Nếu không làm rõ sẽ gây thiệt thòi cho hàng ngàn học sinh

14/07/2018 08:06
Phan Tuyết
(GDVN) - Để công bằng cho tất cả học sinh, Bộ Giáo dục cần cho kiểm tra lại kiến thức của những học sinh có nghi ngờ về kết quả thi.

LTS: Dư luận đang lên tiếng vì nghi ngờ kết quả thi Trung học phổ thông năm 2018 ở Hà Giang và Sơn La.

Trong bài viết này, cô giáo Phan Tuyết chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề trên. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Sau khi công bố kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm học 2018, dư luận nghi ngờ điểm thi tại Hà Giang và Sơn La có điều gì bất ổn vì có khá nhiều thí sinh đạt điểm cao bất ngờ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang rà soát từ khâu coi và chấm thi. 

Liệu có thể tìm ra sai sót? Hay sẽ được nghe kết luận “công tác coi và chấm thi rất nghiêm túc”?

Thí sinh sau khi hoàn thành bài thi. Ảnh minh hoạ: Baohagiang.com
Thí sinh sau khi hoàn thành bài thi. Ảnh minh hoạ: Baohagiang.com

Những điểm số bất thường

Chỉ nhìn vào điểm số của nữ sinh Ngô Lương Bảo Ngọc học sinh lớp 12 chuyên Sử, Trường Trung học phổ thông chuyên Sơn La đã cho ta nhiều sự hoài nghi về sự vô lý ấy.

Điểm thi thử các môn của em khá thấp, cụ thể Toán 5,0, Ngữ văn 4,0, Lịch sử 6,25, Địa lí 6,25, Giáo dục công dân 5,25, tiếng Anh 1,2. Điểm trung bình chỉ đạt 4,6.

Nhưng điểm thi 6 môn ở kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia của Bảo Ngọc lần lượt là: Toán 9,8, Ngữ văn 8,75, Lịch sử 7,5, Địa lí 8,25, Giáo dục công dân 8,0, tiếng Anh 9,8. Điểm trung bình đạt 8,68.

Với những môn như Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân chuyện lệch điểm giữa thi thử và thi chính thức có thể xem là chuyện bình thường.

Nếu không làm rõ sẽ gây thiệt thòi cho hàng ngàn học sinh ảnh 2Bộ Giáo dục yêu cầu Ban chỉ đạo thi Hà Giang rà soát toàn bộ lại khâu chấm thi

Bởi vì, đề văn lần này học sinh có thể điểm cao, đề văn khác lại bị điểm thấp do không đúng sở trường. Hay Sử, Địa… cũng hên xui vì vào ngay phần kiến thức mình chưa học kĩ.

Riêng 2 môn Toán và tiếng Anh, trong khi thi, học sinh không thể nói trúng tủ mà có được số điểm gần tuyệt đối như vậy.

Để đạt số điểm cao như thế nhất định các em phải có nền tảng kiến thức vững vàng. Nhưng thi thử em chỉ đạt điểm 5.

Vậy mà lần thi này, em lại đạt gần điểm tuyệt đối trong khi đề thi được đánh giá là rất khó.

Nếu là học sinh lớp chuyên Toán hoặc học ban tự nhiên còn dễ hiểu. Học sinh chuyên Sử chỉ học nhiều các môn xã hội mới nên mới gây nhiều bất ngờ.

Tôi đã biết khá nhiều học sinh chuyên toán, học toán rất giỏi nhưng kì thi năm nay cũng rất ít em đạt điểm 9.

Đặc biệt là môn Anh văn, khi thi thử cô nữ sinh này chỉ đạt 1.2 điểm. Mức điểm này chỉ của những học sinh yếu kém. Nhưng thi tốt nghiệp em lại đạt tới 9.8 hỏi sao không đáng hồ nghi?

Nhưng tìm ra sự bất minh này bằng cách nào? Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Khánh - Trưởng Phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng trả lời trên Báo Dân Trí:

"Trong quá trình coi thi, chúng tôi không phát hiện được bằng chứng gì bất thường về việc trao đổi bài, tráo bài… bởi ngoài lực lượng cán bộ các trường đại học, cao đẳng, còn có cả công an”. 

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã yêu cầu Hà Giang tiến hành ngay việc rà soát tất cả các khâu từ coi thi đến chấm thi. 

Coi thi được kết luận nghiêm túc thì chấm thi bằng máy liệu có sai sót đến mức đó chăng?

Liệu có sự gian lận bằng công nghệ cao?

Nếu không làm rõ sẽ gây thiệt thòi cho hàng ngàn học sinh ảnh 327 thí sinh vi phạm quy chế khi thi môn Ngữ văn

Khâu coi thi được kết luận là nghiêm túc bởi không có cảnh học sinh quay bài, chép bài của nhau.

Nhưng có ai dám chắc học sinh không gian lận bằng công nghệ cao nhưng không bị phát hiện?

Tôi đã từng gặp một học sinh thi trượt đại học năm 2017. Có lẽ vì trượt nên em mới kể câu chuyện gian lận thi của mình mà không ai biết.

Cô học trò này, dự thi vào trường Kinh tế. Em dùng tai nghe nhỏ như hạt đậu bỏ vào sâu trong tai. Chiếc đồng hồ đeo tay có gắn camera nhỏ xíu.

Nhờ sự hỗ trợ ấy, hai môn đầu em thi trót lọt. Nhưng đến môn thi cuối do giám thị quá gắt nên em không thể thực hiện được.

Do lực học chỉ mức yếu lại chủ quan nên môn thi ấy bị điểm liệt.

Thế là không đạt ước nguyện, chán nản em cũng bỏ ngang và ở nhà lấy chồng. 

Từ câu chuyện trên cho thấy, chuyện học sinh sử dụng công nghệ cao trong thi cử trót lọt có lẽ cũng không hiếm. 

Trở lại nhiều trường hợp điểm thi cao bất thường tại Hà Giang và Sơn La, giả sử nhiều em đã sử dụng máy móc hỗ trợ trong khi làm bài thì sao?

Chắc chắn chẳng thể nào thanh tra được dù công an có vào cuộc.

Vậy nên để công bằng cho tất cả học sinh tham dự kỳ thi này cũng là trả lại sự trong sạch cho chính các em (khi đang bị dân mạng công kích), Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cho kiểm tra lại kiến thức của những học sinh này.

Nếu thật sự các em đã làm Toán, Anh văn đạt mức điểm gần tuyệt đối thì chắc chắn những kiến thức cơ bản, các em nắm rất chắc.

Và như thế, bất cứ đề thi nào, bất cứ cuộc sát hạch nào cũng không thể làm khó các em được.

Phan Tuyết