Kiểm tra học kỳ - những chuyện khôi hài nhưng có thật

13/12/2018 07:00
Thanh An
(GDVN) - Tổ tôi có một thầy giáo dạy Công nghệ 7 mà 10 năm nay, kể từ khi tôi làm tổ trưởng đến giờ chỉ có 1 đề kiểm tra duy nhất để nộp cho nhà trường.

LTS: Cho rằng, các thầy cô cần đổi mới công tác giảng dạy, công tác ra đề kiểm tra đánh giá học sinh, nhà giáo Thanh An đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mỗi năm, nhà trường có 2 kỳ kiểm tra quan trọng là kiểm tra học kì I và kiểm kiểm tra cuối năm.

Tất nhiên, đây cũng là lúc mà Ban Giám hiệu nhà trường, các tổ chuyên môn tập trung và chú trọng đầu tư nhiều nhất.

Công tác lập kế hoạch, ra đề cương, đề kiểm tra được triển khai một cách cẩn thận nhất để tránh sai sót và đảm bảo quyền lợi cho học sinh.

Thế nhưng, khi đi vào thực tế công việc cũng có muôn vàn những câu chuyện khôi hài.

Bên cạnh những giáo viên tích cực, những tổ chuyên môn sốt sắng, sát sao thì cũng có những giáo viên vẫn chưa tập trung, chú trọng đến chuyên môn. Họ làm việc một cách đối phó và sai sót từ năm này sang năm khác.

Kiểm tra học kỳ - những chuyện khôi hài nhưng có thật ảnh 1
Các em học sinh tham gia kì thi học kì (Ảnh minh họa: TTXVN).

Mỗi một học kỳ chỉ ra một cái đề kiểm tra cuối kỳ nhưng nhiều người…không biết ra đề.

Bởi, khi ra đề học kỳ thì bắt buộc phải được kiểm tra cẩn thận, được lưu giữ và có ảnh hưởng quyền lợi đến hàng trăm học sinh khác nên tổ chuyên môn, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn phải kiểm tra cẩn thận từng nội dung, từng câu chữ của đề bài.

Vậy nhưng, một số thầy cô lại không biết ra đề bởi ra một đề kiểm tra bây giờ cũng không hề đơn giản khi phải có ma trận và nội dung đề phải đảm bảo được các mức độ khó dễ khác nhau. Vì thế, một số thầy cô lựa chọn phương án là xin đề của giáo viên trường khác.

Họ lựa chọn những trường lớn trong huyện, những giáo viên có uy tín để xin đề về nộp cho nhà trường mà mình đang công tác.

Nếu chuyện chỉ dừng lại như vậy thì cũng chẳng ai biết như thế nào bởi người xin, người cho chỉ được truyền nhau qua email rồi chỉnh sửa tên trường, người ra đề là mọi thứ đều ổn thỏa.

Thế nhưng, sự cố phát sinh từ khi Phòng về trường kiểm tra công tác chuẩn bị kiểm tra học kỳ.

Tất nhiên, đoàn của Phòng thì sẽ có những thành viên Hội đồng bộ môn. Vì vậy, hôm nay kiểm tra trường này thì đề kiểm tra thấy cũng ổn thỏa, không phải góp ý nhiều nhưng ngày mai kiểm tra trường khác thì lại vẫn thấy đề kiểm tra giống đề hôm trước mình đã từng kiểm tra trường khác.

Kiểm tra học kỳ - những chuyện khôi hài nhưng có thật ảnh 2Ma trận để làm gì?

Thế là lộ hết, nhà trường phải giải trình và dĩ nhiên giáo viên xin hoặc cho đề cũng gặp rắc rối.

Dĩ nhiên, người xin đề sẽ đón nhận thái độ coi thường của người kiểm tra và với anh em đồng nghiệp của trường mình.

Những lúc như vậy, một số giáo viên phải “chai mặt” để năn nỉ người kiểm tra đừng ghi vào biên bản, rồi lấy lý do này nọ để biện minh cho việc làm của mình.

Hiện nay, mặc dù ngành giáo dục đã triển khai việc áp dụng thực hiện ma trận trong việc ra đề kiểm tra nhưng thực tế một số giáo viên bây giờ rất lơ mơ trong việc thực hiện ma trận đề kiểm tra

Vì thế, nếu việc kiểm tra giữ nguyên thì năm sau lấy đề năm trước kiểm tra lại nhưng chỉ cần Hội đồng bộ môn và chủ trương của Phòng, Sở có một chút thay đổi về cấu trúc đề là có giáo viên tắc tị, không biết xoay sở như thế nào với ma trận đề kiểm tra mới. Tất nhiên, lại phải mở lời đi xin đề trường khác để…“tham khảo”.

Một anh bạn đồng nghiệp của tôi đang kiêm nhiệm công tác Tổ trưởng chuyên môn tổ Hóa - Sinh cấp trung học cơ sở, tổ chuyên môn này phải dạy thêm môn Công nghệ 7 nên có một giáo viên phải dạy môn học này.

Anh tâm sự câu chuyện bi hài như sau: Tổ tôi có một thầy giáo dạy Công nghệ 7 mà 10 năm nay, kể từ khi tôi làm tổ trưởng đến giờ chỉ có 1 đề kiểm tra duy nhất để nộp cho nhà trường.

