Một số địa phương ở Đông Nam Bộ không tuyển đủ số biên chế giáo viên được giao

18/04/2023 06:33
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nhiều trường tiểu học ở Đông Nam Bộ không đủ điều kiện về CSVC để tổ chức học bán trú nên cha mẹ học sinh gặp khó khăn khi đưa trẻ đến trường học 2 buổi/ngày.

Áp lực giáo viên bỏ việc, ra khỏi ngành có xu hướng gia tăng

Ngày 18/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị “Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tại Bình Dương.

Theo báo cáo Tình hình phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2011-2022 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bên cạnh những kết quả tích cực về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên..., vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, về quy hoạch mạng lưới trường lớp còn bất cập; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp ở một số nơi còn chưa thực sự khoa học, hiệu quả, chưa đảm bảo môi trường học tập cho trẻ em, học sinh.

Ảnh minh họa: Ngân Chi.

Ảnh minh họa: Ngân Chi.

Đặc biệt, còn nhiều cơ sở giáo dục mầm non có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất tự phát, manh mún, thiếu ổn định, cơ sở vật chất thiết bị còn hạn chế, các điều kiện đảm bảo chất lượng còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ.

Mạng lưới cơ sở giáo dục chưa đồng đều giữa các khu vực, cơ hội tiếp cận giáo dục có chất lượng chưa bảo đảm thực sự công bằng đối với các nhóm yếu thế. Tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số và học sinh khuyết tật đi học đúng độ tuổi còn thấp so với sáu vùng kinh tế - xã hội.

Tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học năm học 2020-2021 (Nguồn: Tổng hợp từ niên giám thống kê và cơ sở dữ liệu ngành).

Tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học năm học 2020-2021

(Nguồn: Tổng hợp từ niên giám thống kê và cơ sở dữ liệu ngành).

Kết cấu hạ tầng ngành giáo dục chưa theo kịp với sự phát triển của vùng. Tình trạng quá tải tại các trường học còn chưa được khắc phục. Tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia thấp nhất cả nước.

Đặc biệt, tại các khu vực đông dân cư, khu đô thị mới vẫn còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp. Nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn còn thiếu phòng học, phòng học quá tải, chưa đáp ứng được quy mô trường, lớp, học sinh hiện có; thiếu thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch.

Tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học năm học 2020-2021 (Nguồn: Tổng hợp từ niên giám thống kê và cơ sở dữ liệu ngành).

Tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học năm học 2020-2021

(Nguồn: Tổng hợp từ niên giám thống kê và cơ sở dữ liệu ngành).

Trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập còn thiếu, nhiều thiết bị đã cũ, bị hỏng, xuống cấp không đáp ứng yêu cầu dạy - học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nhiều trường tiểu học không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức học bán trú nên cha mẹ học sinh gặp khó khăn khi đưa trẻ đến trường học 2 buổi/ngày.

Thiết bị công nghệ, phần mềm quản lý trong các nhà trường còn chưa đồng bộ, chưa có nền tảng thống nhất trong toàn ngành, chưa có hệ thống thiết bị, phần mềm điều hành chung. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, dạy và học chưa có chiều sâu, thống nhất và hiệu quả chưa tương xứng.

Đối với số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên, hiện còn bất cập. Cụ thể, cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại các địa phương, trường học; trong đó đáng chú ý là tình trạng thiếu giáo viên mầm non làm ảnh hưởng đến công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và thực hiện chương trình giáo dục mầm non; thiếu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, đặc biệt là thiếu giáo viên thực hiện môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nguồn tuyển giáo viên không đủ, năm học 2022-2023, một số địa phương đã không tuyển đủ số biên chế giáo viên được giao.

Số lượng giáo viên bỏ việc, ra khỏi ngành có xu hướng gia tăng ở một số địa bàn làm tăng thêm áp lực về vấn đề thiếu giáo viên. Tỉ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 còn cao, trong đó tỉ lệ giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn cao nhất cả nước; giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi chưa tương xứng với yêu cầu.

Thiếu lực lượng cán bộ khoa học trẻ đủ năng lực để trở thành đội ngũ kế cận cho đội ngũ cán bộ giảng viên đầu ngành đến tuổi nghỉ hưu.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế ấy là do: Áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao nên kết cấu hạ tầng ngành giáo dục chưa đáp ứng kịp với tốc độ tăng số lượng học sinh hằng năm. Số trường và số phòng học chưa đủ để đảm bảo 100% học sinh được học 2 buổi/ngày, một số trường phải tổ chức dạy học 6 buổi/tuần.

Các địa phương trong vùng chưa quan tâm thỏa đáng đến việc quy hoạch mạng lưới trường lớp đảm bảo đáp ứng đủ về diện tích đất đai và cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của trường chuẩn quốc gia.

Thiếu chính sách đãi ngộ đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất (do giáo viên phải làm việc theo thời gian ca, kíp, đón trẻ sớm, trả trẻ muộn,… để phù hợp với giờ làm việc của cha mẹ trẻ em).

Việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Cơ quan chuyên môn là Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu.

Đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa tương xứng với yêu cầu; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực có khả năng làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới. Chưa có cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ mới và đổi mới sáng tạo vào thực tiễn sản xuất kinh doanh.

Cần quan tâm thỏa đáng đến việc quy hoạch mạng lưới trường lớp

Từ những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn, báo cáo cũng chỉ ra những bài học kinh nghiệm để phát triển giáo dục đào tạo vùng Đông Nam Bộ trong giai đoạn tới:

Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Chú trọng công tác dự báo, xác định cụ thể mục tiêu, chỉ tiêu từng giai đoạn, lồng ghép nhiệm vụ, mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo trong hệ thống nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội để lập kế hoạch thực hiện phát triển giáo dục và đào tạo; thường xuyên phối hợp các cấp, các ngành để rút kinh nghiệm và điều chỉnh kế hoạch kịp thời.

