Nội dung báo cáo giải trình đánh giá tác động chính sách đối với việc nâng chuẩn trình độ đào tạo với giáo viên trung học cơ sở mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 12/3 thì từ nay đến năm 2026 sẽ dần xóa bỏ trình độ cao đẳng đối với giáo viên bậc học này.
Cơ sở thực tiễn đó chính là thực tế trình độ đại học và trên đại học của giáo viên bậc học trung học cơ sở hiện đang chiếm tỉ lệ cao.
Tại thời điểm tháng 01/2018, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trình độ giáo viên Trung học Cơ sở như sau: Trình độ Cao đẳng sư phạm: 78.974 GV, đạt tỷ lệ 25,4 %; Trình độ Đại học sư phạm : 227.066 GV, đạt tỷ lệ 73,0 %; Trình độ Sau đại học: 4.939 GV, đạt tỷ lệ 1,6%.
Dự kiến đến năm 2026 tất cả giáo viên bậc Trung học cơ sở phải đạt chuẩn đại học (ảnh minh họa - nguồn vtv.vn). |
Từ thực tế trên, quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc nâng chuẩn trình độ giáo viên Trung học Cơ sở lên đại học là khả thi trong lộ trình để đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn được thực hiện trong thời gian khoảng 5 năm.
Cơ sở pháp lý được căn cứ theo Nghị quyết 29-NQ/TW đã chỉ ra thực trạng về đội ngũ giáo viên hiện nay "bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu;
Một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục";
Đồng thời, Mục 6, Phần Nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 29-NQ/TW đã định hướng:
"Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm".
Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ không muốn nhà giáo có lương cao nhất |
Đây sẽ là bước đột phá, đổi mới mạnh mẽ nhằm định hướng và tạo hành lang pháp lý cho việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Để đạt được mục tiêu này, lộ trình thực hiện là Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng vào đào tạo lại để nâng chuẩn trình độ giáo viên cao đẳng sư phạm lên đại học sư phạm, cụ thể:
Đối với giáo viên chưa đạt trình độ đào tạo đại học sư phạm còn thời gian công tác từ 1-5 năm:
Các địa phương phối hợp với các trường sư phạm thiết kế các khóa bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực dạy học để đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Đối với giáo viên chưa đạt trình độ đào tạo đại học sư phạm còn thời gian công tác từ trên 5 năm:
Các trường đại học sư phạm phối hợp chặt chẽ với địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch đào tạo nâng chuẩn trình độ gắn với việc bồi dưỡng thay sách giáo khoa mới theo hình thức “cuốn chiếu” cùng với lộ trình triển khai hằng năm ở các khối lớp.
Để cụ thể hóa việc nâng chuẩn giáo viên trung học cơ sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa vào dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung Điểm b Khoản 1 Điều 77 của Luật như sau:
“Có bằng cử nhân sư phạm hoặc có bằng cử nhân và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở”.
Như vậy, cùng với những giải pháp cụ thể dự kiến thực hiện để nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên phổ thông và giảng viên đại học như nêu trên, Luật có quy định chuyển tiếp để bảo đảm lộ trình thực hiện việc nâng Chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo, như sau:
Các quy định của Luật này về trình độ chuẩn giáo viên trung học cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc chuẩn hóa với giáo viên.