Điều bi hài nhất là thầy này không biết gì về Tin học nên đề kiểm tra phải nhờ người khác lưu giữ và chuyển email cho tôi hàng năm.

Nhưng, cái đề đó có 5 lỗi chính tả mà năm nào tôi cũng phải sửa nên mỗi khi nộp đề là tôi lại nhớ về mấy chữ đó. Vì thế, hàng năm cứ đến khi ra đề kiểm tra là tôi lại yêu cầu gửi email để sửa và in luôn.

Tôi hỏi sao mà môn học này mỗi tuần có 2 tiết mà năm nào cũng chỉ sử dụng cái đề này thì giáo viên trả lời vì những nội dung đó là phần quan trọng…

Nhưng, tôi biết nó “quan trọng” bởi vì giáo viên ngại đầu tư, không biết ra đề nên cứ bấu víu mãi vào cái đề cũ mà hàng chục năm qua không hề thay đổi một chữ nào.

Mùa kiểm tra học kỳ không chỉ có chuyện khôi hài của giáo viên mà học sinh bây giờ cũng lắm điều chát chua không kém.

Gia đình tôi có một cậu con trai đang học tiểu học. Những ngày này, suốt ngày thấy cháu cứ “tụng kinh” mấy bài văn mẫu, rồi đề cương môn Khoa học, Đạo đức, Lịch sử và Địa lý…

Thấy vậy, mẹ cháu - một giáo viên Văn đang dạy cấp trung học cơ sở hướng cháu học Văn theo dàn bài nhưng có hướng triển khai bài khác hơn những bài Văn mẫu thầy đưa cho nhưng thằng bé nhất quyết không chịu.

Kiểm tra học kỳ - những chuyện khôi hài nhưng có thật ảnh 3Xây dựng ma trận đề kiểm tra cũng cần thiết và quan trọng lắm

Bởi, thầy con đã dặn là cứ học mấy bài này, hôm kiểm tra sẽ ra một trong số các bài thầy đã đưa cho học.

Bạn nào muốn điểm cao thì thêm một vài câu nữa. Nếu không chỉ cần làm như thế này là được. Vì thầy hẹn thế nên…mẹ cháu cũng chịu thua bởi nó sợ thầy hơn sợ mẹ.

Lên trường, thấy học trò lớp nào cũng có một tập đề cương mà thầy cô phát sẵn, thấy thương học trò vô cùng.

Có lẽ, những ngày này nhiều em học sinh cũng mất ăn mất ngủ vì những tập đề cương mà thầy cô phát cho. Điều trớ trêu là nhiều thầy cô vừa ra câu hỏi, vừa có đáp án sẵn để học trò học.

Chao ôi, thời buổi bây giờ mà giáo viên cứ bắt học sinh học thuộc lòng một cách máy móc như cách đây mấy chục năm về trước thì thật là điều rất khó chấp nhận được.

Ai đời đi bắt cả học sinh đi học thuộc các bài Văn mẫu mà thầy phát cho sẵn, học sẵn đáp án thầy cô đã cho thì kiểm tra học kỳ để làm gì nữa?

Để hướng tới một kỳ kiểm tra học kỳ I nhẹ nhàng, khách quan, điều giáo viên bộ môn cần hướng tới đó là phải thực hiện tốt khâu ra đề và định hướng các em học tập một cách khoa học nhất.

Thầy cô ra đề cần phải bám sát vào đối tượng học trò của mình. Học trò học tốt thì ra mức độ khó nhiều hơn, học trò có nhiều em yếu thì ra đề ở mức độ vừa phải.

Việc xin đề của các đơn vị bạn không chỉ là tự làm mất uy tín của mình trong mắt đồng nghiệp mà quan trọng hơn là không phù hợp với đặc điểm, trình độ của học sinh trường mình.

Việc hướng dẫn học sinh ôn tập cũng nên nhẹ nhàng nhưng hướng tới hiệu quả học tập.

Bộ đang hướng tới việc phát triển năng lực cho học trò nên thầy cô không nên hướng học sinh học theo kiểu thuộc lòng, máy móc rồi đến ngày kiểm tra chép vào nộp cho thầy.

Chỉ cần hướng học sinh học những nội dung cơ bản của bài học theo sơ đồ tư duy. Khuyến khích các em học tập theo một tư duy, kiến giải độc lập (đối với các môn xã hội), nhớ được các công thức, định luật, kí hiệu và kiểu bài tập (đối với các môn tự nhiên).

Có kỹ năng nghe - nói - đọc - viết (tiếng Anh) thì khi kiểm tra dạng đề nào học sinh cũng có thể tiếp cận và làm được. Hơn nữa, đến lúc chấm bài thầy cô khỏi nhàm chán khi mà cả lớp có nội dung đáp án như nhau.

Đổi mới công tác giảng dạy, công tác ra đề kiểm tra đánh giá học sinh thì trước hết người thầy phải đổi mới trước, thực hiện trước.

Thầy cô cứ chê học trò mà ngay cái đề kiểm tra học kỳ cũng phải đi xin của người thì đổi mới cái kiểu gì và làm sao học sinh phát triển được đây?                                                                               

Thanh An