Truyện ngắn: Điều em chưa nói với thầy...

18/11/2018 06:15
Đức Bảo
(GDVN) - Nếu có kiếp sau thì xin thầy vẫn mãi là thầy của chúng em và em sẽ là học trò ngoan được thầy dìu dắt nữa nhé. Em muốn nói, em xin lỗi thầy!

LTS: Với mong muốn được thể hiện tấm lòng cùng lời tri ân chân thành và sâu sắc nhất đến người thầy giáo chủ nhiệm đáng kính của mình nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tác giả Đức Bảo đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Đã bao lâu tôi chưa về thăm lại trường cũ? 5 năm, 10 năm mà hình như là nhiều hơn thế.

Bỗng hôm nay có thư gửi đến công ty, người nhận là tôi. Vội bóc thư ra xem, thì ra đây là một tờ giấy mời dự "Lễ Tổng kết năm học", nhưng nhìn xuống dòng chữ phía dưới, tôi đứng lặng vài giây "Lễ tri ân và chia tay thầy Văn Du".

Chẳng chần chừ, tôi sẽ xin nghỉ phép để về thăm trường cũ.

Trong suy nghĩ lúc này, tôi sẽ nói gì nhỉ? - Mặc đồ nào cho đẹp đây ta? Tôi cứ lúng ta lúng túng như cậu học sinh được mẹ dắt đến trường như hồi lớp một.

Tôi đã chuẩn bị rất nhiều thứ cho ngày hôm ấy nhưng tôi chợt nhận ra mình chẳng phải là diễn viên giỏi để có thể kiềm chế được cảm xúc của mình.

Ngày đó cũng đến, quay về trường cấp II tôi vẫn mang một tâm trạng bồi hồi. Trường nay được xây cất trên một khu đất mới nhìn rộng rãi, bề thế và hiện đại hơn khi tôi học. Biết bao thế hệ học sinh đã đến và đi, duy chỉ có những người lái đò mãi tận tụy với nơi này.

Truyện ngắn: Điều em chưa nói với thầy... ảnh 1Nhớ ơn cô, thầy là món quà trân quý nhất

Nắng hôm nay đến sớm hơn. Sương cũng bớt lạnh. Đàn chim cũng ríu ran hòa ca vào bản giao hưởng của cảm xúc. Sân khấu và ghế ngồi của khán giả cũng đã chuẩn bị đâu vào đó.

Thỉnh thoảng có vài lẵng hoa được gửi đến mặc cho sân trường đã phủ kín hoa chào mừng lắm rồi. Đầy màu sắc!

A, kia rồi. Thầy Văn Du! Nhân vật chính của buổi lễ hôm nay. Dù nhìn từ xa nhưng cái dáng của thầy không thể lẫn vào đâu được.

Thời gian đã in hằn tuổi già lên thầy. Mái tóc thầy giờ đã điểm bạc, đôi chân bước cũng chậm rãi, duy chỉ có nụ cười ấy. Một nụ cười của tình thương và sự bao dung không thể xóa được trên gương mặt thầy.

Đám đông vây quanh lấy thầy, tôi ái ngại nên chưa kịp hỏi thăm thầy lấy một tiếng. Tiếng cười nói râm ran bỗng bị ngắt quãng bởi giọng nói của người dẫn chương trình.

- Xin mời quý đại biểu, các thầy cô và toàn thể các em học sinh ổn định để buổi lễ được bắt đầu.

Ai nấy cũng nhanh chóng trở về vị trí ngồi của mình. Không gian trang nghiêm. Nét mặt ai cũng nghiêm túc. Các phần của buổi lễ tổng kết được gói gọn trong 45 phút.

Theo lẽ thường, hễ khi đến phần cuối thì học sinh chúng tôi lại nhao nhao lên, chỉ cần nghe thấy từ "kết thúc" là phóng thẳng ra khỏi cổng trường mà không cần suy nghĩ.

Ấy vậy mà hôm nay, bọn trẻ con bên dưới vẫn ngồi nghiêm túc lạ thường. Chắc các em đang chờ đợi một điều quan trọng hơn trong những phút sắp tới. Tôi phì cười cho chính mình của ngày xưa.

Nắng khi này có phần lên cao, gắt nhẹ nhưng vẫn cố chiều lòng những quan khách đến dự. Người dẫn chương trình bước lên và nói:

- Mời quý vị đại biểu và các em học sinh cùng hướng mắt lên màn hình để theo dõi những hình ảnh sau.

