Đang có một "cuộc chiến truyền thông" về đầu vào ngành sư phạm năm nay

17/08/2017 09:36
Phạm Công Minh
(GDVN) - Các nhà quản lý giáo dục cấp cao của Bộ Giáo dục và Đào tạo, họ phát ngôn thận trọng, có ý không công nhận thực trạng điểm thấp thảm hại năm nay.

LTS: Thực trạng về điểm chuẩn ngành sư phạm năm nay thấp kỷ lục đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Là người từng làm công tác đào tạo đại học sư phạm nhiều năm, thầy giáo Phạm Công Minh, đại diện cho một số nhà nghiên cứu giáo dục phân tích, tổng hợp những luồng quan điểm về vấn đề này qua bài viết sau.

Toà soạn xin giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này và trân trọng cảm ơn thầy Phạm Công Minh và cộng sự.

Nội dung và văn phong bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

Từ đầu tháng 8 tới nay, khi các trường đại học và cao đẳng cả nước công bố điểm đầu vào, đã có mấy chục bài báo viết về thực trạng điểm chuẩn đầu vào ngành sư phạm thấp kỷ lục đăng tải trên báo như:

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Vietnamnet, Dân trí, Đất Việt, Việt báo, Giáo dục và Thời đại

Câu chuyện này còn lan sang cả các phương tiện truyền thông khác như Đài Tiếng nói Việt Nam, các kênh truyền hình VTV…

Quan sát dư luận, chúng tôi thấy nổi lên hai luồng quan điểm trái chiều về vấn đề này. Xin được phân tích và đánh giá cùng bạn đọc.

Dư luận nổi lên hai luồng quan điểm trái chiều về điểm đầu vào ngành sư phạm. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Dư luận nổi lên hai luồng quan điểm trái chiều về điểm đầu vào ngành sư phạm. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Thứ nhất, luồng quan điểm cho rằng: Đây là một thất bại, thậm chí là một thảm hoạ của nền giáo dục Việt Nam.

Ví dụ như ý kiến của “Ông giáo già” Hoàng Hữu Đức trong bài “Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?” trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 9/8/2017 cho rằng:

Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử lập quốc của chúng ta, chất lượng đầu vào đại học sư phạm lại tệ hại đến vậy”.

Tác giả còn trăn trở: “Liệu đây có phải là một trong những sự suy lụi và xuống cấp đầy đau đớn của nền giáo dục nước nhà?”.

Tác giả lo lắng đến chất lượng đầu ra và “dự cảm về một tương lai xám xịt” của ngành giáo dục, kêu gọi:

Tất cả các cơ quan ban ngành của Nhà nước và toàn xã hội nghiêm túc nhìn nhận thực trạng tuyển sinh năm nay, cùng nhau nhanh chóng hành động, chặn đứng thảm hoạ này”.

Đồng quan điểm với tác giả Hoàng Hữu Đức, Giáo sư Trần Hồng Quân - Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Chủ tịch Hiệp hội các trường Cao đẳng, Đại học Việt Nam khẳng định:

Cũng có ý kiến kêu gọi bình tĩnh trước tình hình này với nhiều lý giải khác nhau.

Nhưng dù lý giải cách nào thì cũng không thể coi như không có chuyện gì mà đây thực sự thêm một lần nữa cảnh báo về thảm hoạ tương lai của nền giáo dục”.

(Bài “Khốn khó, muốn giữ vẹn nhân cách, tự trọng là không dễ” – Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 14/8/2017).

Đang có một "cuộc chiến truyền thông" về đầu vào ngành sư phạm năm nay ảnh 2

Bất cập đào tạo giáo viên, trách nhiệm thuộc về ai?

Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng cho rằng:

So với các ngành công an, quân đội điểm chuẩn cao mà điểm đầu vào trường sư phạm thấp như vậy đúng là thảm hại, rất gay cho ngành sư phạm.

Thầy giáo mà dốt thì học trò cũng dốt. Muốn thầy giáo giỏi thì phải đào tạo người giỏi và lúc đó học sinh phổ thông mới giỏi”.

(Thảm hại điểm chuẩn sư phạm, đổi mới sẽ gặp khó - Báo Dân trí, ngày 9/8/2017).

Bài báo này cũng dẫn lời Giáo sư Đinh Quang Báo - Cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định:

Điểm chuẩn các trường sư phạm thấp chỉ bằng điểm sàn của Bộ đó là một thảm hại”.

Giáo sư còn phân tích:

Giáo viên muốn có chất lượng phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có yếu tố quan trọng nhất là đào tạo và bồi dưỡng.

