Ngày nào còn định kiến với trường tư, giáo dục Hà Nội khó cất cánh

22/04/2018 08:27
Hồng Thủy
(GDVN) - Năm ngoái còn được 69%, năm nay Hà Nội chỉ lo được chỗ học cho 62% học sinh học hết bậc trung học cơ sở bằng cách tăng sĩ số bình quân.

Tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội, những con số "biết nói"

Cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội (hanoi.gov.vn) ngày 18/2/2017 cho biết:

Trong năm học 2017 - 2018, toàn thành phố Hà Nội dự kiến có 82.934 học sinh xét tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào hệ trung học phổ thông là 69.500 học sinh;

Trong đó, các trường công lập tuyển 56.840 học sinh, các trường ngoài công lập tuyển 12.660 học sinh. Số học sinh được tuyển vào trung tâm giáo dục thường xuyên là 7.000 học sinh. 

Số học sinh được tuyển vào các trường trung học chuyên nghiệp là 6.443 học sinh. Như vậy, số học sinh có cơ hội được học tại các trường trung học phổ thông công lập chỉ chiếm 69%. [1]

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Ha Nội Phạm Văn Đại chia sẻ sự hợp tác giữa Thủ đô Amsterdam và Thủ đô Hà Nội. Ảnh: VTV.vn.
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Ha Nội Phạm Văn Đại chia sẻ sự hợp tác giữa Thủ đô Amsterdam và Thủ đô Hà Nội. Ảnh: VTV.vn.

Vào mùa tuyển sinh đầu cấp năm nay, Báo Nhân Dân ngày 10/4/2018 dẫn lời Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết: 

"Năm học 2018-2019 dự kiến số lượng thí sinh dự thi vào lớp 10 trung học phổ thông của thành phố Hà Nội tăng khoảng 22.000 em. 

Chúng tôi sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường trung học phổ thông công lập.

Tỷ lệ của Hội đồng nhân dân thành phố là bảo đảm 60% học sinh vào các trường trung học phổ thông công lập, thì năm nay tăng lên là 62% học sinh vào các trường trung học phổ thông công lập. 

Sĩ số sẽ tăng từ 40 lên 45 học sinh/lớp, ở trong mức phù hợp, đúng bằng quy định của Điều lệ trường trung học phổ thông.

Chúng tôi đã chỉ đạo các nhà trường trong đợt này mua sắm thêm bàn ghế, trang thiết bị dạy học và ký hợp đồng với giáo viên… để chuẩn bị năm học mới, bảo đảm cho học sinh có đủ chỗ học.

Ngoài ra, các trường ngoài công lập, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục từ xa, các trường trung cấp, cao đẳng…cũng thu hút một số lượng các học sinh trên địa bàn;

Nên các vị phụ huynh yên tâm, không cần lo lắng, chúng tôi bảo đảm cho giáo dục của thành phố Hà Nội ổn định và phát triển." [2]

Đưa tin về tuyển sinh đầu cấp năm học 2018-2019 tại địa bàn thành phố Hà Nội, Báo Lao động điện tử (laodong.vn) ngày 17/4/2018 có bài:

"Khoảng 40.000 học sinh lớp 9 tại Hà Nội không được học trung học phổ thông công lập". [3]

Định kiến với trường tư thục còn nặng nề

Ba bài báo / bản tin trên đây cho thấy nhận thức của các nhà quản lý giáo dục thủ đô còn nhiều bất cập, mang nặng định kiến với giáo dục tư thục.

Ngày nào còn định kiến với trường tư, giáo dục Hà Nội khó cất cánh ảnh 2

Hà Nội ép trường tư "kiểm tra, đánh giá năng lực" sẽ làm khổ học sinh

Điều này thể hiện rõ qua cách đánh giá, nhận định:

"Như vậy, số học sinh có cơ hội được học tại các trường trung học phổ thông công lập chỉ chiếm 69%";

"Tỷ lệ của Hội đồng nhân dân thành phố là bảo đảm 60% học sinh vào các trường trung học phổ thông công lập, thì năm nay tăng lên là 62%"; 

Cho đến tiêu đề 1 bài báo cũng bộc lộ những định kiến trong dư luận, truyền thông về trường tư: "Khoảng 40.000 học sinh lớp 9 tại Hà Nội không được học trung học phổ thông công lập".

