Lớp chọn trong trường không chuyên

16/09/2018 07:01
Nguyễn Cao
(GDVN) - Việc mở lớp chọn trong trường không chuyên không chỉ tạo nên sự bất công bằng cho học sinh mà đang tự làm cho nội bộ của nhiều trường học lục đục.

LTS: Thẳng thắn chỉ ra 3 nguyên nhân hạn chế của mô hình lớp chọn, thầy Nguyễn Cao đã có bài viết chia sẻ cùng độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Dù cho Công văn số 2449 ngày 27/5/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: “Nghiêm cấm việc tổ chức các trường chuyên, lớp chọn ở cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở dưới bất kỳ hình thức nào” nhưng đa phần các trường cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông luôn chú trọng việc tổ chức, xây dựng một vài lớp mũi nhọn cho trường mình.

Những trường ở khu vực thành phố, những trường ở khu vực có điều kiện thì nhà trường lại càng đầu tư, tập trung cho các lớp chọn.

Bởi, các cấp học này thường có nhiều cuộc thi về văn hóa nên lớp chọn sẽ được đầu tư kĩ lưỡng, bài bản hơn nhằm tạo thương hiệu cho nhà trường.

Vì thế, ngay từ năm đầu cấp thì học sinh đã bắt đầu với vòng quay của ôn tập, bồi dưỡng để lựa chọn những nhân tố tốt nhất tham gia các cuộc thi của ngành.

Các em học sinh quay cuồng trong vòng quay vào lớp chọn (Ảnh minh họa: vov.vn).
Các em học sinh quay cuồng trong vòng quay vào lớp chọn (Ảnh minh họa: vov.vn).

Hiện nay, khi học sinh vào lớp 6 thì các trường thường tổ chức khảo sát chất lượng đầu năm đối với các môn cơ bản như Toán, Anh, Văn. 

Học sinh lớp 10 thì căn cứ vào số điểm tuyển sinh để làm cơ sở phân chia các đối tượng học sinh theo từng lớp. Em nào trội lĩnh vực nào sẽ được xếp vào các lớp đó. Chẳng hạn như xếp lớp tự nhiên, xã hội, ngoại ngữ.

Từ việc lớp ban đầu như vậy sẽ tạo thuận lợi cho nhà trường phân công giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn các môn trọng điểm.

Khi học sinh được xếp vào lớp chọn cũng đồng nghĩa sẽ được nhà trường đầu tư nhiều hơn, cha mẹ cũng tự hào nhiều hơn nhưng dĩ nhiên là chấp nhận phải đầu tư nhiều hơn về vật chất và thời gian học tập.

Trong rất nhiều tiêu chí để đánh giá một đơn vị trường học qua mỗi năm như chất lượng giảng dạy, chất lượng tuyển sinh, tỉ lệ đậu tốt nghiệp thì việc các trường đạt được nhiều giải thưởng học sinh giỏi là một tiêu chí để đánh giá.

Vì thế, phong trào tham gia thi học sinh giỏi các cấp luôn được các nhà trường đặc biệt quan tâm.

Nhiều hiệu trưởng quan niệm đó mới là thương hiệu cốt lõi nhất của nhà trường để kéo học sinh đến với trường mình.

Điều tất nhiên là khi tổ chức lớp chọn cũng phải lựa chọn những giáo viên tốt nhất đảm nhận các môn học để thi. Và, nhiều giáo viên cũng rất cần thương hiệu, uy tín cho riêng mình.

Lớp chọn trong trường không chuyên ảnh 2Tại sao các nhà trường, giáo viên và phụ huynh lại đều thích lớp chọn?

Có học sinh giỏi đạt giải cao ở cấp huyện, cấp tỉnh, hơn nữa là cấp quốc gia thì uy tín người thầy càng cao hơn. Từ đó, học sinh tìm đến thầy học thêm là điều tất yếu.

Những hệ lụy của mô hình lớp chọn cũng bắt đầu nảy sinh sang nhiều hướng khác nhau.

Thực ra, việc xếp học sinh vào lớp chọn cũng có nhiều điểm lợi như các em học giỏi có cơ hội được nâng cao kiến thức, các em yếu kém thì thầy cô có thể kèm cặp thêm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thì xảy ra một số hạn chế phát sinh.

Thứ nhất là khi xếp lớp chọn có một số giáo viên trong trường, phụ huynh vẫn có tư tưởng nhờ vả, xin xỏ để con em mình có thể vào được lớp chọn.

Vì thế, những em xứng đáng thì không nói làm gì nhưng trong mỗi lớp vẫn luôn có nhiều em không xứng đáng.

Người này nhờ được, người khác cũng nhờ theo. Trong trường, không chỉ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đưa con cháu mình vào lớp chọn mà ngay cả giáo viên cũng tận dụng mối quan hệ của mình để xin xỏ, nhờ vả. Tất nhiên, khi nhu cầu nhiều thì tiêu cực cũng phát sinh theo.

Thứ hai nếu như bố trí lớp chọn thì việc xếp lớp theo đối tượng học sinh sẽ có nhiều cái lợi cho cả thầy và trò.

Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy bình thường thì việc bố trí học sinh phân theo tỉ lệ học lực vẫn có nhiều ưu điểm hơn.

Những em học giỏi sẽ là nòng cốt để những em yếu kém có thể phấn đấu. Hơn nữa, khi lớp như vậy sẽ không xảy ra sự tự ti, mặc cảm giữa các em học sinh với nhau.

Thứ ba là sẽ tạo được đoàn kết trong tập thể nhà trường. Khi chia theo lớp chọn, chắc chắn sẽ dẫn đến nội bộ nhà trường lục đục, ghen tỵ với nhau.

Lớp chọn trong trường không chuyên ảnh 3Có một cuộc chạy còn căng hơn chạy trường đang diễn ra

Cho dù nhà trường phân công khách quan đến đâu cũng không tránh khỏi tư tưởng chia bè kết phái để kích bác nhau.

Khi mâu thuẫn về quyền lợi lên cao cũng là lúc các ban giám hiệu rất mệt mỏi để hướng tới mục tiêu của nhà trường. Chỉ giải quyết nội bộ cũng mệt mỏi.

Bởi, người được dạy lớp chọn đã mặc nhiên là mình giỏi, người dạy lớp đại trà cũng bị gán mác là dạy chưa tốt.

Ngay cả học sinh các lớp đại trà cũng tìm đến thầy cô dạy lớp chọn để học thêm. Từ đó, càng xảy ra những mâu thuẫn giữa các giáo viên với nhau.

Chuyện mỗi tỉnh có 1-2 trường chuyên cho dù dư luận đã lên tiếng nhưng dù sao đó vẫn là sự cần thiết của mỗi tỉnh bởi đó là loại trường chuyên biệt. Bởi các trường chuyên thì điểm đầu vào thường rất cao và được tổ chức thi cử nghiêm túc.

Tuy nhiên, việc các trường không chuyên mà xếp lớp chọn là điều không hề phù hợp chút nào. Song, nó vẫn âm thầm được chú trọng để tồn tại.

Việc mở lớp chọn trong trường không chuyên không chỉ tạo nên sự bất công bằng cho học sinh mà đang tự làm cho nội bộ của nhiều trường học lục đục vì những quyền lợi của một số người.

Nguyễn Cao