Muốn đào tạo và bồi dưỡng tốt thì đầu vào chất lượng phải cao. Chất lượng đầu vào không cao thì đào tạo ra sản phẩm không bao giờ cao”.

Trong bài “Giáo sư Đinh Quang Báo: phải chấp nhận “thay máu” nhân sự trong ngành giáo dục” (Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 15/8/2017), Giáo sư còn khẳng định:

Ngành sư phạm ở Việt Nam có xu hướng đi ngược lại so với thế giới”.

Ông kêu gọi:

Phải đảo ngược thực tế, đầu vào sư phạm phải là cao nhất, chứ không phải thấp nhất như bây giờ”.

Ông phân tích cụ thể:

Chất lượng giáo viên thấp thì chất lượng giáo dục sẽ giảm theo. Điều này dẫn đến nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu phát triển sẽ không cao. Như vậy, việc phát triển kinh tế, xã hội theo đó sẽ bị ảnh hưởng. 

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Đầu tư cho giáo viên là đầu tư cho phát triển giáo dục và sự phát triển mọi mặt của xã hội”.

Với kinh nghiệm của một người có bề dày năm tháng dạy học và quản lý cao nhất ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - trường Đại học Sư phạm lớn nhất và có chất lượng đào tạo tốt nhất ở Việt Nam, Giáo sư Đinh Quang Báo khẳng định chắc nịch:

Muốn có giáo viên chất lượng cao phải có đầu vào cao”.

“Không có một cơ sở đào tạo nào có thể đào tạo một thí sinh có đầu vào thấp mà đầu ra có chất lượng cao được. Đó là logic tất yếu!

Đang có một "cuộc chiến truyền thông" về đầu vào ngành sư phạm năm nay ảnh 3

Giáo dục - kêu nhiều … khản cổ!

Giáo sư đề nghị:

Trước mắt, đối với các trường đào tạo ngành sư phạm lấy điểm đầu vào ngành sư phạm quá thấp thì không nên cho đào tạo”.

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng:

Đầu vào thấp thường ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Chỉ một số trường hợp hiếm hoi nhờ có sự nỗ lực lớn trong quá trình học tập mới cải thiện được”.

(Bài “Đừng để trường sư phạm tuyển sinh bằng mọi giá” – Báo Vietnamnet, ngày 15/8/2017).

Trên đây, chúng tôi mới chỉ tạm trích dẫn ý kiến của một số chuyên gia, nhà quản lý giáo dục có tên tuổi thể hiện sự lo ngại về chất lượng đào tạo giáo viên và tương lai ảm đạm của nền giáo dục nước nhà do điểm chuẩn đầu vào của ngành sư phạm năm nay quá thấp.

Còn nhiều ý kiến khác thống nhất với quan điểm này, chúng tôi không thể nào kể ra hết được. Nhìn chung, các ý kiến đều cho rằng đây là một sự thụt lùi, một thực trạng thảm hại của nền giáo dục Việt Nam.

Thứ hai, luồng quan điểm của một số nhà quản lý giáo dục đương chức hiện nay cho rằng: Điểm đầu vào ngành sư phạm năm nay không hẳn là thấp và nếu có thấp cũng hoàn toàn không quyết định đầu ra.

Chúng tôi sẽ lần lượt trích dẫn và phân tích các ý kiến này.

Đầu tiên là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng:

Điểm của ngành sư phạm không thấp như “Dư luận nghĩ”.

Thực tế điểm có ngành rất cao, có ngành điểm tương đối, song một số ngành thì thấp, đặc biệt là ở các trường Cao đẳng và một số trường không chuyên sư phạm”.

Đang có một "cuộc chiến truyền thông" về đầu vào ngành sư phạm năm nay ảnh 4

Điểm đầu vào ngành sư phạm không quyết định hoàn toàn chất lượng đầu ra

Bộ trưởng còn phê phán:

Không thể chỉ nhìn vào một điểm thấp mà cào bằng cả ngành rồi đem so sánh ngành sư phạm với ngành kỹ thuật”.

(Bài “Trường nào cũng tuyên bố sứ mạng nhưng đều “rưa rứa”” – Báo Vietnamnet ngày 12/8/2017).

Chúng tôi cho rằng có lẽ đây chỉ là cách nói mang tính chất chống chế nhằm “hạ nhiệt dư luận” của vị Tư lệnh ngành.