Thực tế những thông tin trên đây theo chúng tôi, nó cho thấy một thực trạng đáng buồn của giáo dục thủ đô:

Năm học 2017-2018 Hà Nội chỉ lo được chỗ học cho 69% học sinh học hết bậc trung học cơ sở vào trung học phổ thông.

Vậy 13.434 học sinh hoàn thành bậc trung học cơ sở năm 2017-2018 của Hà Nội, các em sẽ làm gì ở lứa tuổi "ăn chưa no, nghĩ chưa tới"?

Trong khi với chương trình giáo dục phổ thông của ta hiện nay, học hết bậc trung học phổ thông cũng chưa thể tự kiếm sống, nhiều bậc cha mẹ phải "bán xới" theo con lên thành phố làm thuê nuôi con học đại học.

Ngay tại Hà Nội, học hết lớp 9 ở nhà các em sẽ làm gì?

Năm ngoái còn được 69%, năm nay Hà Nội chỉ lo được chỗ học cho 62% học sinh học hết bậc trung học cơ sở bằng cách tăng sĩ số bình quân từ 40 lên 45 học sinh / lớp.

Nhưng ngay cả con số bình quân 45 học sinh / lớp mà thầy Phạm Văn Đại bảo đảm "phù hợp với điều lệ trường phổ thông" cũng khó có thể khiến dư luận yên tâm. 

Quá tải sĩ số trường công lập tại Hà Nội là hiện tượng phổ biến, ảnh minh họa: Hải Nam / Báo Nhân Dân.
Quá tải sĩ số trường công lập tại Hà Nội là hiện tượng phổ biến, ảnh minh họa: Hải Nam / Báo Nhân Dân.

Đơn cử như quận Cầu Giấy có 21 trường trung học cơ sở nhưng chỉ có 3  trường trung học phổ thông công lập [4]. E rằng, sĩ số thực tế tại các trường trung học phổ thông công lập ở nội thành Hà Nội sẽ cao hơn nhiều. 

Báo Nhân Dân ngày 8/6/2017 cho hay, theo quy hoạch mạng lưới trường học của Hà Nội theo Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐND, mỗi khu vực có từ 30 đến 50 nghìn dân có một trường trung học phổ thông công lập, sĩ số trung bình 40 học sinh/lớp. 

Thế nhưng, nhiều năm qua, tại các trường trong khu vực nội thành, sĩ số học sinh trung bình luôn từ 50 đến 60 học sinh/lớp. [5]

Rõ ràng con số này cao hơn nhiều so với con số thầy Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra, chưa kể đến năm nay số lượng học sinh học hết lớp 9 lại tăng đột biến vì tuổi "dê vàng".

Còn giải pháp "tăng số phòng học" mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề xuất thì sao?

Bài báo trên của Báo Nhân Dân cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐND, thành phố Hà Nội đã đạt và vượt chín trong số 16 tiêu chí. 

Tuy nhiên, một tiêu chí rất quan trọng là sĩ số bình quân học sinh trên một lớp, số lớp trên một trường chưa đạt và dự báo, rất khó để đạt đúng thời hạn đã đề ra. [5]

Trên thực tế có một ví dụ cho thấy sự "bất lực" của giáo dục công lập Hà Nội trong việc đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh, xin được nêu ra đây để làm sáng rõ tính khả thi của giải pháp "thêm lớp, tăng sĩ số" mà giáo dục Hà Nội đưa ra.

Cả mảng vữa trần nhà lớp học trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông, Hà Nội bị rơi, ảnh: VTV.vn.
Cả mảng vữa trần nhà lớp học trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông, Hà Nội bị rơi, ảnh: VTV.vn.

Ngày 20/3, học sinh lớp 12A12 Trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông, Hà Nội đang ở trong lớp thì bất ngờ một mảng trần lớp sập xuống.

3 học sinh bị vữa rơi trúng đầu, được đưa đi cấp cứu. Toàn bộ giáo viên và học sinh trong trường lo lắng, bất an.

Nhà trường đã báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo từ năm 2013, 5 năm trôi qua vẫn không được cấp kinh phí xây mới dù đã xuống cấp trầm trọng. [6]

Một trường đã vậy, thì lấy gì đảm bảo giải pháp "tăng lớp học, nâng sĩ số trường công" trên toàn thành phố của Hà Nội sẽ khả thi? 

