Nếu chương trình mới giống như VNEN thì Ủy ban kiểm tra Trung ương nên vào cuộc

23/02/2018 06:27
NHẬT KHOA
(GDVN) - Mong cả 2 cơ quan là Thanh tra chính phủ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc làm rõ.

LTS: Lo ngại trước việc chương trình mới đang đi vào vết xe của VNEN, tác giả Nhật Khoa đã đưa ra quan điểm về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Việc thực hiện chương trình VNEN đã bị chỉ ra nhiều dấu hiệu của sự thất bại và có thể để lại nhiều hậu quả xấu. 

Trong khi đó, xây dựng chương trình mới đang ở giai đoạn quyết liệt, cấp thiết nhưng phải cực kỳ cẩn thận tránh tuyệt đối đi vào vết xe của VNEN.

Chương trình VNEN bị chỉ ra nhiều dấu hiệu thất bại. (Ảnh minh họa: TTXVN).
Chương trình VNEN bị chỉ ra nhiều dấu hiệu thất bại. (Ảnh minh họa: TTXVN).

VNEN có vấn đề từ khâu chuẩn bị

Không biết các cá nhân thực hiện VNEN  lấy ý tưởng từ đâu mà đem áp dụng chương trình VNEN tại Việt Nam?

Chương trình nghe ra rất lý tưởng nào là thay đổi phương pháp tiếp cận của học sinh, nào là giáo viên không cần dạy nhiều, nào là giáo viên không cần soạn giáo án, hay việc học sinh là chủ thể tự học, tự tiếp thu kiến thức,…

Bao nhiêu viễn cảnh tốt đẹp nhưng ngay sau khi đi vào áp dụng đã bị chỉ ra nhiều yếu tố xa rời thực tế, viển vông,  nhồi nhét cho học sinh và ép giáo viên phải dạy.

Bao nhiêu công sức, bao nhiêu tiền của của giáo viên, phụ huynh đã bỏ ra, tốn thời gian học tập của học sinh,…? 

Kết quả nhận lại là gì, là nhiều nghi ngờ và băn khoăn.

Việt Nam chưa có đủ điều kiện, chưa có sự chuẩn bị về mọi mặt nhưng Bộ đã yêu cầu dạy đại trà ở một số nơi nên đã thiếu hiệu quả trong khâu chuẩn bị, tổ chức. 

Tại sao một số nước người ta áp dụng EN rất thành công, ta lại chưa? 

Lỗi chính thuộc về việc ta vội vàng áp dụng một cách máy móc, thiếu sự suy nghĩ cẩn trọng và chín chắn khi điều kiện vật chất, giáo viên không cho phép, bên cạnh đó cũng không có thử nghiệm nghiêm túc trên đối tượng giáo viên và học sinh,…

Nước ngoài thực hiện thành công VNEN vì một lớp học của họ tối đa 25 học sinh, phòng học đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập... 

Họ thành công vì giáo viên đã được đào tạo bài bản, học sinh đã có ý thức học tập từ nhỏ,…

Nếu chương trình mới giống như VNEN thì Ủy ban kiểm tra Trung ương nên vào cuộc ảnh 2Chương trình mới sao chép VNEN thì thà giữ chương trình cũ còn hơn

Nước ta được bao nhiêu % trong các điều kiện trên. Xin thưa chúng ta đang có rất ít.

Ở ta lớp học thì đông có nơi đến 60 học sinh, cơ sở vật chất xuống cấp, phòng học thì thiếu thốn, đồ dùng thì lạc hậu, cũ kỹ, giáo viên thì chưa được đào tạo bài bản,…

Hiện tại chưa có giáo viên đào tạo theo chương trình mới, giáo viên cũ thì đào tạo đơn môn…làm sao có thể theo kịp chương trình mới toanh, xa rời thực tiễn.

VNEN đang bị kêu trên nhiều bình diện

Dù chưa có tổng kết cuối cùng, nhưng nhiều thầy cô trên cả nước và các bậc phụ huynh đã nói lên từ thất bại.

Bằng chứng là nhiều trường đã dừng áp dụng VNEN.

Phụ huynh thì kêu ca con em của họ học ngày càng sa sút, xuống cấp trầm trọng, học tới lớp 5 mà không biết đọc chữ, không biết cộng trừ nhân, chia,..nhưng vẫn bị ép phải lên lớp.

Còn giáo viên thì có người ngày càng ngao ngán, chán nản nhưng vì mệnh lệnh của cấp trên phải làm theo.

Có nơi, vì buộc phải làm nên giáo viên dạy kiểu chống đối…

Thậm chí có nơi, giáo viên tâm huyết sáng dạy theo chương trình VNEN, chiều phải cố ý làm trái, “lén” dạy học sinh theo chương trình cũ để học sinh có kiến thức chứ dạy theo VNEN hết thì “chết” học sinh, nơi nào không dạy được ngày thì giáo viên đành “bó tay”.

Rồi Bộ Giáo dục ban đầu cấm các trường thi tuyển đầu vào lớp 6. Lập tức có ý kiến việc này là để chống chế cho việc học sinh học VNEN kém hơn, không thi thì các trường dễ tiếp thu học sinh học VNEN.