Bởi vì, “thực tế điểm có ngành rất cao” như Bộ trưởng nói chỉ rơi vào vài ba trường như: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Mức thứ hai là “có ngành điểm tương đối” thì cũng chỉ có dăm, bảy trường. Còn lấy đến điểm sàn thì có tới 21 trường như bác Hoàng Hữu Đức đã thống kê (Tài liệu đã dẫn).

Trong khi đó, cả 33 trường Cao đẳng Sư phạm và 2 trường Trung cấp Sư phạm đều lấy điểm chuẩn dưới sàn.

Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong Hội nghị Tổng kết năm học về Giáo dục Đại học và các trường Sư phạm ngày 11/8/2017:

Cả nước có 58 trường Đại học, 57 trường Cao đẳng, 40 trường Trung cấp có ngành đào tạo giáo viên (trong đó có 14 trường Đại học Sư phạm, 33 trường Cao đẳng Sư phạm và 2 trường Trung cấp Sư phạm).

Vậy, chưa đến chục trường “điểm có ngành rất cao, có ngành tương đối” như Bộ trưởng nói so với 155 cơ sở đào tạo giáo viên chỉ là một tỷ lệ quá ư nhỏ bé, chỉ là những điểm sáng yếu ớt còn sót lại trong hệ thống đào tạo giáo viên năm nay mà thôi.

Hơn 140 cơ sở đào tạo còn lại đều lấy điểm đầu vào bằng điểm sàn và thấp hơn điểm sàn, có phải đã đủ khái quát bức tranh xám xịt của đầu vào ngành sư phạm năm nay hay chưa ???

Vậy, “không thấp nhưdư luận nghĩ”” là thế nào ?

Hình như dư luận đã “nghĩ đúng”. Và có lẽ cũng chẳng có người nào lại “chỉ nhìn vào một điểm thấp mà cào bằng cả ngành” như cách nói thiếu trân trọng dư luận của Bộ trưởng đâu.

Giáo sư Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng:

Điểm chuẩn chỉ là một trong các yếu tố của quá trình đào tạo, không nên nhìn nhận điểm chuẩn là tất cả”.

(Bài “Trường nào cũng tuyên bố sứ mạng nhưng đều rưa rứa” – Báo Vietnamnet, 12/8/2017).

Nghe qua câu nói của Giáo sư Nguyễn Văn Minh, ta thấy có vẻ đúng và hợp lý nhưng thực chất lại sai ngược hoàn toàn với ý kiến của giáo sư Đinh Quang Báo - Người tiền nhiệm của ông.

Đúng “điểm chuẩn chỉ là một trong các yếu tố của quá trình đào tạo” nhưng nên nhớ rằng đây là yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất đến chất lượng đào tạo.

Các yếu tố khác chỉ là bổ trợ và phục vụ cho khẩu hiệu “Người học là mục tiêu và động lực phát triển của nhà trường” đang chăng đầy ở các trường Đại học Sư phạm mà thôi.

Cùng quan điểm với Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Giáo sư Phạm Hồng Quang - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên cũng cho rằng:

Chất lượng đầu vào (thể hiện ở ngưỡng đảm bảo chất lượng theo quy định) cũng là một trong chỉ số đảm bảo chất lượng.

Đương nhiên, nếu chất lượng đầu vào tốt, có thể có chất lượng đầu ra tốt hơn”.

(Bài “Đánh giá chất lượng tuyển sinh Sư phạm phải nhìn vào danh sách trúng tuyển” – Báo Giáo dục và Thời đại, ngày 4/8/2017).

Đang có một "cuộc chiến truyền thông" về đầu vào ngành sư phạm năm nay ảnh 5

Trò hư, cấp trên đè nén, lương thấp, không tiền... ai còn muốn làm thầy?

Chúng tôi không cần phân tích gì thêm cũng đã thấy quan điểm của ông Phạm Hồng Quang khác hẳn với quan điểm của Giáo sư Đinh Quang Báo mà chúng tôi đã trích dẫn.

Đặc biệt, ông Phạm Hồng Quang còn khẳng định:

Phần lớn số trường sư phạm khác, số thí sinh 15,5 điểm trúng tuyển có tỷ lệ rất thấp, có khoảng 70% có mức điểm từ 18 điểm trở lên.

Như vậy, phổ chất lượng cũng là đảm bảo tốt” .

Phát biểu của ông Phạm Hồng Quang trên Báo Giáo dục và Thời đại ngày 4/8/2017 khi các trường sư phạm chưa hoàn tất việc tuyển sinh đại học.

Không hiểu ông căn cứ vào đâu để đưa ra con số: “Khoảng 70% có mức điểm từ 18 điểm trở lên”?

