Làm gì để thầy không đánh trò, trò không đánh lại thầy?

19/02/2014 07:53
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - Về mặt tâm lí phản ứng là bình thường, coi đó là bản năng tự vệ của con người, tôi cho rằng học sinh này không kiềm chế được vì đang ở còn bồng bột”.

Liên quan tới sự việc thầy –trò đánh nhau trên bục giảng tại Trường THPT Nguyễn Huệ, Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với TS Tâm lí Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lí giáo dục Hà Nội về những phản ứng tâm lí trong sự việc trò và thầy cùng nóng tính gây nên một cảnh tượng phi giáo dục. 

Trong giáo dục, điều đầu tiên là biết kiềm chế

Thưa ông, sau khi xem xong clip này ông có cảm giác gì?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Đây đúng là một sự việc, hiện tượng đáng tiếc xảy ra trong ngành giáo dục, đúng vào dịp chúng ta đang bàn nhiều về đổi mới giáo dục. Đó là một điều đáng tiếc. Còn chuyện xảy ra thì không mới, vẫn còn đâu đó chỗ này chỗ khác thầy đánh trò, trò phản ứng lại thầy, cãi lại thầy là có.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Ảnh Xuân Trung
TS. Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Ảnh Xuân Trung

Dưới góc độ khoa học về tâm lí giáo dục thì tôi thấy, trước hết trách nhiệm người thầy chúng ta phải làm cho rõ. Ở đây chúng ta cũng chia sẻ với người thầy này là mới ra trường, thiếu kinh nghiệm do đó không ứng xử được với học sinh, nhưng ở đây chúng ta cũng phải thấy hai điểm rất quan trọng của thầy:

Thầy giáo đã không được đào tạo về đạo đức nghề nghiệp một cách sâu sắc. Trong giáo dục điều đầu tiên là phải biết kiềm chế, biết lắng nghe học trò, chút bực tức không phải bằng lời nói mà còn bằng hành động lên học trò là thiếu tính sư phạm, thậm chí đó còn được xem là xâm hại thân thể người khác, góc độ này còn vi phạm pháp luật.

Tôi cho rằng, trong các nhà trường sư phạm chưa đào tạo sinh viên và chưa phân tích cho họ thấy, một hành vi mang nhiều tác hại, vi phạm nhiều thứ, nên vì thế ở đây ta có thể chấp nhận chiếu cố, thông cảm vì thầy mới ra trường. Tôi cho rằng hội đồng kỉ luật nên kỉ luật tới mức nào để cho người thầy này có điều kiện sửa chữa và thay đổi.

Với học sinh, tôi thấy rất mừng, có một điều là em đầu bị thầy phạt không có phản ứng, nhưng em thứ hai thì không nhịn được với hành động của thầy. Về mặt tâm lí phản ứng là bình thường, cũng phải coi đó là bản năng tự vệ của con người, nhưng tôi cho rằng học sinh này không kiềm chế được vì đang ở tuổi trẻ còn bồng bột.

Chúng ta cũng phải chia sẻ với các em như vậy, các em có biết hành vi là sai, sau đó cũng thấy các em xin lỗi. Có một điều tôi rất mừng tập thể các em không vào hùa với học sinh mà đứng lên can ngăn các bạn, điểm đó tôi thấy rất mừng. Dù sao phần đông học sinh cũng đã thấy được cái phải, cái trái. 

Các trường có nên coi đây là một “đề bài” để chúng ta tìm ra cách giải, một bài học cho cả thầy và trò ở nhà trường?

Ngoài việc thầy giáo có hành xử đúng thì quan điểm của tôi các nhà trường cũng nên đưa đây là một tình huống để cho học sinh học tập để các em có lời giải trước, trước cái sai của thầy thì trò nên ứng xử như thế nào.

Đây cũng coi là một đề bài mà cả thầy và trò đều phải giải. Nếu học sinh cam chịu đứng yên cho thầy tát cũng không được, chúng ta không nên giáo dục theo cách đó. Nếu thầy sai thì học trò phải nói thầy đã sai, dám nói thầy sai và cần lên BGH xử lí. 

Tôi không khen học sinh đứng im để cho thầy đánh, nhưng mình cũng phải biết giáo dục học sinh không được đánh lại thầy, đó là một nguyên tắc, nhưng thầy đánh là phải đỡ, đó là phản xạ. Chúng ta không nên giáo dục học sinh theo một tình thần nhẫn nhục như vậy.

Việc này cán bộ lớp có thể đứng lên nói với thầy, chắc chắn có thêm tiếng nói thì thầy giáo sẽ có những cảnh tỉnh, phải bớt giận.