Hơn nữa, sĩ số cao như vậy, Hà Nội lấy gì để đảm bảo chất lượng giáo dục, giảm áp lực học thêm và xử lý tận gốc vấn nạn lạm thu ở trường công? 

Con số bình quân 45 học sinh / lớp tại trường phổ thông công lập được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tính bình quân trên toàn thành phố, cả nội thành lẫn ngoại thành.

Còn thực tế, áp lực sĩ số tại các trường công lập nội thành hiện nay có lẽ sẽ không dưới con số 50 đến 60 em / lớp như thông tin trên Báo Nhân Dân. Gần như không có cách nào giải quyết nếu không phát triển giáo dục tư thục.

Báo Nhân Dân ngày 8/6/2017 dẫn lời Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho rằng: 

"Sự bất hợp lý trong quy hoạch trường học dẫn đến tình trạng nơi thiếu trường, nơi thừa chỗ học. 

Tổng số lượng trường học trên địa bàn thành phố thì không thiếu, nhưng nội thành là khu vực cần đầu tư trường lại không xây, mà chúng ta ưu tiên phát triển hệ thống trường học mới ở khu vực ngoại thành. 

Ở khu vực này, một số trường chỉ cần cải tạo, sửa chữa là được, nhưng lại được xây mới rồi sử dụng không hết, gây lãng phí." [5]

Cho nên, "giải pháp" nâng sĩ số bình quân từ 40 lên 45 học sinh / lớp tại các trường phổ thông công lập Hà Nội có lẽ chỉ mang ý nghĩa xoa dịu lo lắng của dư luận, chứ ít giá trị thực tiễn, bởi nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu.

Chúng tôi thiết nghĩ, người dân Hà Nội không chỉ cần ngành giáo dục thủ đô "đảm bảo đủ chỗ học", mà còn điều kiện học tập phù hợp cho các em để không phải chạy theo những lớp học thêm.

Trong bài viết tới, chúng tôi xin đề xuất "Một số giải pháp hiệu quả và không tốn ngân sách" để góp thêm tiếng nói với ngành giáo dục Hà Nội giải quyết áp lực sĩ số trường công.

Tổ chức Hội thảo Tuyển sinh trường tư thục: Thực trạng và giải pháp

Với mong muốn góp phần tháo gỡ những khó khăn cho công tác tuyển sinh của các trường tư thục, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo về tuyển sinh ở các trường tư thục với mong muốn tìm kiếm các giải pháp đóng góp cho công tác quản lý của các Sở giáo dục và Đào tạo, đồng thời cũng tìm ra những giải pháp khắc phục khó khăn cho các trường tư thục.

Hội thảo diễn ra từ 8h30-11h ngày 26/4/2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội.

Để đăng ký tham dự hội thảo và gửi các ý kiến đóng góp tìm kiếm giải pháp, tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển sinh của các trường tư thục, xing vui lòng liên hệ:

toasoan@giaoduc.net.vn
Hotline: 0938.766.888 - 0243.5569666

Tài liệu tham khảo:

[1]http://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/7320/2789822/ha-noi-tuyen-sinh-au-cap-theo-phuong-thuc-xet-tuyen-va-thi-tuyen.html;jsessionid=OT-IzrRxvD+h67WFKfYf7Tf3.app2

[2]http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/item/36046802-ha-noi-tang-chi-tieu-tuyen-sinh-vao-lop-10-cac-truong-cong-lap.html

[3]https://laodong.vn/giao-duc/khoang-40000-hoc-sinh-lop-9-tai-ha-noi-khong-duoc-hoc-thpt-cong-lap-601862.ldo

[4]https://baomoi.com/tuyen-sinh-lop-10-o-ha-noi-2018-ty-le-choi-se-ngat-nguong/c/24400839.epi

[5]http://www.nhandan.com.vn/nation_news/item/33106102-bat-cap-trong-quy-hoach-mang-luoi-truong-hoc-o-ha-noi.html

[6]http://kinhtedothi.vn/thpt-tran-nhan-tong-xuong-cap-nghiem-trong-cho-kinh-phi-nang-cap-301058.html

Hồng Thủy