Nhưng, khi có ý định cho học sinh thi hay khảo sát đầu vào lớp 6 bắt đầu từ năm học 2018 – 2019 thì các trường dạy theo chương trình VNEN lo lắng, phản đối vì sợ học sinh không làm được, sợ học sinh thua sút.

Chương trình mới phải tiên tiến hơn chương trình cũ, học sinh phải học tốt, tiếp thu tốt hơn chương trình cũ, nhưng khi thi để đánh giá, so sánh thì không dám. Vậy ta phải gọi kết quả đó là gì?

Nếu chương trình mới giống như VNEN thì Ủy ban kiểm tra Trung ương nên vào cuộc ảnh 3Hãy thi tuyển lớp 6 công khai giữa VNEN và truyền thống để đánh giá cho đúng

Chương trình mới có phải là chương trình VNEN 2.0? 

So sánh, tôi nhận thấy dự thảo nội dung chương trình mới mà Bộ Giáo dục đã công bố, chuẩn bị thực hiện và chương trình VNEN có nhiều điểm giống nhau, cả về tên gọi các môn học, kể cả phương pháp và cách thức học của học sinh.

Nhiều môn học cũng tương tự như VNEN chẳng hạn 2 môn tích hợp là Khoa học tự nhiên ghép môn Lý, Hóa, Sinh; môn Khoa học xã hội (sau đó sửa đổi thành môn Lịch sử và Địa lí) ghép môn Sử và Địa ở cấp trung học cơ sở.

Xin cám ơn Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã cho thêm thông tin về Môn Khoa học (Science) ở Úc gồm ba môn học riêng rẽ với ba thầy chuyên đơn môn khác nhau dạy thông qua nội dung bức thư của bạn Lê Amy vừa gửi cho Giáo sư.

Các môn khoa học được phân bổ như sau: kỳ 1 học môn  Lý, kỳ 2 học môn Sinh và kỳ 3 học môn Hóa.

Ngay cả nền giáo dục tiên tiến như Úc (đang dạy theo ngoại ngữ Anh Văn) mà còn chưa thể dạy học kiểu “tích hợp” một thầy ba môn, tại sao Bộ Giáo dục lại muốn làm điều đó?

Nếu không cẩn thận thì biết đâu tiền tỷ ngân sách hay vay mượn sẽ không cánh mà bay, mà còn nền giáo dục tụt hậu, sai lầm, ảnh hưởng đến tương lai thế hệ trẻ mà còn là tương lai của dân tộc Việt Nam như lời Bác Hồ đã dạy:

“Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”.

Như đã phân tích trên, liệu chương trình mới có đi vào vết xe của VNEN?

Chương trình mới sao chép bao nhiêu % của chương trình VNEN? Xin Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho toàn thể người dân được rõ.

Nếu chương trình mới giống như VNEN thì Ủy ban kiểm tra Trung ương nên vào cuộc ảnh 4Chương trình, sách giáo khoa mới đang đi theo vết xe đổ VNEN?

Đề nghị cả Thanh tra chính phủ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng vào cuộc làm rõ

Dấu hiệu thất bại của VNEN là có, nhưng hiện nay chưa có một ai trong Bộ giáo dục đứng ra chịu trách nhiệm và công khai xin lỗi.

Cũng chưa có bất kỳ cơ quan nào vào cuộc làm rõ các nghi vấn sai phạm của chương trình VNEN đã làm tiêu tốn bao nhiêu tiền của, nhân lực và trí lực của giáo viên, học sinh và ngân sách nhà nước?.

Mong cả 2 cơ quan là Thanh tra chính phủ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc làm rõ các cơ quan, tổ chức, cá nhân nào sai phạm trong dự án VNEN để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nếu ai không có sai phạm thì trả lại thanh danh, sự trong sạch chứ không thể để cả Bộ giáo dục cùng mang tiếng.

Bên cạnh cuộc thanh tra cũng nên làm rõ việc có hay không chương trình mới sao chép nhiều nội dung chương trình VNEN?

Nếu chương trình VNEN có những điểm mới, hay hoặc chương trình mới mà Bộ đang xây dựng kế thừa nhiều nội dung của chương trình VNEN thì nên gọi là chỉnh sửa, thay đổi cho phù hợp, chứ không thể bỏ ra tiền tỷ mà chỉ sửa lại một chương trình đã thực hiện bị chỉ ra nhiều nghi vấn thất bại rồi lấy tên chương trình mới.

Mong lắm thay các cơ quan chức năng công bố từng người sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, thậm chí trước pháp luật nếu chương trình tiếp tục thất bại.

Mong lắm việc đổi mới không cần làm ồ ạt, chỉ nên thay đổi từ từ, cẩn trọng dựa trên những thứ đã có, dựa trên lực lượng giáo viên hiện tại, nhất là phải dừng ngay các môn tích hợp khi chưa có minh chứng khoa học, chưa có thử nghiệm thực tế, cũng như có các bước khoa học để thay đổi chương trình theo cách tốt nhất, có thể bắt đầu từ các trường sư phạm trong cả nước.

Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn, kiến nghị và cách hành văn của riêng tác giả.

NHẬT KHOA