Bài học cho ngành giáo dục

Nhưng qua sự việc này thì bài học lớn nhất cho ngành giáo dục là gì, thưa ông?

Bài học ở đây có hai khía cạnh: Với thầy giáo chúng ta phải giúp thầy có kĩ năng sư phạm, có đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết pháp luật, cả ba mặt này thầy phải biết để ứng xử với học sinh.

Với học sinh trước những phản ứng của thầy giáo thì các em không nên cam chịu, mà phải có tiếng nói để giúp cho thầy thoát khỏi tiếng xấu, có thể là những học sinh khác lên tiếng.

Đây là một tình huống điển hình và chúng ta nên trao đổi trong các nhà trường để mọi thầy và học sinh thấy được cách giải quyết như thế nào cho tốt hơn. 

Nói rộng ra có thể đây là bài học cho công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục, đổi mới cách dạy và học, ông có nghĩ thế?

Trước hết phải tôn trọng học trò, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng học sinh đến đây, câu đầu tiên các em phải được tôn trọng, học sinh được tôn trọng thì người thầy luôn luôn phải nghĩ xem ứng xử chỗ nào chưa tốt, chỗ nào chưa phải để điều chỉnh và tự mình điều chỉnh mình trước. 

Không thể trách được sự bồng bột của tuổi trẻ, mọi bồng bột của tuổi trẻ đều phải được tha thứ, đồng thời cũng phải lên án.

Nhiều ý kiến nói rằng học sinh mà đánh lại thầy thì không còn gì để nói về đạo đức học trò nữa?

Không, ta phải tách ra hai sự việc. Nếu tách ra thành việc trò đánh thầy là vô đạo đức, nhưng đặt trong hoàn cảnh học sinh này bị dồn nén và chúng ta có thể chia sẻ, hơn nữa học sinh đã nhận sai. Tất cả tập thể học sinh ở đó chứng kiến bạn mình đánh thầy mà can ngăn thì đó là một hình ảnh đẹp.

Ông đã từng gặp trường hợp nào tương tự trong quãng thời gian làm thầy của mình chưa, nếu có thì xử lí thế nào?

Trường chúng tôi thì chưa có, nhưng có 1-2 thầy giáo có bực, họ là những người giỏi, có những lúc bực với học trò và không kiềm chế được thì thường học trò biết và chia sẻ, thầy trò cũng tự hòa giải với nhau. 

Với sự việc cụ thể như thế này, nếu xét một cách sâu xa hơn của việc dạy nghiệp vụ sư phạm trong các trường sư phạm. Theo ông, các trường sư phạm phải có động thái gì để chúng ta có được một lớp sư phạm đáp ứng được việc đổi mới cách dạy và học sắp tới?

Trong trường sư phạm hiện nay mới chỉ nặng về dạy kiến thức khoa học là chưa phù hợp, vì đây không phải là nơi để đào tạo hay nghiên cứu về những bộ môn đó, mà chỉ là những người lĩnh hội nắm chắc kiến thức của khoa học đó, nhưng họ phải có nghiệp vụ lớn hơn, đó là nắm được tâm lí lứa tuổi học sinh.

Họ phải nắm được những diễn biến tâm lí, trạng thái tâm lí của từng cấp học cho phù hợp để nắm những phương pháp giảng dạy từng bộ môn cho phù hợp.

Nhưng phương pháp giáo dục học sinh là cực kì phong phú và đa dạng, nhà trường sư phạm phải có nhiều thời gian để đào tạo họ. Trường sư phạm không chỉ trao cho thầy kiến thức về sư phạm mà còn trang bị kiến thức về khoa học giáo dục, kiến thức về tâm lí học, giáo dục học để ứng xử.

Chưa đủ, còn phải có kĩ năng để hiểu và biến thành hành xử - có tay nghề trong các trường sư phạm chứ không để có tay nghề do các trường phổ thông đào tạo, trường phổ thông chỉ có nhiệm vụ nâng cao tay nghề thì được.

Sinh viên sư phạm ra trường giờ kiến thức khoa học cũng không chắc chắn, và nghiệp vụ sư phạm cũng không đâu vào đâu. 

Xin cảm ơn ông.

PGS. Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT DL Lương Thế Vinh cho biết, ông cảm thấy vô cùng buồn và phẫn nộ khi nghe tới sự việc này. Theo PGS. Cương, chưa bàn đến các hình thức xử lí nhưng nếu sự việc rơi vào trường Lương Thế Vinh chắc chắn người thầy này sẽ bị đuổi việc.

Bởi thầy giáo đánh học trò là không thể chấp nhận được, giáo viên đó cũng không xứng đáng để được đứng trên bục giảng nữa. 

Xuân Trung (thực hiện)