Tiếng Anh và luận văn Tiến sĩ

02/06/2016 07:27
PGS.TS Lưu Tiến Hiệp
(GDVN) - Đừng nghĩ rằng bất kỳ ai học xong cử nhân Anh văn sẽ dịch tốt một báo cáo khoa học hay cử nhân Ngữ Văn tiếng Việt sẽ viết tốt một báo cáo bằng tiếng Việt.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của PGS-TS. Lưu Tiến Hiệp, một nhà giáo từng giảng dạy, tại Đại học New South Wales hơn 12 năm. 

Ở bài này, ông đề cập đến một vấn đề đang gây tranh cãi của giáo dục hiện nay, đó là tình trạng viết tiếng Anh của các tác giả luận văn Tiến sĩ. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả quan điểm này. 


Gần đây trên báo chí có nhiều bài viết phê phán về tình trạng viết tiếng Anh dở đến rất dở của các luận văn Tiến sĩ, thậm chí viết bản tóm tắt cũng không ra hồn. Theo tôi đây là những kết án quá nghiêm khắc.

Trước hết, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai đối với người Việt Nam. Trừ những người có năng khiếu ngoại ngữ (bài này cũng không nhắm tới nhóm đối tượng này), để làm chủ được ngôn ngữ thứ hai này không phải dễ một chút nào. Kỹ năng nói và đọc ngoại ngữ thường không quá khó. 

Phần lớn người sinh viên Việt Nam nếu chịu khó trau dồi tiếng Anh và với cuốn Từ điển có thể đọc hiểu tài liệu trong ngành của mình. Kỹ năng nói thì cố gắng biết sao nói vậy, thời gian cùng với thực hành và sự tự tin có thể nói chuyện được bằng tiếng Anh. Nhưng viết tiếng Anh lại là chuyện khác. 

Gần đây trên báo chí có nhiều bài viết phê phán về tình trạng viết tiếng Anh dở đến rất dở của các luận văn Tiến sĩ (Ảnh: vnexpress.net)
Gần đây trên báo chí có nhiều bài viết phê phán về tình trạng viết tiếng Anh dở đến rất dở của các luận văn Tiến sĩ (Ảnh: vnexpress.net)

Chắc hẳn chúng ta còn nhớ hồi học trung học làm luận văn bằng tiếng Việt không phải là dễ. Từ những bài tả cảnh tả người lên đến những bài nghị luận là một chuỗi cố gắng trong khoảng thời gian rất dài. 

Chúng ta luyện câu đơn câu kép, tập dùng phép tu từ…Nhưng dù sao chúng ta không bị bí vốn từ hay viết sai ngữ pháp bởi ngữ pháp hình như nằm sẵn trong đầu chúng ta. 

Ngược lại khi viết bằng tiếng Anh phải để ý đến cả từ ngữ và ngữ pháp. Chúng ta thường không đủ từ ngữ chính xác để diễn đạt một ý muốn viết ra. Chúng ta còn phải để ý đến viết đúng ngữ pháp tiếng Anh. 

Ngoài ra còn một khía cạnh quan trọng khác là nắm bắt được văn phong của người Anh. Chúng ta chắc cũng đã từng dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt một đoạn văn và sau đó thầy cô hay chính chúng ta cảm thấy bản dịch này “tây” quá, không đúng điệu ngữ tiếng Việt tí nào, đọc hiểu được đoạn văn nhưng không hay. 

Tương tự, ở một trình độ viết một luận ăn Tiến sĩ hay một bài báo khoa học bằng tiếng Anh, sau khi đã vượt qua ải từ ngữ và ngữ pháp chúng ta rất khó nắm bắt được điệu ngữ tiếng Anh, nếu không muốn nói là nhiệm vụ bất khả thi đối với những người không quen viết tiếng Anh.

Vậy phải làm sao?

Có những cách để có được một luận văn, một bài báo tiếng Anh đúng văn phong. Nhưng trước hết tác giả phải biết cách viết một báo cáo khoa học theo đúng chuẩn quốc tế. 

Tiếng Anh và luận văn Tiến sĩ ảnh 2

Năm tâm tư gan ruột của một tiến sĩ về “lò tiến sĩ”

(GDVN) - Cơ sở thực tiễn và khoa học của 350 tiến sĩ/chỉ tiêu/năm cho Học viện có thuyết phục không, khi mà các hiện tượng cứ diễn ra “dài dài mãi”?

Nếu không biết điều này thì bản tiếng Anh sẽ tệ hơn hai, ba lần. Rất tiếc hiện nay nhiều người làm khoa học (xã hội hay tự nhiên) không biết chuẩn viết báo cáo khoa học, thể hiện một nguyên tắc người Việt Nam thích “chủ nghĩa ngoại lệ”, nói nôm na chẳng giống ai vì thiếu hiểu biết và thiếu kỷ luật. 

Chẳng hạn cách viết trích yếu (abstract), tóm tắt (summary), nhập đề, cách trích dẫn, tham khảo, vẽ đồ thị và chú thích đồ thị,…đều có chuẩn mực cả.