Tất cả ánh mắt tập trung lên màn hình một cách thích thú. Những hình ảnh đầu tiên đã xuất hiện. Giọng đọc thuyết minh trong đoạn video như có sức hút, khiến hàng ngàn con mắt cứ chăm chú theo dõi.

Bất giác nhìn lên màn hình, tôi bắt gặp hình ảnh của mình năm xưa, khi tôi học lớp 7, năm đầu tiên thầy Văn Du được về trường dạy.

- Kìa...kìa... Đó là hình của tập thể lớp tôi, có Tuấn Kiệt, Quang Huy, Nhật Cường, Lộc Phước, Trần Sang và cả cô bạn Tiểu Vy - mối tình đầu của tôi nữa.

Truyện ngắn: Điều em chưa nói với thầy... ảnh 256 năm miệt mài không nghỉ, ươm hạt giống cho đời

Bao nhiêu kí ức cứ xôn xao ùa về làm tôi nhớ lại những ngày tháng còn đi học. Hồn nhiên nhưng cũng đầy vụng dại.

Những hình ảnh chạy tiếp sau thì khi đó tôi đã ra trường nhưng những gương mặt xuất hiện trên màn hình thì giờ ai cũng biết.

Đó là Đào Nhân – vận động viên bóng rổ cự phách; Nhật Phát – diễn viên hài đang “hot”; Quốc Anh - chàng giám đốc trẻ của lĩnh vực bất động sản; Trí Dũng – cậu bé hạt tiêu với giọng hát thiên bẩm. A, còn có cả Bá Quyền – lập trình viên đang “nổi như cồn” trong giới IT.

- Sao họ nổi tiếng quá vậy? Tôi nghĩ bụng:

- Mình chỉ là một thằng học trò vô dụng, chả làm nổi công trạng gì. Giờ chỉ là một anh nhân viên quèn, chưa mời nổi thầy một chầu cafe. Chạnh lòng biết bao!

Khi người dẫn chương trình mới nói được vài từ:

- Ngay sau đây, mời mọi người cùng nhìn lên màn hình để điểm lại những thành tích...

Thầy Văn Du ra hiệu dừng lại, rời khỏi vị trí danh dự, tiến lên lễ đài mà không cần ai đỡ. Vẫn sự chậm rãi và ung dung ngày nào, thầy nói:

- Xin lỗi vì đã cắt ngang lời của người dẫn chương trình. Cho tôi hôm nay không đi theo kịch bản của ban tổ chức. Hãy cho tôi được một lần làm theo suy nghĩ của mình.

Kéo micro xuống gần hơn, hớp một ngụm nước, giọng thầy bình tĩnh hẳn. Thầy nói tiếp:

- Thưa quý vị đại biểu và các em học sinh, cựu học sinh đã dành chút ít thời gian đến dự buổi lễ ngày hôm nay.

Thật ra, tôi cản người dẫn chương trình ở phần giới thiệu thành tích là vì có lí do. Với tôi đó là thành tích của học sinh đấy chứ, còn tôi chỉ có một “di sản” duy nhất để lại cho nhiều thế hệ học sinh mà thôi.

Đó là sự kính trọng và niềm vui khi được dìu dắt biết bao thế hệ học trò. Thế là quá đủ cho riêng tôi.

Nói đến đây, thầy dừng lại vài giây để lấy lại bình tĩnh.

- Lẽ thông thường, cái gì đến đầu tiên sẽ để lại nhiều cảm xúc, nhiều ấn tượng nhất. Trong gần 40 năm đi dạy, có quá nhiều kỉ niệm buồn vui để lại khiến cho tôi không bao giờ quên được.

- Thế kỉ niệm nào khiến thầy nhớ nhất thầy ơi? Một câu hỏi từ hàng ghế học sinh tham dự giật ngược lên. Thầy Văn Du chỉ nở một nụ cười tiếp nhận.

- Kỉ niệm khiến thầy nhớ nhất à? Có quá nhiều nhưng để thầy nhớ xem nào! À, thầy nhớ ra rồi.

Đó là câu nói của một học sinh nam trong lớp, em đó tên là Tấn Tài, lớp đầu tiên thầy chủ nhiệm khi mới về trường nhận nhiệm sở. Câu nói đó là: "Em không muốn thầy chủ nhiệm lớp nữa!".

