, phụ huynh, giáo viên, trường học, khu học chính (tạm hiểu tương đương với các “sở giáo dục” ở nước ta) có quyền và có cơ hội được lựa chọn bộ sách giáo khoa cho mình. 

Và hệ quả kéo theo là các nhà xuất bản được bình đẳng trong xuất bản sách giáo khoa.

Trong bài viết tiếp theo, bài cuối cùng như đã hứa, người viết sẽ tập trung phân tích “cứ điểm” kiên cố của giáo dục Việt Nam: “não trạng làm giáo dục bằng dự án”.

(Còn tiếp)

Phạm Anh Tuấn