Người viết còn phải thành thạo tiếng Việt về cách hành văn, cách diễn đạt ý tưởng sao cho trong sáng, thuyết phục. Nếu không thành thạo tiếng Việt viết báo cáo tiếng Việt thì bài chuyển ngữ sang tiếng Anh sẽ rất tệ.  

Ngoài ra người viết phải biết là viết tiếng Anh rất khó (viết tiếng Việt đã khó rồi), để chúng ta không chủ quan và tự thỏa mãn với trình độ tiếng Anh của mình và cả của người khác. 

Chúng ta phải luôn tâm niệm tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ nên dù sao cũng dễ diễn đạt ý tưởng hơn tiếng Anh. Do đó phải cực kỳ cẩn trọng với bản dịch. 

Đừng bao giờ nghĩ rằng bất kỳ người nào học xong cử nhân Anh văn sẽ dịch tốt một báo cáo khoa học hay học xong cử nhân Ngữ Văn tiếng Việt sẽ viết tốt một báo cáo khoa học bằng tiếng Việt.

Chính vì lý do đó một luận văn Tiến sĩ là ở Việt Nam nếu được lựa chọn luôn luôn phải viết bằng tiếng Việt nhưng theo đúng chuẩn quốc tế vì qua tiếng Việt chúng ta mới diễn đạt đầy đủ ý nghĩa mà mình muốn nói.

Trừ khi thật thành thạo tiếng Anh và theo yêu cầu của trường, chúng ta mới viết bằng tiếng Anh, nhưng cũng vẫn phải thận trọng với sản phẩm này.

Tôi thử đề nghị một số cách để viết được một luận văn, một bài báo khoa học bằng tiếng Anh của người bản ngữ: 

Chúng ta nên cho dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Hãy thuê một công ty dịch thuật có uy tín hay một người thành thạo tiếng Anh dịch văn bản tiếng Việt sang tiếng Anh. 

Nhưng hiện nay hình như chưa có những công ty dịch thuật thật sự giỏi làm việc này vì đây là dịch ngược. Người Pháp bây giờ cũng thường gửi đăng công trình trong tạp chí tiếng Anh. 

Tiếng Anh và luận văn Tiến sĩ ảnh 3

Hội nhập giáo dục Việt Nam: Con đường nào để thành công?

(GDVN) - Các chuyên gia thừa nhận, để hội nhập quốc tế về giáo dục thì ngoài nguồn lực mạnh, chất lượng lao động tốt, còn phải có kỹ năng và trình độ tiếng Anh.

Không phải người Pháp nào cũng giỏi tiếng Anh, nên họ nhờ dịch vụ làm việc này, nhưng dịch vụ của họ chuyên nghiệp nên bản dịch tất có chất lượng. Bản dịch này sau đó nhờ thêm người thạo tiếng Anh duyệt lại.

Nếu người viết khá giỏi tiếng Anh (trình độ bằng IELTS từ 6.5 trở lên) và cũng phải giỏi viết báo cáo bằng tiếng Việt, có thể tự viết hay dịch. Tuy nhiên không chủ quan với bản viết này vì chưa nắm bắt được văn phong tiếng Anh. 

Một biện pháp thận trọng là nhờ hay thuê một người nói tiếng Anh bản ngữ, đọc lại và sửa. Chúng ta sẽ thấy người này sẽ phát hiện nhiều lỗi. Đừng tự ái vì viết tiếng Anh hay tiếng Việt đều rất khó.

Nếu bạn du học làm luận án Thạc sĩ, Tiến sĩ ở một nước nói tiếng Anh. Bạn thường có trình độ tiếng Anh IELTS 6.5 thì cũng đừng nghĩ mình sẽ viết được một luận văn với văn phong tiếng Anh. 

Hãy nhờ bạn, thầy giáo, người hướng dẫn đọc lại và góp ý và thường họ sẵn sàng giúp bạn. Nếu bạn học Cử nhân rồi tiếp tục Thạc sĩ  rồi Tiến sĩ (tổng cộng ít nhất 6-7 năm) ở một nước nói tiếng Anh khi đó bạn  sẽ đủ tự tin để tự viết. 

Ý tôi muốn nói đến bạn phải ở một nước nói tiếng Anh ít nhất 6-7 năm mới viết tiếng Anh chuẩn được. 

Vì vậy yêu cầu một người ở Việt Nam viết được một luận văn bằng tiếng Anh tương đối chuẩn là một yêu cầu quá cao, nhất là khi người này chẳng có cơ hội giao tiếp với người nói tiếng Anh.  

Dùng Google dịch có được không? Công cụ dịch Google càng ngày càng cải tiến, nhưng chưa thể dùng để dịch tài liệu khoa học, nhân văn sang tiếng Anh hay ngược lại. Chúng ta nên tránh.

Dư luận hiện nay đang đòi hỏi những nhà nghiên cứu phải thành thạo tiếng Anh, đó là một đòi hỏi đúng nhưng không khả thi đối với phần đông những người học Thạc sĩ, Tiến sĩ hiện nay. 