Ông Quang còn nói “Phần lớn số trường sư phạm khác” nghĩa là cả 33 trường Cao đẳng Sư phạm và 2 trường Trung cấp Sư phạm, mà tất cả các trường này đều lấy điểm dưới sàn.

Như thế, con số ông Hiệu trưởng này đưa ra hoàn toàn sai, không thể tuỳ tiện khẳng định: “Như vậy, phổ chất lượng cũng là đảm bảo tốt” được!

Nực cười nhất là ý kiến của bà Trần Thị Thu Thuỷ - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang cho rằng:

Điểm chuẩn không quan trọng. Nhiều lúc trong kỳ thi việc giành được điểm cao hay thấp là do hên xui.

Tất nhiên nếu điểm đầu vào thấp và đặc biệt các em yếu thật sự thì quá trình đào tạo rất khó”.

Dư luận bất ngờ vì không thể nào tin nổi một cán bộ quản lý giáo dục lại ăn nói hàm hồ như vậy.

Câu nói của bà Trần Thị Thu Thuỷ phải chăng ám chỉ đến sự may rủi (hên xui) trong kỳ thi tốt nghiệp với các bộ đề thi trắc nghiệm còn đầy những hạn chế và bất cập của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa qua?

Điểm chuẩn không quan trọng” thì cái gì quan trọng đây, thưa bà Phó Hiệu trưởng???

Đang có một "cuộc chiến truyền thông" về đầu vào ngành sư phạm năm nay ảnh 6

Từ năm 2018, Bộ Giáo dục sẽ quy định điểm sàn riêng đối với ngành sư phạm

Cũng ngay tại Hội nghị Tổng kết năm học 2016 - 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ý kiến của ông Trần Văn Nam - Giám đốc Đại học Đà Nẵng đã phản biện ý kiến bà Thuỷ rồi.

Ông Nam “nói một cách sòng phẳng” rằng:

Với ngành sư phạm, cần quy định một mức điểm trên sàn cụ thể, ví dụ là 20 hay 22 điểm…

Như vậy, mỗi môn khoảng từ 7 điểm, hoặc giả sử vào sư phạm nào thì yêu cầu môn chính ít nhất phải trên 7 điểm, thì có lẽ sẽ đạt điểm chuẩn tốt hơn”.

Ông Nam nói hoàn toàn hợp lý, thể hiện trách nhiệm cao trước thực trạng tuyển sinh sư phạm năm nay.

Nhìn chung, luồng ý kiến thứ hai này chủ yếu của những người đang là các nhà quản lý giáo dục cấp cao của Bộ Giáo dục và Đào tạo, họ phát ngôn thận trọng, có ý không công nhận thực trạng điểm thấp thảm hại năm nay như một sự xuống cấp và thất bại của ngành giáo dục.

Cách nói vòng vo, né tránh, giảm bớt tính nghiêm trọng của vấn đề với mục đích an ủi và xoa dịu dư luận.

Có lẽ đây là thói quen quản lý đã trở thành căn bệnh trong ngành giáo dục nước ta.

Tuy nhiên, sự thật vẫn là sự thật, thảm hoạ vẫn là thảm hoạ.

Đúng như Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân đã nói:

Nhưng dù lý giải cách nào thì cũng không thể coi như không có chuyện gì mà đây thực sự thêm một lần nữa cảnh báo về thảm hoạ tương lai của nền giáo dục” (tài liệu đã dẫn).

Chúng tôi trích dẫn và phân tích hai luồng quan điểm trái chiều trên để bạn đọc có điều kiện xem xét và bình luận.

Bên cạnh việc 21 trường đại học có nhiều ngành lấy điểm đầu vào bằng điểm sàn, điều chúng tôi đặc biệt lo ngại hơn nữa là: 33 trường Cao đẳng Sư phạm và 2 trường Trung cấp Sư phạm ở nước ta đều lấy điểm chuẩn dưới sàn. Trong đó có nhiều trường lấy điểm đầu vào là 9 điểm.

Nếu đối tượng học sinh được ưu tiên 3,5 điểm thì chỉ cần 5,5 điểm 3 môn, mỗi môn chưa được 2 điểm sẽ trở thành sinh viên cao đẳng sư phạm.

Lớp học sinh phổ thông yếu kém này sẽ trở thành thầy cô giáo tương lai. Họ sẽ góp phần đưa nền giáo dục của chúng ta đi về đâu? Liệu đây có phải là “Đại thảm hoạ” của nền giáo dục nước nhà hay không???

Phạm Công Minh