Truyện ngắn: Điều em chưa nói với thầy... ảnh 3Cô ơi, chúng em nhớ cô!

Những tiếng ồ, ngạc nhiên lần lượt vang lên. Nét mặt ai nấy cũng bất ngờ trước câu chuyện của thầy.

Riêng mình tôi chỉ biết cúi gầm mặt xuống, cố để ngoài tai lời xầm xì xung quanh. Tiếng bàn tán chưa kịp lắng xuống, giọng thầy đầy sự xúc động vang lên.

- Phải. Thầy tự nhận mình không phải là người hoàn hảo hoàn toàn trong mắt của nhiều em học sinh. Có nhiều em vẫn coi thầy là hung thần hay ác quỷ của chính các em ấy đấy chứ.

Gió vẫn khẽ thổi thoảng qua. Sao trán tôi lại ướt đẫm mồ hôi? Mà không, sao tôi có cảm giác như ngồi ở vị trí đầu bàn, phòng 12 của 39 năm về trước ấy nhỉ? Đúng rồi, đó là thầy Văn Du trong lần đầu tiên vào nhận lớp.

- Thầy vẫn còn nhớ như in hôm ấy, thầy được nhà trường phân công chủ nhiệm thay cô Nguyên lớp 7/3 tại căn phòng 12 cuối dãy. Đó là giờ sinh hoạt lớp cuối tuần.

Có thể do bản tính nghiêm khắc và thẳng thắn quá mức mà nhiều em không thích thầy giảng dạy và em Tấn Tài đã thốt ra những lời ấy. 

Hình như khóe mắt thầy đã rơm rớm những giọt nước mắt rồi thì phải?

- Cảm giác khi đó của thầy rất bất ngờ, trái tim của một người thầy vụn vỡ theo những từ ngữ ấy.

Giá như nó được thốt ra từ một học sinh khác chứ không phải từ Tấn Tài - cậu học trò thầy hết mực yêu thương thì nỗi đau ấy sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Nghe thầy nói đến đây sao tim tôi nhói đau một cách lạ thường. Cố gắng chấn an, bám tay vào thành ghế thật chặt để lắng nghe hết lời thầy.

- Sau ngày hôm đó, thầy đã viết đơn xin nghỉ việc, dự định nộp cho cô hiệu trưởng. Nhưng nhớ đến lời của một giảng viên đã từng dạy:

Thành công của người thầy là đi cùng học trò của mình đến cuối con đường, chứ không phải bỏ các em giữa chừng. Vì thế thầy vẫn ở lại dạy cho đến hết năm học.

Những tiết dạy Văn sau đó không còn vui vẻ, vắng đi những tiếng cười nói râm ran. Cái không khí thật yên ắng và khó chịu biết bao. Khoảng cách giữa thầy và trò thật xa.

Cuối cùng ngày chia tay cũng đã đến, nhưng thật bất ngờ, chính các em lớp 7/3 đã chặn thầy lại và không cho cho ra khỏi lớp.

Vì các em ấy muốn thầy ở lại, sợ chỉ cần bước ra khỏi phòng thầy sẽ không quay trở lại trường nữa...

Nói đến đây, giọng thầy đã lạc hẳn, cảm xúc dường như chiếm trọn suy nghĩ của thầy. Ôi, thầy của em...

Truyện ngắn: Điều em chưa nói với thầy... ảnh 4Thầy tôi

- Đến giờ này thầy phải thú nhận rằng, chưa bao giờ thầy phải bật khóc trước lớp nhiều như vậy. Ba lần bật khóc trước các em cũng là ba lần thầy thấy rất đau.

 Nỗi đau ấy như tình cảm của một người anh lúc nào cũng quan tâm cho những đứa em tinh nghịch của mình vậy...

Cảm xúc bấy lâu năm của tôi chẳng thể kiềm chế được nữa. Tôi chạy thật nhanh lên lễ đài để ôm chầm lấy thầy, bật khóc như một đứa trẻ và chỉ lắp bắp được vài từ... "Em xin lỗi thầy..."

Khi này chẳng có câu chữ nào có thể biện minh cho những lỗi lầm của tôi khi xưa. Biết thế, thầy cũng ôm chặt lấy tôi và đã khóc to thành tiếng.