Có lẽ yêu cầu đọc hiểu và nói tương đối trôi chảy là tốt lắm rồi, còn để viết tiếng Anh trong luận văn là đòi hỏi ngoài tầm với. Bạn cũng không nên huyễn hoặc tự cho mình viết giỏi tiếng Anh. Nên chăng cần có một dịch vụ có uy tín chuyên đảm nhận dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng Anh.

Tiếng Anh và luận văn Tiến sĩ ảnh 4

“Hội nhập Quốc tế về giáo dục” sẽ đề cập tới thời đại công nghiệp 4.0

(GDVN) - Ngày 4/3 sắp tới, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam (AVU&C) sẽ tổ chức diễn đàn “Hội nhập Quốc tế về giáo dục”.

Chúng ta nên bắt đầu bằng một yêu cầu khiêm nhường như vậy và rồi với thời gian các nhà khoa học sẽ quen dần với văn phong tiếng Anh.

Trong thời gian này cũng nên có những khóa huấn luyện viết luận văn, viết báo cáo khoa học để các nhà khoa học quen dần với những chuẩn mực quốc tế. 

Nếu chúng ta nghĩ là các luận văn, báo cáo là sản phẩm tim óc của chúng ta thì dù viết bằng ngôn ngữ nào cũng phải hoàn hảo, và chúng ta sẽ bằng mọi cách làm cho nó hoàn hảo, nếu cần ghi nhận công lao người dịch, người duyệt, điều này chẳng làm ảnh hưởng đến uy tín của tác giả đâu. 

Không nên cho ra đời những tài liệu viết bằng tiếng Anh “bồi”, nhiều khi chính bạn cũng không phát hiện tiếng Anh sai của bản dịch do người khác dịch. Công bố bản dịch sai rất dễ gây ngộ nhận và làm công chúng châm biếm, nhưng quan trọng hơn người nước ngoài đọc tài liệu này sẽ đánh giá thấp nội dung công trình. 

Nếu không có bản tiếng Anh tốt, hãy viết bằng tiếng Việt, nhưng bản tiếng Việt này phải thật có chất lượng. Còn nếu ai không phải là người Việt  muốn biết nội dung là gì, xin mời thuê người dịch sang tiếng Anh.

Khi biết một tài liệu hay bằng tiếng Nhật chẳng hạn, bạn cũng phải nhờ người dịch. Cách này vừa đề cao tiếng Việt vừa chứng tỏ mình là người thận trọng, có tự trọng. 

Tuy nhiên nếu cảm thấy báo cáo, luận văn của mình chất lượng cao và cũng muốn phổ biến rộng rãi ra quốc tế, hãy trau chuốt bản dịch tiếng Anh. Nếu đã chi được hàng chục triệu cho việc chấm luận án, thì cũng không nên tiếc tiền để trả công cho một bản dịch đúng chuẩn.

Còn việc gửi đăng báo cáo ở các tạp chí quốc tế càng phải quan tâm đến chuẩn tiếng Anh vì đơn giản ban biên tập sẽ từ chối ngay nếu báo cáo viết bằng một thứ tiếng Anh không chuẩn.        

Chúng ta có thể lấy tiêu chuẩn tiếng Anh đi du học Úc để thấy tiếng Anh khó như thế nào. Muốn du học Úc ở bậc Cao đẳng sinh viên phải có thấp nhất IELTS 5.5, muốn học bằng Cử nhân yêu cầu thường là 6.0 đến 6.5. Học ở bậc Cao học hay Tiến sĩ IELTS phải từ 6.5 đến 7.0. 

Tiếng Anh và luận văn Tiến sĩ ảnh 5

Việt Nam đã có một đội ngũ trí thức đúng nghĩa?

Đây là đầu vào, trong quá trình học, sinh viên này ngụp lặn trong môi trường tiếng Anh, nên khi tốt nghiệp tiếng Anh sẽ còn cải tiến đáng kể. Muốn định cư ở Úc, sinh viên ngoại quốc phải tích lũy tối thiểu 65 điểm.

Nếu đạt IELTS 8.0 (IELTS tối đa là 9.0) sinh viên đã được 20 điểm trên tổng số 65, trong khi đó có bằng Tiến sĩ cũng chỉ được 20 điểm. 

Như vậy mới thấy tầm quan trọng của tiếng Anh, nhưng cũng nói lên tiếng Anh khó như thế nào. Nhận biết như vậy các bạn trẻ nếu không có cơ hội du học hãy luôn trau dồi tiếng Anh, rồi vài năm sau sẽ có thể tự viết báo cáo tiếng Anh hợp chuẩn. 

Chẳng phải đáng tự hào lắm sao vì bạn vừa thành thạo cả hai thứ tiếng, hơn xa người Mỹ, Anh, Úc, thường họ chỉ biết có mỗi tiếng Anh mà thôi.

PGS.TS Lưu Tiến Hiệp