Người dân nói về mánh khóe ăn tiền của Hiệu trưởng trường Nguyễn Du

01/10/2014 07:02
Xuân Trung
(GDVN) - Theo người dân, để được hiệu trưởng đồng ý giữ học sinh ở lại lớp chọn, hoặc chuyển học sinh lên lớp chọn thì phải khéo léo “đưa quà" cho thầy Lập.

Tiếp tục bài viết về “Một hiệu trưởng thừa nhận có dạy thêm, xáo trộn lớp và được quà cáp”, chúng tôi có dịp về lại xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội và đã nghe được nhiều chuyện từ người dân kể về chuyện “đi thầy”.

Theo một vị phụ huynh đã có 2 con học tại Trường THPT Nguyễn Du cho biết, hàng năm nhà trường thường tổ chức thi đầu năm để đưa những em giỏi vào lớp chọn (lớp A1), cứ hết năm học tổ chức thi đầu năm, học sinh nào không có năng lực thì cho xuống học các lớp như A2, A3, A4…

“Đứa A5 muốn lên A4, A4 lại muốn lên A3…lúc nào cũng muốn như vậy, và lên thì phải có tiền” vị này nói. 

Người dân nói về mánh khóe ăn tiền của Hiệu trưởng trường Nguyễn Du ảnh 1

Trường THPT Nguyễn Du được xem là ngôi trường có nhiều truyền thống, chất lượng đào tạo được nhân dân tin tưởng.

Cũng theo phụ huynh này, không đơn giản là cầm tiền lên xin hiệu trưởng cho con được chuyển lớp hoặc giữ ở lại lớp chọn (A1), mà còn phải nịnh hiệu trưởng, nói khéo, kín đáo may ra hiệu trưởng mới nhận. Thậm chí phải nhờ người trong trường, nhân viên, giáo viên quen thì mới làm việc được với hiệu trưởng.

Chia sẻ về hai đứa con của mình từng học tại Trường THPT Nguyễn Du, vị phụ huynh này cho biết cũng đã từng chứng kiến chuyện  trường thi đầu năm, sau khi đứa thứ hai của mình không có nguyện vọng lên lớp chọn bà mẹ này đã chiều theo ý con mặc dù có người đặt vấn đề, thời điểm đó cách đây đã 5 năm. 

Nhưng sau đó, vị phụ huynh này cũng đã gặp riêng hiệu phó nhà trường (nay đã về hưu, xin được giấu tên) và có đặt vấn đề chuyển lớp cho con từ A5 lên A2 hoặc A3, nhưng không được giải quyết vì lớp đã đông. 

Theo thông tin từ vị phụ huynh này, xin chuyển lớp có nhiều loại, nếu nhảy một nấc từ A5 lên A1 sẽ có mức giá khoảng từ 5-7 triệu đồng, từ A5 lên A4 sẽ rẻ hơn? Nếu nhận lời thì làm việc qua nhân viên trong trường, phụ huynh khó có thể làm việc này riêng với hiệu trưởng, vì hiệu trưởng không thích như vậy. 

Người dân nói về mánh khóe ăn tiền của Hiệu trưởng trường Nguyễn Du ảnh 2Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du đã bôi nhọ cả ngành giáo dục

(GDVN) - Nhận định này được ông Lê Ngọc Quang – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định với phóng viên, sau những dấu hiệu tiêu cực tại ngôi trường này.

“Tôi ở đây nhiều tôi biết, nói chung là nếu như mình có ý thực sự thì giáo viên họ giúp. Nếu người giúp mình nhận lời thì họ sẽ bật đèn xanh cho phụ huynh, nói trắng phớ là bao nhiêu tiền, nên tiền nong không ngại. Nói chung giá tiền nó là vô kể vì gặp người xông xênh thì thoải mái” theo lời phụ huynh này.

Theo tiết lộ từ người dân, cách đây 5 năm từ A10 lên A5 chỉ mất 5 trăm nghìn, nhưng giờ cũng phải tiền triệu. Chuyện này không “nói to” được mà phải “nói nhỏ”, cũng theo người dân, nếu để được giải quyết thì nhất thiết phải gặp được giáo viên, lúc đó coi như phụ huynh “lấp mặt” không dính dáng gì tới chuyện chuyển lớp cho con. 

Trong vai là người đi xin chuyển lớp cho cháu, chúng tôi tiếp cận  một số người dân tại xã Dân Hòa, tại đây nhiều người giới thiệu phải đến gặp người trước từng làm kế toán trong trường THPT Nguyễn Du để được tư vấn “nước đi”. 

Tìm đến quán nước của vị nguyên kế toán Trường THPT Nguyễn Du, đặt vấn đề được tư vấn cách chạy để chuyển lớp cho học sinh. Tuy nhiên, vị này cho biết do vừa qua ông Nguyễn Đình Lập đã bị báo chí lên tiếng về việc làm của mình nên giờ rất dè chừng.

Theo người này, muốn tìm cách chỉ còn nước tìm gặp người thân ông Lập để được giúp đỡ, lúc đó may chăng mới khả thi.

Trước đó, như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, nhiều người dân có con học tại Trường THPT Nguyễn Du bức xúc chuyện nhà trường tự ý thi, kiểm tra đầu năm học, gây xáo trộn lớp. 

Theo phản ánh, mỗi lần xáo trộn như vậy học sinh muốn được ở lại hoặc sang các lớp chất lượng phải “tặng quà” cho hiệu trưởng. Thông tin trên nhanh chóng đến tai người dân và nhiều người đã không chịu được cách quản lý của hiệu trường nhà trường.

Trước thông tin này, ngày 25/9 Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập đoàn thanh tra riêng (tách riêng so với 5 đoàn thanh tra đầu năm học của sở) để xác minh một số nội dung như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nêu. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Xuân Trung