 Cảnh tượng ấy diễn ra như chính cái khoảnh khắc tôi đã nhỡ thốt ra câu nói vô tâm khiến thầy tôi buồn.

Nắng buông gắt hơn, chiếu vào gương mặt của thầy trò tôi, như cố làm nhòa đi những giọt lệ trên gương mặt nhưng tiếng nấc nghẹn ngào vẫn có thể nghe rõ qua micro do để rất gần. Trong giọng thút thít, tôi phải thừa nhận một điều mà mình chưa bao giờ nói ra:

- Thầy ơi, cuộc sống luôn phủ kín bởi những lỗi lầm, có những lỗi lầm sửa đổi được nhưng cũng có lỗi lầm không sửa đổi được. Thầy còn nhớ đề Văn năm ấy chứ ạ? Nếu được sửa chữa lỗi lầm trong quá khứ thì em sẽ không bao giờ thốt ra câu nói ấy.

Chính nó cũng đã ám ảnh trong suốt cuộc đời em, thầy ạ. Đi qua biết bao chặng đường, gặp gỡ biết bao thầy cô nhưng em chợt nhận ra, không ai và sẽ không một ai có thể thay thế thầy trong suy nghĩ và trong kí ức của em được đâu thầy ạ!

Thầy như một người cha, một người anh, một người bạn mà tạo hóa đã ban cho chúng em. Nếu có kiếp sau thì xin thầy vẫn mãi là thầy của chúng em và em sẽ là học trò ngoan được thầy dìu dắt nữa nhé. Em muốn nói, em xin lỗi thầy!

- Ôi, Tài ơi, thầy đã không giận em từ sau ngày chia tay ấy. Mà thầy phải cảm ơn em, vì đã cho thầy biết bao cảm xúc về ngày đầu tiên đi dạy.

Chính các em đã cho thầy thấy, làm người thầy giỏi là cả một quá trình rèn luyện và phấn đấu không ngừng nghỉ.

Nó là cả một nghệ thuật khắc sâu hình ảnh chân thực vào suy nghĩ non nớt của học trò, để dù mai này ra sao thì thầy sẽ không bao giờ quên được tập thể 7/3 ngày nào. Thầy đã tha lỗi cho em, cậu học trò đặc biệt của thầy...

Tất cả đại biểu và học sinh ngồi dưới đồng loạt đứng dậy, vỗ tay thật to, thật dài thay lời muốn nói.

Nhiều khuôn mặt với đôi mắt đỏ hoe do cảm động trước câu chuyện về tình thầy trò chân thực, không nhuốm màu vật chất và giả dối.

Có người thì quay sang và vội nói với người bên cạnh: Thầy tôi đấy!

Thầy giáo Văn Dũ (Ảnh: tác giả cung cấp).
Thầy giáo Văn Dũ (Ảnh: tác giả cung cấp).

Anh thợ chụp hình vội cắt ngang, kêu tôi và thầy Văn Du nhìn vào ống kính và chụp. Tôi và thầy chưa chuẩn bị gì cả, cứ thế...tách...tách.

Sau cùng buổi lễ cũng đã kết thúc mà không một kịch bản nào có thể xây dựng được. Một buổi lễ chia tay của tình sư đồ thật cao thượng.

Từ ngày hôm nay, thầy tôi sẽ về hưu, sẽ để lại một khoảng trống lớn trên bục giảng mà khó ai có thể khỏa lấp nổi. Biết bao thế hệ học trò luôn thầm cảm ơn thầy. Bởi chính sự nghiêm khắc và chuẩn mực ấy mà đã có biết bao người thành công trong cuộc đời. 

Chỉ vài ngày sau, tôi nhận được bức hình chụp chung với thầy Văn Du, đằng sau có thêm dòng chữ: "Tặng Tài, cậu học trò đặc biệt của thầy". Đọc đến đây, lòng tôi lại lâng lâng niềm ân hận xen lẫn sự tự hào.

Thầy tôi là thế đấy! Chẳng giàu sang nhưng lúc nào cũng rộng rãi, chẳng cao lớn nhưng lúc nào cũng chở che, chẳng khoa trương nhưng lúc nào cũng chia sẻ...

Cảm ơn cuộc đời này nhé! Vì đã cho tôi là học trò của thầy. Một người thầy mà suốt cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ quên được.

Đức Bảo