Các địa phương cần quan tâm thỏa đáng đến việc quy hoạch mạng lưới trường lớp đảm bảo đáp ứng đủ về diện tích đất đai và cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của trường chuẩn quốc gia.

Hai là, thực hiện tốt việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục, trong đó tăng trách nhiệm của người đứng đầu gắn với việc đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong trường học. Tăng cường công tác xã hội hóa, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư để phát triển giáo dục.

Bảo đảm số lượng, chất lượng và chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Ảnh minh họa: Ngân Chi.

Bảo đảm số lượng, chất lượng và chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Ảnh minh họa: Ngân Chi.

Ba là, bảo đảm số lượng, chất lượng và chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, gắn bó với nghề, khẳng định vai trò tiên phong và nòng cốt trong công tác đổi mới giáo dục và đào tạo.

Bốn là, có cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư vào giáo dục, tập trung tại các địa bàn khó khăn, khu - cụm công nghiệp trên địa bàn.

Năm là, đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo, tuyên truyền những kết quả đạt được để xã hội hiểu và chia sẻ, đồng thuận với các chủ trương đổi mới của ngành; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo, đài địa phương, kịp thời, chủ động cung cấp thông tin để định hướng dư luận, để cán bộ quản lý, giáo viên, các bậc phụ huynh, học sinh và các tầng lớp nhân dân hiểu, đồng hành thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của ngành.

Ưu tiên quỹ đất cho giáo dục đảm bảo định mức giáo viên

Báo cáo cũng nêu rõ những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, định hướng hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Bảo đảm đủ số phòng học đạt chuẩn 1 lớp/1 phòng cho các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; đủ số phòng phục vụ học tập, phòng bộ môn và thư viện các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Thiết bị dạy học tối thiểu cho giáo dục mầm non và phổ thông được đầu tư mua sắm đầy đủ; bảo đảm 100% cơ sở giáo dục trong vùng đạt mức cơ sở vật chất tối thiểu.

Đồng thời, đảm bảo đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và chất lượng.

Cụ thể, nhiệm vụ và giải pháp về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo: Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục theo nguyên tắc đảm bảo tính khoa học, linh hoạt, kế thừa, ổn định lâu dài, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, sinh viên đến trường, nâng cao chất lượng giáo dục.

Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và quy mô phát triển giáo dục của từng địa phương trong vùng, chú trọng giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt và tạo cơ hội phát triển khu vực giáo dục tư thục để bảo đảm điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được tiếp cận và thụ hưởng công bằng thành quả giáo dục.

Ưu tiên quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; khuyến khích, hỗ trợ việc thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập ở các khu tập trung đông dân cư (như khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị mới,…).

Về đội ngũ giáo viên: Thực hiện việc tuyển dụng số biên chế được giao bảo đảm về số lượng và chất lượng; đồng thời có giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là những môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông 2018, giáo dục thường xuyên, xây dựng chương trình giáo dục nhà trường để sử dụng hợp lý đội ngũ giáo viên nhất là các môn học đặc thù, môn học tích hợp liên môn.

Xây dựng phương án bố trí, sắp xếp giáo viên dạy liên trường bảo đảm giáo viên thực hiện đủ định mức chế độ làm việc theo quy định.

Rà soát, hoàn thiện chế độ làm việc của giáo viên phù hợp với chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông 2018, giáo dục thường xuyên. Ảnh minh họa: Ngân Chi.

Rà soát, hoàn thiện chế độ làm việc của giáo viên phù hợp với chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông 2018, giáo dục thường xuyên. Ảnh minh họa: Ngân Chi.

Rà soát, hoàn thiện chế độ làm việc của giáo viên phù hợp với chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông 2018, giáo dục thường xuyên; định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông phù hợp với vùng miền. Xây dựng Chiến lược phát triển đội ngũ phù hợp với Chiến lược phát triển giáo dục đến 2030, tầm nhìn 2045.

Tiếp tục thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên theo lộ trình.

Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học để nâng cao tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trong vùng. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục. Tiếp tục đầu tư bổ sung phòng Tin học, phòng học có ứng dụng công nghệ thông tin ở các cơ sở giáo dục phổ thông. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân tài trợ, đầu tư xây dựng trường, lớp học.

Đổi mới cơ chế, chính sách phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập góp phần giải quyết các nhu cầu về đầu tư cơ sở vật chất các trường học.

Về ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục, đào tạo: Tăng cường sự phối hợp, thực hiện đồng bộ cơ chế phân bổ chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục tại các địa phương trong vùng, bảo đảm chi ngân sách nhà nước cho giáo dục của vùng đạt tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách nhà nước.

Đổi mới cơ cấu sử dụng nguồn ngân sách nhà nước theo hướng tăng chi đầu tư để bảo đảm cơ sở vật chất và tăng cường quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục trong vùng.

Về việc triển khai các chương trình giáo dục đặc thù: Tăng cường triển khai các chương trình giáo dục đặc thù trong các cơ sở giáo dục như giáo dục hòa nhập cho trẻ em, học sinh khuyết tật hoặc có hoàn cảnh đặc biệt; tổ chức các hoạt động trải nghiệm và nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử địa phương.

Ngân Chi